Ngữ văn 7: Nắm chắc kiến thức về “Từ láy” cùng thầy Nguyễn Thanh Toàn

0
1687

“Từ láy” là nội dung kiến thức quen thuộc mà học sinh đã sớm được làm quen và tiếp xúc từ bậc Tiểu học, là loại từ được sử dụng rất nhiều trong thơ ca. Lên tới lớp 7, các em vẫn sẽ tiếp tục được học chuyên sâu và mở rộng hơn. Thông qua bài giảng của thầy cô, học sinh vừa được biết thêm kiến thức, vừa được nâng cao ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt. Phụ huynh và các con cùng theo dõi bài viết để nắm được các nội dung  trong bài giảng của thầy Nguyễn Thanh Toàn – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI tại buổi học livestream của Lớp học online Toán – Văn miễn phí cùng HOCMAI (lớp 6 – 9) nhé ạ.

I/ Mục tiêu bài học

Thầy Toàn mong muốn mỗi bạn học sinh đều sẽ xác định được rõ ràng mục tiêu bài học để qua đó cùng phấn đấu, cố gắng tiến bộ:

1. Kiến thức

– Nắm được cấu tạo của 2 loại từ láy: láy toàn bộ và láy bộ phận

– Hiểu cơ chế tạo nghĩa của từ láy tiếng Việt

2. Kỹ năng

– Sử dụng từ láy tốt, đạt hiệu quả

– Phân tích hiệu quả nghệ thuật của từ láy trong tác phẩm văn học

3. Thái độ

– Có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt

Mục tiêu bài học “Từ láy”

II/ Kiến thức cần nắm vững

1. Các loại từ láy

Thầy Toàn chia sẻ lại sơ đồ “Từ và cấu tạo từ của tiếng Việt” mà học sinh đã được học từ lớp 6 để giúp các em gợi nhớ lại kiến thức.

Sơ đồ “Từ và cấu tạo từ của tiếng Việt”.

Nhìn vào sơ đồ, có thể thấy từ láy chính là một trong hai loại của từ phức. Dưới đây là một số bài tập ở trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7, các em chủ động đọc, suy nghĩ, và làm thử trước rồi mới đối chiếu với gợi ý của thầy Toàn nhé.

Bài 1 (SGK trang 41):

Những từ láy (in đậm) trong các câu sau (trích từ văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê) có đặc điểm âm thanh gì giống và khác nhau?

– Em cắn chặt môi im lặng, mắt lại đăm đăm nhìn khắp sân trường, từ cột cờ đến tấm bảng tin và những vạch than vẽ ô ăn quan trên hè gạch.

– Tôi mếu máo trả lời và đứng như chôn chân xuống đất, nhìn theo cái bóng bé nhỏ liêu xiêu của em tôi trèo lên xe.

Gợi ý:

– Đăm đăm: Các tiếng được lặp lại với nhau hoàn toàn
Mếu máo: Giống nhau về phụ âm đầu giữa các tiếng
Liêu xiêu: Giống nhau về phần vần giữa các tiếng

Bài 2 (SGK trang 41):

Dựa vào kết quả phân tích trên, hãy phân loại các từ láy có ở mục 1.

Gợi ý:

TỪ LÁY Láy toàn bộ Đăm đăm
Láy bộ phận Láy phụ âm đầu Mếu máo
Láy phần vần Liêu xiêu


Bài 3 (SGK trang 41):

Vì sao từ láy (in đậm) dưới đây (trích từ văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê) không được nói là bật bật, thẳm thẳm

Vừa nghe thấy thế, em tôi bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi.

– Cặp mắt đen của em lúc này buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều.

Gợi ý:

Các từ láy bần bật, thăm thẳm (trích từ văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê) không nói được là bật bật, thẳm thẳm vì ở đây có sự chuyển đổi thanh điệu và phụ âm đầu ở các từ láy toàn bộ để tạo ra sự hài hòa về âm thanh.

– Biến đổi phụ âm cuối: bật bật -> bần bật.
Biến đổi thanh điệu: thẳm thẳm -> thăm thẳm.

Qua 3 bài tập trong sách giáo khoa (trang 41), thầy Toàn đã rút ra khái niệm và tổng kết dưới dạng sơ đồ cây để giúp học sinh dễ tiếp thu:

Những điều cần nhớ về từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.

Theo đó, từ láy gồm có từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận:

Từ láy toàn bộ: Các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn, nhưng cũng có một số trường hợp tiếng đứng trước biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối (tạo sự hài hòa về âm thanh)
Ví dụ: xanh xanh, gầy gầy, đo đỏ, tim tím,…

Từ láy bộ phận: Giữa các tiếng có sự giống nhau về phụ âm đầu hoặc phần vần.
Ví dụ: lom khom, lung linh,…

2. Nghĩa của từ láy

Nghĩa của từ láy được tạo ra nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng.
Ví dụ: meo meo, gâu gâu, tích tắc, lí nhí, li ti, ti hí,…

Trong trường hợp từ láy có tiếng có nghĩa là gốc thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc:

– Sắc thái biểu cảm: lạnh – lạnh lùng; nhẹ – nhẹ nhàng;…
– Sắc thái giảm nhẹ: tím – tim tím; đỏ – đo đỏ;…
– Sắc thái nhấn mạnh: ầm – ầm ầm; ào – ào ào;…

Sơ đồ cây về nghĩa của từ láy.

3. Luyện tập

Học sinh theo dõi các bài tập trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 trang 43, thử suy nghĩ và làm rồi đối chiếu với những hướng dẫn dưới đây của thầy Toàn để thực hành kiến thức nhé.

Bài 1 (SGK trang 43):

Đọc đoạn đầu văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê (từ “Mẹ tôi giọng khản đặc” đến “nặng nề thế này”).

– Tìm các từ láy trong đoạn văn đó
– Xếp các từ láy theo bảng phân loại

Hướng dẫn:

Các từ láy trong đoạn văn là: bần bật, thăm thẳm, nức nở, tức tưởi, rón rén, lặng lẽ, rực rỡ, chiêm chiếp, ríu ran, nặng nề.

Từ láy toàn bộ Thăm thẳm, chiêm chiếp, bần bật
Từ láy bộ phận Nức nở, lặng lẽ, tức tưởi, rực rỡ, nhảy nhót, nặng nề, ríu ran


Bài 3 (SGK trang 43):

Bài tập này yêu cầu các bạn học sinh hãy tìm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu:

Bài tập số 3 trong sách giáo khoa trang 43.

Hướng dẫn:

Thầy Toàn chia sẻ, để làm bài tập này thì trước hết các em phải hiểu nghĩa của những từ láy. Sau đó phải dựa vào văn cảnh để điền từ láy cho thích hợp. Theo đó:

* Nhẹ nhàng, nhẹ nhõm: 

+ Nhẹ nhàng: tỏ ra nhẹ, có vẻ nhẹ, không gây cảm giác gì nặng nề, khó chịu.
+ Nhẹ nhõm: nhẹ đến mức gây cảm giác như không có trọng lượng hoặc trọng lượng nhỏ, không đáng kể.

Ta sẽ điền như sau:

a. Bà mẹ nhẹ nhàng khuyên bảo con
b. Làm xong công việc, nó thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng.

* Xấu xí, xấu xa:

+ Xấu xí: xấu đến mức không ai muốn nhìn
+ Xấu xa: xấu đến mức tồi tệ đáng khinh bỉ

Ta sẽ điền như sau:

a. Mọi người đều căm phẫn hành động xấu xa của tên phản bội
b. Bức tranh của nó vẽ nguệch ngoạc, xấu xí

* Tan tành, tan tác:

+ Tan tành: tan nát hoàn toàn, không còn mảnh nào nguyên vẹn
+ Tan tác: rời rã, tả tơi, mỗi nơi một mảnh

Ta sẽ điền như sau:

a. Chiếc lọ rơi xuống đất, vỡ tan tành
b. Giặc đến, dân làng tan tác mỗi người một ngả

Bài 5 (SGK trang 43):

Các từ máu mủ, mặt mũi, tóc tai, râu ria, khuôn khổ, ngọn ngành, tươi tốt, nấu nướng, ngu ngốc, học hỏi, mệt mỏi, nảy nở đều là từ láy hay từ ghép?

Hướng dẫn:

Các từ máu mủ, mặt mũi, tóc tai, râu ria, khuôn khổ, ngọn ngành, tươi tốt, nấu nướng, ngu ngốc, học hỏi, mệt mỏi, nảy nở đều là từ ghép vì tất cả đều do các tiếng có nghĩa và không láy âm kết hợp với nhau tạo thành.

Trên đây là những kiến thức mà thầy Nguyễn Thanh Toàn hướng dẫn trong bài giảng “Từ láy”, môn Ngữ văn lớp 7. Năm học mới đã chính thức bắt đầu, học sinh các lớp khối THCS có thể tham gia Lớp học online Toán – Văn miễn phí cùng HOCMAI (lớp 6 – 9) để chủ động kiến thức, tự tin đạt điểm số cao.

Đây là lớp học livestream hoàn toàn MIỄN PHÍ cho tất cả học sinh các lớp 6 – 7 – 8 – 9 trên cả nước. Với mỗi buổi học, các em sẽ được trực tiếp tương tác với giáo viên, được hệ thống kiến thức trọng tâm và hướng dẫn giải các dạng bài tập. Đồng thời, các em cũng sẽ được định hướng, tư vấn lộ trình và kế hoạch học tập hợp lý, chuẩn bị cho chương trình môn Toán – Ngữ văn trong năm học mới 2021 – 2022.

>> ĐĂNG KÝ THAM GIA LÀM BÀI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC MIỄN PHÍ
VÀ NHẬN LỊCH HỌC TẠI ĐÂY <<

>> Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy liên hệ Hotline 0962.605.340 hoặc ĐĂNG KÝ NGAY TẠI ĐÂY để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ!