Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn 6 đầy đủ nhất

0
4839
de-cuong-on-thi-hoc-ki-1-ngu-van-6

Ở bài viết này HOCMAI xin được gửi tới các em học sinh khối 6 bài viết Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn 6 đầy đủ và chi tiết. Các em học sinh vừa mới trải qua giai đoạn chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6 còn bỡ ngỡ với những kiến thức mới, cách học mới. Các em đừng lo, HOCMAI hiểu được tâm tư của các em, nên rất muốn được đồng hành chung với các em trên chặng đường học tập này. Ở bài viết này, HOCMAI đã tổng hợp tất tần tật những kiến thức của văn bản, ngữ pháp, từ vựng để ôn thi cuối học kì 1 này.

A. ÔN THI HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN 6: PHẦN VĂN BẢN

1. Truyền thuyết

– Khái niệm về văn bản truyền thuyết: là thể loại truyện kể dân gian, thường được kể về một sự kiện, một nhân vật lịch sử hoặc có sự liên quan đến lịch sử. Thể hiện được nhận thức, tình cảm, suy nghĩ, thế giới quan của tác giả dân gian đối với những nhân vật, sự kiện lịch sử đó.

– Nhân vật truyền thuyết:

  • Thường thường có những điểm khác lạ về lai lịch, sức mạnh, tài năng, phẩm chất.
  • Thường được gắn với một sự kiện lịch sử cụ thể và có công lao lớn đối với cộng đồng, đất nước.
  • Được cộng đồng tôn thờ và truyền tụng.

– Cốt truyện truyền thuyết:

  • Thường xoay quanh những công trạng của nhân vật hoặc những kỳ tích, phép màu mà cộng đồng đã truyền tụng, tôn thờ.
  • Thường thì sẽ sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện được tài năng, sức mạnh phi thường của nhân vật.
  • Cuối truyện thường gợi nhắc đến các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại

– Yếu tố kì ảo ở trong những truyền thuyết:

  • Là những hình ảnh, chi tiết có phần hoang đường, kỳ lạ; đó chính là sản phẩm của trí tưởng tượng và nghệ thuật dân gian hư cấu.
  • Thường được sử dụng khi cần thể hiện được sức mạnh, tài năng, phẩm chất phi thường của nhân vật truyền thuyết, phép màu của thần linh.
  • Thể hiện được nhận thức, tình cảm và suy nghĩ của nhân dân đối với những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử.

2. Truyện cổ tích

  • Khái niệm: là một thể loại truyện kể dân gian, là kết quả của trí tưởng tượng dân gian xa xưa, xoay xung quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật, cốt truyện. Thể hiện được cách nghĩ, cách nhìn của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên được ước mơ về 1 xã hội đầy công bằng và tốt đẹp.
  • Cốt truyện cổ tích: là thường có sử dụng yếu tố hoang đường, yếu tố kì ảo, mở đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa” và kết thúc thường sẽ có hậu.
  • Cách kể: các sự kiện ở trong truyện cổ tích thường sẽ được kể theo một trình tự thời gian.
  • Kiểu nhân vật của truyện cổ tích: đời sống nhân vật khổ cực bất hạnh, một nhân vật dũng cảm chiến đấu, nhân vật thông minh lanh lợi… Với phẩm chất, tính cách được thể hiện thông qua những hành động, tình huống cụ thể.

3. Thơ lục bát

  • Khái niệm: là một thể thơ có từ lâu về trước của dân tộc Việt Nam. Đó là một cặp câu lục bát gồm một dòng thơ sáu tiếng (dòng lục) và một dòng thơ tám tiếng (dòng bát).
  • Cách để gieo vần: tiếng thứ sáu của dòng lục vần với tiếng thứ sáu của dòng bát; tiếng thứ tám của dòng bát vần với tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo.
  • Cách ngắt nhịp: thường thì ngắt nhịp chẵn, ví dụ như 2/4/2, 2/2/2, 4/4…

4. Truyện đồng thoại

  • Truyện đồng thoại là một thể loại truyện văn học chủ yếu dành cho thiếu nhi. Nhân vật ở trong truyện đồng thoại thường là một đồ vật hoặc một loài vật được nhân hóa lên. Vì thế, chúng vừa phản ánh được đặc điểm sinh hoạt của một loài vật, vừa thể hiện được những đặc điểm, tính cách của con người.

5. Kí

  • Kí là một thể loại văn học rất coi trọng sự thật và coi trọng những trải nghiệm thực tế, dưới sự chứng kiến, quan sát của chính người viết. Trong thể loại kí, có những tác phẩm thì sẽ thiên về kể về những sự việc như du ký hoặc hồi ký…có những tác phẩm thì sẽ thiên về phần biểu cảm, như thể loại tùy bút hoặc thể loại tản văn.
  • Hồi ký chủ yếu là kể lại những sự việc, những câu chuyện mà ở trong đó người viết đã từng có sự tham dự hoặc là đã từng được chứng kiến ở trong quá khứ. Các sự việc có ở trong hồi kí thường thì được kể theo một trình tự thời gian, gắn với một giai đoạn hoặc nhiều giai đoạn ở trong cuộc đời của người tác giả.
  • Du kí thường thì chủ yếu kể về những sự việc, những câu chuyện mà vừa mới diễn ra hoặc đang diễn ra với những chặng đường ở trong chặng hành trình tìm hiểu ở những vùng của Việt Nam cũng như những đất nước kỳ thú, ly kỳ trên thế giới.
  • Nhân vật xưng “tôi” ở trong thể loại du kí chính là cá nhân tác giả.
  • Người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất ở trong văn bản hồi kí (thường thì sẽ xưng là “tôi” hoặc là “chúng tôi”) mang hình bóng của một người tác giả, nhưng không hoàn toàn bị đồng nhất với tác giả. Bởi vì giữa tác giả với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất trong hồi kí luôn có những khoảng cách về mặt tuổi tác, mặt thời gian hay những sự khác biệt ở trong nhận thức, trong quan niệm…
  • Hình thức ghi chép và cách thức kể sự việc ở trong hồi kí: “ghi chép” được hiểu theo một cách thông thường, là một việc chuẩn bị nguồn tư liệu về những điều đã tồn tại, có thật, đã xảy ra để viết nên được tác phẩm. Tư liệu “ghi chép” để viết hồi kí phải đảm bảo được độ xác thực, độ tin cậy. Nhưng “ghi chép”, hiểu theo cách khác cũng chính là việc viết, việc kể, việc sáng tác. Theo nghĩa này, người viết hồi kí không được bê nguyên cái có thật, đã từng xảy ra ngoài đời vào trong văn bản mà phải ghi làm sao cho thành được chuyện và kể sao cho có sự hấp dẫn, sự sâu sắc.

