Kiến thức trọng tâm giúp phân biệt và sử dụng hợp lý quan hệ từ trong câu

0
7480
Trong Tiếng Việt có bốn kiểu nối câu: Nối bằng dấu câu, sử dụng quan hệ từ, cặp quan hệ từ và từ hô ứng.

Quan hệ từ là kiến thức quan trọng trong chương trình Tiếng Việt 5, liên quan các bài tập về từ loại và cả nội dung về tập làm văn. Các từ nối giúp bài viết có  liên kết, khoa học hơn. Tuy nhiên, do chưa hiểu đúng và có phương pháp sử dụng hợp lý về quan hệ từ khiến nhiều học sinh còn mắc lỗi diễn đạt, làm câu văn trở nên lủng củng, khó hiểu. Nhằm giúp học trò vận dụng tốt kiến thức khi làm bài, cô giáo Trần Thu Hoa – giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã xây dựng sơ đồ tư duy bổ ích về nội dung trên.

Tổng quan kiến thức về quan hệ từ – Tiếng Việt 5

                                                 Sơ đồ từ loại Tiếng Việt

Quan hệ từ là một từ loại trong Tiếng Việt (tham khảo sơ đồ về từ loại trên). Để hiểu hơn về quan hệ từ, cô Thu Hoa đã đưa ra khái niệm:

Quan hệ từ là từ nối các từ ngữ hoặc các câu, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu ấy với nhau.

Vai trò: Quan hệ từ không phải thành phần chính trong câu, chúng cũng không đảm nhiệm các chức năng như các thành phần câu khác mà chỉ là từ nối, giúp liên kết nội dung được đề cập ở các từ/vế/câu/đoạn.

Tùy từng trường hợp, quan hệ từ là bắt buộc hoặc không bắt buộc (khi lược bỏ đi câu vẫn đủ nghĩa và đúng về ngữ pháp).

Ví dụ:

  1. “Mẹ nói rằng hôm nay sẽ mua bánh quy cho bé”

=> Quan hệ từ “rằng” liên kết hai về “mẹ nói” và”hôm nay sẽ mua bánh quy cho bé”.

Từ “rằng” có thể lược bớt “Mẹ nói hôm nay sẽ mua bánh quy cho bé”.

  1. “Chị cùng Mai đi chợ”.

=> Quan hệ từ “cùng”.

Từ “cùng” trong câu không thể lược bớt “Chị Mai đi chợ” sẽ biến đổi về nghĩa so với câu ban đầu.

Các quan hệ từ thường gặp:  và, với, hoặc, nhưng, mà, thì, rằng, là,…

Ví dụ về quan hệ từ trong câu:

Câu 1: “Mẹ rất buồn nhưng cố ngăn nước mắt không rơi”.

=> Quan hệ từ “nhưng”

Câu 2: “Mai và Hoa là đôi bạn thân thiết”

=> Quan hệ từ “và”

Trường hợp đặc biệt của quan hệ từ: Một số quan hệ từ thường phải đi theo cặp với nhau nhằm biểu thị đầy đủ mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, điều kiện,… giữa các đối tượng và tạo thành cặp quan hệ từ.

Ví dụ: “Vì tôi ham chơi nên bị điểm kém”

=> Cặp quan hệ “vì…nên”.

                  Cô Thu Hoa – HOCMAI hướng dẫn phân biệt và sử dụng quan hệ từ

Tổng hợp kiến thức quan hệ từ bằng sơ đồ tư duy

Theo cô Thu Hoa, sử dụng sơ đồ tư duy là một phương pháp học vô cùng thông minh và hiệu quả giúp học sinh hình thành tư duy một cách có hệ thống và ghi nhớ sâu hơn. Tại bài học về quan hệ từ hôm nay, cô Hoa cũng hướng dẫn chúng ta xây dựng sơ đồ tư duy để khái quát kiến thức bài học..

                                            Sơ đồ khái quát về quan hệ từ

Cách sử dụng quan hệ từ trong câu và các ví dụ minh họa

Cô Thu Hoa nhấn mạnh; “Tùy vào từng trường hợp, phụ thuộc vào mục đích nói của mình để linh hoạt sử dụng quan hệ từ cho phù hợp”. Cô cũng gợi ý cách sử dụng một số quan hệ từ tiêu biểu:

Thứ nhất: Sử dụng quan hệ từ giữa các về cùng chỉ một đối tượng chung hoặc cùng từ loại ta dùng các quan hệ từ “và,cùng, với, …”

Ví dụ:

“Hoa với Thanh đang đi học”

=> Từ nối “với” ở giữa “Hoa”, “Thanh” – cùng là tên riêng.

“Cô cùng các bạn đang học bài”

=> Từ nối “cùng” liên kết “cô” và “các bạn” – cùng đối tượng chỉ người.

“Mai là một cô gái xinh đẹp và thông minh”

=> Từ nối “và” liên kết hai tính từ “xinh đẹp”, “thông minh” với mục đích khen ngợi.

Thứ hai: Sử dụng quan hệ từ khi nhắc về sự lựa chọn, ta dùng các quan hệ từ “hay/hoặc/…”

Ví dụ:

“Tôi không biết nên chọn chiếc váy màu trắng hay màu đỏ”.

=> Quan hệ từ “hay” chỉ sự lựa chọn giữa “chiếc váy trắng” và “chiếc váy đỏ”.

“Lan phải đi nhanh hoặc bị trễ chuyến xe tới”

=> Quan hệ từ “hoặc” chỉ một trong hai kết quả có thể xảy ra.

Hiểu được khái niệm, chức năng và cách dùng quan hệ từ sẽ giúp học sinh làm đúng các bài tập luyện từ và câu, cũng như áp dụng vào bài tập làm văn hợp lý, khoa học hơn. Bài giảng video về quan hệ từ của cô giáo Trần Thu Hoa đã tổng hợp lý thuyết và xây dựng sơ đồ logic hấp dẫn, dễ hiểu kèm theo đó là các ví dụ điển hình giúp học sinh ghi nhớ và hiểu bài. Phụ huynh – học sinh tham khảo video bài giảng của cô Trần Thị Thu Hoa về quan hệ từ và cặp quan hệ từ