[Ngữ văn 8]: Phương pháp làm tốt bài thi học kỳ I dạng bài tự sự và thuyết minh

0
1387

Tập làm văn là phần chiếm trọng số điểm cao nhất trong các bài thi học kỳ. Trong chương trình Ngữ văn lớp 8 học kì I, học sinh được học hai nội dung kiến thức trọng tâm ở phần này là kiểu bài văn tự sự và thuyết minh. 

Khác với tự sự trong chương trình lớp 6 đơn thuần chỉ là kể lại sự việc thì ở chương trình lớp 8 có yêu cầu học sinh đưa vào thêm yếu tố miêu tả. Còn đối với văn thuyết minh, đây là dạng bài không khó để viết đúng, nhưng muốn viết hay thì cần sự sáng tạo, không theo khuôn mẫu liệt kê các đặc điểm tính chất của sự vật.

Nhằm giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về kiến thức Tập làm văn trong học kỳ I, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) hệ thống lại các nội dung học sinh cần nắm chắc dưới đây.

Thầy Nguyễn Phi Hùng hệ thống lại các kiến thức trọng tâm cần nhớ phần Tập làm văn chương trình Ngữ văn lớp 8 học kì I.

Các yếu tố có trong một bài văn tự sự kết hợp với miêu tả

Trong bài văn tự sự, yếu tố tự sự đóng vai trò nòng cốt, là nền tảng cấu trúc nên bài văn, còn miêu tả có nhiệm vụ bổ sung để làm nổi bật thêm chi tiết tự sự. Và nói đến văn tự sự, người ta nhắc đến 3 yếu tố.

Yếu tố quan trọng đầu tiên là nhân vật. Câu chuyện tự sự phải kể về một nhân vật nào đó và họ phải gây được ấn tượng với người đọc. Điều này có thể biểu hiện trong lời nói hoặc hành động. Có nhân vật được nhớ bởi tên gọi, ngoại hình và cũng có người lại cuốn hút bởi những thói quen khác lạ…

Để bài văn được đầy đủ, học sinh cần cung cấp thêm cho người đọc thông tin cơ bản về nhân vật như: tên gọi, lai lịch xuất thân, hoàn cảnh sống, ngoại hình, diễn biến tâm lý, thói quen, tính nết, số phận cuộc đời…Tuy nhiên, không phải nhân vật nào trong bài cũng nhất thiết phải có đầy đủ các đặc điểm kể trên mà đối với các nhân vật chính, học sinh nên đưa ra nhiều chi tiết tiêu biểu để người đọc hình dung được rõ nét về đối tượng.

Yếu tố tiếp theo phải kể đến trong bài văn tự sự kết hợp với miêu tả là cốt truyện. Dù mỗi học sinh có cách trình bày cốt truyện khác nhau nhưng trước hết học sinh cần giới thiệu hoàn cảnh diễn ra sự việc, các nhân vật tham gia, diễn biến câu chuyện (sự kiện mở đầu, sự kiện tiếp diễn phát triển câu chuyện và kết thúc). Cốt truyện học sinh đưa ra phải hợp lý và logic, các hành động của nhân vật phải phù hợp với tính cách của họ. Ngoài ra, để bài viết hấp dẫn người đọc, học sinh có thể đưa thêm vào tình tiết bất ngờ vào cuối câu chuyện.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu để có bài viết hay là câu chuyện ấy phải mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bài văn nên hướng con người ta đến với tình cảm cao đẹp, cách ứng xử cao thượng giữa con người với con người trong cuộc sống. Sau khi câu chuyện kết thúc, người đọc, người nghe tự mình rút ra được bài học thấm thía, chiêm nghiệm điều gì đó về cuộc đời. Có thể nói, mỗi câu chuyện học sinh viết ra là một sự khám phá về hiện thực cuộc sống. Bằng chính những suy nghĩ rất riêng của bản thân mình, học sinh lớp 8 có thể trình bày những quan điểm mang màu sắc riêng mà đôi khi góc nhìn của người lớn vốn đã bị đóng khung, rập theo khuôn mẫu chung của xã hội.

Bài văn thuyết minh cần có tính chính xác và yếu tố mới mẻ

Trong chương trình Ngữ văn lớp 8 học kì I, ngoài văn tự sự học sinh còn được học văn thuyết minh. Theo đó, trong một bài văn thuyết minh, có 2 yếu tố học sinh cần nắm chắc. Một là đối tượng thuyết minh: nó có thể là đồ vật, con vật, cây cối, sự việc, con người, tác phẩm, thể loại văn học… Hai là về thông tin thuyết minh: học sinh có thể quan sát trực tiếp đối tượng để tìm ra đặc điểm, tính chất của chúng. Đối với những đối tượng không thể quan sát thì ta phải dựa vào nguồn tư liệu, sách vở để tham khảo. Yêu cầu thông tin trong bài văn thuyết minh phải chính xác, đầy đủ những đặc điểm tiêu biểu và đặc trưng nhất. Ngoài ra, sự mới mẻ để bài viết cuốn hút người đọc là điều học sinh cần lưu ý. Bài văn thuyết minh không chỉ đơn thuần là liệt kê các đặc điểm, tính chất của đối tượng mà cần có yếu tố sáng tạo để tạo sự khác biệt cho bài văn.

Trong văn thuyết minh, học sinh chú ý 2 dạng bài thường gặp là thuyết minh đồ vật và thuyết minh về một thể loại văn học. Với bài thuyết minh về một đồ vật (chiếc nón lá, tà áo dài, chiếc bút bi, cây quạt điện…), các ý cần triển khai trong bài viết gồm: giới thiệu đối tượng cần thuyết minh; trình bày cấu tạo, công dụng các bộ phận; tác dụng chung của đồ vật với cuộc sống con người và cuối cùng là cách sử dụng, bảo quản để bảo vệ đồ vật. Dạng bài thứ hai là thuyết minh về một thể loại văn học (truyện ngắn, thơ lục bát…), học sinh cần nắm được các bước làm bài như sau: giới thiệu về thể loại văn học cần thuyết minh; trình bày lịch sử ra đời và phát triển (gắn liền với những tác giả, tác phẩm nổi tiếng); đặc điểm nội dung và nghệ thuật của thể loại và đánh giá chung đóng góp, thành tựu của thể loại.

Trên đây là tổng hợp các kiến thức Tập làm văn trong chương trình Ngữ văn 8 học kì I. Thông qua những kiến thức thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, hy vọng học sinh sẽ nắm chắc nội dung này để vận dụng làm bài tập một cách hiệu quả nhất.

>>> Nâng cao kỹ năng viết Văn hay hơn cùng thầy Hung ngay tại: https://hocmai.link/On-tap-lam-van-nguvan-8 <<<

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi học kì sắp tới, quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo Chương trình Học tốt 2021-2022 của HOCMAI. Các khóa học bao gồm đầy đủ các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học…và khái quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ.