5 chuyên đề toán quan trọng thường xuất hiện trong bài thi HK2 – lớp 3

0
11684

Để giành điểm cao trong kỳ thi HK2 môn Toán, học sinh lớp cần ôn tập 5 chuyên đề chính,lưu ý các lỗi sai cơ bản. Cô giáo Cao Thị Dung – Giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ hướng dẫn ôn tập.

Nhằm giúp học sinh ôn tập đúng trọng tâm, chú ý lỗi sai hay gặp, cô Cao Thị Dung – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ hướng dẫn ôn tập các dạng toán trọng tâm ở học kỳ 2 lớp 3.

Các trọng tâm kiến thức ôn tập học kỳ 2 lớp 3

                         Trọng tâm kiến thức ôn tập HK2 lớp 3 – Môn Toán

Học sinh cần ôn tập các nội dung sau cho kỳ thi cuối năm học:

  • Bài toán liên quan rút về đơn vị
  • Các bài toán về ý nghĩa phép nhân, phép chia
  • Các bài toán về gấp, giảm một số
  • Tìm một trong các phần bằng nhau của một số
  • Các bài toán giải từ hai phép tính trở lên

Các lưu ý khi luyện tập các nội dung ôn tập học kỳ 2

Trong quá trình làm bài, học sinh thường mắc các lỗi sai cơ bản sau:

         Bài giảng Cô Cao Thị Dung hướng dẫn học sinh ôn tập học kỳ 2 môn Toán lớp 3

Dạng toán về ý nghĩa phép nhân, phép chia

Cô Dung cho biết: “Các bài toán này các con thường gặp ba lỗi sai cơ bản”.

  • Chưa đọc kỹ đề: Các học sinh có thế mạnh về toán lại thường dễ mắc lỗi khi đọc đề, bởi tâm lý chủ quan và đọc lướt qua, hoặc vội vàng dẫn đến việc làm sai.
  • Chưa hiểu rõ về bản chất của phép tính nhân khiến biểu diễn phép tính không chuẩn.
  • Ghi sai đơn vị của bài toán, hoặc quên ghi đơn vị

Ví dụ: Có 8 thùng kẹo, mỗi thùng có 5 gói, hỏi có tất cả bao nhiêu gói kẹo?

Đáp án của một số học sinh:

Tổng số gói kẹo trong các thùng là: 8 x 5 = 40 (thùng)

=> Chưa hiểu bản chất của phép toán nhân

Lỗi sai thứ nhất là học sinh ghi sai đơn vị, lỗi sai thứ hai nằm ở cách biểu diễn bài toán: Đề bài cho: “Xác định tổng số gói kẹo”, vậy “số gói kẹo” là đại lượng cần tìm, “số thùng” là đơn vị tính, ta ghi đại lượng cần tính trước, ghi đơn vị tính sau:

Tổng số gói kẹo trong các thùng là: 5 x 8 = 40 (gói)

Dạng toán về gấp, giảm một số

Học sinh cần lưu ý các nội dung sau:

  • Luôn đọc kỹ đề: Đọc đề cẩn thận, gạch chân các ý và từ khóa
  • Dấu hiệu nhận biết dạng toán:

Trong đề bài xuất hiện cụm “gấp…lần” – ta thực hiện phép tính nhân; Xuất hiện cụm “giảm đi… lần” – ta thực hiện phép tính chia.

Dạng tìm một trong các phần bằng nhau của một số

Để làm bài tập này, học sinh cần ghi nhớ quy tắc quan trọng:

“Muốn tìm một trong các phần bằng nhau của một số, ta lấy số đó chia cho số phần”.

Dạng toán liên quan rút về đơn vị

Học sinh phải phân biệt rõ ràng hai kiểu bài để giải đúng bài toán:

  • Kiểu bài 1: Giải bài toán bằng phép tính nhân và phép tính chia
  • Kiểu bài 2: Bài toán liên quan rút về đơn vị bằng hai phép tính chia.

                           Các bước giải hai kiểu toán dạng rút về đơn vị

Dạng bài toán giải từ hai phép tính trở lên (bài toán hợp)

Khi giải các bài toán hợp, học sinh phải thực hiện giải một hay nhiều bài toán nhỏ trước, sau đó mới thực hiện phép tính chính theo yêu cầu đề bài đưa ra.

Ví dụ: Thùng thứ nhất có 45 lít nước, thùng thứ hai có nhiều hơn thùng thứ nhất 10 lít nước. Hỏi cả hai thùng có tổng cộng bao nhiêu lít nước?

Bước 1: Thực hiện bài toán nhỏ

Số lít nước có trong thùng thứ hai là: 45 + 10 = 55 (lít)

Bước 2: Giải bài toán lớn

Cả hai thùng có tổng cộng số lít nước là: 45 + 55 = 100 (lít)

Tổng ôn các nội dung theo từng chuyên đề sẽ giúp học sinh học tập có trình tự, trọng tâm và bài bản. Nắm rõ các dạng cũng như các lưu ý khi làm bài mà cô Cao Thị Dung đưa ra, học sinh sẽ tự tin đạt điểm cao trong bài kiểm tra học kỳ 2 môn Toán 3.