[Lớp học không khoảng cách] Bài 18 – Tập đọc: Phân xử tài tình – Tiếng Việt lớp 5

0
2238

Đây là một câu chuyện ca ngợi sự thông minh, quyết đoán, hiểu tâm lý con người của một vị quan tài năng.

Trong cuộc sống thường ngày, khi xảy ra tranh chấp thì chúng ta luôn cần những con người đứng giữa, phân xử giúp chúng ta xem ai đúng ai sai. Ở nhà thì là những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa anh chị em mình. Đến trường thì thầy cô chính là người giúp đỡ các em phân biệt đúng sai giữa các em học sinh. Tuy nhiên, đã bao giờ các em tự hỏi, thời ngày xưa những ai sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp giữa những người dân với nhau? Đó chính là những vị quan lớn của triều đình đấy. Trong bài giảng này, cùng lắng nghe một câu chuyện về một vị quan tài tình như thế nhé.

I – Luyện đọc và giải nghĩa từ khó

1. Luyện đọc

PHÂN XỬ TÀI TÌNH

 Xưa, có một vị quan án rất tài. Vụ án nào, ông cũng tìm ra manh mối và phân xử công bằng.

     Một hôm, có hai người đàn bà đến công đường. Một người mếu máo:

     – Bẩm quan, con mang vải đi chợ, bà này hỏi mua, rồi cướp tấm vải, bảo là của mình.

     Người kia cũng rưng rưng nước mắt:

     – Tấm vải là của con. Bà này lấy trộm.

     Đòi người làm chứng nhưng không có, quan cho lính về nhà họ xem. Cả hai đều có khung cửi như nhau, cùng mang vải ra chợ bán hôm ấy. Ngẫm một lát, quan ôn tồn bảo:

     – Hai người đều có lí nên ta xử thế này: tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa.

     Thừa lệnh, lính đo vải xé ngay. Một người đàn bà bật khóc. Lập tức, quan đưa cả tấm vải cho người này rồi thét trói người kia lại. Sau một hồi tra hỏi, kẻ kia phải cúi đầu nhận tội.

      Lần khác, quan tới vãn cảnh một ngôi chùa. Sư cụ đón tiếp kính cẩn, rồi nhờ tìm hộ số tiền của nhà chùa bị mất.

      Quan nói sư cụ biện lễ cúng Phật, rồi gọi hết sư vãi, kẻ ăn người ở trong chùa ra, giao cho mỗi người cầm một nắm thóc và bảo:

     – Chùa ta mất tiền, chưa rõ thủ phạm. Mỗi người hãy cầm một nắm thóc đã ngâm nước rồi vừa chạy đàn, vừa niệm Phật. Đức Phật rất thiêng. Ai gian, Phật sẽ làm cho thóc trong tay kẻ đó nảy mầm. Như vậy, ngay gian sẽ rõ.

      Mới vài vòng chạy, đã thấy một chú tiểu thỉnh thoảng hé bàn tay cầm thóc ra xem. Quan lập tức cho bắt chú tiểu vì chỉ kẻ có tật mới hay giật mình. Chú tiểu kia đành nhận tội.

Theo NGUYỄN ĐỔNG CHI

  1. Giải nghĩa từ khó

– Quan án: Chức quan thời xưa chuyện lo việc điều tra và xét xử

– Vãn cảnh: Đến ngắm cảnh đẹp

– Biện lễ: Lo liệu, sắm sửa lễ vật

– Sư sãi: Những người tu hành ở chùa nói chung

– Đàn: Nền đất đắp cao hoặc đài dựng cao để tế lễ

– Chạy đàn: Nghi lễ chạy quanh đàn cúng

II – Tìm hiểu nội dung bài học

Câu 1: Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử việc gì ?

Trả lời:

Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử việc mình bị mất cắp vải. Người nọ tố cáo người kia lấy trộm vải của mình và nhờ quan phân xử.

Câu 2. Quan án đã dùng những biện pháp nào để tìm ra người lấy cắp tấm vải ? Vì sao quan cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp ?

Trả lời:

Để tìm ra người lấy cắp, quan án dùng nhiều cách khác nhau:

–  Cho đòi người làm chứng nhưng không có ai làm chứng

–  Cho lính về nhà họ xem nhưng cũng không tìm được chứng cứ gì.

Sai lính xé tấm vải làm hai cho mỗi người một mảnh. Thấy một trong hai bật khóc, quan sai lính trả tấm vải cho người ấy rồi thét trói người kia.

Quan cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp vì quan hiểu người tự tay làm ra tấm vải vất vả, cực nhọc mới đau xót, bật khóc khi tấm vải bị xé. Còn người dửng dưng khi tấm vải bị xé không phải là người đã đổ mồ hôi công sức dệt nên tấm vải.

Bài tập đọc “Phân xử tài tình” ca ngợi sự thông minh, quyết đoán và thấu hiểu tâm lý con người của vị quan xử án – Cô Thu Hoa

Câu 3. Kể lại cách quan án tìm kẻ lấy trộm tiền nhà chùa.

Trả lời:

Để tìm kẻ lấy trộm tiền nhà chùa, quan án đã làm các việc như sau:

–  Cho gọi hết sư sãi, kẻ ăn người ở trong chùa ra, giao cho mỗi người một nắm thóc đã ngâm nước, bảo họ cầm nắm thóc đó vừa chạy đàn vừa niệm Phật.

–  Tiến hành dùng đòn tấn công tâm lí: Đức Phật rất thiêng. Ai gian Phật sẻ làm cho thóc trong tay người đó nẩy mầm.

– Đứng quan sát những người chạy đàn, thấy một chú tiểu thỉnh thoảng hé bàn tay cầm thóc ra xem thì lập tức cho bắt ngay vì chỉ có kẻ có tật mới hay giật mình.

Câu 4. Vì sao quan án dùng cách trên ? Chọn ý trả lời đúng:

a)  Vì tin là thóc trong tay kẻ gian sẽ nảy mầm.

b)  Vì biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mật.

c)  Vì cần có thời gian để thu thập chứng cứ.

Trả lời:

Phương án b: Quan án dùng cách trên vì biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mặt

Tổng kết: Bài tập đọc “Phân xử tài tình” là một câu chuyện rất hay kể về một vị quan xử án. Ông là người thông minh, quyết đoán và hiểu được tâm lý của con người. Chính vì vậy, ông có thể đứng giữa và tìm lại công lý cho những người dân vô tội. Câu chuyện giống như những câu chuyện cổ tích, dân gian mà học sinh đã từng được nghe, được học.

Không chỉ vậy, qua bài tập đọc này cô Thu Hoa còn dạy cho các em một bí quyết nhỏ trong việc phân xử, đứng giữa những con người với nhau. Thật là một bài học ý nghĩa, các em nhỉ? 

Ngoài những bài học trong chương trình “Lớp học không khoảng cách”, các em học sinh có thể tìm hiểu thêm những bài học khác của cô Thu Hoa từ Giải pháp Học tốt học kì II. Với lộ trình học tập được sắp xếp khoa học từ Học – Luyện – Hỏi qua từng bước, các em học sinh sẽ được tiếp xúc kiến thức toàn diện, sâu sắc hơn.

Chương trình Học Tốt Tiếng Việt của lớp 5 không đi sâu vào phần tập đọc và chính tả như Tiếng Việt lớp 3, 4 mà chú trọng vào việc giúp các em học sinh hoàn thiện các kĩ năng về tập làm văn, luyện từ và câu để tạo nền tảng vững chắc, hoàn thiện cho các em khi chuyển cấp sang môn Ngữ Văn lớp 6.

Ngoài ra, cô Thu Hoa luôn linh hoạt trong các phương pháp giảng dạy, sử dụng nhiều hình ảnh âm thanh để tạo cái nhìn trực quan sinh động về bài học giúp học sinh phát triển tư duy, cảm xúc. Cách tiếp cận nhẹ nhàng, khiến không khí học tập thoải mái, vui vẻ, hỗ trợ học sinh tiếp thu bài tốt hơn.

Phụ huynh đừng bỏ lỡ cơ hội đăng ký Giải pháp Học Tốt học kì II để giúp con học tập hiệu quả trong giai đoạn hiện tại nhé!

Đăng kí Chương trình Học tốt học kì II TẠI ĐÂY