Chuyên đề toán chuyển động ngược chiều: Phương pháp làm dễ nhất cho học sinh!

0
98725

Bài toán chuyển động ngược chiều lớp 5 gồm 2 dạng: Chuyển động ngược chiều cùng thời điểm và chuyển động ngược chiều không cùng thời điểm. Cô Mai Quỳnh sẽ hướng dẫn cách làm cho từng dạng.

Bài toán chuyển động ngược chiều là phần kiến thức hết sức quan trọng trong môn Toán lớp 5. Tuy nhiên, đây là một trong những dạng bài khó, phức tạp và thường khiến học sinh mất điểm trong kiểm tra – thi cử. Hiểu được khó khăn này của nhiều bạn học sinh, cô Mai Quỳnh (Hocmai.vn) đã tổng hợp, hướng dẫn về hai dạng bài điển hình nhất trong nội dung Toán chuyển động ngược chiều. Chúng ta cùng vào bài học ngay nhé!

1 – Nhắc lại công thức trong bài toán chuyển động.

Để giải các bài toán về chuyển động, học sinh không được quên các công thức cơ sở sau:

Gọi vận tốc là v, quãng đường là s, thời gian là t, ta có các công thức:

  • v = s : t
  • s = v x t
  • t = s : v

Lưu ý:
– Các đơn vị đo quy về đại lượng chuẩn ( đơn vị thời gian thường là giờ hoặc giây, đơn vị quãng đường là km hoặc m, v là quãng đường đi được trung bình trong 1 giờ hay 1 giây – đơn vị m/s hoặc km/giờ).
– Đừng bao giờ quên quy đổi các đại lượng cho đúng nhé! Chẳng hạn, nếu đơn vị thời gian là giờ, đơn vị quãng đường là km thì đơn vị vận tốc là km/giờ. Rất nhiều học sinh bị trừ điểm đáng tiếc chỉ vì quên đổi đơn vị – lỗi sai hết sức cơ bản của môn Toán!

Cô Mai Quỳnh (Hocmai.vn) hướng dẫn học sinh giải bài toán chuyển động ngược chiều.

Mời cha mẹ và học sinh cùng xem bài giảng hướng dẫn chi tiết tại: https://hocmai.vn/bai-giang-truc-tuyen/76184/bai-02-chuyen-dong-cua-hai-vat-nguoc-chieu.html

2 – Bài toán chuyển động ngược chiều

Bài toán chuyển động ngược chiều bao gồm 2 dạng – căn cứ theo thời điểm xuất phát của hai vật chuyển động: Chuyển động cùng thời điểmchuyển động không cùng thời điểm. Cùng xem cô Mai Quỳnh đưa ra phương pháp làm cho từng dạng bài nhé!

A. Phương pháp giải bài toán hai vật chuyển động ngược chiều, xuất phát cùng lúc

Bài toán chuyển động ngược chiều, xuất phát cùng lúc

Ví dụ: Hai tỉnhA và B cách nhau 174 km. Hai ô tô cùng xuất phát lúc 7h từ hai tỉnh A và B chuyển động ngược chiều nhau, gặp nhau lúc 9h. Tìm vận tốc của mỗi ô tô biết vận tốc của xe đi từ A lớn hơn vận tốc của xe đi từ B là 5 km/giờ.

HDG:

Thời gian xe đã đi kể từ lúc bắt đầu xuất phát đến lúc gặp nhau là:
9 giờ – 7 giờ = 2 (giờ)
Tổng vận tốc của hai xe là:
174:2 = 87 (km/giờ).
Vận tốc của xe xuất phát từ A là:
(87 + 5) : 2 = 46 (km/giờ)
Vận tốc của xe xuất phát từ B là:
46 – 5 = 41 (km/giờ)
Đáp số: xe từ A là 46 km/giờ
            xe từ B là 41 km/giờ

B. Phương pháp giải bài toán chuyển động của hai vật ngược chiều, xuất phát không cùng lúc.

Bài toán chuyển động ngược chiều, xuất phát không cùng lúc

Ví dụ: Lúc 6 giờ 15 phút một người đi xe đạp từ A về B với vận tốc 12km/giờ, lúc 6 giờ 30 phút một người đi bộ từ B về A với vận tốc 4 km/giờ; hai người gặp nhau lúc 8h. Hỏi quãng đường từ A về B dài bao nhiêu km?

HDG:

Người đi xe đạp đã đi được một quãng đường lúc người đi bộ xuất phát là:
12 x (6 giờ 30 phút – 6 giờ 15 phút) =  3 (km)

Thời gian hai người gặp nhau kể từ khi người đi bộ xuất phát là:
8 giờ – 6 giờ 30 phút = 1 giờ 30 phút = 3/2 giờ.

Tổng vận tốc của người đi xe đạp và đi bộ là:
12 + 4 = 16 (km/giờ)

Quãng đường hai người đã đi được (Từ lúc người đi bộ xuất phát) là:
16 x 3/2 = 24 (km).

Quãng đường AB dài là:
24 + 3 = 27 (km)

Đáp số: Quãng đường AB dài 27km.

Liên quan các bài toán về chuyển động ngược chiều, còn nhiều dạng bài tập khác nhau. Cô Mai Quỳnh đã đưa ra hai dạng bài ví dụ điển hình nhất trong chương trình Toán 5. Đừng quên tham khảo bài giảng để làm quen với nhiều bài tập hơn dưới sự hướng dẫn của cô giáo Mai Quỳnh nhé!

Để giúp con rèn luyện tính toán, có nhiều kỹ năng hơn ở môn Toán và các môn học khác, mời cha mẹ tìm hiểu về Chương trình Học Tốt – bao gồm các khóa học chất lượng và phân loại theo lực học của con!