[NGỮ VĂN 9]: Cách liên hệ, mở rộng khi phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

0
93213

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” nằm trong tập thơ đánh dấu sự hồi sinh của hồn thơ Huy Cận sau thời gian dài u sầu, ảo não và lạc lõng giữa cuộc đời. Đây cũng là bài thơ trọng tâm ở môn Ngữ văn lớp 9. Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI sẽ đưa ra những điểm học sinh cần lưu ý khi làm bài tập về tác phẩm này.

Nhà thơ Huy Cận: từ hồn thơ u sầu đến tươi vui, tràn đầy sức sống

Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận (1919-2005) quê tại Hà Tĩnh, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Sự nghiệp thơ ca của Huy Cận được chia làm 2 giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự khác biệt hẳn về hồn thơ, giọng thơ và nhân vật.

Trước Cách mạng, thơ ông mang phong cách u sầu, ảo não, một nỗi như chất dồn từ vạn cổ chất dồn về. Không gian trong thơ rộng lớn, bao la mang tầm vũ trụ càng làm nổi bật hình ảnh của những con người nhỏ bé, cô đơn và lạc lõng giữa cuộc đời mênh mông.

Sau Cách mạng, nhà thơ tìm thấy sự đồng điệu với cuộc đời nên giọng thơ chuyển hẳn sang không khí tươi vui, phấn chấn vô cùng. Hình tượng trung tâm là con người lao động đang vươn lên mạnh mẽ để làm chủ cuộc đời mới, hăng say để làm việc, cống hiến và xây dựng cho quê hương đất nước trong bối cảnh miền Bắc bắt đầu đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các tập thơ tiêu biểu của Huy Cận bao gồm: Lửa thiêng; Trời mỗi ngày lại sáng…

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Cả bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một khúc tráng ca ca ngợi thiên nhiên, con người trong thời đại mới. Ở mỗi phần, mỗi đoạn của bài thơ cũng giống như một khúc ca đầy hào sảng và say mê.

Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác năm 1958 khi nhà thơ đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh. Ở đây, ông đã được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm sâu sắc vẻ đẹp giàu của biển trời quê hương, cùng với đó là không khí lao động hăng say của những con người trong thời đại mới.

Tác phẩm được trích từ tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958) đánh dấu sự hồi sinh của hồn thơ Huy Cận đồng thời khơi nguồn sáng tạo cho các tập thơ sau này.

Chủ đề, nghệ thuật

Tác giả ngợi ca vẻ đẹp tráng lệ, giàu có của vùng biển trời quê hương và tinh thần làm việc rất hăng say của những người lao động biển, những người làm chủ tương lai của chính mình. Đây cũng chính là niềm vui say ngây ngất, niềm tự hào của nhà thơ trước thiên nhiên và cuộc đời mới.

Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo đồng thời mang âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan.

Các em học sinh có thể tham khảo bài phân tích chi tiết tại: Phân tích bài thơ đoàn thuyền đánh cá.

Ý nghĩa nhan đề “Đoàn thuyền đánh cá”

Nhan đề bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” mang nhiều ý nghĩa mà học sinh cần nắm được và đưa vào bài viết để thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về nội dung toàn bài.

Trước hết, hình ảnh “đoàn thuyền” thể hiện đây không phải chỉ là một con thuyền và rất nhiều chiếc thuyền đang cùng nhau ra khơi để làm công việc lao động quen thuộc với cuộc sống của họ “đánh cá”. Qua hình ảnh này, nhà thơ muốn ca ngợi sự đoàn kết của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên Việt Nam, cũng như bộc lộ tình yêu sâu đậm với quê hương, đất nước.

Bố cục

Bố cục của bài thơ cũng chính là hành trình của đoàn thuyền, của những người ngư dân ra khơi đánh bắt cá và trở về đồng thời đó cũng là hành trình của thời gian: từ hoàng hôn đến đêm và đến ánh bình minh.

Bài thơ gồm 3 phần:

Phần 1: Cảnh đoàn thuyền ra khơi vào hoàng hôn (2 khổ đầu).

Phần 2: Cảnh đánh bắt cá trên biển (4 khổ).

Phần 3: Đoàn thuyền trở về khi bình minh ló dạng (1 khổ cuối).

Mở rộng, liên hệ với các bài thơ khác

Bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Hình ảnh con thuyền từ nhỏ bé nay đã trở lên lớn lao, sức mạnh ngang tầm vũ trụ, kì vĩ trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng”

Con thuyền đặc biệt được cầm lái bởi gió, trăng là cánh buồm → gợi sự nhịp nhàng, hòa quyện giữa con thuyền với tự nhiên. Học sinh có thể liên hệ với hai câu thơ có cùng nội dung trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh như sau:

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”

Bài thơ “Cành lan phong bể” – Chế Lan Viên

Hình ảnh “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” trong bài thơ của Huy Cận có thể liên hệ với hình ảnh “Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về” của nhà thơ Chế Lan Viên.  

Trong đó, Huy Cận sử dụng hình ảnh ẩn dụ. Nhà thơ đi từ việc liệt kê tên các loại cá “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song” khiến cho bức tranh biển cả sinh động, rực rỡ sắc màu.

Cá song có thân dày và dài trên vảy có chấm tròn màu đen và hồng giống hình ảnh của bó đuốc lấp lánh. Tác giả tưởng tượng hình ảnh đàn cá song như đám rước hội tưng bừng, lộng lẫy trên mặt biển để rồi sau đó hình ảnh đẹp đẽ cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe là hình ảnh thi vị và đẹp đẽ nhất.

Trên đây là những nội dung mà học sinh cần nắm được khi làm các dạng bài về bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Bài thơ thể hiện sự hăng say lao động của con người lao động và niềm vui, tự hào của tác giả trước vẻ đẹp của con người và thiên nhiên đất nước.

Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Phi Hùng đang trực tiếp tham gia giảng dạy các kiến thức trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Các em có thể đăng ký khóa Trang bị kiến thức tại HOCMAI để được học thử các bài giảng của thầy.