Ba mẹ nên làm gì để giúp con tương tác tích cực trên không gian mạng?

0
10426

Việc chia sẻ công khai thông tin cá nhân trên không gian mạng sẽ vô tình mang lại những ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cá nhân. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết để giúp con tương tác và giao tiếp tích cực trên không gian mạng.

Giúp con tương tác tích cực trên không gian mạng” là số thứ ba trong chuỗi hội thảo trực tuyến “Làm bạn cùng con trên môi trường số”. Đây là hoạt động do HOCMAI phối hợp với Facebook tổ chức nhằm giúp cha mẹ đồng hành cùng con và giúp con trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tương tác tích cực khi tham gia Internet.

Số thứ ba phát sóng trực tuyến vào 20 giờ tối ngày 19 tháng 12 đã tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Đồng hành trong chương trình là TS. Phạm Hải Chung – Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên gia về internet và truyền thông; Cô Hà Ánh Phượng – Chuyên gia giáo dục sáng tạo năm 2020, top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu; Anh Trương Minh Hoàng – Phụ huynh có con trong độ tuổi dậy thì, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo.

Ở phần 1: Chia sẻ kiến thức, Tiến sĩ Phạm Hải Chung đã chia sẻ với phụ huynh – học sinh về 3 chủ đề chính: Dấu chân số. Danh tính số. Bạn nên chia sẻ điều gì trên Internet?; Tư duy thấu cảm và tương tác tích cực trên môi trường số; Cùng con tạo lập kế hoạch cuộc sống số trong gia đình.

Dấu chân số là gì? Những dấu chân số là dấu vết bạn để lại về mọi hành vi con làm trực tuyến, phụ thuộc vào việc con quản lý thông tin như thế nào. Danh tính số là tất cả những gì các con đưa lên Internet, mạng xã hội và đều trả lời cho câu hỏi “Chúng ta là ai?” trên không gian mạng. Bên cạnh đó, những thông tin mà con chia sẻ trên Internet nên tránh những thông tin mang tính cá nhân về bản thân, gia đình, bạn bè hoặc bạn học.

Tư duy thấu cảm trên môi trường số không phải là những vấn đề quá xa xôi mà chỉ cần con thực hiện được 2 điều dưới đây:

  • Biết tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của mọi người.
  • Dành nhiều thời gian để suy ngẫm, chọn lọc những thông tin mà các con đang tiếp nhận trên Internet.

Thiết lập và tổ chức cuộc sống số trong gia đình

Yếu tố 1: Các ứng dụng yêu thích

  • Bố mẹ nên cùng con lập ra bản kế hoạch có những ứng dụng yêu thích phù hợp với mục đích văn hóa, học tập để bố mẹ đồng hành cùng con, Với mỗi ứng dụng, bố mẹ cũng nên chú ý đến độ tuổi phù hợp với con.

Yếu tố 2: Chương trình truyền hình trực tiếp yêu thích

Yếu tố 3: Thời gian không sử dụng mạng xã hội

  • Thống nhất những khung thời gian cụ thể dành cho mạng xã hội, ngoài những khung giờ đó cần có sự kết nối, trò chuyện trực tiếp để gắn kết tình cảm gia đình.

Ở phần 2 của buổi hội thảo, TS Phạm Hải Chung tiếp tục cùng thảo luận với các vị khách mời về cách trang bị kiến thức giúp con tương tác tích cực hơn trên không gian mạng.

Cô Hà Ánh Phượng chia sẻ: “Qua một cuộc khảo sát tôi thực hiện với hơn 500 học sinh trong trường đã cho ra kết quả có đến 2/3 học sinh chưa thực sự ý thức được những nguy hiểm hay ảnh hưởng của dấu chân số để lại trên không gian mạng. Và trong môi trường giáo dục thì chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm những cách khác nhau để nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho các em học sinh. Tuy nhiên, những phương pháp này luôn cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, gia đình và xã hội.”

Là một ông bố có con gái lớn và cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, để giúp con không lưu lại dấu chân xấu và giao tiếp tích cực trên không gian mạng, anh Trương Minh Hoàng chia sẻ: “Ngoài thứ được gọi là “dấu chân”, tôi muốn các bạn phải để lại dấu ấn tức là một năm sau nhìn lại trang cá nhân của mình sẽ như thế nào. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên khuyến khích con chia sẻ những gì thực sự có ý nghĩa hoặc có liên quan đến học tập. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể sử dụng những phương pháp kiểm soát hành vi của con trên không gian mạng để kịp thời nhắc nhở trước khi xảy ra những hậu quả khôn lường.

TS. Phạm Hải Chung cũng có những chia sẻ thêm về việc thiết lập cuộc sống số trong gia đình: “Người lớn hay bố mẹ luôn là hình mẫu để con cái học theo. Ví dụ đơn giản như việc không sử dụng điện thoại trong thời gian ăn cơm, hay trước khi đi ngủ thì các thiết bị điện tử đều phải để cách xa giường ngủ. Các bậc phụ huynh có thể căn cứ vào điều kiện sinh hoạt của gia đình mình để xây dựng một bản kế hoạch thông minh, phù hợp để cân bằng giữa cuộc sống số và cuộc sống thật.”

Một phụ huynh đã chia sẻ tới chương trình về những băn khoăn của mình: “Con tôi dành rất nhiều thời gian trên môi trường mạng và đặc biệt là thời gian học online nên tôi rất lo cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của con. Vậy mỗi ngày tôi có nên quy định thời gian sử dụng của con hay không? Và làm như thế nào để con có thể cân bằng giữa cuộc sống ảo và đời thực?”

Trả lời về vấn đề này, anh Minh Hoàng cho biết bố mẹ nên quan sát và biết rằng con làm gì trên Internet, không nên kết luận vội vàng rằng cứ dùng máy tính là có hại: “Nhiều phụ huynh không biết con làm gì nên nghĩ thời gian con sử dụng máy tính, Internet đang quá dài. Phụ huynh có thể bằng nhiều cách khác nhau nhắc nhở con ăn ngủ đúng giờ, không nên dùng máy tính trong khoảng thời gian quá dài. Trong thời điểm hiện nay, việc sử dụng Internet thường xuyên là điều không thể tránh khỏi và phụ huynh không thể cấm đoán các con theo kiểu giới hạn thời gian. Thay vào đó có thể kiểm soát theo cách khoa học và có giai đoạn.”

Trong thời kì Internet và mạng xã hội phát triển như hiện nay, thật khó nếu bắt buộc các con phải tránh xa hay không được phép sử dụng. Để bảo vệ con an toàn, bố mẹ cần chú trọng đến việc trang bị kiến thức và đồng hành cùng con giúp con tương tác tích cực trên không gian mạng.

Nhằm giúp nâng cao chất lượng chương trình, HOCMAI kính mời quý phụ huynh, học sinh tham gia khảo sát về chương trình và nhận miễn phí khóa Tư duy thời đại số. Truy cập link: https://hocmai.link/khaosat-hoi-thao-buoi3