Ở chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng để dạy & học cho học sinh khối 6 kể từ năm học 2021 – 2022 sắp tới đây, học sinh tiếp thu bài giảng sẽ không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết suông mà sẽ có cơ hội được liên hệ, tìm hiểu các thông tin ở ngay trong thực tế có liên quan mật thiết đến bài học. Chẳng hạn, việc “Biến đổi khí hậu” được đưa vào nội dung học của sách giáo khoa sẽ giúp các em nhận thức được những vấn đề nghiêm trọng mà Trái Đất của chúng ta đang phải đối mặt, từ đó sớm hình thành ý thức, thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày để bảo vệ môi trường.
Dưới đây là video bài giảng “Khí hậu và biến đổi khí hậu” – môn Lịch sử và Địa lí 6 của thầy Hoàng Xuân Chinh. Phụ huynh và học sinh quan tâm cùng theo dõi và tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Chi tiết video bài giảng của thầy Chinh:
I/ Khí quyển, các khối khí. Khí áp và gió
1. Khí quyển
a. Các tầng khí quyển
Ở phần này, thầy Chinh trình chiếu hình ảnh minh họa về các tầng khí quyển của Trái Đất để học sinh dễ hình dung hơn. Khí quyển có cấu trúc bao gồm 3 tầng, đó là tầng đối lưu (là nơi mà chúng ta đang sinh sống; tầng bình lưu và các tầng cao của khí quyển.
Ở mỗi tầng khí quyển lại mang những đặc điểm rất riêng biệt. Thầy Chinh đã giảng giải cụ thể kiến thức về từng tầng như sau:
– Tầng đối lưu:
- Độ dày từ 0 đến 16 km
- Không khí chuyển động theo chiều thẳng đứng
- Nơi sinh ra các hiện tượng tự nhiên như nắng, mây, mưa, sấm, chớp,…
- Nhiệt độ giảm dần khi lên cao (cứ lên cao 100m, nhiệt độ sẽ giảm 0,60C)
Thầy Chinh đặc biệt lưu ý một trong những đặc điểm quan trọng nhất của tầng đối lưu, đó là bởi vì đây cũng là nơi mà con người sinh sống, nên chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng quan sát được tất cả các hiện tượng tự nhiên diễn ra hàng ngày.
Ngoài ra, đặc điểm “nhiệt độ giảm dần khi lên cao” cũng lý giải được cho câu hỏi tại sao Việt Nam là một nước nhiệt đới nhưng lại có một số nơi khí hậu mát mẻ quanh năm như Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc),…
Thầy Chính phân tích rõ hơn với trường hợp của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên – cao nguyên có độ cao trên 2000m so với mực nước biển. Mà cứ lên cao 100m, nhiệt độ sẽ giảm 0,60C nên Đà Lạt có một sự chênh lệch lớn về nhiệt độ so với các địa điểm khác. Nhờ đó mà thành phố Đà Lạt luôn có khí hậu mát mẻ quanh năm do tác động của độ cao địa hình (chứ không phải vì chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc giống như khu vực Bắc Bộ).
– Tầng bình lưu:
- Độ dày từ 16 – 80 km
- Có lớp ô dôn ngăn cản tia bức xạ, giúp bảo vệ bầu không khí của Trái Đất khỏi sức nóng của Mặt Trời.
- Không khí khô và chuyển động theo luồng ngang
- Càng lên cao nhiệt độ càng tăng
– Các tầng cao của khí quyển:
- Độ dày từ 80 đến trên 300 km
- Ít ảnh hưởng trực tiếp đến tự nhiên và con người
b. Thành phần của không khí
Ở trong không khí, những chất khí quan trọng nhất và chiếm thành phần lớn nhất là:
- Khí Nitơ: chiếm 78%
- Khí Ôxi: chiếm 21%
- Hơi nước và khí khác (cacbonic, metan,…): 1%
c. Các khối khí
Có nhiều cách để phân chia các khối khí trên Trái Đất. Ở trong bài giảng thì thầy Chinh hướng dẫn các bạn học sinh dựa vào vĩ độ, nhiệt độ và bề mặt tiếp xúc để phân chia. Cụ thể:
– Dựa vào vĩ độ:
- Xích đạo
- Nhiệt đới
- Ôn đới lạnh
- Cực
– Dựa vào nhiệt độ:
- Khối khí nóng
- Khối khí lạnh
– Dựa vào bề mặt tiếp xúc:
- Khối khí lục địa: hình thành trong lục địa, nơi có nhiệt độ không khí cao, độ ẩm thấp
- Khối khí đại dương: hình thành trên các biển và đại dương – nơi có nhiệt độ & độ ẩm không khí cao hơn.
2. Khí áp và gió
a. Khí áp
Dựa vào sơ đồ mà thầy Chinh trình chiếu trong bài giảng, học sinh có thể tự nhận thấy trên Trái Đất có 4 vành đai áp cao và 3 vành đai áp thấp xen kẽ nhau, được phân bố ở các vĩ độ:
- Vành đai áp thấp: 00(xích đạo), 600Bắc, 600Nam
- Vành đai áp cao: 300 Bắc, 300 Nam, cực Bắc và cực Nam
Và để đo được khí áp trên Trái Đất, người ta sẽ sử dụng dụng cụ đo là: Khí áp kế.
b. Gió
Nhìn vào sơ đồ mà thầy Chinh minh họa trong bài giảng, học sinh hoàn toàn có thể ghi nhớ được tên các loại gió hoạt động thường xuyên trên Trái Đất, đó là:
- Gió mậu dịch:
Hoạt động trong khoảng 00(xích đạo) đến vĩ độ 300Bắc và 300Nam.
Vì vậy nên ở lãnh thổ Việt Nam gió mậu dịch sẽ hoạt động chủ yếu.
- Gió Tây ôn đới
- Gió Đông cực
Lưu ý: Gió mậu dịch còn có tên gọi khác là gió tín phong.
II/ Nhiệt độ và mưa. Thời tiết và khí hậu
1. Nhiệt độ không khí
- Nhiệt độ thay đổi theo vĩ độ.
- Sự hấp thụ và tỏa nhiệt của đất và nước khác nhau.
2. Độ ẩm không khí. Mưa
- Quá trình hình thành mưa:
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, hơi nước từ biển và đại dương sẽ bốc hơi lên. Và khi bốc hơi lên đến một độ cao nhất định từ 2 đến 10 km, nhiệt độ không khí lúc này đã giảm nên hơi nước sẽ ngưng tụ thành các đám mây. Quá trình bay hơi – ngưng tụ như vậy diễn ra liên tục, cho đến khi các đám mây rơi vào trạng thái bão hòa sẽ hình thành nên hiện tượng mưa.
- Lượng mưa trên Trái Đất không đồng đều:
Ví dụ:
Các khu vực sâu trong lục địa sẽ có lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với khu vực ven biển
3. Thời tiết và khí hậu
Ở phần này thầy Chinh đặt ra câu hỏi mở cho các bạn học sinh thử suy nghĩ trước khi đưa ra khái niệm: “Theo các em, thời tiết và khí hậu, 2 khái niệm này khác nhau như thế nào?”.
Theo đó, thầy giảng giải:
– Thời tiết:
Là trạng thái khí quyển tại một thời điểm nhất định. Xác định bằng các yếu tố (nắng, mưa, gió, mây,…). Diễn ra hằng ngày, có sự thay đổi nhanh theo thời gian.
– Khí hậu:
Là sự lặp lại của điều kiện thời tiết trong nhiều năm. Có tính quy luật và ở mỗi khu vực lại có những đặc điểm riêng biệt.
4. Các đới khí hậu trên Trái Đất
Trái Đất của chúng ta có 3 đới khí hậu chính, đó là:
– Đới nóng (Nhiệt đới): phân bố giữa 2 đường chí tuyến 23027′B và 23027′N
– 2 đới ôn hòa (Ôn đới), phân bố ở:
- Từ 23027′B đến 66033′B
- Từ 23027′N đến 66033′N
– 2 đới lạnh (Hàn đới), phân bố ở:
- Từ 66033′B đến cực Bắc
- Từ 66033′N đến cực Nam
III/ Biến đổi khí hậu
Trong những năm gần đây, cụm từ “biến đổi khí hậu” xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, đây sẽ là nội dung mở được đưa vào bài học, do đó đòi hỏi học sinh phải chủ động dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu.
Ở trong video bài giảng, thầy Chinh đã đặt ra 4 câu hỏi làm phương hướng cho học sinh khi tự tìm hiểu về nội dung này, đó là:
- Biến đổi khí hậu là gì?
- Biến đổi khí hậu đang diễn ra như thế nào trên Trái Đất?
- Biến đổi khí hậu tác động đến các quốc gia như thế nào?
- Việt Nam có chịu tác động của biến đổi khí hậu hay không?
Sau khi đặt ra các câu hỏi, thầy Chinh đã chủ động giúp học sinh tìm ra đáp án cho câu cuối cùng. Theo đó, thầy đặc biệt lưu ý rằng học sinh cần nhận thức được “Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu”.
Biểu hiện của việc này chính biến đổi xung quanh cuộc sống của chúng ta:
- Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ không khí
- Các thiên tai (bão, lũ lụt, sạt lở,…) xảy ra ngày một nhiều hơn ở Việt Nam.
- Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long: xuất hiện các hiện tượng sạt lở bờ biển, nước biển dâng lên, sạt lở, xâm nhập mặn,… ngày càng nhiều.
Cuối bài học, thầy Chinh không quên đưa ra một số giải pháp để ứng phó và khuyến khích các bạn học sinh chú ý hình thành thói quen tốt để hạn chế bớt tác động xấu của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như:
- Tiết kiệm điện
- Giảm thiểu chất thải
- Trồng cây xanh
Trên đây là những kiến thức vô cùng hữu ích và thú vị trong bài giảng về “Khí hậu và biến đổi khí hậu”, môn Lịch sử và Địa lí lớp 6 mà thầy Hoàng Xuân Chinh đã chia sẻ.
Phụ huynh có con sắp vào cấp hai còn đang băn khoăn, lo lắng về những đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 tới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 mới của HOCMAI. Chương trình sẽ là giải pháp học tập toàn diện giúp teen 2k10 chuẩn bị kiến thức từ hè và sẵn sàng trước những đổi mới của sách giáo khoa và chương trình học khi bước vào năm học mới.
Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy liên hệ Hotline 093 658 5812 hoặc ĐĂNG KÝ NGAY TẠI ĐÂY để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ !