Ngữ văn 8: Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng: Những kiến thức trọng tâm cần ghi nhớ

0
4837

Với những trang văn khóc cho những kiếp người cùng khổ, Nguyên Hồng được xem là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng tháng 8. Trong chương trình Ngữ văn lớp 8, học sinh sẽ được tìm hiểu văn bản Trong lòng mẹ được trích trong tập hồi kí Những ngày thơ ấu, viết về tuổi thơ nhiều cực khổ, bất hạnh của chính Nguyên Hồng. 

Dưới đây là một số hướng dẫn của cô Nguyễn Thu Trang – Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI để giúp học sinh nắm vững những nội dung chính của văn bản. Nội dung kiến thức được trích từ buổi học livestream của Lớp học online Toán – Văn miễn phí cùng HOCMAI (lớp 6 – 9). Phụ huynh và các bạn học sinh tham khảo ngay nhé!

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả Nguyên Hồng (1918 – 1982)

“Nguyên Hồng là kẻ đam mê viết – Một kẻ bị ám ảnh bởi công việc ngoài viết ra không biết gì đến ăn mặc, ăn mặc xuềnh xoàng tới mức người ta tưởng là lập dị.”

  • Nguyên Hồng quê gốc ở Nam Định, tuy nhiên phần lớn thời gian ông chủ yếu sống ở Hải Phòng.
  • Ông thường viết về những người cùng khổ với tình cảm yêu thương thắm thiết.
  • Nguyên Hồng sáng tác tiểu thuyết, truyện kí, thơ. Truyện của ông giàu chất trữ tình, dạt dào cảm xúc, thiết tha và chân thành. (Lưu ý: Học sinh chú ý điểm quan trọng này vì đây chính là nét chính trong sáng tác của ông.)

2. Tác phẩm

a) Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

Tác phẩm “Những ngày thơ ấu” là cuốn hồi kí về tuổi thơ đầy cay đắng của chính tác giả (1938). Văn bản “Trong lòng mẹ” trích từ chương IV của cuốn hồi kí.

b) Đọc – Tóm tắt tác phẩm:

  • Sắp đến ngày đoạn tang cha mà mẹ chú bé Hồng chưa về. Khi ấy, bà cô của Hồng đã có lười châm chọc, hỏi thăm Hồng để chế giễu, mỉa mai Hồng và mẹ chú bé. Nhưng chú bé Hồng vẫn giữ tấm lòng yêu thương mẹ hết mực. 
  • Đến ngày giỗ, trên đường đi học về Hồng đã gặp được mẹ. Chú bé sung sướng hạnh phúc vô bờ khi được ở trong vòng tay của mẹ. 

Cô Trang lưu ý các bạn học sinh không được bỏ qua bước đọc và tóm tắt văn bản, vì đây là bước quan trọng để để hiểu và dễ dàng hơn trong quá trình đi sâu tìm hiểu nội dung văn bản.

c) Phương thức biểu đạt: Tự sự (Đan xen miêu tả và biểu cảm)

d) Ngôi kể: ngôi kể thứ nhất xưng “tôi” – chú bé Hồng.

Câu chuyện đã được kể lại đầy chân thực và xúc động, thiết tha bằng chính lời của chú bé Hồng về những tình cảm đối với mẹ, cùng những rung động mãnh liệt của chú bé Hồng khi phải sống trong hoàn cảnh đáng thương: xa mẹ, thiếu thốn tình yêu thương và sống trong sự ghẻ lạnh của họ nhà nội. 

e) Bố cục

Cô Trang hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản theo bố cục chính gồm 2 phần: 

  • Tâm trạng bé Hồng trong cuộc đối thoại với người cô
  • Tâm trạng bé Hồng trong cuộc gặp gỡ với mẹ

=> Văn bản được xây dựng theo trình tự theo diễn biến cốt truyện, trình tự thời gian.

II. Tìm hiểu chi tiết

1. Cuộc đối thoại giữa bé Hồng với người cô:

Để hiểu hơn về cuộc đối thoại này, học sinh tìm hiểu qua về hoàn cảnh của chú bé Hồng:

a) Hoàn cảnh chú bé Hồng: Mồ côi cha, mẹ đi tha hương cầu thực. Bé Hồng sống nhờ với người cô, không được yêu thương, bị hắt hủi. 

=> Hoàn cảnh đáng thương, bất hạnh, thiếu thốn tình thương.

b) Cuộc đối thoại giữa bé Hồng và người cô:

Mở đầu đoạn trích “Trong lòng mẹ “ là cuộc đối thoại giữa bé Hồng và người cô. Trong cuộc đối thoại, người cô đã nói 5 lần, còn chú bé Hồng chỉ là những cử chỉ đáng thương. Học sinh theo dõi sách giáo khoa để tìm hiểu chi tiết những thái độ, hành động, cử chỉ của từng nhân vật trong cuộc đối thoại.

Dưới đây là hướng dẫn học sinh tìm hiểu chi tiết cuộc đối thoại giữa chú bé Hồng và người cô:

Nhân vật Người cô Bé Hồng
Lời nói Mỗi câu hỏi xoáy đều xoáy sâu vào nỗi đau của chú bé Hồng Không đáp, lười nói yếu ớt
Hành động, cử chỉ Cười hỏi, hai con mắt long lanh chằm chặp đưa mắt nhìn tôi, vỗ vai, nét mặt khi cười rất kịch Cúi đầu không đáp, khóe mắt cay cay, nước mắt chan hòa, cười dài trong tiếng khóc
Thái độ, suy nghĩ Chế giễu, gieo rắc ý xấu về mẹ bé Hồng, mỉa mai, giả dối Nhận ra thái độ rất kịch của bà cô; Thương mẹ, căm tức những thành kiến đày đọa mẹ
Nhận xét Hình ảnh bà cô tiêu biểu cho những thành kiến trong xã hội phong kiến, sống tàn nhẫn, khô héo cả tình máu mủ Thông minh, nhạy cảm, yêu thương mẹ mãnh liệt, niềm tin và bảo vệ mẹ trước những thành kiến xã hội, mang tư tưởng tiến bộ


Để diễn tả tâm trạng của chú bé Hồng, nhà văn đã sử dụng những câu văn như:

”Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”

“Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”

=> Tâm địa của người cô khơi sâu thêm tình yêu mãnh liệt và thổi bùng sự căm ghét của bé Hồng trước định kiến khắt khe dành cho mẹ của mình.

Nghệ thuật: Cuộc đối thoại đã thể hiện sự thành công của nhà văn Nguyên Hồng trong việc khắc họa nhân vật thông qua từng chi tiết từ lời nói, cử chỉ, hành động, diễn biến tâm trạng,… tất cả được nhà văn diễn tả đầy chi tiết và tinh tế. 

Phân tích chi tiết tác phẩm các em học sinh xem tại: Soạn bài Trong lòng mẹ

 

2. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa bé Hồng và mẹ

Học sinh đọc kĩ văn bản và chú ý tới các chi tiết thể hiện diễn biến tâm trạng, hành động của chú bé Hồng khi tình cờ gặp mẹ:

  • Khi “thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo”, chú bé đã vội đuổi theo ngay => gọi bối rối
  • Khi ngồi lên xe với mẹ => òa khóc nức nở
  • Cảm nhận sự ấm áp, tình yêu khi ở trong lòng mẹ

Một số câu văn diễn tả tâm trạng của chú bé Hồng: 

Hình ảnh người mẹ hiện lên trong mắt chú bé Hồng: “gương mặt tươi sáng, đôi mắt trong và nước da mịn, màu hồng của hai gò má, tươi đẹp như thuở sung túc, hơi thở thơm tho lạ lùng.

=> Bé Hồng cảm nhận về mẹ bằng mọi giác quan và bằng cả tâm hồn thơ dài đang khao khát tình mẫu tử.

Nhận xét: Niềm sung sướng cực độ của chú bé Hồng khi gặp lại mẹ được diễn tả lại bằng cảm hứng say mê cùng những rung động tinh tế.

III. Tổng kết

Nội dung

Nghệ thuật

  • Tình cảnh đáng thương của chú bé Hồng, câu chuyện về người mẹ và tình cảm mãnh liệt của chú bé Hồng dành cho mẹ
  • Dòng cảm xúc phong phú của Hồng: tủi nhục, căm hận, mãnh liệt, yêu thương.
  • Tạo tình huống truyện đặc sắc, bộc lộ rõ đặc điểm của nhân vật
  • Miêu tả tâm lý nhân vật qua lời nói, hành động, cử chỉ
  • Kết hợp lời văn kể chuyện với miêu tả, biểu cảm tạo nên rung động trong lòng người đọc.

Trên đây là những hướng dẫn của cô Trang khi tìm hiểu nội dung văn bản “Trong lòng mẹ” của nhà văn Nguyên Hồng. Đây là một tác phẩm hay và mang nhiều giá trị nhân văn, hi vọng với những hướng dẫn của cô Trang, các bạn học sinh sẽ nắm vững hơn bài học.