Buổi hẹn với thầy Hồng Trí Quang giáo viên dạy Toán đã làm tôi xúc động khôn nguôi. Tưởng rằng một thầy giáo dạy Toán sẽ có dáng vóc thư sinh, giọng nói trầm ấm, nhưng không thầy có dáng người mảnh khảnh, gầy gò cùng một cặp kính dày cộp. Tôi thầm nghĩ tại sao thầy lại có thể gầy tới như vậy. Câu chuyện của thầy đã giúp tôi trả lời câu hỏi đó.
Hành trình bảy năm học cấp ba
Từ nhỏ thầy Quang đã rất thích học toán. Thầy học chuyên Toán từ năm lớp bốn và luôn đạt được rất nhiều thành tích cao trong học tập. Từ năm lớp bốn đến lớp chín, thầy luôn được đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có năm thầy đạt giải nhất tỉnh. Ước mơ lúc đó của thầy – cậu học sinh 15 tuổi là làm giáo viên dạy Toán.
Kỳ thi vào lớp , thầy đã thi đỗ vào chuyên Toán Thái Bình với số điểm khá cao. Thầy nghĩ đây chính là “sự khỏi đầu cho ước mơ của mình”. Nhưng thật không may, cuối năm lớp 10, tai nạn ập đến thầy mắc một căn bệnh nặng và buộc phải nghỉ học ở nhà chữa bệnh. Hằng ngày thay vì sách bút, bài vở, thầy cô như bao bạn bè khác thì quanh thầy là bơm tiên, dịch truyền, bác sĩ và cả những thang thuốc bắc. Sức khỏe của thầy giảm sút trầm trọng, từ cân nặng 52kg sau năm ngày nhập viện thầy chỉ còn 42kg. Mọi sinh hoạt hàng ngày, đi lại và ăn uống đều rất khó khăn với thầy.
Thời gian đó, mọi người trong gia đình đều rất vất vả chạy chữa, ai mách thuốc hay ở đâu thì ba mẹ thầy cũng đến tận nơi lấy về. Thậm chí ba mẹ còn mời thầy thuốc về tận nhà, hoặc gửi thầy ở lại nhà thầy thuốc. Vì bệnh quá nặng, mặc dù thầy vẫn giữ vững niềm tin nhưng mọi người xung quanh thì không tin thầy sẽ qua khỏi. Mọi việc kéo dai dẳng đến ba năm, thì thầy bắt đầu so sánh với bạn bè, với những người xung quanh và lo lắng cho tương lai của mình.
“Những ngày đó, tôi bắt đầu cảm nhận sự bất hạnh của bản thân, tôi thường khóc vào đêm khuya vì không muốn mọi người biết, khi đó tâm lí tôi bắt đầu hoảng loạn”, thầy chia sẻ
Để trấn an tư tưởng, ba mẹ thầy đã cho thầy học lại tại một trung tâm giáo dục thường xuyên cách nhà khoảng 7km. Lúc này sức khỏe thầy vẫn rất yếu nên không thể tự đi học được. Buổi sáng thầy đi nhờ xe của một bác quen trong xóm buổi trưa lại nhờ bạn đèo về. Hằng ngày mẹ thầy đều phải dậy rất sớm để sắc thuốc cho thầy mang tới trường uống.
Quay lại trường sau ba năm không động tới sách vở, thầy quên hoàn toàn mọi kiến thức đã học trước đây. Thầy chia sẻ: Trong một buổi học toán thầy được gọi nên bảng chữa bài tập trong SGK và thầy đã giải sai. Giây phút đó thầy đã rất xấu hổ và thất vọng về chính bản thân mình vì đây là điều không bao giờ xảy ra với thầy trước đó.
Ngày đó, vì sức khỏe không cho phép nên thầy hoàn toàn không đi học thêm và mẹ thầy cũng không cho thầy học nhiều vì sợ thầy quá sức. Thầy tự học tại nhà, đọc lại toàn bộ sách vở của các năm học trước và nhờ mẹ mua thêm sách về đọc. Sau hơn một năm học tại trung tâm giáo dục thường xuyên thầy hoàn thành chương trình học cấp ba và không có ý định thi Đại học.
Ròng rã bảy năm liền cuối cùng thầy cũng có tấm bằng tốt nghiệp cấp THPT.
Và đi thi đại học cho “biết mùi”
“Ngày đó, tôi chỉ nghĩ đi thi vui thôi, cho “biết mùi thi Đại học”. Chọn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội để trượt cũng trượt vẻ vang”, thầy cười.
Với cái lý do đó, cách ngày thi một tháng thầy quyết định ôn thi với sự quyết tâm thực sự. Thầy tự học ở nhà với sách vở và bộ đề năm trước của các trường do người bạn học để lại. Những ngày đầu cả ngày thầy giải xong được một bộ đề ba môn Toán – Lý – Hóa thì làm sai rất nhiều. Không nản chí, thầy tìm sách, đọc lại kiến thức, tiếp tục giải đề và tự lấp kiến thức hổng của mình. Ngày đó bệnh tình của thầy cũng chưa ổn định. Hàng ngày thầy vẫn ôn thi và cứ một tuần lại đi khám xét nghiệm một lần.
Ngày thầy nhận tin báo đỗ Khoa Toán – tin trường Đại học Sư Phạm với 9,5 điểm Toán cũng là ngày thầy nhận giấy báo xét nghiệm khỏi bệnh từ bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Cầm giấy báo điểm trên tay, thầy không thể tin đó là sự thật. Cảm xúc đó đến giờ thầy vẫn không thể quên.
“Nhận tin khỏi bệnh và giấy báo điểm từ trường Sư Phạm, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi lật trước, lật sau nhìn đi nhìn lại xem có đúng tên mình không, vì sợ người ta gửi nhầm. Vui mừng quá tôi và mẹ đều khóc”, thầy rưng rưng kể lại
Nghe tới đây tôi như nghẹn lòng. Tôi đã hiểu vì sao thầy gầy đến vậy. Căn bệnh quái ác ngày nhỏ đã cướp đi phần nào sức khỏe của thầy nhưng vẫn không làm cùn đi ý chí kiên trì và nghị lực vươn lên của thầy. Giờ đây khi đã thực hiện được ước mơ trở thành một giáo viên dạy chuyên Toán thầy không chỉ dạy cho học trò kiến thức sách vở mà còn truyền cho học sinh ngọn lửa nghị lực với niềm tin ở sự kì diệu mà chính học có trò thể đạt được với triết lý thầy vẫn luôn quan niệm và tin tưởng: “Cứ đi là sẽ tới”