Cùng con học – Làm thế nào cho đúng?

0
1907

Những em học sinh đầu tiểu học thường gặp nhiều khó khăn khi mới tiếp xúc với hình thức giáo dục phổ thông bắt buộc. Học cùng con là phương án được nhiều phụ huynh chọn lựa nhưng làm như thế nào cho đúng thì vẫn là câu hỏi khó.

 

Từ lớp 1 đến lớp 3, là giai đoạn nền tảng nhất khi học sinh được làm quen với những con chữ, học ghép vần, tính toán cộng trừ nhân chia. Tiếp xúc với các kiến thức hoàn toàn mới, bao quát nhiều môn học thế nên các em rất cần sự đồng hành của cha mẹ để được định hướng và hướng dẫn. 

“Ngay từ khi con vào lớp 1, chị đã luôn kèm cặp sát bên cạnh con. Mỗi tối, hai mẹ con ngồi cùng nhau khoảng 2 tiếng. Trong quá trình con luyện chính tả thì chị nhìn, có gì sai thì chỉnh sửa kịp thời”. Chị Loan (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Đa phần phụ huynh thường theo sát từng buổi học với con. Tuy nhiên, điều này dễ khiến con bị phụ thuộc, khi bài tập nào cũng nhận được sự giúp đỡ.

“Công việc hai vợ chồng đều rất bận rộn nên phân chia nhau ra. Ai hôm nào rảnh thì học cùng con. Nhưng thời gian không dài được, vì còn phải tranh thủ nấu nướng, dọn dẹp. Thường mình hay hỏi con có chỗ nào không hiểu thì mình hướng dẫn. Còn lại thì chủ yếu liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con. Nếu có sự thay đổi nào trong quá trình học tập của con thì gia đình sẽ uốn nắn”. Anh Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) có hoàn cảnh khác nên việc đồng hành của con, vợ chồng anh chủ yếu sử dụng hình thức “nuôi thả”. Để con chủ động trong học tập, chứ không can thiệp quá sâu.

Theo những chia sẻ của các cha mẹ trên mạng xã hội thì đa phần, đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, họ đều có xu hướng theo sát quá trình học tập của con. Chỉ có số ít là giống như anh Thắng, khi con đã có đủ lớn, và sự chủ động sắp xếp việc học. Tuy nhiên, cả hai phương án này mang lại hiệu quả như thế nào thì rất khó xác định. 

Học cùng con, tưởng dễ mà khó

Học cùng con không đơn thuần là mỗi tối ngồi bên cạnh con, cùng con hoàn thành toàn bộ bài tập. Mà còn cần xem xét các khía cạnh khác, giúp con tìm kiếm được ưu điểm và môn học phù hợp từ đó phát triển năng lực cá nhân. Và ngược lại, phát hiện các môn chưa tốt, kiến thức không ổn để bù đắp kịp thời lại cho con. Nên nhớ, tiểu học là bậc xây dựng kiến thức nền tảng quan trọng nhất trong giai đoạn 12 năm giáo dục phổ thông. Nếu con không thật sự có “rễ” chắc chắn thì càng lên cấp cao hơn, việc học càng nặng nề, vất vả.

Dưới đây là một vài mẹo nhỏ để học cùng con mang lại hiệu quả:

1. Đánh giá đúng năng lực của con

Nguyên nhân chính khiến việc học của con áp lực và không hiệu quả là sự “kỳ vọng” quá lớn từ cha mẹ. Nên nhớ, mỗi đứa trẻ có những ưu nhược điểm riêng. Thay vì cố ép “một con cá leo cây” thì hãy bình tĩnh nhìn vào sự thật, cùng con cố gắng tìm kiếm được “điểm sáng” riêng biệt. Việc đánh giá đúng năng lực sẽ giúp cha mẹ đưa ra những định hướng tốt với lộ trình học của con. Điều này mang lại một cái nhìn tổng quan và đường xa hơn là chỉ chăm chăm giúp con từng ngày hoàn thành chuỗi bài tập.

2. Dựa vào sở thích để đưa ra phương pháp học phù hợp

Giáo dục bắt buộc trường học thường cố định, áp dụng cho tất cả học sinh. Không phải học sinh nào cũng thích hợp với phương pháp như vậy. Có những em sẽ thích phong cách giáo dục khác. Điều này do tính cách, hoàn cảnh lớn lên của học sinh. Nên vai trò của cha mẹ rất quan trọng khi phải tìm ra được một cách học thích hợp dành cho con mình. 

Theo những nghiên cứu về thời gian và độ tập trung của trẻ em theo độ tuổi thì trẻ từ 6 – 8 tuổi thường thích những hình ảnh, màu sắc sặc sỡ cùng âm thanh sinh động, trực quan. Cha mẹ có thể thử một vài giải pháp khác để con trải nghiệm như ứng dụng học tập trực tuyến, bài giảng trực tuyến, một trò chơi hay bất cứ cái gì có thể khiến con thích. Từ đó, cải thiện hiệu quả học tập ở nhà của con.

3. Đưa ra những nguyên tắc dựa trên sự thỏa thuận với con

Học cùng con đúng cách sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ dành cho cha mẹ và các con.

Việc để con chủ động học tập là tốt bởi vì theo chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được áp dụng từ năm học 2020 – 2021, học sinh sẽ trở thành trung tâm của quá trình giáo dục. Hơn nữa, việc để con được đưa ra ý kiến của mình có thể khiến trẻ có trách nhiệm hơn với việc học tập, giảm bớt thời gian phải theo sát con mỗi tối của cha mẹ.

Hãy bắt đầu từ những quy ước nhỏ, trao đổi với con về các khung giờ học tập theo ngày trong tuần. Trong đó sẽ có những khen thưởng khi con hoàn thành và hình phạt nếu con không thể đạt yêu cầu. Cần sự đồng ý của con, và khi con chấp nhận thì con có trách nhiệm phải thực hiện theo. Những buổi đầu chỉ cần đầu giờ giao bài, cuối giờ kiểm tra lại và buông dần khi con tự chủ được.

4. Cần sự hỗ trợ chuyên môn

Chương trình giáo dục đã thay đổi rất nhiều khi so sánh giữa thời kì của cha mẹ và con hiện tại. Những công thức, cách trình bày cũ đã không còn phù hợp bởi sự tinh giản hợp lý, khoa học khiến chương trình bớt nặng nề, cồng kềnh hơn. Chính vì vậy, với tất cả kiến thức dạy con cha mẹ nên kiểm tra lại một lần trước đó. Xem có tương thích với phương thức giảng dạy của giáo viên trên trường hay không. Tình huống đáp án đúng nhưng khi nộp bài cô giáo chấm sai là không hiếm.

Vì được tiếp xúc với rất nhiều kiến thức mới, con rất dễ khiến cha mẹ điên đầu với “10 vạn câu hỏi vì sao”. Để giải quyết tình trạng này, những sự hỗ trợ sư phạm từ các nguồn uy tín là phương pháp phù hợp. 

Cùng con học tập chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu có phương án thực hiện đúng đắn và sự sắp xếp khoa học thì những hiệu quả nhận được có thể mang lại sự bất ngờ cho cha mẹ. Quan trọng nhất là con sẽ tự rèn luyện được những đức tính tốt ngay từ khi còn nhỏ tuổi như chủ động, tự giác, tự lập.