Tháng 7 âm lịch được dân gian gọi là tháng cô hồn hay tháng xá tội vong nhân với nhiều tập tục và kiêng kị. Hãy cùng HOCMAI tìm hiểu và hiểu đúng về phong tục này nhé.
Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng “cô hồn”?
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch hàng năm được coi là tháng “cô hồn”. Vào thời gian này, người Việt thường có tập tục cúng cháo, gạo, muối… cho các vong hồn đã khuất. Phong tục này có từ lâu đời và xuất phát từ quan niệm xa xưa.
Theo đó, dân gian cho rằng, con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác. Khi con người mất đi, phần hồn vẫn tồn tại, có người được đầu thai kiếp khác, có người bị đầy xuống địa ngục làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian. Hàng năm, vào ngày 2 tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan, “thả cửa” cho ma quỷ túa ra tứ phương. Đến ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Việc cúng “cô hồn” trong dân gian không chỉ để khỏi bị quấy phá mà còn xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp muốn làm phúc, giúp những cô hồn có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…
Tháng 7 – Lễ Vu lan báo hiếu
Nhiều người nhầm lẫn giữa ngày Xá tội vong nhân với Vu lan báo hiếu. Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Nguồn lễ Vu lan gắn với sự tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật – là một vị tôn giả có nhiều phép thần thông. Theo Phật giáo, để báo hiếu cha mẹ thì cần cử hành lễ Vu Lan cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.
Tháng cô hồn hay tháng “xá tội vong nhân” là một tín ngưỡng dân gian quan trọng và có liên quan tới ma quỷ, tâm linh nên rất được người Việt quan trọng. Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian ta còn tương truyền cả những điều kiêng kị để mong được bình an như không treo chuông gió đầu giường, không treo quần áo ban đêm,… Tuy nhiên, những điều kiêng kị này chỉ là quan niệm dân gian, chưa có cơ sở khoa học. Ngày Xá tội vong nhân và Lễ Vu lan đều là những tín ngưỡng đẹp của người Việt, hướng con người tới làm việc thiện, nghĩ về nguồn cội, gia đình, ông bà tổ tiên, cha mẹ. Chúng ta hãy tìm hiểu kỹ tránh những mê tín dị đoan, cúng bái hay đốt vàng mã linh đình gây lãng phí.
HOCMAI tổng hợp.