Đề Ngữ văn (vòng 2) vào 10 chuyên Sư phạm năm 2020: Đề thi khó, điểm 6-7 là phổ biến

0
2334

Đề thi Ngữ văn (vòng 2) năm nay của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội được đánh giá là khó, đòi hỏi thí sinh phải thuần thục thao tác lập luận so sánh. 

Chiều 15/7, thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn (vòng 2) dành cho hệ chuyên. Phụ huynh, học sinh xem ngay đề thi và nhận định đề thi chi tiết dưới đây!

Đề thi môn Ngữ văn (vòng 2) dành cho hệ chuyên vào lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm năm 2020. 

Cô Đỗ Khánh Phượng, Giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Hình thức đề thi quen thuộc như các năm trước với 2 câu hỏi lần lượt bao gồm: Câu thứ nhất thuộc phần Nghị luận xã hội và câu thứ 2 thuộc phần Nghị luận văn học.

Phần Nghị luận xã hội khá dài với hai dữ liệu, dữ liệu một nói về niềm hạnh phúc khi sống biết cho đi. Dữ kiện thứ hai, nhấn mạnh về sự thất bại của giáo dục tình người khi bệnh vô cảm ngày càng nhiều hơn. Dữ kiện thứ hai dường như không có giá trị nhiều, mà chỉ gây rối cho tư duy của học sinh bởi yêu cầu đề lại khá gọn gàng: niềm hạnh phúc khi được trao tặng một nụ cười và biểu hiện của sự vô cảm ngày một nhiều trong cuộc sống hiện nay. Hai vấn đề nêu ra đối lập, đòi hỏi học sinh phải biết thao tác lập luận so sánh. Đồng thời đề bài cũng đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ của học sinh từ thực tế và sự nhạy cảm trong tâm hồn.

Phần Nghị luận văn học với hai tác phẩm là “Chiếc lá cuối cùng” và “Lặng lẽ Sa Pa”. Qua hai tác phẩm, đề chủ yếu hướng tới vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm nghệ thuật.  Đề yêu cầu cao về lí luận. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn với quá nhiều yêu cầu đề: giá trị của nghệ thuật (Bơ-men đã tạo ra “kiệt tác” cứu sống một con người), của lao động nghệ thuật (sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa), giới hạn trong việc phản ánh đời sống (tính hiện thực), sức mạnh gtrong việc tạo ra những giá trị nhân văn cao đẹp (giá trị nhân đạo) thì quả là quá sức với học sinh.

Các câu hỏi đều liên quan đến kiến thức đã được ôn luyện trong chương trình Ngữ văn THCS, tuy nhiên yêu cầu nâng cao là chủ yếu. Đây là một đề khó, nhất là trong việc xác định trọng tâm bài làm. Nếu học sinh không vững lí luận, sẽ chỉ luẩn quẩn trong việc xác định giá trị hiện thực và nhân đạo của hai tác phẩm này mà thôi.

Nhìn chung, đề Văn Chuyên Sư phạm năm nay tập trung khá nhiều vào kĩ năng lập luận của thí sinh. Các câu hỏi vòng vèo, đòi hỏi học sinh phải phân tích đề kĩ càng. Muốn hoàn thành tốt bài làm, các em cần nắm chắc những kiến thức lí luận văn học, thuộc những nhận định của các nhà phê bình là một lợi thế. Kĩ năng làm bài phải thành thạo, nhuần nhuyễn, nhất là tạo ra tính liên kết giữa các phần trong bài làm. Đề thi khó, nhiều học sinh sẽ lúng túng không biết mình làm đúng hay không khi ra khỏi phòng thi, điểm 6-7 sẽ phổ biến.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cũng chia sẻ: Vấn đề được hỏi đến trong các câu hỏi trong đề không quá mới mẻ. Nhưng cách tiếp cận vấn đề có điều thú vị, xuyên suốt là người ra đề nêu ra các bình diện khác nhau của vấn đề, nhiều khi là những bình diện đối lập nhau (sẻ chia và vô cảm trong cuộc sống, sức mạnh và sự giới hạn của nghệ thuật). Điều đó đòi hỏi thí sinh phải có cái nhìn sâu sắc và đa chiều, có cách lập luận để bảo vệ quan điểm riêng về vấn đề. Trải nghiệm đọc các tác phẩm văn học cũng cần rộng và sâu để có đủ vốn tri thức cho câu hỏi về sức mạnh và giới hạn của nghệ thuật.