Học chủ động là cách học ưu việt giúp học sinh dễ thành công hơn trong tương lai

0
1881

Việc học tập của học sinh Việt Nam bao lâu nay vẫn bị chỉ trích là “thụ động”. Phần lớn các bạn vẫn chưa ý thức được việc không học chủ động sẽ ảnh hưởng đến con đường tương lai như thế nào.

Đã đến lúc thay đổi cách học

Trong những năm gần đây, sinh viên Việt Nam thường bị chỉ trích là học thụ động: không đọc tài liệu, tìm hiểu về bài học trước khi đến lớp nghe giảng, ngại đặt câu hỏi, phát biểu xây dựng bài… Thực tế mà nói, hiện tượng học thụ động của sinh viên Việt Nam đã có từ thời phổ thông, tuy nhiên chỉ đến khi lên đại học học sinh mới thấy rõ hậu quả nghiêm trọng của nó.

Học sinh cần tự mình rèn luyện việc học chủ động ngày từ bậc THPT.

Thầy Nguyễn Thành Công – giáo viên tại THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Nhiều học sinh của mình vẫn giữ thói quen từ cấp 2, cấp 3 là đến lớp cứ nhăm nhe thầy cô bảo gì là chép ngay ra vở. Mình luôn khuyến khích các em đứng lên phản biện lại thầy cô, nhưng hầu hết các em vẫn ngần ngại vì một phần là sợ bạn bè chê cười, phần khác là do chưa chuẩn bị bài trước khi lên lớp nên cũng không biết gì để phản biện. Có lẽ vì phải nhồi nhét kiến thức trên trường lẫn đi học thêm nhiều quá, việc học đối với các em giống như chỉ để đối phó với các bài kiểm tra. Việc nào có thể tự mình lựa chọn như việc chuẩn bị bài trước khi lên lớp thì học sinh gần như không làm”.

Tiến sĩ Lê Bá Trần Phương, Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định rằng ngay từ thời phổ thông, phần lớn học sinh đều có thói quen học thụ động nên khi lên đại học đã thành cái nếp, rất khó thay đổi. Hậu quả của việc này là học sinh thường bị “sốc” và tuột dốc ngay khi vào đại học. Việc này thường kéo dài từ 2 đến 3 năm học, sau đó các bạn mới có thể dần quen với cách học tự nghiên cứu ở đây, tuy nhiên lúc này thì đã quá muộn để có thể vớt vát điểm số.

Có thể thấy, thói quen học thụ động từ thời phổ thông có ảnh hưởng rất lớn tới con đường học tập của học sinh khi lên đại học. Nếu không muốn mình bị tuột dốc trong tương lai, học sinh Việt Nam buộc phải tự rèn luyện cho mình thói quen học chủ động ngay từ những ngày đầu phổ thông.

Học chủ động: Phương pháp học ưu việt

Theo Gs. Edgar Dale (Đại học Bang Ohio, Mỹ), học chủ động là chúng ta có chủ đích tiếp nhận thông tin và diễn giải thông tin đó theo cách chúng ta hiểu đồng thời áp dụng nó vào thực tế. Ngược lại, việc học thụ động là chúng ta bị động tiếp nhận thông tin và không phản hồi lại thông tin đó – đây cũng là cách học mà phần lớn học sinh Việt Nam hiện nay đang thực hiện.

Nguồn: Bảng tháp năng lực học tập của Giáo sư Edgar Dale.

Với cách học chủ động, học sinh có thể dễ dàng loại bỏ được những khuyết điểm của học thụ động. Nếu như khi học thụ động, học sinh chỉ đón nhận kiến thức một chiều, không cần động não suy nghĩ thì học chủ động lại hoàn toàn ngược lại: học sinh sẽ cần tự mình tìm kiếm, tổng hợp, phân loại kiến thức thông qua sách vở, tài liệu, internet

Không những thế, khi lựa chọn cho mình con đường học chủ động, học sinh còn có thể tự mình sắp xếp kế hoạch học tập của bản thân, không như học thụ động phải phụ thuộc vào tiến độ của chương trình học trên lớp. Điều này có thể giúp các bạn rút ngắn thời gian học lí thuyết, đồng thời tăng cường thời gian rèn luyện bài tập, qua đó dễ dàng giành điểm số cao trong các bài kiểm tra, bài thi.

Điều giá trị nhất của việc học chủ động phải kể đến đó chính là hình thành thói quen tự giác, ý thức kỉ luật bản thân cho học sinh

Hiện nay, việc học chủ động đã trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi ngay từ các cấp Tiểu học, THCS và đặc biệt ở cấp THPT. Thông qua việc học video bài giảng trên internet, học sinh dễ dàng rút ngắn thời gian học lí thuyết và có thêm thời gian cho việc rèn luyện, thực hành kiến thức đã học vào bài tập thực tế. Học sinh còn thường xuyên được kết nối, trao đổi bài với thầy cô, bạn bè thông qua các tính năng hỗ trợ. Không chỉ thế, học sinh còn được tự xây dựng lộ trình học tập cho bản thân và được hệ thống nhắc nhở, báo cáo kết quả học tập định kì.

Một trong những đơn vị tiên phong về cung cấp các khóa học trực tuyến dành cho cấp phổ thông ở Việt Nam hiện nay là Hệ thống giáo dục HOCMAI. Với slogan “Học chủ động – Sống tích cực”, HOCMAI hiện có cộng đồng học sinh học trực tuyến vô cùng sôi động.

(Theo Hoahoctro)