Hiểu như thế nào về 1 chương trình giáo dục nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa?

0
4507

Phụ huynh, học sinh cần hiểu đúng về vai trò của sách giáo khoa trong chương trình mới, cần hiểu rằng sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, trong khi đó chương trình mới là pháp lệnh.

Một chương trình, nhiều sách giáo khoa là xu thế chung của nền giáo dục tiến bộ 

Từ năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) bắt đầu đưa bộ sách giáo khoa (SGK) mới vào chương trình giảng dạy trên cả nước đối với lớp 1. Tiếp nối tinh thần này, từ năm học 2021 – 2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ tiếp tục được học sách giáo khoa mới. Vì vậy phụ huynh với vai trò là người đồng hành quan trọng nhất trong hành trình học tập của con cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới, cũng như cần hiểu đúng tinh thần của chủ trương: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. 

Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đang được thực hiện ở nước ta hướng đến mục đích không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, mà quan trọng hơn là trên nền tảng kiến thức và kỹ năng đó hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực thực hiện vốn đã được bàn bạc, chọn lựa một cách kỹ lưỡng, phù hợp với học sinh Việt Nam. Đây là một xu thế tiến bộ bởi học sinh đi học không chỉ để hiểu và tích lũy kiến thức, mà hơn thế nữa còn áp dụng những kiến thức đó vào học tập và đặc biệt là trong cuộc sống.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng quy định có một chương trình, nhiều SGK là xu thế chung của các nền giáo dục tiến bộ. 

GS Đỗ Đức Thái – ĐH Sư phạm Hà Nội – cũng bày tỏ quan điểm chương trình đặt mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học thì cần thiết kế mở, người dạy và học có thể sử dụng nhiều tài liệu (SGK) khác nhau trong việc dạy học. 

Với chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo

Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo

Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học và hoạt động trải nghiệm. Trong đó chương trình chính là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, chỉ có tính hướng dẫn. Vì vậy, linh hồn của cuộc đổi mới lần này tập trung vào cách tiếp cận nội dung, phương pháp giảng dạy và cách đánh giá năng lực học sinh để hướng tới phát triển năng lực người học, chú trọng việc học sinh học như thế nào. Trong khi trước đây, chỉ có một bộ sách giáo khoa thể hiện chương trình học, tập trung vào nội dung bài học, xoay quanh việc học sinh học cái gì.

Với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ cho phép giáo viên tự chủ để linh hoạt thiết kế bài giảng dựa trên chương trình, triết lý của từng trường và năng lực học tập của học sinh. Vì vậy, vai trò của người giáo viên cũng thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn: chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang tổ chức hoạt động cho học chiếm lĩnh tri thức, coi trọng dạy học phân hóa cá nhân. Còn học sinh phải thay đổi phương pháp học và tiếp cận kiến thức, nâng cao tinh thần tự chủ và tự học, năng lực tư duy và sáng tạo trong học tập, cũng như áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm đã học được vào trong đời sống thực tế. 

Dựa trên tinh thần đó của chương trình mới, hiện đã có 3 bộ SGK lớp 6 được biên soạn và đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đó là bộ Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống. 3 bộ sách giáo khoa này được biên soạn dựa trên chương trình với những mục tiêu cụ thể là giúp học sinh phát huy năng lực tự chủ và tự học suốt đời, trong đó chú trọng đến năng lực chung và các năng lực đặc thù của học sinh. Dựa trên yêu cầu chương trình, tác giả các bộ sách giáo khoa đều kế thừa, phát huy thành tựu giáo dục từ trước, trong đó có mô hình giáo dục thực nghiệm để xây dựng các bộ sách giáo khoa mới. Các bộ sách giáo khoa đều thiết kế theo hệ thống các hoạt động, chú trọng khám phá, trải nghiệm, đề cao vai trò tự học cá nhân, tăng cường thực hành vận dụng kiến thức vào đời sống.

Vì vậy phụ huynh có con chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 6 cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới để giúp con tự tin học tập tốt ngay trong năm học đầu cấp này. Giúp con có đủ thông tin và kiến thức cũng như hiểu biết về tinh thần của chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” để con thích nghi nhanh với tình hình mới, tự tin học tập trong môi trường mới.