Bỏ túi những bí kíp ghi nhớ kiến thức Ngữ văn hiệu quả

0
6041

Ngữ văn là một môn học quan trọng trong chương trình học của học sinh. Biết được tầm quan trọng của môn học này nhưng nhiều học sinh vẫn loay hoay không biết cách học tốt môn Ngữ văn, cụ thể là việc ghi nhớ kiến thức thế nào để hiệu quả, khi nào nên học thuộc, khi nào nên học ý?… Để giải đáp những khó khăn này, cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có những chia sẻ hữu ích giúp học sinh ghi nhớ kiến thức Ngữ văn hiệu quả.

Không học thuộc văn mẫu, không lạm dụng sách để học tốt

Hiện nay, rất nhiều học sinh lười soạn bài mà chỉ dựa vào sách học tốt. Như vậy, các bạn đã bỏ qua ngay quá trình tìm hiểu bài ở bước đầu tiên. Sách để học tốt nếu lạm dụng thì không hề tốt.

Cô Trang gợi ý: Để việc soạn bài đạt hiệu quả cao nhất, học sinh nên bám sát sách giáo khoa để soạn bài chứ không nên chép sách tham khảo. Dưới mỗi văn bản đều có những câu hỏi gợi ý để học sinh trả lời theo, các bạn khai thác trong văn bản kèm theo suy luận, tư duy để có câu trả lời. Những bài soạn văn trước khi lên lớp của chúng ta không phải bài kiểm tra nên không cần chính xác để đạt điểm cao, mà nó là sự tự chuẩn bị để có thể tiếp thu kiến thức trên lớp hiệu quả nhất. Nếu có phần nào soạn bài chưa đúng, hay băn khoăn, trên lớp các bạn hãy hỏi giáo viên để được giải đáp. Và khi đã chăm chỉ soạn bài ở nhà, đừng ngại ngần giơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài để ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

Mỗi khi làm bài tập Ngữ văn, học sinh có thể tham khảo các bài viết trên mạng, các bài văn mẫu. Tuy nhiên, chúng ta không được sao chép y nguyên cũng như không được học thuộc. Vì văn của người khác không phải là văn của mình. Khi chép văn mẫu, kể cả có được điểm cao nhưng các bạn đã làm thui chột khả năng tư duy, tưởng tượng, văn phong viết văn không thể tiến bộ.

Học theo kiến thức đã được ghi chép

Mỗi khi gần kỳ thi hay bài kiểm tra, nhiều học sinh có tâm lý hoang mang, lo sợ. Các bạn hay đi tìm tài liệu ở nhiều nơi khác nhau để ôn thi. Tuy nhiên, theo cô Trang, không tài liệu nào tốt bằng việc các bạn bám sát vào vở ghi trên lớp. Đây chính là những tài liệu mà các bạn đã được học hằng ngày, ít nhiều cũng đã ghi nhớ trong não, nay học lại lần nữa sẽ ghi nhớ dễ dàng hơn. 

Cô Trang cũng lưu ý thêm học sinh không đợi “nước đến chân mới nhảy” vì sẽ không đạt kết quả cao. Việc “nước đến chân mới nhảy” của học sinh có thể xuất phát từ sự chủ quan, lười nhác hay ảnh hưởng của những việc ngoài lề… Khi kỳ thi đến gần mà chưa ôn bài, khi sáng mai đi học mà tối muộn vẫn chưa soạn bài… các bạn không có sự chuẩn bị tốt nhất thì sẽ không tiếp thu được hiệu quả nhất, cuối cùng chỉ còn những tiếc nuối, dở dang… 

Không học tủ, trau dồi thế mạnh bản thân

Nhiều học sinh có tâm lý học tủ, đặc biệt ở những môn cần ghi nhớ, học thuộc nhiều như Ngữ văn. Học tủ tiết kiệm thời gian, dồn trọng tâm vào bài tủ. Nếu may mắn “trúng tủ” thì có thể đạt điểm cao, tuy nhiên nếu “lệch tủ” thì nguy cơ cao sẽ bị “tủ đè”, bị điểm thấp, hoặc trượt kỳ thi.

Cô Trang nhấn mạnh: Nguyên tắc không bao giờ được học tủ, phải học toàn diện, trải đều tất cả các tác phẩm. Tuy nhiên, học trải đều nhưng phải có trọng tâm.

Ngoài ra, học sinh cần xác định rõ xem thế mạnh của mình ở đâu để trau dồi nâng cao. Như bạn có kỹ năng cảm thụ thơ tốt, bạn lại có kỹ năng lập luận thuyết phục, sắc bén…. Bên cạnh đó, các bạn cần không ngừng nâng cao kỹ năng viết bài cho bản thân bằng cách chăm chỉ luyện đề.

Khi nào học thuộc – Khi nào học ý?

Ghi nhớ kiến thức Ngữ văn, có khi cần học thuộc, có khi chỉ cần học câu từ. Để học tốt môn Văn, học sinh cần học thuộc lòng thơ và nhớ ý để tóm tắt truyện. Không học thuộc lòng các bài văn mẫu, mà chỉ tham khảo để biến văn mẫu thành văn của mình. 

Ngoài ra, học sinh nên có những công thức học để từ đó áp dụng với tất cả các bài như với nhân vật ta sẽ đi khai thác xuất thân, ngoại hình, tính cách, số phận, phẩm chất… Chúng ta ghi nhớ theo hướng như vậy thì hệ thống kiến thức sẽ khoa học, đầy đủ, việc ghi nhớ dễ dàng hơn.

Cha mẹ đồng hành cùng con

Cha mẹ nào cũng mong muốn con học tốt, và cha mẹ cũng có thể góp phần biến mong muốn ấy thành hiện thực. Cha mẹ có thể đồng hành cùng con học tốt Ngữ văn bằng cách kiểm tra kết quả ghi nhớ kiến thức của con.

Cha mẹ hãy kiểm tra từng tuần con học thuộc lòng đến đâu, đã thuộc thơ chưa và tóm tắt được truyện đến đâu. Nếu có người bạn đồng hành cùng học tập, và không ngừng cổ vũ, khuyến khích thì con sẽ tiến bộ trông thấy.

Môn Văn không phải là môn học khó nếu học sinh có niềm hứng thú học tập và có thái độ học tập nghiêm túc. Với những chia sẻ trên, cô Nguyễn Thị Thu Trang và HOCMAI hy vọng học sinh sẽ có cái nhìn khoa học hơn về việc ghi nhớ kiến thức môn Ngữ văn, và các bậc phụ huynh có thể đồng hành cùng con trong học tập tốt hơn. 

Với mong muốn đồng hành cùng học sinh để có thể bứt phá với môn Ngữ văn trong năm học mới, HOCMAI tiếp tục xây dựng Chương trình Học Tốt 2021-2022. Với hệ thống bài giảng được bám sát chương trình SGK kết hợp với bài tập tự luyện và bài tập đánh giá năng lực cuối mỗi chương học, học sinh có thể tự kiểm tra kiến thức Ngữ văn của mình và chủ động cải thiện phần còn yếu. Đồng thời, cha mẹ cũng dễ dàng theo sát lộ trình học và sự tiến bộ của con trong quá trình học. Qua đó học sinh sẽ nắm chắc kiến thức, kỹ năng để bứt phá điểm số trong năm học mới này.

>>> Phụ huynh và học sinh có thể đăng ký học thử khóa học tại link sau: https://hocmai.link/Bi-kip-ghi-nho-kien-thuc-Ngu-van-hieu-qua

Đăng ký chương trình Học Tốt 2021 – 2022 

  • Trang bị kiến thức toàn diện với hệ thống bài giảng bám sát SGK, thay thế việc học thêm.
  • Hệ thống đề kiểm tra và bài tập tự luyện có ĐÁP ÁN và HƯỚNG DẪN GIẢI.
  • Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm giảng dạy.
  • Giúp học sinh tăng cơ hội giành điểm 9 – 10 trong các bài thi, bài kiểm tra.

Thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy gọi ngay hotline 0936 5858 12 để được tư vấn miễn phí.