[Lớp học online không khoảng cách]_Chuyển động của hai vật ngược chiều_Toán lớp 5

0
2152

Tiếp nối chương trình Lớp học online không khoảng cách, các em sẽ được học một phần kiến thức trọng tâm trong môn Toán lớp 5 với nội dung Chuyển động của hai vật ngược chiều do cô Nguyễn Thị Mai Hương – giáo viên môn Toán tại HOCMAI hướng dẫn.

Trước khi vào bài giảng, các em cùng nhớ lại công thức tính trong bài toán chuyển động là gì nhé!

  1. Nhắc lại công thức tính trong bài toán chuyển động

Công thức tính quãng đường, vận tốc, thời gian:

Gọi vận tốc là v, quãng đường là s, thời gian là t. T có các công thức:

v = s/t.

s = v × t

t = s/v

v: quãng đường trung bình đi được trong 1 giờ hoặc 1 giây. Thường được tính bằng các đơn vị m/giây hoặc km/giờ.

  • Với các công thức trên thì các em cần lưu ý các điều sau:

– Đổi các đơn vị về đại lượng chuẩn (m/giây, km/giờ)

– Để tính thời gian chuyển động, ta lấy TG đến – TG khởi hành

2. Bài toán về chuyển động của 2 vật ngược chiều, xuất phát cùng lúc

Bài toán: Hai tỉnh A và B cách nhau 174km. Hai ô tô cùng xuất phát lúc 7h từ hai tỉnh A và B chuyển động ngược chiều nhau, gặp lúc 9h. Tìm vận tốc của mỗi ô tô biết vận tốc của xe đi từ A lớn hơn vận tốc của xe đi từ B là 5km/giờ.

Giải:

Thời gian hai xe đã đi kể từ lúc xuất phát đến lúc gặp nhau là:

9 giờ – 7 giờ = 2 (giờ)

Tổng vận tốc của 2 xe là:

174 : 2 = 87 (km/giờ)

Vận tốc xuất phát của xe từ A là:

(87+5):2 = 46 (km/giờ)

Vận tốc của xe xuất phát từ B là:

46 – 5 = 41 (km/giờ)

Đáp số: xe A: 46 km/giờ

                                                             xe B: 41 km/giờ

  • Phương pháp làm bài toán 2 vật chuyển động ngược chiều nhau:

– Tổng vận tốc V = V1 + V2

– Tìm thời gian để 2 xe gặp nhau: t = S : V

– Hai vật gặp nhau lúc: Thời điểm khởi hành + TG đi gặp nhau

– Vị trí hai vật gặp nhau cách A: X = V1 × t

3. Bài toán về chuyển động của hai vật ngược chiều, xuất phát không cùng lúc

Bài toán: Lúc 6 giờ 15 phút một người đi xe đạp từ A về B với vận tốc 12 km/giờ, lúc 6 giờ 30 phút một người đi bộ từ B về A với vận tốc 4 km/giờ; hai người gặp nhau lúc 8h. Hỏi quãng đường từ A đến B dài bao nhiêu kilomet?

         Giải: 

Người đi xe đạp đã đi được một quãng đường lúc người đi bộ xuất phát là:

12 x (6 giờ 30 phút – 6 giờ 15 phút) = 3 (km)

Thời gian hai người gặp nhau kể từ lúc người đi bộ xuất phát là:

8 giờ – 6 giờ 30 phút = 1 giờ 30 phút = 3/2 (giờ)

Tổng vận tốc của người đi xe đạp và người đi bộ là:

12 + 4 = 16 (km/giờ)

Quãng đường 2 người đã đi được là:

16 x 3/2 = 24 (km)

Quãng đường AB dài là:
24 + 3 = 27 (km)

Đáp số: 27 km

  • Phương pháp giải bài toán hai vật chuyển động ngược chiều, xuất phát không cùng lúc.

– Tìm thời gian vật đi trước: t1

– Tìm quãng đường vật thứ nhất đi trước: s1 = v1 × t1

– Tìm quãng đường còn lại: s2 = S – s1

– Tìm tổng vận tốc: V = v1 + v2

– Thời gian gặp nhau của hai vật: t2 = s2 : (v1+v2)

Với những phương pháp trên mà cô Mai Quỳnh đã hướng dẫn, các em có thể dùng bút đỏ hoặc bút khác màu để đánh dấu những phần kiến thức trọng tâm để khi cần chúng mình có thể nhìn thấy ngay nhé!

Dạng toán trên là một phần kiến thức trọng tâm và khá khó trong chương trình Toán lớp 5. Vì vậy, để nâng cao khả năng vận dụng và nhớ lâu kiến thức, các em cần phải rèn luyện thông qua nhiều dạng bài tập để nhuần nhuyễn hơn. Các dạng bài tập các em có thể lên mạng để tìm thêm tài liệu hoặc tham khảo tài liệu thuộc Giải pháp Học tốt của HOCMAI cũng rất đầy đủ.

Đặc biệt, trong quá trình làm bài nếu có vướng mắc các em có thể liên hệ trực tiếp với thầy cô để được hỗ trợ, giải đáp bất cứ lúc nào. Cha mẹ cũng có thể theo dõi được năng lực học tập và tiến trình lịch sử học tập của con qua hệ thống học bạ điện tử, email thông báo học tập,…để theo sát được việc học của con.

Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo Giải pháp Học tốt tại đây!