Chương trình Ngữ văn đổi mới toàn diện, học sinh cần thay đổi cách học thế nào?

0
5841

Môn Ngữ văn trong chương trình Giáo dục phổ thông mới với những thay đổi từ căn bản đến toàn diện đã đặt ra những thử thách không nhỏ đối với học sinh lớp 6. Lần đầu tiếp cận với chương trình mới và cách học hoàn toàn mới, các em sẽ phải chuẩn bị những kiến thức và kĩ năng gì để nhanh chóng thích ứng với chương trình? Cùng lắng nghe những chia sẻ từ thầy Nguyễn Phi Hùng – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI để hiểu rõ hơn về chương trình Ngữ văn mới và bí kíp để học tốt môn học này. 

Những đổi mới toàn diện trong chương trình Ngữ văn 6 mới

Chương trình Ngữ văn 6 được áp dụng từ năm học 2021-2022 có những thay đổi cơ bản, toàn diện so với những năm học trước. Chương trình lần này sẽ đổi mới cả về mục tiêu, nội dung chương trình cho tới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá.

Về mục tiêu, nếu như chương trình cũ còn nặng mục tiêu truyền thụ kiến thức, lấy các đơn vị kiến thức làm trung tâm để xây dựng các bài học, thì chương trình mới đặt trọng tâm ở việc hình thành các phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Về nội dung, mỗi bài học được xây dựng thành các module, xoay quanh 4 kĩ năng trụ cột là ĐỌC – VIẾT – NÓI – NGHE. Trong đó:

  • Đọc yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mĩ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc). 
  • Viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo được ra các kiểu loại văn bản.
  • Nói và nghe căn cứ vào nội dung đọc và viết để luyện tập trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả, từ nói đúng đến nói hay.

Sách giáo khoa trong chương trình mới cũng có sự đổi mới. Với chủ trương xây dựng chương trình theo hướng mở, chương trình không quy định chi tiết về nội dung dạy học, mà chỉ quy định một số nội dung cốt lõi và một số tác phẩm bắt buộc, còn lại đưa ra một danh sách gợi ý để các tác giả sách giáo khoa và giáo viên tự chọn sao cho phù hợp với điều kiện và đối tượng người học, phát huy được sự sáng tạo. Bên cạnh đó, thay vì trình bày kiến thức, sách giáo khoa đã xây dựng hệ thống các hoạt động học tập để người học chủ động chiếm lĩnh các mục tiêu bài học. Các thể loại, các văn bản được đưa vào trong sách giáo khoa cũng có sự thay đổi rất lớn, và được trình bày thành từng chủ đề tương ứng với mỗi bài học.

Về phương pháp giảng dạy, thay vì giảng dạy theo cách truyền thống, giáo viên sẽ trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm là chính để học sinh biết cách đọc và có thể tự đọc. Đây sẽ là một yêu cầu mới về phương pháp giảng dạy đối với môn Ngữ văn.

Xem thêm: Ngữ văn lớp 6 chương trình GDPT mới: Những thay đổi về kiểm tra, đánh giá

Học sinh cần thay đổi cách học để thích ứng với chương trình mới

Những đổi mới về chương trình Ngữ văn mới cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu về sự thay đổi trong cách tiếp cận môn học của học sinh. 

Để học tốt môn Ngữ văn trong chương trình mới, thầy Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tính chủ động trong quá trình học tập. Thay vì truyền thống thầy cô giảng, trò chép bài, học sinh hãy đóng vai trò là người “đồng sáng tạo” với giáo viên trong việc tham gia kiến tạo bài giảng trong mỗi tiết học.

Bên cạnh đó, học sinh cần chú ý rèn luyện thành thạo các kĩ năng, tránh tư duy máy móc, dập khuôn, bởi mục tiêu học tập của mỗi bài học không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt được các kiến thức của một văn bản cụ thể mà yêu cầu học sinh phải hiểu được những khái niệm bản chất của thể loại, của kiểu bài. Các câu hỏi đánh giá không kiểm tra trí nhớ của các em về những kiến thức hay nội dung cụ thể mà phải dựa vào hệ thống các yêu cầu cần đạt đối với đọc, viết, nói và nghe. Đề kiểm tra cũng sẽ hướng tới việc coi trọng sự sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện, chống sao chép (văn mẫu), không kiểm tra vào các văn bản, tác phẩm đã học mà kiểm tra những văn bản – tác phẩm tương tự nhưng chưa được học để khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh. Do đó, thay vì học nặng về kiến thức theo kiểu học thuộc, ghi nhớ các em cần trau dồi các kĩ năng, ưu tiên sáng tạo, phát huy ý tưởng mới và cách trình bày độc đáo.

Cuối cùng, thầy Hùng lưu ý học sinh cần tích cực thực hành bằng việc sử dụng trải nghiệm cuộc sống của bản thân để trải nghiệm văn học, phát hiện những giá trị đạo đức, văn hoá và triết lí nhân sinh, từ đó biết vận dụng, chuyển hoá đem các kiến thức, kĩ năng đã học áp dụng vào thực tế cuộc sống, vào quá trình giao tiếp, đọc sách báo … Có được luyện tập thường xuyên, kĩ càng như vậy, những kĩ năng đọc – viết – nghe – nói của các em mới được rèn luyện, phát triển.

Là giáo viên trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy chương trình Ngữ văn mới lớp 6, chính bản thân thầy Hùng cũng không ngừng nỗ lực để bắt kịp với những thay đổi của giáo dục trong thời đại mới. Cùng với Hệ thống giáo dục HOCMAI, thầy đã liên tục cập nhật các thông tin mới nhất, từ đó xây dựng Chương trình Học tốt 6 bám sát với nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới, dựa trên 3 bộ SGK đã được bộ GD&ĐT phê duyệt là Cánh diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Điểm nổi bật của các khoá học cho chương trình mới là sự đầu tư công phu về nội dung, về hình ảnh và âm thanh, tăng thêm tính sinh động hấp dẫn và gia tăng sự tương tác giữa thầy và trò. Các bài giảng cũng được thiết kế với hàng loạt các hoạt động để phát huy tính tích cực, chủ động và khơi gợi sự hứng thú cho học sinh.


Phim hoạt hình được lồng ghép vào bài giảng môn Ngữ văn tạo hứng thú cho học sinh.

Chương trình cung cấp các phương pháp tiếp cận kiến thức mới như sử dụng tình huống, câu chuyện, phim ảnh để gợi mở và giúp học sinh tiếp cận với kiến thức theo cách mới mẻ, dễ ghi nhớ. Với nhiều minh họa sinh động trong các video bài giảng xen lẫn các hoạt động thực hành, chương trình đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho giáo viên trong quá trình xây dựng nội dung bài giảng, xây dựng phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động dạy – học cho học sinh, đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.