Ngoài 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, học sinh Hà Nội cũng như một số tỉnh thành có phương án thi tương tự sẽ phải học ôn nhóm 6 môn học, trong đó chỉ có một môn được chọn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2019.
Môn Tự nhiên: Chuẩn bị kỹ bài trước khi lên lớp
Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã công bố phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019. Theo đó, trong kỳ thi năm nay, học sinh sẽ thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 trong số 6 môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân. Môn thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3/2019. Không chỉ Hà Nội, một số tỉnh thành có phương án thi tương tự cũng sẽ, học sinh cũng sẽ phải đối mặt với “thách thức” trên.
Như vậy, ngoài 3 môn thi đã được công bố, các em sẽ phải tiếp tục học đồng thời 6 môn học khác cho tới thời điểm được công bố môn thi cuối cùng. Theo lời khuyên của các giáo viên, học sinh cần lập kế hoạch ôn tập từ nay đến tháng 5/2019, ôn chắc các môn để không bị động, lập kế hoạch thời gian ôn tập rõ chia theo tuần để thực hiện học ôn theo đề cương lập sẵn.
Chỉ ra 4 bước ôn tập hiệu quả môn Hóa học, cô Phạm Thị Thúy Ngọc – Giáo viên Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ: “Đầu tiên, học sinh cần đọc kỹ nội dung bài học trong SGK trước khi lên lớp. Sau đó, học và ghi nhớ có chọn lọc về chất đó với những tính chất cụ thể. Tìm hiểu các chất đó trong thực tế, nhỡ kỹ về đặc điểm mà mình quan sát được tìm hiểu được về sự biến đổi của chất. Cuối cùng là dùng sơ đồ tư duy để ghi nhớ nội dung đã học”.
“Để học và ôn tập tốt môn Sinh học, học sinh cần chuẩn bị bài trước khi lên lớp, chú ý lắng nghe giảng bài và luyện tập với các bài tập trong SGK. Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức theo từng bài, từng chương, giúp học sinh dễ nhớ và tra cứu khi cần thiết. Liên hệ các kiến thức được học với thực tiễn để hiểu bản chất và ghi nhớ dễ dàng hơn” – Cô Dương Thu Hà (Giáo viên Sinh học, Hệ thống Giáo dục HOCMAI), đưa ra lời khuyên.
Ở môn Vật lí, thầy Nguyễn Quyết Thắng – Giáo viên Vật lí trung học cho rằng, phương pháp học tốt ở môn này đó là học sinh phải bám sát kiến thức SGK, đọc bài trước khi lên lớp, chú ý nghe giảng, làm đầy đủ bài tâp. Ghi nhớ và hiểu các khái niệm, luyện tập để ghi nhớ các công thức. Làm quen và rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm.
Môn Xã hội: Bám sát SGK và bài học
Chia sẻ phương pháp ôn thi môn Địa Lí, cô Dương Thu Hương (trường THCS Alpha – Hà Nộị) cho biết: “Học sinh cần bám sát SGK để học và luyện tập. Học sinh cần lưu ý tới các từ khóa, hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy sau mỗi bài học hoặc khi kết thúc 1 chủ đề. So sánh đối chiếu kiến thức thực tế của các đối tượng địa lí đã học với các trang bản đồ trong Atlat Địa lí Việt Nam để tăng cường ghi nhớ kiến thức bằng kênh hình. Vận dụng hiệu quả Atlat trong ghi nhớ và thực hành”.
Đối với môn Giáo dục Công dân, cô Dương Thu Trang (Môn Giáo dục công dân, Hệ thống Giáo dục HOCMAI) “bật mí” cách ôn như sau: Học sinh ôn và nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK thông qua việc chăm chú nghe giảng trên lớp, ghi chép bài khoa học, hệ thống kiến thức qua sơ đồ tư duy. Tìm hiểu, chọn lọc các thông tin qua báo, đài, mạng Internet để có vốn hiểu biết, trả lời tốt các câu hỏi tình huống, liên hệ thực tế.
“Ngoài ra, tăng cường thời gian luyện tập với hệ thống đề thi mẫu và hệ thống ngân hàng đề của bộ môn do các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cung cấp và hướng dẫn. Sắp xếp thời gian học, ôn, nghỉ ngơi và thư giãn một cách khoa học, hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho việc học và ôn thi các môn khác” – Cô Thu Trang chia sẻ thêm.
Đưa ra lời khuyên không học Lịch sử theo kiểu học vẹt, học thuộc lòng, cô Lê Thị Thu Hương – Giáo viên dạy môn Lịch sử tại HOCMAI tư vấn: “Học sinh cần hệ thống kiến thức các bài, chuyên đề, giai đoạn lịch sử theo sơ đồ, lược đồ. Tăng cường học nhóm, trao đổi với nhau. Học theo các giai đoạn lịch sử, mỗi giai đoạn hãy ghi nhớ những điểm chính, nổi bật của giai đoạn đó. Học qua video, phim, tranh ảnh; Ghi nhớ các mốc lịch sử thông qua các ngày kỉ niệm, ngày lễ của đất nước”.
Theo Giadinh.net.vn