Soạn bài Cảnh ngày xuân ( Trích tác phẩm Truyện Kiều)

0
1591
soan-bai-canh-ngay-xuan

Cảnh ngày xuân là trích đoạn miêu tả khung cảnh mùa xuân và cuộc du xuân của hai chị em nhà họ Vương. HOCMAI chia sẻ cho các em học sinh soạn bài Cảnh ngày xuân ( Trích Truyện Kiều) của đại thi hào Nguyễn Du  một cách chi tiết và hay nhất. Hy vọng đây là bộ tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 9 trong quá trình học, soạn văn 9 hay ôn thi.

 

Tham khảo thêm:

Phân tích Cảnh ngày xuân

Soạn bài chị em Thúy Kiều

 

I. Soạn bài Cảnh ngày xuân ( Trích Truyện Kiều): Tìm hiều chung

1. Tác giả

  • Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên sinh năm 1765, mất năm 1820. Ông sinh ra và sống quãng đời niên thiếu tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long.
  • Quê gốc của Nguyễn Du tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  • Nguyễn Du sinh trưởng trong gia đình có truyền thống văn học và khoa bảng. Cha của ông là Nguyễn Nghiễm, làm quan to trong triều đình. Anh trai cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Khản cũng làm quan trong triều dưới thời Lê Trịnh. 
  • Nguyễn Du mồ côi cha mẹ năm 13 tuổi và phải sống cuộc sống ăn nhờ ở đậu, gian khổ từ thời điểm đó cho đến khi trưởng thành. 
  • Nguyễn Du sinh ra trong thời điểm xã hội phong kiến có nhiều biến động to lớn. Bản thân ông đã chứng kiến sự suy tàn của triều đình Lê Trịnh rồi sự hình thành và suy tàn của nhà Tây Sơn cho đến triều đình nhà Nguyễn lên lắm quyền. Chính những biến động của xã hội đã ảnh hưởng rât nhiều đến tư tưởng và sự nghiệp thơ văn của ông sau này. 
  • Nguyễn Du là người học rộng hiểu nhiều đúc kết từ một gia đình có truyền thống hiếu học. Bên cạnh đó bản thân ông cũng có nhiều thời gian buôn ba khắp nơi. Đặc biệt quãng thời gian đi xứ Trung Quốc cũng giúp ông hiểu thêm về văn chương của họ. Nguyễn Du cũng là một người rất am hiểu về nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện qua các bài thơ văn của ông sử dụng rất nhiều điển cố, điển tích, ca dạo tục ngữ Việt Nam. 
  • Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Du vô cùng đồ sộ với các tác phẩm từ chữ Hán cho đến nhữ Nôm. Tác phẩm chữ Hán nổi tiếng với ba tập thơ bao gồm 243 bài thơ : Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và  Bắc hành tạp lục. Tác phẩm chữ Nôm của Nguyễn Du có thể kể đến như Truyện Kiều, Văn chiêu hồn… 

2. Về trích đoạn Cảnh ngày xuân

2.1 Vị trí đoạn trích Cảnh ngày xuân ( Trích Truyện Kiều)

  • Đoạn trích Cảnh ngày xuân trong tác phẩm Truyện Kiều nằm ở phía sau đoạn trích Chị em Thúy Kiều của tác giả Nguyễn Du. 
  • Đoạn trích Cảnh ngày xuân miêu tả ngày xuân chị em Thúy Kiều du xuân trong tiết thanh minh. 

Tham khảo thêm: Soạn bài Truyện Kiều

2.2 Bố cục đoạn trích Cảnh ngày xuân ( Trích Truyện Kiều) 

Đoạn trích Cảnh ngày xuân có thể chia bố cục 3 phần, bao gồm: 

  • Phần 1: Bốn câu thơ đầu tiên: Nguyễn Du miêu tả khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp 
  • Phần 2: Tiếp theo cho đến đoạn “ Thoi vàng vó rắc cho tiền giấy bay” : Nguyễn Du miêu tả ngày lễ thanh minh và cuộc du xuân nhiều cảm xúc của chị em Thúy Kiều.. 
  • Phần 3: Đoạn thơ còn lại: Hình ảnh chị em Thúy Kiều khi du xuân trở về trong ánh chiều tà man mác buồn.  

2.3 Giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích Cảnh ngày xuân

  • Giá trị nội dung: Đoạn trích cảnh ngày xuân Nguyễn Du đã miêu tả một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và lễ hội đầu xuân tươi vui, rộ rã và náo nhiệt trong cuộc du xuân đầu năm của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. 
  • Giá trị nghệ thuật : Nguyễn Du đã sử dụng rất thành công nghệ thuật tả cảnh ngụ tình vô cùng tinh tế, sáng tạo. Với chất liệu ước lệ tượng trưng và bút pháp chấm phá tinh tế, khung cảnh thiên nhiên mùa xuân hiện ra tươi đẹp trước mắt người đọc. Và thêm một lần nữa Nguyễn Du khẳng định bản thân là bậc thầy về ngôn ngữ khi sử dụng một loạt các từ ngữ giàu hình ảnh cho các câu thơ của mình. 

 

II. Soạn bài cảnh ngày xuân: Phần đọc hiểu văn bản

Câu 1 SGK Ngữ Văn 9 trang 86 tập 1

Khung cảnh ngày xuân trong bốn câu thơ đầu tiên

Những chi tiết gợi lên khung cảnh ngày xuân qua miêu tả của Nguyễn Du về không gian và thời gian: 

  • Con én đưa thoi: vừa tả cảnh ngày xuân chim én bay đầy trời nhưng cũng là dụng ý của Nguyễn Du về thời điểm trôi qua nhanh chóng của mùa xuân
  • Thiều quang: Chỉ hình ảnh ngày xuân với ánh sáng đẹp

Những chi tiết gơi lên khung cảnh ngày xuân qua các hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp: 

  • Cỏ xanh tận chân trời: Mùa xuân là thời điểm cây cối đâm trồi nẩy lộc. Thay vì những đám cỏ héo úa mùa đông là hình ảnh cỏ cây xanh mướt đến tận chân trời. Một hình ảnh vô cùng đẹp về mùa xuân. 
  • Cành lê hoa trắng: Loài hoa đặc trưng nở vào thời điểm mùa xuân

=> Với thủ pháp chấm phá vô cùng điêu luyện, Nguyễn Du đã miêu tả mùa xuân tươi đẹp bởi chim én, ánh sáng, cỏ xanh hoa lê trắng. Bức tranh thiên nhiên hiện ra trước mắt người đọc vô rất sinh động nhưng cũng rất yên bình. 

Câu hỏi 2 SGK Ngữ văn 9 trang 86 tập 1

Khung cảnh lễ hội thanh minh trong tám câu thơ tiếp theo

  • Khung cảnh lễ hội thanh minh được Nguyễn Du miêu tả rất sống động, kết hợp cả phần lễ và phần hội. Phần lễ là lễ tảo mộ, dịp thanh minh là thời điểm nhiều gia đình đến để tảo mộ ông bà tổ tiên, cầu mong cho một năm mới bình yên và may mắn. Bên cạnh lễ tảo mộ là hội đạp thanh tức du xuân. Hội đạp thanh đầu năm là dịp để mọi người, nhất là những tài tử, giai nhân trẻ tuổi đi du ngoạn cảnh sắc mùa xuân
  • Để miêu tả khung cảnh lễ hội thanh minh, Nguyễn Du đã sử dụng một loạt các từ ghép tính từ, danh từ, động từ như: 
  • Từ ghép tính từ: gần xa, nô nức
  • Từ ghép động từ: sắm sửa, dập dìu
  • Từ ghép danh từ: tài tử, giai nhân, yến anh, chị em
  • Cảm nhận lễ hội truyền thống: lễ hội thanh minh là một truyền thống đẹp và thiêng liêng, thể hiện sự ghi nhớ đến ông bà, tổ tiên của con cháu đời sau. Lễ thanh minh gắn với hội đạp thanh là một điều rất đặc biệt. Khi phần lễ là hoài niệm tưởng niệm quá khứ còn phần hội đạp thanh là dịp các nam thanh nữ tú tìm hiểu lẫn nhau, là hướng về tương lai sau này. Chính lễ thanh minh và hội đạp thanh đã hoàn chỉnh cho bức tranh thiên nhiên mà Nguyễn Du đã viết phía trên. Khung cảnh mùa xuân không chỉ tươi đẹp mà còn vô cùng nhộn nhịp, náo nhiệt. 

 

Câu hỏi 3 SGK Ngữ Văn 9 trang 86 tập 1

Hình ảnh chị em Thúy Kiều trở về trong sáu câu thơ cuối 

  • Sáu câu thơ cuối miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều trở về sau khi du xuân. Khác với thời điểm bắt đầu, thời điểm trở về trong ánh chiều tà đìu hiu, cảnh vật như nhuộm màu buồn bã và bình yên. 
  • Nguyễn Du sử dụng những cụm từ láy như “ tà tà, thanh thanh, nao nao” để bộc lộ cảm xúc của các nhân vật trên đường trở về. Dường như cảnh vật xung quanh cũng nhuốm màu tâm trạng của con người. 
  • Khung cảnh trong sáu câu thơ cuối trở lên buồn bã và cô quạnh hơn rất nhiều. Sự chuyển biến nhẹ nhàng này dường như tạo ra cho người đọc những dự cảm không tốt về những sự việc sắp xảy ra tiếp theo. 

 

Câu hỏi 4 trang 87 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Phân tích thành công trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du 

  • Để miêu tả và kể lại chuyên du xuân của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân Nguyễn Du đã sử dụng kết cấu theo trình tự thời gian, đi từ khái quát đến cụ thể.
  • Bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi được Nguyễn Du sử dụng hết sức thành công trong hai câu thơ đầu tiên, vừa miêu tả thời gian mùa xuân trôi qua cũng như không gian tươi đẹp mà mùa xuân đem lại. 
  • Ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích cảnh ngày xuân đều gợi tả không khí lễ hội mùa xuân rộn ràng, náo nức. Nguyễn Du đã sử dụng một loạt các từ ghép hai âm tiết như gần xa, nô nức, yến anh … 

 

III. Soạn cảnh ngày xuân: Phần hướng dẫn luyện tập 

Câu hỏi: 

Phân tích, so sánh cảnh mùa xuân trong câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa” với câu “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” để thấy được sự tiếp thu, sang tạo của Nguyễn Du.

Hướng dẫn trả lời: 

  • Thơ cổ Trung Quốc miêu tả vẻ đẹp độc đáo của mùa xuân bằng một phong cách giàu sức gợi, có sức lôi cuốn, màu sắc và đường nét. Đó là mùi thơm của cỏ, màu xanh mướt của cỏ, nối tiếp nhau, đến tận chân trời. Cùng với hình ảnh cỏ non xanh mướt là đường nét của một cành lê với một vài bông hoa đang nhẹ nhàng nở lại càng nổi bật trên nền cỏ xanh. Cảnh đẹp và tĩnh lặng cho người đọc nhiều cảm nhận về mùa xuân tươi mát. 
  •  Hai câu thơ trong Truyện Kiều là một bức tranh đẹp về mùa xuân. Màu xanh làm nền cho bức tranh mùa xuân và một vài bông hoa lê trắng trên nền xanh đó lại càng nổi bật hơn rất nhiều. Nếu như hai câu thơ cổ Trung Quốc trên chỉ đề cập đến một vài bông hoa lê chứ không đề cập đến màu sắc thì Nguyễn Du đã thêm yếu tố màu sắc cho bức tranh thiên nhiên mùa xuân của mình để bức tranh mùa xuân trở nên khác biệt. Hình ảnh hoa lê màu trắng là điểm nhấn của cả bức tranh xuân. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: tươi tắn, trong sáng, đầy sức sống,, trong trẻo, nhẹ nhàng, thanh khiết.

=> Hai câu thơ cổ Trung Quốc và của đại thi hào Nguyễn Du đều có sự tương đồng khi miêu tả cảnh ngày xuân. Điều đó có thể thấy Nguyễn Du là người vô cùng am hiểu văn chương Trung Quốc. Nhưng ở những câu thơ của Nguyễn Du đã có sự sáng tạo thêm và đổi mới, cho thấy một tầm cao mới của việc sử dụng ngôn ngữ vô cùng sáng tạo của bậc thiên tài thơ văn Việt Nam. 

Bức tranh thiên nhiên và cuộc du xuân nhiều cảm xúc của chị em Thúy Kiều đã được Nguyễn Du miêu tả vô cùng chi tiết trong đoạn trích Cảnh ngày xuân. Một lần nữa Nguyễn Du lại khẳng định thêm về phong cách miêu tả thiên nhiên độc đáo và cách sử dụng ngôn từ vô cùng sáng tạo. Hy vọng soạn bài Cảnh ngày xuân ( Trích Truyện Kiều) mà hocmai.vn gợi ý các bạn học sinh lớp 9 sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích.