Hướng dẫn kỹ năng làm bài văn tự sự hay – Ngữ văn 9

0
18549

Trong phần tập làm văn của chương trình Ngữ văn lớp 9, học sinh chủ yếu học về cách viết bài văn tự sự. Để giành điểm cao phần này, học sinh cần có kỹ năng và phương pháp làm bài đúng. Học sinh hãy theo dõi bài viết dưới đây để xem hướng dẫn chi tiết từ cô Đỗ Khánh Phượng.

>>>> Xem video bài giảng tại đây:

Tự sự là gì?

Tự sự là một chuỗi các sự việc, sự việc nọ nối tiếp sự việc kia để dẫn đến một kết thúc có ý nghĩa. Bản chất khác biệt lớn nhất của tự sự với biểu cảm, miêu tả chính là chuỗi các sự việc.

Muốn là bài văn tự sự hay, trước tiên học sinh phải hiểu định nghĩa tự sự

Kỹ năng làm bài văn tự sự hay

Xác định thể loại, tìm sự việc

Cô Đỗ Khánh Phượng cho biết không phải kể chuyện nào cũng giống nhau mà có rất nhiều hình thức kể chuyện khác nhau. Ví dụ, với yêu cầu của đề bài là kể lại chuyện “Tấm Cám” hoặc truyện “Con Rồng cháu Tiên” tức là học sinh sẽ kể lại những câu chuyện có sẵn. Học sinh sẽ tìm những sự việc đã xuất hiện trong tác phẩm và chính những sự việc đó sẽ giúp học sinh tóm tắt một tác phẩm. Đây là loại thứ nhất, cũng là loại dễ nhất trong phần làm bài văn tự sự.

Cần xác định rõ thể loại và tìm sự việc để làm được bài văn tự sự hay

Loại thứ hai với mức độ cao hơn, đó là kể lại những chuyện không có sẵn. Ví dụ, đề bài yêu cầu: “Em hãy kể về ông em/kể về cuộc gặp gỡ của em với một nhân vật tưởng tượng/kể về em trong tương lai…”. Với những câu chuyện không có sẵn, học sinh phải thiết kế những sự việc và những sự việc đó phải là những sự việc có vấn đề, thậm chí có thể bộc lộ được tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của người viết.

Sắp xếp các sự việc theo một trình tự nhất định

Việc sắp xếp các sự việc theo một trình tự rất quan trọng. Bởi đôi khi học sinh viết rất tùy hứng, trình tự nào cũng được. Tuy nhiên, đã là một câu chuyện thì phải theo đúng trình tự. Có 3 trình tự sắp xếp sự việc thường gặp, đó là: Trình tự thời gian, trình tự không gian và đảo lộn trình tự thời gian.

Để giúp học sinh lựa chọn được trình tự phù hợp, cô có đưa ra lời khuyên rằng: “Những bạn học lực trung bình, chúng ta nên lựa chọn theo trình tự thời gian. Những bạn học khá, có thể lựa chọn theo trình tự không gian. Còn đối với những bạn giỏi, các bạn nên sáng tạo trình tự để giúp bài văn thêm hấp dẫn và độc đáo.”

Sắp xếp các sự việc theo trình tự là một trong những chìa khóa quan trọng để làm tốt bài văn tự sự 

Bên cạnh đó, khi sắp xếp các sự việc thì phải xác định được sự việc nào là tình huống truyện. Bởi tình huống truyện là một lát cắt nhưng qua đó tính cách, số phận và hoàn cảnh nhân vật được nổi rõ. Vậy nên, học sinh cần cố gắng tìm cho mình một tình huống quan trọng để xây dựng nó thành tình huống truyện, như thế bài văn tự sự sẽ rất nổi bật.

Tìm nhân vật cho câu chuyện

Trong bài văn tự sự, học sinh cần xác định ai là nhân vật chính và ai là nhân vật phụ, bởi chính các nhân vật này sẽ giúp làm nổi bật được ý đồ nghệ thuật của bài văn, cũng như hướng đến vấn đề cần nghị luận mà đề văn yêu cầu.

Nhân vật là một trong những yếu tố then chốt tạo nên một bài văn tự sự hay

Ví dụ, bài văn tự sự kể về ông thì nhân vật chính sẽ là người ông, nhưng một câu chuyện mà chỉ có mình nhân vật người ông thì sẽ không còn hấp dẫn. Học sinh nên xây dựng một hệ thống nhân vật phụ xung quanh để làm nổi bật tính cách, tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật chính. Và những nhân vật phụ đó có thể được gọi tên hoặc không, nhưng đối với một nhân vật phải lưu ý đến các yếu tố:

  • Xuất thân: Giới thiệu hoặc có thể có một câu chuyện làm nổi bật xuất thân của nhân vật.
  • Ngoại hình: Không được nhầm lẫn giữa ngoại hình kể và ngoại hình tả.
  • Hành động, tính cách, số phận, lời thoại.

Chọn ngôi kể

Ngôi kể sẽ tác động rất nhiều đến cách triển khai một bài văn tự sự

Chọn ngôi kể thứ nhất hay thứ ba phụ thuộc vào yêu cầu của đề bài, ví dụ: “Em hãy đóng vai nhân vật bé Thu để kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà” thì chắc chắn học sinh sẽ phải kể lại theo ngôi thứ nhất. Nhưng nếu đề bài không đưa ra yêu cầu cụ thể thì học sinh vẫn có quyền lựa chọn ngôi kể.

Trong văn tự sự việc lựa chọn ngôi kể phù hợp rất quan trọng, bởi ngôi kể thứ nhất sẽ tạo nên màu sắc chủ quan, còn ngôi kể thứ ba thì lại khách quan và dễ bình luận hơn.

Kết hợp với các phương thức biểu đạt

Một bài văn tự sự hay là bài văn kết hợp hài hòa các phương thức biểu đạt

Nếu tự sự chỉ đơn thuần là tự sự thì có nghĩa học sinh chỉ đang xây dựng một cốt truyện, mà cốt truyện thì bản thân nó rất khô khan, nhàm chán và không thu hút người đọc. Vì vậy, trong bài văn tự sự, học sinh cần phải kết hợp linh hoạt với các phương thức biểu đạt khác như biểu cảm, miêu tả,… để bài văn thêm sinh động và hấp dẫn.

Lựa chọn từ ngữ

Để làm bài văn tự sự hay, học sinh cần tích lũy cho mình vốn từ vựng phong phú

Tiếng Việt rất đa dạng, từ ngữ trong tiếng Việt cũng vô cùng phong phú. Ví dụ, từ “vợ” gọi một cách trang trọng thì là “phu nhân”, gọi tình cảm thì sử dụng “mình ơi”. Hoặc từ “chết”, trang trọng thì sử dụng từ “hy sinh”, thể hiện sự tiếc nuối thì sử dụng từ “khuất núi”.

Từ đó, có thể thấy, việc lựa chọn từ ngữ trong những cuộc đối thoại, độc thoại của nhân vật là vô cùng quan trọng. Ngoại hình, hành động, tính cách,… của nhân vật sẽ được thể hiện sâu sắc hơn khi học sinh biết lựa chọn từ ngữ một cách sinh động.

Trên đây là những hướng dẫn của cô Đỗ Khánh Phượng nhằm giúp học sinh biết cách viết một bài văn tự sự thông qua các thao tác, kỹ năng cơ bản. Học sinh tham khảo ngay, kết hợp với luyện tập thường xuyên để rèn kỹ năng viết, tăng cơ hội giành điểm cao khi gặp các dạng bài này trong đề thi, đề kiểm tra.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2020 – 2021, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có thể tham khảo những khóa học Ngữ Văn của cô Đỗ Khánh Phượng trong Chương trình Học tốt 2020 – 2021 của HOCMAI.

Đặc biệt, với các teen 2k6 chưa nắm vững các kỹ năng viết bài văn tự sự thì hãy tận dụng kỳ nghỉ hè này để tham gia khóa học Ngữ văn 9 do cô Phượng trực tiếp giảng dạy. Việc chuẩn bị sớm những kiến thức cho năm học cuối cấp sẽ giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, đồng thời giảm bớt những áp lực, căng thẳng trước kỳ thi vào 10.

Đăng ký chương trình Học Tốt 2020 – 2021 

  • Trang bị kiến thức toàn diện với hệ thống bài giảng bám sát SGK, thay thế việc học thêm.
  • Hệ thống đề kiểm tra và bài tập tự luyện có ĐÁP ÁN và HƯỚNG DẪN GIẢI.
  • Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm giảng dạy.
  • Giúp học sinh tăng cơ hội giành điểm 9 – 10 trong các bài thi, bài kiểm tra.

Thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy gọi ngay hotline 0936 5858 12 để được tư vấn miễn phí.