Mở đầu môn Hóa học lớp 8, học sinh học về chất, nguyên tử và phân tử. Nhằm giúp học sinh khởi động môn học này hiệu quả ngay từ khi bắt đầu, cô Phạm Thị Thúy Ngọc – Giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã hệ thống lại những kiến thức trọng tâm cần ghi nhớ về chất, nguyên tử và phân tử. Đây là những kiến thức nền tảng quan trọng, các bạn cần nắm chắc để tiếp thu kiến thức và giải bài tập các phần tiếp theo.
Kiến thức cơ bản về Chất
Học sinh hay nhầm lẫn giữa chất và vật thể với nhau. Cần phân biệt rõ ràng hai khái niệm này:
Vật thể:
- Gồm vật thể tự nhiên, vật thể nhân tạo
- Do một hay nhiều chất tạo nên
Chất:
- Có hàng triệu chất khác nhau
- Mỗi chất có tính chất nhất định
- Có thể chuyển từ chất này sang chất khác – đây là sự biến đổi hóa học
Ngoài phân biệt về chất và vật thể, học sinh cần hiểu được hỗn hợp là gì:
- Khi có hai, ba… chất trộn lẫn với nhau sẽ tạo thành hỗn hợp.
- Hỗn hợp không có tính chất nhất định, sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi thành phần của hỗn hợp
- Hỗn hợp có thể bảo toàn về khối lượng nhưng không bảo toàn về thể tích
Những khái niệm này khá đơn giản, học sinh nên ghi nhớ theo hệ thống với các ý cơ bản nhất. Trong quá trình học cụ thể từng đơn vị kiến thức, các bạn được học sâu hơn và bổ trợ cho những phần kiến thức cốt yếu này.
Kiến thức cơ bản về Nguyên tử
Nguyên tử là hạt vô cùng nhỏ, trung hòa về điện, tạo nên các chất. Cấu tạo của nguyên tử bao gồm hạt nhân và lớp vỏ electron, trong đó:
- Hạt nhân gồm hạt proton (P) mang điện tích dương và hạt nơtron (n) không mang điện.
- Vỏ electron: chứa nhiều electron (e) mang điện tích âm
Trong nguyên tử, P = e (số hạt mang điện tích dương = số hạt mang điện tích âm) nên nguyên tử sẽ trung hòa về điện.
Phần kiến thức quan trọng trong phần này là khối lượng nguyên tử. Khối lượng nguyên tử bằng khối lượng của hạt nhân và lớp vỏ. Nhưng vì khối lượng lớp vỏ quá nhỏ nên chúng ta không tính đến, nên khối lượng nguyên tử sẽ coi như bằng khối lượng hạt nhân. Nó là giá trị tương đối.
Công thức: m(NT) = m(P) + m(n)
Kiến thức về Nguyên tố hóa học
Nguyên tố hóa học là tập hợp các nguyên tử cùng loại có cùng số proton trong hạt nhân. Số proton (P) là số đặc trưng của một nguyên tố hóa học.
Mỗi nguyên tố được viết dưới dạng một kí hiệu hóa học. Trong khi viết ký hiệu hóa học, các bạn lưu ý dùng các chữ cái, trong đó chữ cái đầu viết dạng in hoa, chữ cái thứ hai viết thường. Ngay từ khi bắt đầu học môn Hóa, học sinh cần ký hiệu cẩn thận để tránh mất điểm trong bài thi, bài kiểm tra.
Một khái niệm mới các bạn được tiếp cận trong phần này là nguyên tử khối. Cần ghi nhớ rằng nguyên tử khối được tính bằng đơn vị cacbon.
Kiến thức về Đơn chất, Hợp chất, Phân tử
- Đơn chất là chất tạo nên từ một nguyên tố hóa học.
Ví dụ: Cl2, O2, H2
- Hợp chất là chất được tạo nên từ hai hay nhiều nguyên tố hóa học.
Ví dụ: H2O, CaCO3, H2SO4,…
- Phân tử:
Là hạt đại diện cho chất mang đầy đủ tính chất hóa học của chất.
Phân tử khối là kiến thức trọng tâm của phần này. Phân tử khối là khối lượng của một phân tử, bằng tổng khối lượng của các nguyên tử trong phân tử và được tính bằng đơn vị cacbon.
Ví dụ: PTK Cl2 = 35,5 x 2 = 70 (đv C)
PTK CaCO3 = 40 + 12 + 16 x 3 = 100 (đv C)
- Hóa trị: là con số biểu thị khả năng liên kết của nguyên tử của nguyên tố này với nguyên tử của nguyên tố khác
Quy tắc hóa trị: Cho AxBy, gọi a là hóa trị của A, b là hóa trị của B thì tích giữa chỉ số và hóa trị của nguyên tố này bằng tích giữa chỉ số và hóa trị của nguyên tố kia. Với quy tắc hóa trị ta sẽ đi tìm công thức hóa học của một hợp chất, nghĩa là tìm ra chỉ số x và y. Muốn tìm được x và y ta phải thuộc hóa trị a và b.
Cô Ngọc chỉ ra lỗi thường gây mất điểm của học sinh trong phần tính toán này. Học sinh thường không nhớ được nguyên tử khối hay hóa trị của nguyên tố là bao nhiêu. Vì vậy, không biết áp dụng vào công thức để tính toán.
Nhiều bạn nghĩ rằng khi đi thi đề bài sẽ cho sẵn nguyên tử khối hay hóa trị nên chủ quan không cần ghi nhớ. Nhưng nếu nhớ được nguyên tử khối hay hóa trị của các nguyên tố thông thường thì sẽ giúp học sinh tư duy nhanh, giải chính xác bài tập, tận dụng tốt thời gian trong phòng thi.
Từ đó, cô Ngọc gợi ý phương pháp ghi nhớ nguyên tử khối và hóa trị của nguyên tử hiệu quả cho học sinh tham khảo. Đó là học thuộc như học từ mới trong ngoại ngữ. Các bạn vẽ bảng, mỗi cột lần lượt là tên nguyên tố, ký hiệu hóa học, nguyên tử khối, hóa trị. Sau đó, luyện tập ghi nhớ bằng cách giấu từng cột đi, chỉ để lại những cột khác để tư duy xem cần điền gì. Ở lớp 8 chúng ta chỉ học khoảng 20 nguyên tố đầu là nguyên tố quen thuộc xuất hiện nhiều lần. Việc ghi nhớ không quá khó khăn nếu học sinh chăm chỉ làm nhiều bài tập và áp dụng phương pháp học theo bảng.
Tất cả phần kiến thức nền tảng về chất, nguyên tử, phân tử rất quan trọng. Học sinh bắt buộc phải ghi nhớ để làm bài tập và tiếp thu các phần kiến thức tiếp theo. Để được học cụ thể về từng đơn vị kiến thức, học sinh hãy tham khảo khóa học online môn Hóa học lớp 8 do cô Ngọc trực tiếp giảng dạy tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Với môn học hoàn toàn mới này, HOCMAI sẽ cùng đồng hành với các bạn để có phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục điểm cao trong năm học mới!
>>> Phụ huynh và học sinh để lại thông tin để được tư vấn và HỌC THỬ MIỄN PHÍ môn Hóa 8 tại: https://hocmai.link/Hoa8kienthucnentangchuongI
Với mong muốn đồng hành cùng học sinh học giỏi toàn diện các môn từ lớp 6-9 trong năm học mới, HOCMAI xây dựng Chương trình Học tốt 2020-2021 là khóa học online tại nhà. Chương trình bao gồm hệ thống bài giảng bám sát sách giáo khoa cùng lộ trình học bài bản, các thầy cô tâm huyết, giàu kinh nghiệm, phong cách giảng dạy sáng tạo kích thích tư duy của học sinh. Đồng thời, với khóa học online tại HOCMAI, phụ huynh cũng có thể sát sao đồng hành giúp con tiến bộ từng ngày, từ đó gặt hái được thành tích cao trong năm học mới!
Đăng ký chương trình Học Tốt 2020 – 2021
Thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy gọi ngay hotline 0936 5858 12 để được tư vấn miễn phí. |