Khoa học tự nhiên lớp 6: Thực hành “Tạo dấu vân tay vi khuẩn” cùng cô Dương Thu Hà

0
2569

Thế giới vi khuẩn vô cùng đa dạng và phong phú. Vi khuẩn có kích thước siêu nhỏ, luôn hiện hữu vô hình xung quanh chúng ta (trong môi trường đất, môi trường nước, trên chính cơ thể sinh vật và con người,…). Bài học thực hành “Tạo dấu vân tay vi khuẩn” của cô Dương Thu Hà sẽ giúp các bạn học sinh lớp 6 có cơ hội được khám phá hình thái vi khuẩn ở các vị trí khác nhau trên cơ thể con người. Phụ huynh và học sinh theo dõi, tham khảo bài viết dưới đây để cùng khám phá thế giới khoa học tự nhiên nhé.

Trong bài học thực hành này, cô Thu Hà sẽ hướng dẫn học sinh quan sát hình thái vi khuẩn ở các vị trí trong khoang mũi, trong hơi thở và trên bàn tay của chúng ta. Tùy theo sở thích cá nhân mà từng bạn học sinh có thể lấy vi khuẩn ở các vị trí khác nhau trên cơ thể để khám phá hình thái của chúng.

Cô Hà không quên dặn dò học sinh nhớ lưu ý đeo găng tay bảo hộ để tiến hành thí nghiệm. Những vật liệu cần dùng gồm có:

– Nước lọc
– Nước đậu nành
– Bột rau câu
– Muối

Các vật liệu cô Hà chuẩn bị cho thí nghiệm (từ trái qua phải): nước lọc, sữa đậu nành, bột rau câu và muối

Bên cạnh đó, tiến hành thí nghiệm cũng cần chuẩn bị một số dụng cụ sau:

– 1 cái bếp
– 1 cái xoong
– Băng dính
– 1 cốc thủy tinh
– Bông tăm
– 3 đĩa petri dùng để nuôi cấy vi khuẩn
– 1 đôi đũa
– 1 chiếc thìa nhỏ
– Bút, kéo
– 1 chiếc hộp giấy (có thể tận dụng các loại hộp giấy có sẵn trong gia đình)

Dụng cụ cần chuẩn bị cho bài thực hành.

Trước khi tiến hành thí nghiệm, cô Hà có một “cảnh báo”, các bạn học sinh cần đặc biệt lưu ý: “Khi chúng ta sử dụng lửa, nước nóng cần hết sức cẩn thận để tránh bị bỏng. Bên cạnh đó, khi sử dụng các dụng cụ bằng thủy cần phải nhẹ nhàng khi cầm lên, đặt xuống, tránh việc dụng cụ bị rơi, vỡ có thể gây nguy hiểm (như đứt tay, chảy máu,…). Trong quá trình làm thí nghiệm cần chú tâm, khéo léo, lần đầu có thể còn những bỡ ngỡ nhưng các em hãy cố gắng làm lặp đi lặp lại, qua đó sẽ giúp hình thành các kĩ năng thí nghiệm vô cùng hữu ích”.

1. Thanh trùng dụng cụ

Bước đầu tiên trong quá trình làm thí nghiệm chính là việc thanh trùng các dụng cụ dùng để nuôi cấy vi khuẩn. Cách thanh trùng đơn giản nhất là sử dụng nước nóng ở nhiệt độ cao (khoảng 100 độ C), sau đó cho các dụng cụ vào thanh trùng, khi đó vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt. Học sinh hãy cho nước vào trong xoong và sử dụng bếp để đun sôi lên nhé.

Với dụng cụ đĩa petri, cô Hà lưu ý học sinh cần kiểm tra kĩ xem đĩa được làm từ vật liệu là thủy tinh hay nhựa, bởi:

  • Nếu làm từ thủy tinh thì có thể thanh trùng bằng cách cho vào nước đun sôi, để từ 5 – 7 phút sau đó vớt ra ngoài.
  • Nếu làm từ nhựa thì không thể để quá lâu (bởi nếu để lâu dưới nhiệt độ cao thì dụng cụ có thể bị cong, chảy, tan ra). Do đó, riêng với dụng cụ bằng nhựa, khi thanh trùng bằng nước sôi cần vớt ra ngay lập tức sau khi thả vào.
Cô Hà tiến hành thanh trùng các đĩa petri.
Sau khi thanh trùng cần úp các đĩa petri xuống và để dụng cụ khô tự nhiên (lưu ý: không sử dụng giấy/ khăn để lau khô đĩa, vì nếu làm vậy sẽ khiến vi khuẩn nhiễm trở lại)

2. Tạo môi trường nuôi cấy vi khuẩn 

Mỗi vi khuẩn sẽ có thể sống ở trong các điều kiện môi trường khác nhau. Tuy nhiên, đối với những vi khuẩn ở ngay xung quanh chúng ta thì hoàn toàn có thể sử dụng môi trường nuôi cấy từ nguyên liệu sẵn có và để ở điều kiện nhiệt độ phòng; ánh sáng, độ ẩm bình thường. 

Để tiến hành pha chế nguyên liệu tạo môi trường nuôi cấy vi khuẩn, cần có:

– 300ml nước đậu
– 300ml nước lọc

Đổ 300ml nước lọc vào xoong, sau đó cho tiếp 300 ml nước đậu vào. Tiếp đến, sử dụng thìa để đong bột rau câu. Mỗi thìa tương ứng với khoảng 4 gam, lấy 3 thìa. Tiếp tục cho 3 thìa muối cho vào xoong. Cuối cùng sử dụng đũa để khuấy đều hỗn hợp trong xoong lên, đến khi hòa tan xong rồi thì tiến hành đun. 

Lưu ý: Để tránh bột rau câu bị vón cục, dẫn đến môi trường nuôi cấy không đồng nhất làm cho vi khuẩn khó sinh trưởng và phát triển, thì trong quá trình đun cần dùng đũa khoắng liên tục vào hỗn hợp.

Cần vừa đun, vừa dùng đũa khoắng liên tục để bột rau câu không bị vón cục.

Cô Hà giảng giải: “Ở đây nguồn dinh dưỡng chủ yếu có trong thành phần của nước đậu nành. Đây chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp ích cho sự phát triển của vi khuẩn”.

Ngay khi hỗn hợp trong xoong đã sôi thì vẫn tiếp tục đun trong khoảng từ 5-7 phút để cho tất cả các nguyên liệu hòa tan hoàn toàn vào với nhau. Đun đến khi hỗn hợp trở thành một dung dịch đặc và sánh lại thì tắt bếp.

Trong lúc chờ bột rau câu và nước đậu nành hòa tan hoàn toàn vào với nhau thì cần tiến hành đánh dấu các hộp môi trường mà dùng để tiến hành nuôi cấy.

Trong bài học thực hành “Tạo dấu vân tay vi khuẩn”, cô Hà sẽ nuôi cấy vi khuẩn ở 3 vị trí khác nhau trên cơ thể con người, đó là: trong khoang mũi, trong hơi thở và trên bàn tay. Lúc này, các bạn học sinh hãy sử dụng chiếc bút đã chuẩn bị để ghi/ ký hiệu/ đánh dấu lên bề mặt từng hộp petri.

Cô Hà đánh dấu để phân biệt hộp petri nuôi cấy vi khuẩn trên tay, làm tương tự với hộp petri nuôi cấy vi khuẩn trong hơi thở và trong khoang mũi.

Chờ cho dung dịch trong xoong nguội bớt (nhưng lưu ý tránh để nguội quá vì khi ấy dung dịch sẽ bị đông tụ lại) thì tiến hành đổ vào cốc thủy tinh.

Đổ hỗn hợp hòa tan trong xoong vào cốc thủy tinh.

Dùng tay thử sờ nhẹ bên ngoài thành cốc, nếu nhiệt độ của hỗn hợp đã nguội bớt xuống mức làn da chúng ta có thể chịu đựng được thì đổ ra 3 đĩa petri đã đánh dấu. 

Hỗn hợp có màu đặc trưng là vàng trong.
Sau vài phút, nếu dung dịch trong đĩa đông đặc lại, bề mặt các phần đều nhau và không có hiện tượng vón cục của bột rau câu thì đĩa môi trường nuôi cấy đã thành công.

3. Cung cấp nguồn vi khuẩn cho môi trường nuôi cấy

Môi trường nuôi cấy
vi khuẩn

Cách thực hiện

Trong
hơi thở
Nghiêng đĩa petri (thở) lại gần miệng và tiến hành hà hơi lên bề mặt dung dịch trong đĩa. Sau khi hà hơi xong cần đậy ngay nắp lại.

Trên tay Dùng các ngón tay ấn trực tiếp lên bề mặt dung dịch đã đông đặc trong đĩa petri (tay). Sau đó đậy nắp lại.

Trong khoang mũi Sử dụng bông tăm đã chuẩn bị trước để cho vào trong khoang mũi và tiến hành ngoáy. Sau đó sử dụng chiếc bông tăm đó di chuyển theo hình ziczac trên bề mặt đĩa petri (mũi) rồi dùng nắp đậy lại.


Tiếp đến, sử dụng băng dính và kéo để dán cố định phần nắp với đĩa dưới của đĩa petri lại. Nhằm thuận tiện và giữ cho môi trường nuôi cấy luôn ổn định, ta sẽ dùng đến chiếc hộp giấy đã chuẩn bị từ trước để đựng 3 đĩa petri vào bên trong. 

Tiến hành cho 3 đĩa nuôi cấy môi trường vi khuẩn vào hộp giấy và đóng nắp lại.
Sau đó, dùng băng dính dán nắp hộp lại cho chắc chắn.

Chờ sau khoảng 2-3 ngày, ta mới có thể mở nắp hộp giấy ra và “chiêm ngưỡng thành quả”. Nếu như các đĩa petri xuất hiện những đốm trắng, vàng, xanh,…thì chứng tỏ quá trình nuôi cấy vi khuẩn đã thành công.

Môi trường nuôi cấy vi khuẩn trên tay
Môi trường nuôi cấy vi khuẩn trong hơi thở
Môi trường nuôi cấy vi khuẩn trong khoang mũi

4. Quan sát vi khuẩn trên kính hiển vi

Các dụng cụ phục vụ cho quá trình quan sát:

Dụng cụ

Hình ảnh

Kính hiển vi với độ phóng đại 1000 lần
Dầu để hỗ trợ quan sát  
Giấy thấm  
Lamen  
Lam kính  
Kim mũi mác  
Ống hút  
2 cốc thủy tinh đựng nước cất  


Để tiến hành quan sát, cô Hà có một số “cảnh báo” để lưu ý với các bạn học sinh:

– Khi sử dụng các dụng cụ bằng thủy tinh cần hết sức nhẹ nhàng, tập trung để tránh rơi, vỡ gây nên sát thương.

– Khi sử dụng dầu để hỗ trợ quan sát bằng kính hiển vi, sau khi sử dụng xong cần vệ sinh, lau chùi sạch sẽ để giữ gìn và bảo quản tốt kính hiển vi.

Tiến hành lấy mẫu để quan sát như sau:

Bước 1: Lấy ra 3 lam kính (có thể sử dụng bút đánh dấu để tránh nhầm lẫn giữa các mẫu vi khuẩn)

Bước 2: Dùng ống hút để hút vào mỗi lam kính 1 giọt nước

Bước 3: Dùng kim mũi mác để lấy các khuẩn lạc vi khuẩn ở trong từng mẫu một rồi dàn mỏng vi khuẩn cùng với nước trên bề mặt mỗi lam kính

Bước 4: Sử dụng dung dịch xanh methylen nhỏ 1 giọt trên bề mặt mỗi lam kính

Bước 5: Dùng lamen đậy trên bề mặt lam kính và dùng kim mũi mác ấn nhẹ xuống để giảm bớt các bọt khí ở bên trong. Sau đó sử dụng giấy thấm thấm bớt các dịch thừa xung quanh bên ngoài.

Lúc này, ta đã có 3 mẫu vật vi khuẩn ở các vị trí khác nhau trên cơ thể con người. Đặt lần lượt các tiêu bản vi khuẩn ở dưới kính hiển vi để quan sát hình dạng và chuyển động của chúng.

Vi khuẩn trong hơi thở có dạng hình cầu xếp thành chuỗi hoặc tồn tại ở trạng thái đơn
Vi khuẩn trong hơi thở có dạng hình cầu xếp thành chuỗi hoặc tồn tại ở trạng thái đơn
Vi khuẩn trong khoang mũi 100% đều có dạng hình cầu; đa phần là tụ với nhau thành đôi, ba, bốn hoặc một nhóm.

Sau khi đã tiến hành quan sát kĩ lưỡng thì cần sử dụng giấy có thấm cồn để lau dầu còn thừa và vệ sinh sạch sẽ kính hiển vi. 

Qua phần quan sát thí nghiệm trên, các bạn học sinh đã có thể nhận thấy rằng vi khuẩn luôn hiện hữu xung quanh ta. Vi khuẩn có vô vàn các hình thái khác nhau như hình cầu, hình que,… Cô Hà lưu ý các bạn học sinh cần ghi nhớ kỹ:

“Có những vi khuẩn có lợi, có những vi khuẩn có hại, và cũng có những vi khuẩn không có lợi lẫn không có hại. Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để tránh những bệnh do vi khuẩn gây nên. Đặc biệt trong ăn uống, cần luôn luôn dùng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và còn hạn sử dụng”.

Trên đây là những hướng dẫn trong bài thực hành “Tạo dấu vân tay vi khuẩn”, môn Khoa học tự nhiên lớp 6 của cô Dương Thu Hà. Phụ huynh có con sắp vào cấp hai còn đang băn khoăn, lo lắng về những đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 tới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 mới của HOCMAI. Chương trình chính là giải pháp học tập toàn diện giúp teen 2k10 chuẩn bị kiến thức từ hè và sẵn sàng trước những đổi mới của sách giáo khoa và chương trình học khi bước vào năm học mới.

Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy liên hệ Hotline 093 658 5812 hoặc ĐĂNG KÝ NGAY TẠI ĐÂY để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ!