Tại sao con học nhanh, hay giơ tay phát biểu nhưng điểm số thấp?

0
1603

Những tình huống như trên không phải là hiếm khiến không ít bậc phụ huynh đau đầu. Cùng tìm hiểu nguyên nhân qua bài viết dưới đây.

 

“Mình thật sự không biết lý do tại sao điểm kiểm tra của con luôn thấp. Gọi điện cho cô giáo thì cô hay khen bạn Quỳnh năng nổ, trong tiết học chăm chú nghe giảng và chịu khó ghi chép bài. Ở nhà thì lúc học tập có mẹ kèm cặp, bài vở đầy đủ. Chỉ là cứ mỗi đợt nhận kết quả điểm số là một lần hụt hẫng. ” Chị Hồng Nguyệt, có con đang học lớp 2 một trường tiểu học ở Hà Đông cho hay. 

Tuy không phải là một người coi trọng điểm số. “Nhưng nếu bình thường con biểu hiện tốt thì chẳng có lý do gì mà khi làm bài kiểm tra thành tích lại không khả quan.” Chị Hồng Nguyệt thắc mắc. 

Con chăm chỉ, năng nổ giơ tay phát biểu nhưng điểm số kiểm tra không được như mong muốn? . (Ảnh: Afamily)

Anh Lam Hà, quản lý một nhà hàng cao cấp quận Nam Từ Liêm, có con đang học lớp 1 cũng lo lắng. Từ khi có cách ly xã hội, thời gian anh ở nhà với con tăng lên đáng kể. Anh cũng có thời gian sát sao kèm cặp con gái học tập. Con anh có thể làm được các bài tập trong sách giáo khoa. Chỉ thỉnh thoảng cầm vở ra hỏi bố, còn lại thì anh chẳng phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, khi làm bài đánh giá trực tuyến thì điểm số của con lại không ổn. “Thực sự, mình không rõ con không hiểu ở đâu để mà giúp đỡ. Lần nào hỏi con cũng gật đầu nói hiểu rồi. Nhưng kết quả lại thế này”.

Nguyên nhân có thể là bởi khả năng ghi nhớ bài học của trẻ. Nên nhớ, các bài kiểm tra thường diễn ra sau khi con học xong một chương, một chủ đề kiến thức kéo dài từ một đến hai tuần. Với mục đích đánh giá mức độ hiểu của toàn bộ các đơn vị bài học đã học. Đối với những bài mới học thì con có thể tự giải quyết được nhưng với những bài từ 10 đến 15 ngày trước thì cha mẹ cần phải có phương pháp giúp đỡ để con nhớ lại lần nữa. 

Thực tế, tình huống như trên không phải là hiếm. Đối với trẻ từ 5 – 8 tuổi, các con thường có khả năng ghi nhớ rất nhanh. Nhưng, đi kèm theo chính là phần kiến thức này cũng rất nhanh bị quên lãng. Trẻ chưa có khả năng ghi nhớ khắc sâu. Đa số, chỉ đưa kiến thức vào não bộ theo cách máy móc, lặp lại mà chưa thật sự thấu hiểu bản chất, nguyên nhân của sự việc. Đặc biệt đối với giai đoạn tiền tiểu học, khi trẻ đang tập làm quen với hình thức giáo dục bắt buộc. Nhiều môn học, nhiều phạm trù kiến thức mới, không phải môn nào trẻ cũng thích thú tìm hiểu. Khối lượng bài tập, bài học lớn tăng thêm từng ngày nên việc các kiến thức cũ bị quên lãng là điều dễ hiểu nếu không được nhắc lại thường xuyên.

Cha mẹ cần nhanh chóng phát hiện những lỗ hổng kiến thức của con, từ đó giúp đỡ con bù đắp và nâng cao khả năng ghi nhớ. (Ảnh: AFP)

Vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Không nên hỏi con đã hiểu bài hay chưa, có nắm được bài hay không bởi vì chính trẻ cũng không hiểu được mình thiếu và yếu ở chỗ nào. Cha mẹ cần chủ động khoanh vùng kiến thức, xác định những nội dung mà bản thân con không hiểu bằng cách để con làm một vài bài tập của những kiến thức trước đó. Từ đó, bổ sung lại kịp thời.

 

Dưới đây là một vài biện pháp hỗ trợ để giúp con tăng khả năng ghi nhớ bài học:

  • Sau khi học xong bài học trên lớp, làm bài tập, nên để con tự chủ động gạch ra giấy những nội dung chính con đã học hôm nay, để nhắc lại một lần nữa. Mỗi bài một trang giấy, đóng lại thành quyển.
  • Cuối mỗi ngày, nên dành ra 10 – 20 phút để hỏi lại con những kiến thức liên quan đã học trước đó.
  • Tạo một nhiệm vụ nhỏ mang tên ghi nhớ. Gạch ra các đầu mục và hướng dẫn con hoàn thành và khen ngợi.

Ghi nhớ là quá trình không ngừng lặp đi lặp lại. Điều này càng đúng với trẻ con từ 5 – 8 tuổi. Số lần lặp lại càng nhiều thì thời gian trẻ ghi nhớ kiến thức đó càng lâu. 

Ngoài ra, thời gian biểu ôn tập của trẻ cũng cần được sắp xếp hợp lý. Ôn tập giúp con hiểu bài hơn khi vận dụng kiến thức đã học vào những dạng bài tập cụ thể. Từ đó củng cố khả năng ghi nhớ và tăng hiệu quả học tập của trẻ. Ôn tập nên chia làm hai phần: Ôn tập cuối bài học và ôn tập chung cuối mỗi chủ điểm, mỗi chương. Khi chương trình học kì II tinh giản thì những tiết “Luyện tập chung” (Môn Toán) cắt bỏ nhiều nên cha mẹ cần định hướng để con luyện thêm ở nhà, bổ sung lại những tiết học này.

Có thể nói, trước bất cứ một vấn đề gì mà con đang gặp phải, cha mẹ đều cần bình tĩnh để phân tích và tìm hiểu nguyên nhân. Bởi vì nhiều khi đó không phải là lỗi của con, mà do những đặc điểm tâm sinh lý tạo thành. Từ đó, tìm được phương pháp khắc phục. Đối với trường hợp trên, cần phải biết được con đang không hiểu kiến thức ở đâu để nhanh chóng giúp con bù lấp. Kiến thức lớp 1, 2, 3 là kiến thức nền tảng quan trọng. Nếu không thật sự vững khi lên lớp cao hơn sẽ khó thích nghi được.