Theo nhận định của các giáo viên HOCMAI, cấu trúc đề thi năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước, phạm vi kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 nên phổ điểm học sinh có thể đạt là từ 6-7 điểm.
Chiều 12/7/2020, hơn 2700 thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên hoàn thành bài thi thứ 2 – môn Toán (vòng 1) với thời gian làm bài 120 phút.
Sau đây là đề thi và nhận định đề thi chi tiết môn Toán:
Đề thi vào 10 môn Toán trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên năm 2020.
Đánh giá về đề thi năm nay, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng, Giáo viên Toán – Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Cấu trúc đề thi không có sự khác biệt khi so sánh đề năm nay với các năm gần đây. Điều này cũng có thể giúp thí sinh không bị bất ngờ khi làm bài. Hình thức các bài thi hoàn toàn tương tự như 2 năm gần đây (năm 2018, 2019). Đề thi năm nay có điểm số cho từng câu, cũng sẽ giúp thí sinh kiểm soát bài làm trong khi thi được hiệu quả hơn.
Về phạm bi kiến thức, các câu hỏi nằm trong kiến thức lớp 9 là chủ yếu, một số kiến thức ở lớp 7, 8 có liên quan đến tính chất của các số nguyên, đề thi nằm trong giới hạn của chương trình đã được rút gọn trong năm học vừa qua.
Chia sẻ về đề thi môn Toán vào lớp 10 năm nay của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, thầy Nguyễn Mạnh Cường – Giáo viên môn Toán tại trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho biết:
Câu 1: Với ý 1 là hệ phương trình dùng phép thế, đưa về phương trình đẳng cấp thuần nhất rất cơ bản. Đây là ý dễ nhất trong đề thi. Ý thư 2 là phương trình vô tỷ, mà bằng cách đặt 2 căn thức làm ẩn phụ – là cách đặt quen thuộc, ta có 1 hệ phương trình khá dễ giải nhờ biến đổi.
Câu 2: Với ý thứ 1 là bài phương trình nghiệm nguyên không khó, đưa được về dạng tích thông qua các hằng đẳng thức và đặt ẩn phụ, nhưng đòi hỏi biến đổi tốt, và số liệu cũng khá cồng kềnh. Ý này nếu học sinh làm ẩu, bị sai số thì sẽ dễ bế tắc. Ý 2 là câu bất đẳng thức với số liệu rườm rà, nhưng nếu nhìn ra cách đặt ẩn phụ thì ta có 1 bài toán khá đơn giản (x =2a+3b và y= a+b)
Câu 3 là câu hình với 2 gợi ý là phần a và b. Phần a rất dễ, tạo cho học sinh hứng thú làm bài. Phần b biến đổi góc, cũng sẽ không làm khó thí sinh. Phần c dùng định lý Menelaus, nhưng cũng đủ để phân loại thí sinh.
Câu 4 là bài bất đẳng thức trông khá “trâu”, nhưng dễ dàng đơn giản hóa được bằng bất đẳng thức Schwarz. Phần sau đó đòi hỏi học sinh nắm được bất đẳng thức Schur là giải được bài toán.
“Nhìn chung đề thi không đánh đố, nhưng do đó không mới mẻ, đa phần đòi hỏi các phép đặt ẩn phụ để đưa về các bài quen thuộc. Do đòi hỏi tính toán khá nhiều, nên sẽ là là bất lợi vì kỹ năng tính toán của học sinh hiện nay chưa tốt. Khả năng các e sẽ làm được câu 1, câu 3 phần a, b; câu 2 ý 1, nên điểm phổ biến có lẽ là 6-7 điểm”, thầy Cường nhận định.