Câu ghép là một nội dung quan trọng trong phần luyện từ và câu của môn Tiếng Việt 5. Để làm tốt bài tập phần này, học sinh phải hiểu rõ khái niệm, đặc điểm và thực hành các dạng bài điển hình.
Tiếng Việt bao gồm hai kiểu câu: Câu đơn và câu ghép. Trong đó, câu ghép luôn dài và có cấu trúc phức tạp hơn. Vì vậy, học sinh hay bối rối và mắc sai sót khi làm các bài tập về câu ghép. Ngay bây giờ, hãy cùng cô Trần Thu Hoa (giáo viên Ngữ Văn tại Hocmai.vn) ôn tập nội dung kiến thức về câu ghép nhé!
1. Khái niệm về câu ghép
“Câu ghép là kiểu câu được cấu tạo từ hai cụm chủ ngữ – vị ngữ (C – V) trở lên và không bao hàm nhau”.
Chú ý phân biệt câu ghép với câu đơn có chứa cụm chủ – vị được bao hàm trong cụm chủ – vị chính của nó.
Ví dụ: Tôi mua một con gấu rất đẹp
Chủ ngữ: “Tôi”
Vị ngữ: “mua một con gấu rất đẹp” –Với “con gấu/rất đẹp” cũng là một cụm chủ – vị được bao hàm trong câu “tôi mua một con gấu rất đẹp”.
Vậy, đây là câu đơn chứ không phải câu ghép.
Tham khảo video bài giảng MIỄN PHÍ ngay tại đây: https://hocmai.vn/bai-giang-truc-tuyen/45810/bai-01-cau-ghep.html
2. Đặc điểm của câu ghép
Mỗi vế của một câu ghép là một câu đơn – mỗi câu đơn diễn đạt một nghĩa trọn vẹn.
Câu đơn + Câu đơn = Câu ghép.
Như vậy, đối với bài tập về câu ghép ta cần quan tâm hai vấn đề chính: Các vế của câu ghép và cách nối (+) các vế câu ghép với nhau.
3. Các dạng bài tập cơ bản về câu ghép liên quan đến vế câu.
Để hiểu rõ hơn về câu ghép, cách vận dụng lý thuyết vào bài tập, ta cùng đến với các bài tập gợi ý của cô Thu Hoa nhé!
Dạng 1: Tìm câu ghép và xác định các vế của câu ghép.
Ví dụ: Tìm câu ghép và xác định các vế của câu ghép đó trong đoạn văn sau:
Thần Nắng cũng đem ấm áp đến vùng ngập lũ. Nước rút nhanh, hoa cỏ bừng nở, chim gọi bầy làm tổ, ong tìm hoa làm mật. Vạn vật trút bỏ lớp áo ướt át, vui đón những tia nắng ấm chan hòa. Không ai nói với ai điều gì nhưng thần Mưa và thần Nắng đều hiểu rằng, mùa xuân chỉ trở về trong thuận hòa và yêu thương.
Đáp án: Nước rút nhanh,/ hoa cỏ bừng nở,/ chim gọi bầy làm tổ, /ong tìm hoa làm mật/.
Vậy, câu ghép trên có 4 vế.
Dạng 2: Viết tiếp vế.
Ví dụ: Viết tiếp một vế vào chỗ trống để tạo thành câu ghép:
Đề bài | Gợi ý làm bài |
1. Mùa hè đã đến,… | Mùa hè đến, bác Mặt trời thức dậy sớm sau lũy tre làng. |
2. Mặt trời lặn,… | Mặt trời lặn, bầu trời khoác lên mình chiếc áo màu đen. |
3. Nếu trời mưa to,.. | Nếu trời mưa to, cánh đồng trước nhà tôi có thể bị ngập. |
4. Trong câu chuyện “Lòng Dân”, An là một cậu bé thông minh và hóm hỉnh,… | Trong câu chuyện “Lòng Dân”, An là một cậu bé thông minh và hóm hỉnh, Dì Năm là một phụ nữ anh hùng, kiên cường và dũng cảm. |
Dạng 3: Xác định cấu trúc ngữ pháp (Tìm chủ ngữ, vị ngữ trong câu).
Cô Thu Hoa chía sẻ: Bài tập về câu ghép thực chất không quá phức tạp nếu ta từ từ phân tích, tập tách chúng thành từng vế với nhau. Ghi nhớ ba nội dung kiến thức trên, học sinh sẽ dễ dàng giải quyết các bài tập về câu ghép.
Kỳ nghỉ hè đang đến gần, đừng để con tạo lỗ hổng kiến thức vì bỏ quên các bài học sau những ngày hè vui chơi. Cha mẹ tham khảo ngay Chương trình Học Tốt với các khóa học từ cơ bản đến nâng cao cho con thỏa sức học tập, bứt phá năm học mới nhé!