Các nước trên thế giới đón Tết Nguyên Đán như thế nào?

0
7553

Người Singapore ăn Tết suốt 15 ngày, người Trung Quốc ăn những thực phẩm mang ý nghĩa trường thọ, người Việt Nam lau dọn nhà cửa, mua muối, đi chùa… cầu năm mới bình an, thịnh vượng với nhiều niềm hi vọng mới!

Không chỉ có Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng chào đón Tết Nguyên đán. Với mỗi quốc gia, Tết lại được tổ chức theo một cách khác nhau, nhưng cùng có chung ý nghĩa đặc biệt của ngày vui sum họp.

Truyền thống đón Tết của Việt Nam

Người Việt Nam thường chào đón Tết Nguyên đán với phong tục thú vị và điều quan trọng nhất là thái độ tích cực của mọi người cho một năm mới. Người dân Việt Nam tin rằng những gì họ nói, những gì họ làm và những gì họ tin vào 3 ngày đầu năm mới sẽ đều đại diện cho những điều sẽ diễn ra trong một năm tới của họ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn luôn thấy khuôn mặt tươi cười của người dân địa phương, những món quà hào phóng và tiền lì xì may mắn cho người già và trẻ em.

Với người Việt Nam Tết cổ truyền mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và trang trọng 

Trước Tết, nhà cửa thường được dọn dẹp sạch sẽ, mọi khoản nợ cũ phải thanh toán hết và trẻ con được mua quần áo mới để năm mới được khởi đầu một cách tích cực. Người Việt Nam thường mua các loại mứt tết, trà ngon, bánh kẹo, hoa quả và rượu để chúc Tết người thân và những người có ơn với mình.

Bàn thờ tổ tiên được lau chùi, trang hoàng với mâm ngũ quả, hoa, hương, các loại đồ ăn truyền thống như bánh chưng, canh măng, giò, xôi gấc. Họ cũng thường chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, phát tài và phát lộc.

Người Trung Quốc ăn Tết như thế nào?

Tết mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân Trung Quốc. Bữa ăn tối giao thừa cũng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong một năm. Trong ngày cuối năm, dù bận rộn đến nhường nào, hàng triệu người dân Trung Quốc vẫn cố gắng thu xếp trở về nhà trước bữa ăn tối để cùng người thân thưởng thức bữa cơm tất niên, chờ đón một năm mới sắp sang.

Đỏ là màu sắc rất được ưa chuộng trong ngày Tết tại Trung Quốc. 

Người dân Trung Quốc có nhiều món ăn truyền thống trong ngày Tết như sủi cảo, hoành thành, mì, bánh trôi nước. Đặc biệt, cá cũng xuất hiện trên mâm cơm ngày tết của người Trung Quốc bởi nó tượng trưng cho sự dư giả.

Tết truyền thống của người dân Trung Quốc sẽ kéo dài trong 15 ngày, trong đó 3 ngày đầu năm là quan trọng nhất. Người dân thường treo đèn lồng đỏ và đốt pháo vào những ngày đầu năm mới. Trong dịp Tết, người lớn sẽ mừng trẻ nhỏ những phong bao lì xì với những đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn.

Phong tục đón Tết của người Hàn Quốc

Tết âm lịch của người dân Hàn Quốc còn được gọi là Seollah. Cũng giống như người Việt, trong dịp Seollah, những người dân Hàn Quốc sẽ cùng trở về đoàn tụ với gia đình, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và gặp gỡ bạn bè.

Trong dịp này, người dân Hàn Quốc sẽ thường mặc Hanbok- bộ trang phục truyền thống, cùng ăn canh tteokguk (canh bánh gạo), sườn hầm và bánh Jeon – những món ăn đặc trưng cho ngày tết của quốc gia này và chơi các trò chơi truyền thống như Yutnori, thả diều,…

Với người Hàn Quốc thì Tết là dịp để đoàn tụ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên

Một trong những nghi lễ đầu tiên được người Hàn Quốc thực hiện trong năm mới là Charye sẽ diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Trên bàn thờ, gia chủ bày biện nhiều món ăn. Sau đó, các thành viên trong gia đình sẽ bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên.

Tết cổ truyền ở Thái Lan

Khác với Việt Nam, ngày tết của người Thái Lan bắt đầu từ ngày 13 đến 15-4. Một trong những điểm đặc biệt của tết cổ truyền Thái Lan chính là lễ té nước Songkran. Songkran là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là sự dịch chuyển, hàm ý nói đến chu kỳ khởi đầu năm mới theo lịch của người Thái.

Tết cổ truyền Thái Lan chính là lễ té nước Songkran với niềm tin mang lại may mắn

Người Thái Lan tin rằng, việc té nước đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn. Vì thế, trong ngày này, hàng nghìn người dân sẽ đổ ra đường, mang theo bóng nước hoặc súng phun nước để té nước vào nhau, tạo nên không khí lễ hội đầy vui tươi hào hứng trong dịp đầu năm mới.

Trong tết Songkran, người Thái Lan cũng đến thăm đền thờ địa phương để dâng hương cho các nhà sư, cùng dọn dẹp nhà cửa và làm sạch tượng Phật để đảm bảo may mắn cho năm tới.

Philippines đón năm mới như thế nào?

Người Philippines tin rằng nếu bạn mang tiền trong túi trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, thịnh vượng sẽ luôn theo bạn suốt cả năm. Vào đêm giao thừa, cửa ra vào và cửa sổ của gia đình cũng luôn được mở, đèn sẽ được bật sáng, với niềm tin niềm vui và tài lộc sẽ về với gia đình.

Khi chuông đồng hồ báo hiệu năm mới đã sang, người dân khắp cả nước sẽ đồng loạt xướng lên những âm thanh rôn rã, đó có thể là tiếng pháp, tiếng chuông nhà thờ, thậm chí là tiếng còi xe hay tiếng gõ chảo, bởi người Philippines tin rằng những âm thanh rộn ràng đầu năm sẽ xua đi cái xấu, mang đến phúc tài cho cả một năm phía trước.

Người Philippines tin rằng những âm thanh rộn ràng đầu năm sẽ mang phúc tài cả năm

Sau đó, cả nhà sẽ ngồi quây quần quanh mâm cỗ đóng giao thừa và cùng thưởng thứ những món ăn ngon với mong muốn một năm sung túc. Mười hai loại trái cây sẽ được đặt lên bàn tượng trưng cho mười hai tháng của sự giàu có, đủ đầy.

Tết Nguyên đán tại Nhật Bản

Trước năm 1873, người Nhật Bản cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán giống như nhiều quốc gia châu Á khác. Trong dịp tết, người dân Nhật Bản thường gửi những chiếc thiệp chúc mừng năm mới đến bạn bè và người thân của mình.

Các món ăn như đậu nành, bánh cá, canh rong biển, bánh gạo và khoai làng nghiền sẽ được sử dụng trong dịp tết này.

Vào đêm giao thừa tại Nhật Bản sẽ có 108 tiếng chuông chùa được đánh lên

Tại Nhật, cứ vào đêm giao thừa sẽ có 108 tiếng chuông chùa được đánh lên. Một trong những lời giải thích phổ biến nhất cho 108 tiếng chuông này đó là để “trừ đi 108 phiền não của con người”. Người Nhật tin rằng, việc lắng nghe những tiếng chuông này giúp giải trừ ưu phiền, xá bỏ những sai lầm đã gây ra trong năm qua, thanh lọc tâm hồn để sẵn sàng cho một năm mới đến.

Tết cổ truyền của Singapore có điểm giống Việt Nam

Tết cổ truyền của người Singapore diễn ra cùng thời điểm với Tết của người Việt Nam với 3 sự kiện chính là Lễ hội đón năm mới tại khu phố người Hoa, Lễ diễu hành Chingay và lễ hội River Hongbao.

Giống như tại Trung Quốc, Tết Âm lịch tại Singapore diễn ra trong 15 ngày, trong đó hai ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Vào ngày này, các gia đình sẽ tới thăm người thân và bạn bè hoặc tham gia những hoạt động thú vị.

Tết cổ truyền của người Singapore diễn ra cùng thời điểm với Tết của người Việt Nam

Tết cũng là là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau và cùng tham gia những lễ hội xuân vui tươi. Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng tiền lì xì trong phong bao đỏ cho những người thân chưa lập gia đình để cầu chúc may mắn cho họ.

Phong tục đón năm mới của người Tây Tạng

Tết cổ truyền tại Tây Tạng mang tên Losar. “Lo” theo tiếng Tây Tạng là năm, còn “sar” mang nghĩa là mới. Tết Losar kéo dài tối thiểu 3 ngày và tối đa là nửa tháng.

Ngày đầu năm mới, người Tây Tạng sẽ dậy sớm tắm rửa, mặc đồ mới và cùng tặng quà cho nhau. Họ cùng nhau quây quần bên một bữa ăn tối gồm có bánh Kapse và một loại rượu mang tên “chang”.

Tết Losar của Tây Tạng kéo dài tối thiểu 3 ngày và tối đa là nửa tháng

Đặc biệt, trong dịp tế Losar, các bà nội trợ bắt buộc phải nấu gutuk – món sủi cảo tượng trưng cho những dự đoán về năm mới. Viên sủi cảo có sợi chỉ giấu bên trong tượng trưng sự trường thọ, sợi lông trắng biểu hiện sự thiện tâm, mẩu than cho thấy những ý nghĩ đen tối, quả ớt nói về miệng lưỡi cay độc. Vì thế khi ăn sủi cảo, mọi người sẽ cùng tò mò chờ đợi sợi chỉ giấu bên trong và cùng đưa ra những lời dự đoán cho năm mới của mình.

Mặc dù phong tục đón Tết cổ truyền ở mỗi nước là khác nhau, nhưng đều mang một ý nghĩa chung là cầu mong một năm mới luôn bình an, dồi dào sức khỏe và mọi thành viên trong gia đình sẽ luôn yêu thương, tin tưởng nhau.

HOCMAI TỔNG HỢP