6. Nắm được giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật ý nghĩa, bài học rút ra, những chi tiết đặc sắc của các văn bản

* Thánh Gióng:

– Giá trị nội dung: Truyện kể về công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của người anh hùng Thánh Gióng đồng thời là sự thể hiện được quan niệm và ước mơ cao cả của nhân dân ta ngay từ những buổi đầu lịch sử về người anh hùng anh dũng cứu nước chống lại giặc ngoại xâm.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Chi tiết tưởng tượng kì ảo, khéo léo kết hợp với yếu tố huyền thoại và yếu tố thực tế (cốt lõi là sự thực lịch sử cùng với những yếu tố kỳ ảo, hoang đường):
  • Đặt chân lên vết chân in trên mặt đất thì ngay lập tức mang thai.
  • Mang thai tới 12 tháng mới sinh.
  • Đứa trẻ lên ba tuổi vẫn không biết nói, không biết cười, không biết đi nhưng lại một chốc tự nhiên nói và hành động được như người bình thường.
  • Đứa trẻ con lớn lên nhanh như thổi, chỉ trong chốc lát đã thành một người trưởng thành.
  • Biến con ngựa sắt trở thành con ngựa sống.
  • Sức khỏe thật phi thường, một mình cũng có thể nhổ được cả bụi tre, chống lại được cả đội quân.
  • Cưỡi ngựa sắt để bay về trời.
  • Lối kể chuyện dân gian:
  • Lối kể chuyện theo một trình tự thời gian.
  • Cốt truyện đang xoay quanh một nhân vật chính đó là Thánh Gióng – sinh ra với những đặc điểm kỳ lạ khác thường, có sức mạnh và tài năng phi thường, trổ tài để trừ gian diệt bạo, cứu nguy cho nhân dân và đất nước, sau khi hoàn tất sứ mệnh của mình thì bay trở về trời.

– Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng:

  • Gióng đã được sinh ra từ ý nguyện của nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng. Gióng đã chiến đấu với giặc bằng tất cả tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc của toàn dân. Sức mạnh của Gióng không những tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết của toàn dân, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, bằng cả vũ khí thô sơ lẫn hiện đại.
  • Gióng mang nhiều nguồn sức mạnh:
  • Thần linh (biểu hiện ở “vết chân”)
  • Cộng đồng (biểu hiện ở “nuôi cơm”)
  • Vũ khí bằng sắt (biểu hiện ở “thành tựu kỹ thuật”)
  • Thiên nhiên, đất nước (biểu hiện ở “tre làng”)
  • Hình tượng Thánh Gióng mang nhiều màu sắc thần kỳ , ảo mộng, hoang đường song lại  là biểu tượng về một lòng yêu nước và sức mạnh to lớn chống lại  giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Thể hiện được quan niệm và ước mơ của toàn nhân dân ta về một hình mẫu lý tưởng của một người anh hùng chống lại giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, truyền thuyết cũng đã nói lên một sức mạnh tiềm tàng, ấn sâu ở bên trong những con người kì dị.

* Sơn Tinh, Thủy Tinh:

– Giá trị nội dung: Truyện đã giải thích được hiện tượng mưa bão lũ lụt cứ xảy ra hàng năm ở đồng bằng Bắc Bộ ở thuở các vua Hùng. Đồng thời thể hiện được sức mạnh và ước mơ chế ngự được thiên tai bảo vệ được cuộc sống của người Việt cổ, suy tôn ca ngợi lên công lao dựng nước của các vua Hùng.

– Giá trị nghệ thuật

  • Xây dựng lên hai nhân vật mang dáng dấp của thần linh với nhiều chi tiết, yếu tố tưởng tượng, kì ảo (các vị thần sử dụng được nhiều phép lạ, những món quà sính lễ quý hiếm không thể nào gặp được ở cuộc sống thực tế bình thường…)
  • Cách kể chuyện đầy lôi cuốn, hấp dẫn và mang đậm chất dân gian.

– Ý nghĩa của truyện:

  • Thủy Tinh là vị thần đại diện cho sức mạnh của mưa gió, bão lụt đầy khủng khiếp hàng năm xảy ra ở đoạn lưu vực sông Hồng, gây tổn hại, phá hoại mùa màng và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.
  • Sơn Tinh là vị thần phản ánh được sức mạnh vĩ đại của toàn nhân dân ta hàng ngàn năm nay vẫn kiên trì đắp đê chế ngự lại nạn lũ lụt ở lưu vực sông Hồng vào hàng năm, đồng thời nói lên được một ước mơ chiến thắng được thiên tai của người xưa để bảo vệ được cuộc sống và mùa màng.

⇒ Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã giải thích được hiện tượng lũ lụt và thể hiện được sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự lại thiên tai, đồng thời suy tôn và ca ngợi công lao xây dựng đất nước của các vua Hùng.

* Thạch Sanh:

– Giá trị nội dung: Thông qua câu chuyện về một chàng dũng sĩ diệt trừ chằn tinh, diệt trừ đại bàng cứu giúp người bị hại, vạch mặt được kẻ vong ân bội nghĩa, chống lại đội quân xâm lược, nhân dân ta đã gửi gắm những ước nguyện về một xã hội lí tưởng của sự công bằng, về một niềm tin đạo đức ở những phẩm chất cao thượng tốt đẹp của con người cùng lí tưởng nhân đạo, tình yêu hòa bình của toàn thể nhân dân ta.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Sử dụng thành công những chi tiết tưởng tượng đầy thần kỳ, xây dựng được hai nhân vật mang tính tương phản và đối lập.
  • Truyện thì có một bố cục tương đối là hoàn chỉnh: có câu chuyện về sự ra đời, quá trình lớn lên và hình thành được tài năng của nhân vật đại diện cho phe công lý và phe chính nghĩa; có những chặng đường đầy phiêu lưu để thử thách và rèn luyện tài năng và rèn luyện phẩm chất của nhân vật, câu chuyện có kết thúc có hậu. Truyện Thạch Sanh mang hình thức, kết cấu phổ biến của những truyện cổ tích với kết cấu song tuyến. Hơn nữa, đây là kết cấu vô cùng đặc trưng của nhóm truyện cổ tích đầy thần kỳ.

* Em bé thông minh:

– Giá trị nội dung:

  • Truyện rất đề cao sự thông minh và trí khôn của dân gian (qua hình thức là giải những câu đố, vượt qua những thách đố oái oăm,…), từ đó tạo được tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên ở trong đời sống hằng ngày.
  • Qua truyện cổ tích nổi tiếng này, nhân dân ta thể hiện được tấm lòng quý mến, trân trọng những con người hiên tài thông minh, tài trí ở trong xã hội, đồng thời khẳng định rằng: trí khôn, tính sáng tạo, sự thông minh là vô giá! Ai cũng cần phải rèn luyện trí thông minh.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Tác phẩm đã tạo được tình huống truyện độc đáo, sắp xếp được trình tự các thử thách hợp lý (từ đơn giản cho đến phức tạp) và cách em đã vượt qua thử thách cũng ngày càng trở nên hấp dẫn, thú vị hơn so với lần trước.
  • Nghệ thuật so sánh (lần đầu là so sánh em với cả bố, lần hai là với dân làng, lần ba là với vua, lần cuối là với sứ thần nước láng giềng) càng làm nổi bật hơn lên được trí khôn hơn người của em bé thông minh.

– Ý nghĩa của truyện Em bé thông minh:

  • Câu chuyện cổ tích Em bé thông minh đã đề cao lên phẩm chất trí tuệ của con người, cụ thể là của người lao động nghèo. Đó là trí thông minh mà đã được đúc rút từ hiện thực cuộc sống đang vô cùng phong phú, qua những kinh nghiệm đã được tích lũy từ lao động sản xuất.
  • Câu chuyện này đã đem lại được tiếng cười hồn nhiên vui vẻ.
  • Thể hiện được ước nguyện của người lao động: Mong muốn có được người tài giỏi để giúp ích cho đất nước.

* Ếch ngồi đáy giếng:

– Giá trị nội dung:

  • Phê phán cái thói kiêu ngạo, chủ quan, hiểu biết nông cạn, hạn hẹp, không chịu mở mang đầu óc nhưng lại luôn tự phong cho bản thân mình là tài giỏi hơn người, khinh thường những người xung quanh.
  • Đưa ra một lời khuyên bổ ích cho tất cả mọi người là: nếu muốn giỏi, muốn tiến bộ lên được thì không thể cứ thế ngồi mãi ở đáy giếng bé nhỏ mà phải vươn ra ngoài tầm thế giới, không ngừng tích lũy những tri thức, trau dồi liên tục năng lực của bản thân. Mỗi người phải có ý thức được về giới hạn, điểm yếu của cá nhân và tìm ra được những phương pháp để vượt qua những giới hạn đó.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Truyện kể này hết sức cô đọng, súc tích, ngắn gọn dường như không hề có bất cứ một chi tiết thừa nào ở trong tác phẩm.
  • Tình tiết và mạch của truyện rất logic, chặt chẽ.
  • Bên cạnh đó thì nhân vật ngụ ngôn đã được nhân hóa cùng với những tình huống truyện phù hợp với chủ đề truyện, như vậy đã tạo nên được thành công cho văn bản.

– Ý nghĩa của bài học:

  • Thế giới là vô biên, vô cùng rộng lớn và phong phú, phải luôn luôn mở rộng được tầm hiểu biết của mình. Một môi trường hạn hẹp, nhỏ bé, không có được sự giao lưu sẽ làm hạn chế lại tầm hiểu biết về thế giới xung quanh.
  • Không nên chủ quan, không nên kiêu ngạo, nếu không thì sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Những gì chúng ta biết thì rất nhỏ bé giống như một hạt cát ở giữa sa mạc, như là một giọt nước ở trong đại dương mênh mông nên rất cần khiêm tốn học hỏi.
  • Khi thay đổi lại môi trường sống hoặc lĩnh vực nghề nghiệp đã quen thuộc thì phải thận trọng, tìm hiểu để dần dần thích nghi. Tránh sự kiêu ngạo, chủ quan, suy nghĩ hẹp hòi, nông cạn, hạn hẹp. Chú ý cần liên tục học hỏi, có tinh thần cầu thị.

* Thầy bói xem voi:

– Giá trị nội dung:

  • Truyện chế giễu những thầy bói chỉ nói dựa, mới chỉ có sờ vào một bộ phận của con vật nhưng đã phán cái toàn thể về nó, đồng thời đây cũng chính là lời khuyên không nên tin quá đà vào những điều mê tín cũng như bói toán.
  • Khi xem xét lại bất cứ điều gì cũng cần phải có một cái nhìn bao quát, toàn diện để có thể đánh giá cho đúng về đối tượng, sự việc. Tránh có cái nhìn phiến diện, một chiều dẫn đến là nhận thức sai lầm, lạc hướng.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Cách tạo dựng nên tình huống huống đặc sắc.
  • Cách nói có phần phóng đại, lặp lại các sự việc.
  • Ngôn ngữ sử dụng dí dỏm và hài hước.

⇒ Gửi gắm vào trong câu chuyện bài học nhẹ nhàng, tự nhiên mà rất đỗi sâu sắc.

– Ý nghĩa bài học:

  • Truyện đã giúp cho chúng ta bài học về cái cách nhìn nhận, cách đánh giá trong cuộc sống: Phải nhìn nhận sự việc ở một phương diện tổng thể, chứ không nên chỉ lấy cái bộ phận, đơn lẻ để nói thay cho toàn thể.
  • Phải biết lắng nghe những ý kiến của người khác, vừa nghe và vừa kết hợp với phân tích, đánh giá, tổng hợp cho riêng mình để có được một cái nhìn toàn diện, chính xác và đầy đủ nhất.
  • Muốn đánh giá được một sự việc, hiện tượng được chính xác cần phải có một sự kết hợp nhiều yếu tố mắt thấy, tai nghe và suy nghĩ kĩ càng, không nên đánh giá quá vội vàng và phiến diện.

* Treo biển:

– Giá trị nội dung: Phê phán một cách nhẹ nhàng những người đang sống mà thiếu chủ kiến, sống thiếu sự tự tin vào bản thân mình, sống mà thiếu đi những kiến thức cơ bản cần thiết ở trong cuộc sống và câu chuyện này cũng đã để lại được nhiều bài học vô cùng quý giá.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Xây dựng được tình huống truyện hấp dẫn.
  • Kết thúc một cách độc đáo và bất ngờ.
  • Truyện có kết cấu khá mạch lạc, rõ ràng, ngoài cái lời văn giới thiệu chỉ thêm bốn lời thoại của người láng giềng, người đi đường, người khách mua cá nhưng tiếng cười vẫn được bật ra một cách giòn giã.

– Ý nghĩa của truyện: Tạo nên được tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng về những người thiếu chủ kiến trong công việc, không suy xét kỹ lưỡng khi nghe ý kiến của những người khác.

* Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng:

– Giá trị nội dung: Truyện ca ngợi được phẩm chất vô cùng cao quý của vị Thái y lệnh họ Phạm. Không những là có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là có một lòng thương yêu và quyết tâm cứu sống bằng được người bệnh tới mức không hề sợ quyền uy, không hề sợ mang vạ vào thân. Thầy thuốc là người rất đáng được tôn kính và đáng được cảm phục.

– Giá trị nghệ thuật:

  • Cách viết gần gần với cách viết kí, cách viết sử, nghĩa là thiên về ghi chép lại chuyện người thật việc thật mà không cần phải thêm thắt.
  • Truyện có bố cục hợp lý, chặt chẽ và cách dẫn dắt truyện gây hứng thú cho người đọc.
  • Chọn lọc và nhấn mạnh vào một tình huống nổi bật, gay cấn nhất (đó là một chi tiết có thật) để qua đó tính cách của nhân vật chính được bộc lộ một cách rõ ràng, gây ra ấn tượng khó quên.
  • Vừa thể hiện được tính cách nhân vật, tác giả còn tạo ra được những lời đối thoại đầy sắc sảo, chứa đựng nhiều ý tứ sâu xa.

B. ÔN THI HỌC KỲ 1 NGỮ VĂN 6: PHẦN TIẾNG VIỆT

1 .Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)

– Từ đơn: là loại từ chỉ gồm có 1 tiếng.

– Từ phức: là loại từ gồm có hai tiếng trở lên. Từ phức được chia ra là: từ láy và từ ghép:

  • Từ ghép chính là những từ phức được tạo ra bằng cách ghép những tiếng có quan hệ với nhau về mặt ngữ nghĩa.
  • Từ láy chính là những từ phức có quan hệ với nhau về láy âm giữa các tiếng (có âm tiết giống nhau)
Kiểu cấu tạo của từ Đặc điểm và ví dụ
Từ đơn Là loại từ chỉ gồm một tiếng (Ví dụ: và, có, tục, cỏ,nam, cây, nghề, ngày, Tết, làm, ăn, khỏe,…).
Từ phức Từ ghép Là những từ mà được cấu tạo bằng cách ghép lại những tiếng với nhau. Các tiếng được ghép với nhau ấy có mối quan hệ với nhau về mặt ý nghĩa (Ví dụ: nam nữ, chăn nuôi, bánh chưng, bánh gạo, bánh giầy,…)
Từ láy Là những từ mà được cấu tạo bằng cách điệp lại (hoặc láy lại) một phần hoặc là toàn bộ âm của tiếng đã cho ban đầu (Ví dụ: trăng trắng, trồng trọt, lành lạnh, xanh xanh..)

 

2. Thành ngữ

  • Thành ngữ: chính là một tập hợp những từ cố định, quen dùng.
  • Nghĩa của thành ngữ là ý nghĩa của toàn thể tập hợp từ, thường có tính hình tượng và tính biểu cảm cao.

3. Trạng ngữ

  • Trạng ngữ là một thành phần phụ ở trong câu, giúp xác định được yếu tố thời gian, yếu tố nơi chốn, yếu tố nguyên nhân, yếu tố mục đích… của sự việc được nêu ở trong câu.
  • Phân loại: trạng ngữ để chỉ thời gian, trạng ngữ để chỉ nơi chốn, trạng ngữ để chỉ nguyên nhân, trạng ngữ để chỉ mục đích…

4. Lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp với việc thể hiện được nghĩa của văn bản

– Cách lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp với việc thể hiện được ý nghĩa của văn bản:

  • Xác định được rõ nội dung mà cần diễn đạt.
  • Huy động những từ đồng nghĩa, gần nghĩa rồi lựa chọn từ ngữ mà có khả năng diễn đạt được chính xác nhất nội dung ta muốn thể hiện.
  • Chú ý lại khả năng kết hợp hài hòa giữa những từ ngữ được chọn với những từ ngữ đã sử dụng trước và đặt nó ở trong câu (đoạn) văn.

– Tác dụng: giúp cho sự diễn đạt được chính xác và hiệu quả những điều mà người nói (viết) muốn bộc lộ, thể hiện.

5. Ẩn dụ, hoán dụ

– Ẩn dụ là gọi tên của sự vật, tên của hiện tượng này bằng tên của sự vật, tên của hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau nhằm để tăng sức gợi hình, sức gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Hoán dụ là gọi tên của sự vật, tên của hiện tượng này bằng tên của sự vật, tên của hiện tượng khác có mối quan hệ gần gũi với nó nhằm để tăng được sức gợi hình, gợi cảm cho chính sự diễn đạt.

6. Cụm từ, cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ

– Cụm từ: Ở trong câu tiếng Việt, thành phần chính bao gồm có thành phần chủ ngữ (C) và thành phần vị ngữ (V).

– Chủ ngữ và vị ngữ của một câu có thể chỉ là một từ (Ví dụ như: Tôi hát, Gà gáy, Tôi ăn, Hoa nở) nhưng cũng có nhiều trường hợp là một cụm từ (Ví dụ như: Con mèo nhà tôi lớn rất nhanh, Những bông hoa hướng dương nở vàng rực cả cánh đồng).

– Cụm từ là có hai từ trở lên được kết hợp với nhau nhưng chưa tạo thành được câu, trong đó có một từ (động từ/danh từ/tính từ) đóng vai trò là một thành phần trung tâm, các từ còn lại thì sẽ bổ sung ý nghĩa cho cái thành phần trung tâm đó.

– Cụm từ thì đóng vai trò chủ ngữ và vai trò vị ngữ trong câu thường có những thể loại như sau:

  • Cụm danh từ mà có danh từ làm thành phần chính. Ví dụ: hai sợi tóc đen nhánh.
  • Cụm động từ mà có động từ làm thành phần chính. Ví dụ: thường dẫn em ra vườn.
  • Cụm tính từ mà có tính từ làm thành phần chính. Ví dụ: rất năng động.

– Cách mở rộng được thành phần chính của câu bằng cách sử dụng những cụm từ:

  • Biến thành phần chủ ngữ hoặc thành phần vị ngữ của câu từ một từ thành một cụm từ, có thể là cụm động từ, cụm danh từ hoặc cụm tính từ..
  • Biến thành phần chủ ngữ hoặc thành phần vị ngữ của câu từ cụm từ có thông tin giản đơn, khái quát thành cụm từ có những thông tin cụ thể và chi tiết hơn.
  • Có thể mở rộng thành phần chủ ngữ hoặc thành phần vị ngữ, hoặc mở rộng cả thành phần chủ ngữ lẫn thành phần vị ngữ của câu.

⇒ Việc mở rộng thành phần chính ở trong câu bằng một cụm từ làm cho thông tin của câu được trở nên chi tiết và rõ ràng.

7. Nghĩa của từ:

– Nghĩa của từ chính là nội dung (tính chất, hoạt động, sự vật, quan hệ,…) mà từ đó biểu thị.

– Trong những bài đọc văn bản, ở phần tiếp sau ở văn bản được trích hoặc là nguyên văn, thường có thêm phần chú thích. Chủ yếu các chú thích đó là nhằm giảng nghĩa của những từ mới, từ lạ, từ khó.

– Trong ba trường hợp chú thích ở bên trên, nghĩa của từ đã được giải thích theo hai kiểu:

  • Giải thích bằng khái niệm mà từ đó biểu thị (hay còn gọi là tập quán);
  • Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc từ trái nghĩa với từ đã được giải thích.

8. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ:

– Chuyển nghĩa là một hiện tượng thay đổi ý nghĩa của từ, tạo ra được những từ nhiều nghĩa.

– Trong từ nhiều nghĩa thì có:

  • Nghĩa gốc: nghĩa mà xuất hiện ban đầu, làm cơ sở để có thể hình thành các nghĩa khác của nghĩa gốc.
  • Nghĩa chuyển: là nghĩa mà được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.

– Thông thường, trong câu chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, từ có thể được hiểu đồng thời, cùng lúc theo cả nghĩa gốc lẫn cả nghĩa chuyển.

9. Từ mượn:

– Từ thuần Việt là những từ được nhân dân ta sáng tạo ra trong quá trình sinh sống.

– Từ mượn: chúng ta còn đi vay mượn nhiều từ của tiếng nước ngoài để có thể biểu thị những sự vật, sự việc, hiện tượng, tính chất, đặc điểm, khái niệm… mà trong tiếng Việt chưa có từ nào thích hợp để biểu thị.

– Bộ phận từ mượn quan trọng nhất ở trong tiếng Việt là loại từ mượn tiếng Hán (gồm có từ gốc Hán và loại từ Hán Việt)

– Bên cạnh đó, tiếng việt còn mượn từ ngữ của một số ngôn ngữ khác chẳng hạn như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh,…

Ví dụ: Các từ mà cũng có nguồn gốc Ấn Âu Mỹ nhưng đã được Việt hoá ở một mức độ cao và có hình thức viết như chữ của tiếng Việt: xà phòng, ti vi, mít tinh, ga, lan hoa, bơm…

Các từ mượn từ bên tiếng Hán: giang sơn, sứ giả, gan, điện…

– Các từ mượn mà đã được Việt hóa thì có thể viết như các từ thuần Việt. Những từ mượn mà chưa được Việt hóa một cách hoàn toàn, nhất là những từ gồm từ trên hai tiếng thì ta nên dùng gạch nối để nối các tiếng lại với nhau. Ví dụ như: ki-lô-gam, in-tơ-nét…

– Nguyên tắc để mượn từ: Để bảo vệ được sự trong sạch của ngôn ngữ dân tộc, không nên lạm dụng việc mượn từ nước ngoài một cách tùy tiện.

10. Danh từ:

– Danh từ là những từ để chỉ người, chỉ vật, chỉ hiện tượng, hoặc chỉ khái niệm…

– Danh từ có thể được kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía đằng trước, các từ này, kia, ấy, đấy, đó… ở phía sau và một số từ ngữ khác để có thể lập thành cụm danh từ.

– Chức vụ điển hình ở trong câu của danh từ đó là làm thành phần chủ ngữ. Khi làm thành phần vị ngữ, danh từ cần có từ “là” đứng ở trước.

– Danh từ thường được chia thành hai loại lớn là danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật.

– Danh từ chỉ sự vật gồm có danh từ riêng và danh từ chung. Danh từ chung chính là tên gọi một loại sự vật hoặc hiện tượng. Danh từ riêng chính là tên riêng của riêng từng người, riêng từng vật, riêng từng địa phương…

– Khi mà viết danh từ riêng, ta cần phải viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận mà tạo thành tên riêng đó. Cụ thể:

  • Đối với tên của người, tên địa lí của Việt Nam, tên địa lí của nước ngoài phiên âm qua Hán Việt: thì viết hoa chữ mỗi cái đầu tiên của mỗi tiếng.
  • Đối với tên của người, tên địa lí của nước ngoài thì phiên âm trực tiếp và không qua âm Hán Việt: Viết hoa mỗi chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó; nếu bộ phận gồm có nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần cho thêm gạch nối.

– Tên riêng của các cơ quan, của các tổ chức, của các giải thưởng lớn, của các danh hiệu, của các huân chương… thường sẽ là một cụm từ. Chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận mà tạo thành cụm từ này đều được viết hoa.

Cụm danh từ:

– Cụm danh từ là một loại tổ hợp từ do danh từ với một vài từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có một cấu tạo phức tạp hơn khi chỉ có một mình danh từ, nhưng hoạt động ở trong câu của cụm danh từ giống như một danh từ.

– Mô hình cụm danh từ:

Phần trước Phần trung tâm Phần sau
T2 T1 T1 T2 S1 S2
Tất cả những em học sinh chăm ngoan ấy

– Trong cụm danh từ: Các phụ ngữ đứng ở phần trước thì sẽ bổ sung ý nghĩa về số và về lượng cho danh từ. Các phụ ngữ đứng ở phần sau thì nêu lên được đặc điểm của sự vật mà danh từ đó biểu thị hoặc xác định được vị trí của sự vật ấy trong yếu tố không gian hay yếu tố thời gian.

11. Động từ:

– Động từ là những từ chỉ ra những hành động, hoạt động của sự vật..

– Động từ thường hay kết hợp với các từ như “đang, cũng, đã, sẽ, vẫn, chớ, đừng, hãy,…” để có thể tạo thành cụm động từ.

– Chức vụ điển hình ở trong câu của động từ chính là vị ngữ. Khi động từ làm chủ ngữ, động từ sẽ mất đi khả năng kết hợp với các từ “đang, cũng, đã, sẽ, vẫn, chớ, đừng, hãy,…”

– Ở trong tiếng Việt, có hai thể loại động từ đáng để chú ý là:

  • Động từ tình thái (thường sẽ đòi hỏi một động từ khác đi kèm);
  • Động từ chỉ hành động, trạng thái (thường sẽ không đòi hỏi một động từ khác đi kèm).
  • Động từ chỉ hành động (trả lời cho câu hỏi “Làm gì?”);
  • Động từ chỉ trạng thái (trả lời cho các câu hỏi “Làm sao?”, “Thế nào?”).

Cụm động từ:

– Cụm động từ là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Nhiều động từ phải có các từ ngữ phụ thuộc đi kèm, tạo thành cụm động từ mới trọn vẹn nghĩa.

– Cụm động từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình động từ, nhưng cụm động từ hoạt động ở trong câu giống như một động từ.

– Mô hình cụm động từ

Phần trước Phần trung tâm Phần sau
Cũng/ chưa/ còn/ đang tìm ngay/ được/ câu trả lời

– Trong cụm động từ:

  • Các phụ ngữ đứng ở phần trước sẽ bổ sung cho động từ những ý nghĩa như: sự tiếp diễn tương tự; quan hệ về thời gian; sự khuyến khích hoặc sự ngăn cản hành động; sự khẳng định hoặc sự phủ định một hành động,…
  • Các phụ ngữ đứng ở phần sau sẽ bổ sung cho động từ những chi tiết về đối tượng, về hướng, về địa điểm, về thời gian, về mục đích, về nguyên nhân, về phương tiện và về cách thức hành động,…

12. Tính từ:

– Tính từ là những từ để chỉ đặc điểm, trạng thái, tính chất của sự vật và hành động, trạng thái.

– Tính từ có thể được kết hợp với các từ như “đã, cũng, vẫn, sẽ, đang,…” để tạo thành được một cụm tính từ. Khả năng để kết hợp được với các từ như “hãy, đừng, chớ” của tính từ thì rất hạn chế.

– Tính từ có thể trở thành bộ phận vị ngữ, bộ phận chủ ngữ ở trong câu. Tuy vậy, khả năng làm vị ngữ của tính từ  thường hạn chế hơn so với động từ.

– Có hai loại tính từ đáng để chú ý là:

  • Tính từ để chỉ đặc điểm tương đối (chúng có thể kết hợp được với từ chỉ mức độ);
  • Tính từ để chỉ đặc điểm tuyệt đối (chúng không thể kết hợp được với từ chỉ mức độ).

Cụm tính từ:

– Mô hình cụm tính từ:

Phần trước Phần trung tâm Phần sau
T2 T1 T1 T2 S1 S2
Tất cả những Em Học sinh Chăm ngoan ấy

– Trong cụm tính từ:

  • Các phụ ngữ đứng ở phần trước có thể được biểu thị về mặt quan hệ thời gian; quan hệ không gian; sự tiếp diễn tương tự, mức độ của đặc điểm, mức độ của tính chất; sự khẳng định hay sự phủ định;…
  • Các phụ ngữ đứng ở phần sau có thể biểu thị được yếu tố vị trí; mức độ, sự so sánh; phạm vi hay nguyên nhân của một đặc điểm, tính chất nào đó…

13. Số từ và lượng từ:

– Số từ chính là những từ dùng để chỉ số lượng và thứ tự của một sự vật. Khi muốn biểu thị số lượng của sự vật, số từ thường đứng ở vị trí trước danh từ. Khi biểu thị thứ tự của sự vật, số từ đứng ở vị trí sau danh từ.

– Cần phải phân biệt số từ đi với những danh từ chỉ đơn vị gắn liền với ý nghĩa số lượng.

– Lượng từ chính là những từ dùng để chỉ lượng ít hay lượng nhiều của một sự vật.

– Dựa vào vị trí ở trong một cụm danh từ, có thể chia lượng từ ra thành hai nhóm:

  • Nhóm lượng từ chỉ ý nghĩa toàn thể;
  • Nhóm lượng từ chỉ ý nghĩa tập hợp hay ý nghĩa phân phối.

14. Chỉ từ:

– Chỉ từ là những từ được dùng để trỏ (chỉ) vào sự vật, nhằm mục đích để xác định được vị trí của sự vật ở trong không gian hoặc trong thời gian.

– Chỉ từ thường được làm thành phần phụ ngữ ở trong một cụm danh từ. Ngoài ra chỉ từ thì còn có thể làm thành phần chủ ngữ hoặc thành phần trạng ngữ trong câu.

C. ÔN THI HỌC KỲ 1 NGỮ VĂN 6: PHẦN TẬP LÀM VĂN

1. Tóm tắt nội dung chính của một văn bản bằng sơ đồ

– Bước 1: Đọc kĩ đoạn văn bản cần được tóm tắt:

  • Xác định rõ văn bản cụ thể gồm mấy phần hoặc mấy đoạn và mối tương quan, quan hệ giữa các phần, giữa các đoạn với nhau.
  • Tìm ra từ khóa (những từ mà được lặp đi lặp lại nhiều lần, được in nghiêng, được in đậm) và ý chính của từng phần hoặc từng đoạn.
  • Xác định rõ nội dung chính của toàn văn bản và hình dung ra cách vẽ sơ đồ.

– Bước 2: Tóm tắt lại văn bản bằng sơ đồ:

  • Dựa trên số phần hoặc là số đoạn, xác định được số lượng ô hoặc số lượng bộ phần cần có ở trong sơ đồ.
  • Chọn cách để thể hiện sơ đồ một cách tốt nhất (mũi tên, hình vẽ, các kí hiệu…) để có thể trình bày được nội dung chính của văn bản cần được tóm tắt.

– Bước 3: Kiểm tra lại sơ đồ vẽ:

  • Việc thể hiện được các ý chính của văn bản cần được tóm tắt trên sơ đồ đã đầy đủ và rõ ràng hay chưa?
  • Cách để thể hiện nội dung trên sơ đồ về những phần, những đoạn, những ý chính và quan hệ móc nối giữa chúng ở trong văn bản gốc cần tóm tắt đã được phù hợp hay chưa?

2. Viết một bài văn kể lại một truyện cổ tích

* Bước 1: Cần chuẩn bị những gì trước khi viết?

– Xác định được đề tài của băn văn: Em cần đọc kĩ được đề bài để có thể xác định:

  • Đề bài yêu cầu phải viết về vấn đề gì?
  • Kiểu bài mà đề bài đã yêu cầu là gì?

– Thu thập tư liệu: Em hãy tìm kiếm và đọc hiểu truyện cổ tích. Trong những truyện đó, truyện nào đã gây cho em được ấn tượng sâu sắc nhất, có nhân vật nào là đáng nhớ nhất, có cốt truyện nào là thú vị nhất?

* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:

– Tìm ý: Em hãy đọc kĩ truyện mà em đã chọn và trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • Truyện đó có tên là gì? Vì sao em lại chọn kể lại truyện này?
  • Hoàn cảnh để xảy ra câu chuyện là như thế nào?
  • Truyện gồm có những nhân vật nào?
  • Truyện gồm có những sự việc nào? Các sự việc được xảy ra theo trình tự nào?
  • Truyện sẽ kết thúc như thế nào?
  • Cảm nghĩ của em đối với truyện?

– Lập dàn ý: Sắp xếp lại các ý đã tìm được trở thành một dàn ý hoàn chỉnh.

* Bước 3: Viết bài: Dựa vào dàn ý trên, em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết em cần đảm bảo thể hiện rõ được những đặc điểm của kiểu bài tự sự (kể) lại một truyện cổ tích.

* Bước 4: Kiểm tra lại bài và chỉnh sửa lỗi sai, sau đó rút kinh nghiệm: Sau khi đã viết xong, em hãy kiểm tra lại bài viết của mình, nếu có lỗi sai nào thì sửa và ghi nhớ để rút kinh nghiệm.

3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát

* Bước 1: Chuẩn bị sẵn trước khi viết:

– Xác định rõ đề tài:

  • Đề bài yêu cầu cần viết về vấn đề gì?
  • Kiểu bài như thế nào? Độ dài của đoạn văn yêu cầu là bao nhiêu?

– Thu thập tư liệu:

  • Cần tìm ra những thông tin như thế nào?
  • Tìm ra được những thông tin ấy ở đâu?
  • Em có thể tìm kiếm và lựa chọn một bài thơ lục bát mà em yêu thích hoặc có một cảm xúc đặc biệt để viết.

* Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý:

– Tìm ý:

  • Đọc diễn cảm, đọc hiểu bài thơ vài lần để có thể cảm nhận được âm thanh, nhịp điệu của bài thơ, cảm xúc gửi gắm của tác giả và xác định được những cảm xúc mà bài thơ ấy đã gợi ra cho em.
  • Tim kiếm và xác định ra ý nghĩa của những từ ngữ, những hình ảnh độc đáo, những biện pháp tu từ mà tác giả của bài thơ đã sử dụng.
  • Xác định được rõ chủ đề của bài thơ.
  • Lý giải tại sao em lại có cảm xúc đặc biệt này với bài thơ.
  • Viết nhanh ở dưới dạng những cụm từ, những câu văn ngắn để thể hiện rõ những ý tưởng trên.

– Lập dàn ý:

  • Mở đoạn để giới thiệu được cảm xúc chung về thể loại thơ lục bát và bài thơ em chọn.
  • Thân đoạn trình bày rõ ràng, chi tiết cảm xúc của riêng bản thân về bài thơ lục bát này.
  • Kết đoạn thì khẳng định rõ lại cảm xúc của em về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ đối với riêng bản thân.

* Bước 3: Viết đoạn: Dựa vào dàn ý đã lập trên, viết một đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần bảo đảm được các yêu cầu đối với đoạn văn mà ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát ấy.

* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa và sau đó rút kinh nghiệm:

  • Chỉnh sửa lại lỗi chính tả, lỗi sử dụng từ (nếu có)
  • Đọc lại đoạn văn của em để mà xem xét lại những cảm xúc, tâm trạng, tình cảm mà em đã chuyển tải để kiểm tra xem cảm xúc đã được lột tả rõ ràng, dễ hiểu hay chưa?

4. Kể lại một trải nghiệm của bản thân

* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:

– Xác định rõ đề tài: Em có thể hồi tưởng lại về một hoặc nhiều kỉ niệm đáng nhớ, ví dụ:

  • Một kỉ niệm sâu sắc không thể nào quên với gia đình và bạn bè.
  • Một lỗi lầm của bản thân và bài học rút ra.
  • Khám phá ra một vùng đất mới hoặc quyển sách mới,…

– Thu thập tư liệu: Em hãy tìm kiếm tư liệu cho bài viết này của mình bằng một số cách sau:

  • Nhớ lại những sự việc, những trải nghiệm mà đã để lại cho em những kỉ niệm sâu sắc, không thể nào quên.
  • Đọc lại hai câu chuyện “Bài học đường đời đầu tiên”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ “để học lại cách độc đáo mà các tác giả kể lại trải nghiệm của riêng họ.
  • Tìm ra những hình ảnh có sự liên quan tới câu chuyện đó.

* Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý:

– Tìm ý:

  • Yếu tố không gian, yếu tố thời gian xảy ra câu chuyện.
  • Trình tự của các sự việc, kết quả của những sự việc đó.
  • Ý nghĩa của trải nghiệm của em trong câu chuyện.
  • Kết hợp giữa kể (tự sự) và tả (miêu tả).

– Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện em lựa chọn, sẽ được kể.

+ Thân bài: Kể lại chi tiết diễn biến của câu chuyện.

  • Giới thiệu về thời gian, về không gian  mà xảy ra câu chuyện và những nhân vật tham gia hoặc có liên quan.
  • Kể lại các sự việc ở trong câu chuyện.

+ Kết bài: Kết thúc của câu chuyện như thế nào và sau đó nên lên cảm xúc của em.

* Bước 3: Viết bài:

– Dựa theo dàn ý, viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần phải đảm bảo các yêu cầu đối với dạng bài Kể lại một trải nghiệm của riêng bản thân.

* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa sau đó rút kinh nghiệm:

  • Chỉnh sửa lại lỗi chính tả, lỗi sử dụng từ (nếu có)
  • Đọc lại đoạn văn của em để mà xem xét lại những cảm xúc, tâm trạng, tình cảm, ý nghĩa của trải nghiệm mà em đã chuyển tải để kiểm tra xem ý nghĩa của trải nghiệm đã được lột tả rõ ràng, dễ hiểu hay chưa? Sau đó rút ra kinh nghiệm để bài viết được viết tốt hơn.

5. Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

a) Bước 1: Chuẩn bị kỹ càng trước khi viết:

* Xác định rõ đề tài, một số ví dụ:

  • Cảnh sum họp, quây quần của gia đình em trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, ngày tết.
  • Cảnh ngày mùa thu hoạch.
  • Cảnh mua bán ở trong một siêu thị.
  • Cảnh sân trường trong những giờ ra chơi.

* Thu thập tư liệu: Tư liệu có liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em muốn miêu tả để có thể thu thập được từ những nguồn khác nhau, bao gồm cả tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ.

b) Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý:

* Tìm ý:

  • Xác định ra một số định hướng chung như: quan sát đối tượng được miêu tả từ khoảng cách gần hay khoảng cách xa; nên miêu tả theo một trình tự như thế nào, cần tập trung vào khắc họa các hình ảnh như thế nào,…
  • Ghi lại bất cứ ý tưởng nào mà đã nảy sinh ra ở trong quá trình để thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.
  • Quan sát lại không gian nơi mà diễn ra cảnh sinh hoạt mà em lựa chọn sẽ miêu tả, nếu như có điều kiện.
  • Đọc lại “Thương nhớ bầy ong”, “Lao xao ngày hè”,… và những bài văn ở phần mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để tham khảo cách thức quan sát phù hợp để tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh sinh hoạt.

* Lập dàn ý:

– Mở bài: Giới thiệu về cảnh sinh hoạt được miêu tả.

– Thân bài:

  • Miêu tả về cảnh sinh hoạt chung bằng một cái nhìn bao quát.
  • Miêu tả về một số hình ảnh cụ thể, hình ảnh nổi bật ở cự ly gần.
  • Miêu tả về sự thay đổi của sự vật trong bức tranh sinh hoạt trong thời gian, trong không gian.

– Kết bài: Phát biểu lên cảm nghĩ hoặc nêu lên ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt đó.

c) Bước 3: Viết bài:

– Lần lượt viết phần mở bài, phần thân bài và phần kết bài. Riêng phần thân bài nên viết từ hai cho đến ba đoạn. Ở giữa các đoạn thì nên sử dụng các từ chuyển tiếp mà phù hợp để thể hiện được sự thay đổi của cảnh sinh hoạt theo yếu tố thời gian hoặc theo yếu tố vị trí, góc độ quan sát. Trong khi đang tả cảnh, có thể kết hợp với thể hiện cảm nhận của bản thân.

d) Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và sau đó rút kinh nghiệm:

* Xem lại và chỉnh sửa:

  • Tự kiểm tra, tự xem xét và tự điều chỉnh những chi tiết có liên quan đến nội dung và đến cấu trúc của bài viết.
  • Tiếp theo, hãy đọc hiểu, đọc chậm bài viết của mình một lần nữa, bổ sung thêm những nội dung còn thiếu và sửa lại các lỗi chính tả, lỗi dùng từ ngữ, lỗi viết câu, lỗi ngữ pháp.

* Rút kinh nghiệm:

  • Việc viết được bài văn này giúp cho em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát và cảm nhận cuộc sống, con người và cảnh vật xung quanh?
  • Nếu được thực hiện lại, viết lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh lại như thế nào để bài viết tốt hơn?

D. ĐỀ THI HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN 6 (ĐỀ THAM KHẢO)

Phần I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VÀ THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT (6 điểm)

Câu 1: Bài thơ “Mây và sóng” được viết theo thể thơ nào”

A) năm chữ

B) bảy chữ

C) tự do

D) lục bát

Câu 2: Hai bài thơ “Mây và sóng” “Chuyện cổ tích về loài người” có những đặc điểm gì khác nhau?

A) “Mây và sóng” có câu thơ kéo dài, không bị hạn chế về số tiếng ở trong mỗi câu thơ, trong khi đó “Chuyện cổ tích về loài người” mỗi câu thơ có năm tiếng.

B) “Mây và sóng” có sử dụng yếu tố miêu tả, còn “Chuyện cổ tích về loài người” thì không có.

C) “Mây và sóng” có cả lời thoại của nhân vật, còn “Chuyện cổ tích về loài người” thì không có.

D) “Chuyện cổ tích về loài người” có sử dụng các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, điệp ngữ, còn “Mây và sóng” thì không có.

Câu 3: Những dấu hiệu nào để cho thấy bài thơ “Mây và sóng” được viết từ điểm nhìn của một em bé?

A) Nội dung của bài thơ là nói về tình cảm mẹ con.

B) Các từ ngữ xưng hô ở trong bài thơ (mẹ, con, bạn, tôi, em).

C) Các nhân vật trong “mây và sóng” được nhân hoá để trò chuyện được với “con”.

D) Giọng thơ thủ thỉ nhẹ nhàng.

Câu 4: Những biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong bài “Mây và sóng”?

A) Điệp ngữ

B) Điệp cấu trúc

C) Ẩn dụ

D) So sánh

E) Nhân hoá

F) Đảo ngữ

Câu 5: Trò chơi mà bạn mây và bạn sóng rủ em bé chơi cùng thì có gì hấp dẫn? Chúng cho thấy được những đặc điểm gì của trẻ em?

Câu 6: Lời từ chối của em bé với mây và với sóng có ý nghĩa gì?

Câu 7: Tại sao em bé lại khẳng định các trò chơi với mẹ là “trò chơi thú vị hơn”, “trò chơi hay hơn” so với cả những lời rủ rong chơi của mây và sóng?

Câu 8: Em bé đã chơi hai trò chơi là tưởng tượng, trong đó thì em bé và mẹ đều “đóng những vai” khác nhau. Theo em, tại sao tác giả lại để cho “con là mây”, “con là sóng” còn “mẹ là trăng”, “mẹ là bến bờ”? Hãy ghi lại một số đặc điểm của mây, sóng, trắng, bờ bến để thấy được rõ hơn sự tinh tế và tình cảm, cảm xúc được tác giả thể hiện ở trong bài thơ.

Câu 9: Hãy ghi lại những động từ, cụm động từ được dùng để kể về mây, sóng, mẹ, con ở trong bài thơ và nhận xét về tác dụng của chúng.

Câu 10: Trong ca dao Việt Nam, có rất nhiều câu nói về tình cảm, công ơn của cha mẹ đối với con cái. Em hãy tìm và ghi chép lại ít nhất ba câu ca dao trong số đó.

Phần II: LÀM VĂN (4 điểm)

Viết bài văn để tả cảnh gói bánh chưng ngày tết của gia đình em.

Tham khảo một số đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn:

Vậy là chúng ta đã cùng nhau hoàn thành bài Đề cương ôn thi học kì 1 Ngữ văn 6 rồi các em học sinh khối 6 thân yêu. Kiến thức ở trong bài viết đã đủ để hỗ trợ cho các em ôn thi học kỳ 1 này một cách dễ dàng hơn. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài học bổ ích, những loại câu quan trọng nữa nhé!