Ôn tập toán lớp 4: Dấu hiệu chia hết cho các số

0
11664

Trong bài học này, ta sẽ cùng ôn tập dấu hiệu chia hết cho các số: 2 ;3 ;4 ;5 ;6 ;8 và 9.

Dấu hiệu chia hết không chỉ là một phần kiến thức quan trọng của môn toán lớp 4, mà còn là công cụ đắc lực giúp học sinh tính toán và suy luận nhanh, đúng. Ngay sau đây, thầy Hà Đình Hạnh (Hocmai.vn) sẽ mang đến những kiến thức hữu ích và thú vị về dấu hiệu chia hết cho các số 2; 3; 4; 5; 6; 8; 9 cùng những kiến thức mở rộng và lưu ý cho nội dung này nhé!

Dấu hiệu chia hết cho các số

1 – Dấu hiệu chia hết cho 2:

– Các số có tận cùng là 0;2;4;6;8 thì chia hết cho 2.

– Ví dụ: 22; 148; 1290;…

2 – Dấu hiệu chia hết cho 5:

– Các số có tận cùng là 0 hoặc 5 thì chia hết cho 5.

– Ví dụ: 75; 190; 2000;…

* Lưu ý:

– Ta có thể vận dụng các tính chất chung trong dấu hiệu chia hết để làm các bài tập liên quan.

Chẳng hạn: Tìm số tự nhiên chia hết cho cả 2 và 5
Ta có: 2 chia hết cho các số có tận cùng là 0; 2; 4; 6; 8 và 5 chia hết cho các số tận cùng là 0 hoặc 5.
Vậy: Số có tận cùng là 0 sẽ chia hết cho cả 2 và 5.

3 – Dấu hiệu chia hết cho 9

– Số có tổng các chữ số chia hết cho 9 thì chia hết cho 9.

– Ví dụ: 45702 (4+5+7+0+2 = 18 chia hết cho 9)

4 – Dấu hiệu chia hết cho 3

– Số có tổng các chữ số chia hết cho 3 thì chia hết cho 3.

– Ví dụ: 2013 (2+0+1+3 = 6 chia hết cho  3).

* Lưu ý: Số chia hết cho 9 thì chia hết cho 3 (vì 9 chia hết cho 3) nhưng số chia hết cho 3 chưa chắc chia hết cho 9.

– Ví dụ:
6,15 chia hết cho 3, không chia hết cho 9.
9,18,36,45 chia hết cho 9, chia hết cho 3.

5 – Dấu hiệu chia hết cho 4

– Số có hai chữ số tận cùng chia hết cho 4 thì chia hết cho 4.

– Ví dụ: 9(36), 7(48), …

6 –  Dấu hiệu chia hết cho 8

– Số có ba chữ số tận cùng chia hết cho 8 thì chia hết cho 8.

–  Ví dụ:
104;112;120;128;…
008;016;024;032;…

7 – Dấu hiệu chia hết cho 6

– Số chia hết cho 6 là số chia hết cho cả 2 và 3 (do 6 = 2 x 3).

– Ví dụ: 36, 126,…

Thầy Hà Đình Hạnh (Hocmai.vn) hướng dẫn học sinh ôn tập về dấu hiệu chia hết

Mời cha mẹ tham khảo video tại: https://hocmai.vn/bai-giang-truc-tuyen/75866/bai-01-dau-hieu-chia-het-cho-mot-so-p1.html

Hai dạng bài cơ bản về dấu hiệu chia hết trong chương trình Toán lớp 4

Dạng 1: Tìm chữ số chưa biết dựa vào dấu hiệu chia hết.

Ví dụ: Thay x, y trong số 2007xy bởi chữ số thích hợp để số này đồng thời chia hết cho 2; 5 và 9.

Giải:
Số 2007xy đồng thời chia hết cho 2 và 5 nên y = 0.
Thay y = 0 vào số 2007xy ta được 2007×0.
Số này chia hết cho 9 nên tổng các chữ số của nó chia hết cho 9.
Vậy (2 + 0 + 0 + 7 + x + 0) chia hết cho 9
Hay 9 + x chia hết cho 9, suy ra x = 0 hoặc x = 9.

Dạng 2: Tìm số thích hợp dựa vào dấu hiệu chia hết

Bài toán này thực chất khá giống dạng 1, tuy nhiên học sinh hãy lưu ý làm thêm bước kết luận số cuối dùng tìm được. Rất nhiều học sinh chỉ xác định chữ số còn thiếu mà quên bước kết luận đáp số theo yêu cầu!

Ví dụ: Một số nhân với 9 thì được kết quả là 180 648 07x Hãy tìm số đó.

Giải: Một số nhân với 9 thì được kết quả là 180 648 07x nên số 180 648 07x chia hết cho 9.
Theo dấu hiệu chia hết cho 9, ta có:  (1 + 8 + 0 + 6 + 4 + 8 + 0 + 7 + x) chia hết cho 9.
Hay 34 + x chia hết cho 9, suy ra x = 2.
Thay x = 2 vào số 180 648 07x ta được 180 648 072.
Số cần tìm là: 180 648 072: 9 = 20072008.

Liên quan đến bài toán về dấu hiệu chia hết còn nhiều dạng bài khó, nâng cao hơn. Nhưng nếu con nắm chắc các quy tắc về dấu hiệu chia hết, các bài toán này sẽ không quá khó khăn với con, mà còn trở nên rất thú vị đấy!

Để giúp con rèn luyện tính toán, có nhiều kỹ năng hơn ở cả Toán và các môn học khác, mời cha mẹ tìm hiểu về Chương trình Học Tốt – các khóa học chất lượng và phân loại theo lực học của con!