Đó là nhận định của TS. Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên môn Ngữ văn tại trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.
TS. Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên môn Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An.
Sau đề thi điều kiện môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2020 – 2021 với những đánh giá tích cực, dư luận đặc biệt chờ đợi đề thi môn Ngữ văn chuyên, và có lẽ sự chờ đợi ấy không vô ích.
Vẫn cấu trúc 4/6 khá quen thuộc cho hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học, đề môn Ngữ văn chuyên của thành phố Hồ Chí Minh luôn đưa tới những bất ngờ khá thú vị cho học trò, giáo viên và dư luận xã hội nói chung khi cuộc sống và văn chương luôn được khơi mở giúp khám phá ở những góc nhìn mới mẻ ngay từ cái xưa cũ. Đề văn chuyên năm 2018, luận về tấm biển treo trước cửa một hiệu sách văn học: “HIỆU THUỐC DÀNH CHO TÂM HỒN”, hay đề năm 2015 với quan niệm về thơ của Chế Lan Viên: “Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm/ Như những cây quá thắng, chim không về”… đã đem lại cảm hứng sáng tạo cho thí sinh và khơi thức xúc cảm văn chương cho dư luận nói chung.
Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 chuyên tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
Đề thi Ngữ văn chuyên năm 2020 cũng tạo bất ngờ với vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội – có nên quá coi trọng việc “được khen ngợi” hay không? Đây là vấn đề khá thiết thực với tâm lý xã hội hiện nay, cũng là vấn đề tiềm tàng những quan niệm trái chiều, những phản biện, điều rất tích cực cho tư duy độc lập của học trò. Tâm lý sư phạm luôn hướng tới những lời động viên nhằm khích lệ sự tự tin, khơi gợi những năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người… – những đề luận về giá trị của một lời động viên đúng lúc luôn rất được quan tâm và chia sẻ. Bên cạnh đó, một hiện tượng xã hội khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại, đó là những hệ lụy của sự tràn lan giấy khen, bằng khen, lời khen… trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, là một trong những nguyên nhân của bệnh thành tích khá nặng nề.
Tuy nhiên, không dừng lại ở sự đúng/ sai của sự “được khen ngợi”, ngữ liệu trong đề còn gợi ra những suy nghĩ sâu xa hơn cho học trò khi mở ra vấn đề về bản lĩnh, bản ngã cá nhân. Những thực tế trái chiều trong cuộc sống, những tầng bậc ý nghĩa có thể được gợi ra từ một ngữ liệu đắc địa, đó là mảnh đất đầy tiềm năng cho học trò thể hiện quan niệm riêng, qua đó thấy được bản lĩnh và trí tuệ của các em, đặng chọn được những học trò thực sự cho đội ngũ chuyên văn. Câu hỏi này cho thấy một bí quyết của kiểu bài nghị luận xã hội, đó là đề bài sẽ có thể tạo ra vấn đề bàn luận, phản biện hay nhất đối với một quan điểm chênh vênh giữa những chân lý đối lập.
Câu nghị luận văn học đề cập vấn đề không hề mới theo một dẫn dắt rất mới và lạ. Xuất phát từ cách hiểu khái niệm “ngôn từ” trong tiếng Nhật là “kotoba”, viết tắt của “koto no ha”, nghĩa là “chiếc lá của lời”, kế thừa ẩn dụ của nhà thơ Nhật khi phát triển ý nghĩa từ vựng trên: “Trái tim là hạt, thơ ca là lá. Hạt sinh ra lá cũng như trái tim con người sinh ra ngôn từ thơ ca”, đề bài đã đưa ra yêu cầu học trò “viết bài văn bàn luận về đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật”. Lạ, mới trong dẫn dắt, nhưng vấn đề bàn luận là cái muôn đời của thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung, và vì thế, thú vị, hấp dẫn nhưng không làm khó cho học trò.
Các em không khó để nhận ra yêu cầu bàn luận liên quan tới hai bình diện quan trọng nhất của thơ, đó là xúc cảm, là tiếng lòng nhà thơ được gửi gắm, thể hiện trong một hình thức ngôn từ phù hợp – đó là hai yếu tố thuộc về nội dung tư tưởng, tình cảm và hình thức ngôn từ, trong đó, với cấu trúc ẩn dụ trong quan niệm: “Trái tim là hạt, thơ ca là lá. Hạt sinh ra lá cũng như trái tim con người sinh ra ngôn từ thơ ca”, các em có thể dễ dàng nhận ra khởi phát là lòng người, là xúc cảm, và xúc cảm sẽ tự tìm tới sự thể hiện đắc địa trong một hình thức ngôn từ phù hợp nhất.
Cũng hai phạm trù nội dung tư tưởng, tình cảm và hình thức ngôn từ trong thơ, nhưng không bị phân tách một cách siêu hình bởi hai khái niệm “nhan sắc” và “đức hạnh”, học sinh sẽ có điều kiện thể hiện những kiến giải riêng của mình, dựa vào gợi ý của hình ảnh “chiếc lá của lời” và nhất là trải nghiệm văn học củ chính các em.
Văn chương cũng như cuộc sống, ngàn đời quen thuộc nhưng mỗi khoảnh khắc phút giây vẫn đều có thể tiềm ẩn những góc khuất mới mẻ. Điều quan trọng là cần những đôi mắt xanh khám phá, và quan trọng hơn là sự bứt mình khỏi cái đơn điệu nhạt nhòa, dám dấn thân và thay đổi, kể cả những thành tựu của chính mình.
Đề thi chuyên là đề dành cho thí sinh có nguyện vọng vào các trường chuyên, lớp chuyên, gồm 2 trường chuyên: THPT Chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Các trường THPT có lớp chuyên là THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định, THPT Nguyễn Hữu Huân và THPT Mạc Đĩnh Chi.