Thành thạo vận dụng từ đồng nghĩa, trái nghĩa – Bí quyết để viết văn hay

0
24907

Cô Vân Anh – giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục Hocmai sẽ giúp học sinh mở rộng vốn từ và vận dụng linh hoạt vốn từ vựng tiếng Việt vào trong các bài tập làm văn qua hệ thống lý thuyết về từ đồng nghĩa – trái nghĩa

Từ đồng nghĩa – trái nghĩa là chuyên đề sẽ theo suốt học sinh từ lớp 3 tới lớp 5. Việc nhận biết và tìm kiếm được các nhóm từ đồng nghĩa –  trái nghĩa khác nhau giúp học sinh trau chuốt được lời văn, câu chữ và đạt được hiệu quả cao nhất trong giao tiếp.

1.  Từ đồng nghĩa

Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Có thể chia từ đồng nghĩa thành hai loại:

+ Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau và có thể thay thế cho nhau trong mọi ngữ cảnh.

Ví dụ: “má” – “mẹ”

+ Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối): Là các từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn khác nhau phần nào sắc thái biểu cảm (biểu thị cảm xúc, thái độ) hoặc cách thức hành động.

Ví dụ:

– “chết” – “mất” (Đều mang nghĩa không còn sự sống song từ “mất” có sắc thái trang trọng, lịch sự hơn từ “chết”)

– “bế” – “bê” (đều mang nghĩa là dùng tay để nâng một sự vật lên nhưng từ “bế” là hành động kết hợp cả tay, cạnh sườn )

Chú ý: Đối với từ đồng nghĩa không hoàn toàn, học sinh cần chú ý cân nhắc đến ngữ cảnh để sử dụng cho đúng.

2. Từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa đối lập nhau

Ví dụ:

– “hiền” – “ác”, “gầy” – “béo”

– “Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”

(Câu trên sử dụng cặp từ trái nghĩa “thấp” – “cao”)

Nếu các từ đồng nghĩa có tác dụng thay thế, bổ sung, hỗ trợ nhau, giúp câu văn không bị mắc phải lỗi lặp từ thì việc đặt các từ trái nghĩa bên cạnh nhau có tác dụng làm nổi bật những sự vật, sự việc, hoạt động, trạng thái,…. đối lập nhau.

Cô Vân Anh (hocmai.vn) đang hệ thống kiến thức của phần từ đồng nghĩa và từ trái nghĩa

Mời cha mẹ và học sinh tham khảo video bài giảng tại:https://hocmai.vn/bai-giang-truc-tuyen/77816/bai-01-tu-dong-nghia.html

3. Luyện tập chung

Bài tập 1: Sắp xếp những từ trên thành các nhóm từ đồng nghĩa

“thông minh”, “bình an”, “nhỏ nhắn”, “yên ổn”, “an toàn”, “sáng dạ” , “mẹ” , “thông thái”, “má”, “lanh lợi”, “giang sơn”, “Tổ Quốc”, “bất khuất”, “yên bình”, “nhỏ bé”, “tí xíu”, “u”, “hiên ngang”, “đất nước”, “kiên cường”, “bầm”, “anh dũng”, “sơn hà”, “nho nhỏ”

Hướng dẫn làm

Nhóm 1: “thông minh”, “sáng dạ”, “thông thái”, “lanh lợi”

Nhóm 2: “bình an”, “yên ổn”, “an toàn”, “yên bình”

Nhóm 3: “nhỏ nhắn”, “nhỏ bé”, “tí xíu”, “nho nhỏ”

Nhóm 4: “mẹ”, “má”, “u”, “bầm”

Nhóm 5: “giang sơn”, “Tổ Quốc”, “đất nước”, “sơn hà”

Nhóm 6: “bất khuất”, “hiên ngang”, “kiên cường”, “anh dũng”

Đây là bài tập nhằm giúp học sinh mở rộng vốn từ, làm phong phú vốn từ của bản thân để vận dụng một cách đa dạng vào trong các bài tập làm văn, tránh được lỗi lặp từ.

Bài tập 2: Đặt câu với một cặp từ đồng nghĩa sử dụng ở bài tập 1

Những người chiến sĩ đã chiến đấu đầy kiên cườnganh dũng.

Bên cạnh dòng sông nho nhỏ, một bông hoa vàng tươi nhỏ nhắn đang vươn lên đón nắng trời.

b) Với một cặp từ đồng nghĩa (sử dụng ở đoạn 1) – trái nghĩa

Trong ngôi nhà to lớn ấy xuất hiện một chú chuột nho nhỏ.

Khác với chú chó thông minh đã giải cứu được đàn cừ, con sói đó thật ngu ngốc.

Việc sử dụng cặp từ đồng nghĩatrái nghĩa trong cùng một câu văn giúp nhấn mạnh và làm nổi bật sự khác nhau, khiến hình ảnh thêm sinh động và ấn tượng. 

Bài tập 3: Chọn từ để điền vào chỗ trống

a) Mẹ tôi luôn …….. nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ

A) giữ gìn                               B) giữ vững

Ta chọn từ “giữ gìn”

b) Người chiến sĩ đã……… trong khi chống cự với quân giặc

A) thiệt mạng                                B) toi mạng

Ta chọn từ “thiệt mạng” (vì ở đây cần sử dụng giọng điệu trang trọng, tiếc nuối)

Trong nhiều trường hợp, học sinh sử dụng từ đồng nghĩa không hoàn toàn sai ngữ cảnh khiến ý văn lệch hướng. Vì vậy dạng bài tập này sẽ giúp học sinh ý thức được từng hoàn cảnh để có sự lựa chọn từ ngữ cho phù hợp.

Trên đây là khái niệm, cách nhận biết, sử dụng cũng như một số bài tập vận dụng nhằm giúp học sinh có một cái nhìn tổng quan về từ đồng nghĩatừ trái nghĩa. Cô Vân Anh hy vọng rằng qua hệ thống lý thuyết và bài tập này, học sinh có khả năng tự mở rộng vốn từ cho bản thân và sử dụng một cách linh hoạt vào trong các bài tập làm văn.

Để con học tập và ôn luyện toàn diện hơn, mời cha mẹ cùng tham khảo Chương trình Học Tốt: Các khóa học được xây dựng sát Chương trình chuẩn của Bộ Giáo Dục, đa dạng theo năng lực học của con. Phụ huynh sẽ được nhận tư vấn hoàn toàn miễn phí về khóa học ngay tại đây nhé!