[Ôn thi vào 6] Tập làm văn: Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tiếng Việt – HOCMAI

0
1778

Đây là dạng đầu tiên trong chủ đề Văn Kể Chuyện. Các bước làm bài và hướng dẫn lập dàn ý chi tiết là nội dung chính trong bài học hôm nay. 

 

Văn kể chuyện là 1 trong số những dạng tập làm văn các con được học trong chương trình lớp 5. Có thể là những câu chuyện đời thường, những câu chuyện đã nghe cô giáo kể, nghe bà kể hay những câu chuyện mình được học… Cô Nguyễn Hải đã chia chủ đề này thành những đơn vị kiến thức riêng lẻ. Hôm nay, mời quý phụ huynh và các học sinh đến với dạng đầu tiên “Kể chuyện đã nghe, đã đọc”

Cô Nguyễn Hải trình bày kiến thức liên quan tới văn kể chuyện – Giải pháp HM6

Link bài giảng: https://hocmai.vn/bai-giang-truc-tuyen/83550/bai-03-ke-chuyen-da-nghe-da-doc.html

I – Tổng hợp kiến thức.

1.Các bước làm bài kể chuyện đã nghe, đã đọc

Bước 1:

– Đọc kĩ đề bài, gạch dưới mệnh lệnh đề ra (là các từ: kể, viết tiếp, hãy tưởng tượng và kể, thay lời nhân vật, đóng vai, phát triển…); xác định vị trí nhân xưng khi kể chuyện.

– Ở văn kể chuyện cơ bản: các em là người dẫn chuyện.

– Ở văn kể chuyện sáng tạo: các em có thể là nhân vật trong truyện, kể chuyện theo lời kể của một trong các nhân vật trong truyện, các em xây dựng cốt truyện riêng theo cốt truyện cơ bản kết hợp với trí tưởng tượng của chính các em.

Việc phân biệt được dạng văn nào rất quan trọng vì các em sẽ thực hiện bài viết của mình đúng vị trí nhân xưng dẫn chuyện theo đề bài yêu cầu.

Bước 2: 

– Câu chuyện kể thuộc loại gì? (Truyện cổ tích, truyện theo chủ đề, truyện đã nghe thầy cô giáo kể, truyện trong chương trình học…).

– Nội dung câu chuyện sắp kể có thể được thể hiện bằng một đoạn kịch, một bài thơ. Các em phải nắm vững nội dung đoạn kịch, bài thơ đó.

– Câu chuyện sắp kể là một chuyện thực tế (các em chứng kiến hay tham gia).

Các em ghi lại diễn biến các sự việc đã xảy ra theo trình tự thời gian hoặc không gian.

Bước 3:

Dựa vào dàn bài cơ bản văn kể chuyện, lập bàn bài chi tiết theo đề bài cho:

– Mở đầu câu chuyện: nơi chốn, thời gian xảy ra câu chuyện. Giới thiệu nhân vật chính của truyện.

– Diễn biến câu chuyện:

Thứ tự thời gian        =>        Nhân vật           =>                   Sự việc

Ghi theo câu chuyện           Ghi từng nhân vật                        Ghi từng sự việc

– Kết thúc câu chuyện: kết quả các sự việc diễn ra như thế nào? Nêu nhận định, cảm xúc của em về câu chuyện.

2.Dàn ý bài văn kể chuyện

II – Luyện tập

Kể lại câu chuyện em đã nghe, đã đọc về một người có lòng tự trọng

Bước 1. Tìm hiểu đề, gạch chân từ ngữ quan trọng

-Kiểu bài: kể chuyện

-Dạng bài: Kể chuyện đã nghe đã đọc

-Vấn đề cần kể: Người có lòng tự trọng

-Xác định chủ đề câu chuyện bằng cách trả lời câu hỏi:

”Tự trọng là gì?” =>Tự trọng là tự tôn trọng chính mình, có ý thức giữ gìn danh dự và phẩm giá của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

”Thế nào là người có lòng tự trọng?”

Bước 2. Tìm câu chuyện liên quan tới chủ đề của đề bài.

-Là câu chuyện kể về những người dù khó khăn vẫn từ chối sự giúp đỡ của người khác mà sống bằng sức lao động của bản thân.

-Là câu chuyện về người luôn giữ lời hứa, không bán rẻ danh dự và nhân phẩm của mình.

VD: Câu chuyện “Tâm hồn cao thượng”

Đây là câu chuyện có thật do chính người trong cuộc thuật lại. Ông là một giáo viên người Anh. Mỗi khi kể, ông thường không cầm được nước mắt, xúc động nghẹn ngào.

Ông nói:

Nhà tôi ở một con phố giữa lòng thủ đô Luân Đôn. Một hôm, tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi ăn mặc tồi tàn, rách rưới; mặt mũi gầy gò, xanh xao; chìa những bao diêm khẩn khoản mời tôi mua giúp một bao.

Tôi mở ví tiền và chép miệng:

– Rất tiếc là tôi không có xu lẻ.

– Thưa ông, không sao ạ. Ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng. Cháu chỉ chạy loáng một lát đến hiệu buôn để đổi, rồi hoàn lại cho ông tiền lẻ còn thừa.

Tôi chăm chú nhìn cậu bé và lưỡng lự:

– Thật chứ?

– Thưa ông, thật ạ. Cháu không phải là một đứa dối trá. Nét mặt của cậu bé trông rất cương trực và tự hào tới mức làm tôi tin và giao ngay cho cậu một đồng tiền vàng.

Nhưng năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua mà vẫn không thấy cậu trở lại. Tôi bắt đầu nghi ngờ cậu bé. Nửa giờ sau, chờ mất công, tôi lững thững tiếp tục cuộc dạo chơi và tự nhủ: “Cần rút kinh nghiệm, không nên tin vào bọn trẻ này!”

 

Vài giờ sau tôi trở về nhà và ngạc nhiên khi thấy một cậu bé đang đứng đó đợi tôi. Diện mạo cậu bé này rất giống cậu bé đã cầm tiền của tôi, nhưng nhỏ hơn vài tuổi, gầy gò, xanh xao hơn và thoáng một nỗi buồn tuyệt vọng:

– Thưa ông, có phải ông vừa đưa cho Rô-be một đồng tiền vàng không ạ?

Tôi khẽ gật đầu.

Cậu bé tiếp:

-Thưa ông, đây là tiền lẻ hoàn lại… Rô-be nhờ cháu… mang đến trả ông… Rô-be là anh cháu… chúng cháu mồ côi… Anh cháu không thể mang tiền trả ông được.. vì anh ấy bị xe đâm… đang nằm ở nhà và khó lòng… sống nổi…

Em bé không nói được hết câu vì những tiếng nấc xé lòng. Tôi sững sờ cả người, tim se lại vì hối hận, hỏi dồn:

– Vậy bây giờ Rô-be ở đâu? Hãy đưa tôi đến.

Sau khi dừng lại một chút trước chiếc hầm nhỏ của một căn nhà đổ nát, em bé nói:

– Thưa ông, đây là nhà của chúng cháu.

Trong một góc tối của căn hầm, cạnh chiếc bếp lò cũ kĩ đã tắt ngắm từ lâu, giữa một đống giẻ rách, tôi nhận ra Rô-be nằm dài, bất động. Mặt cậu bé lúc này trắng bệch. Một dòng máu đỏ từ trán chảy xuống. Rô-be đưa mắt nhìn về phía tôi, giọng thều thào, yếu ớt:

– Thưa ông, ông hãy lại gần đây.

Tôi quỳ xuống bên cậu bé, cầm lấy bàn tay cậu bé, bàn tay khẳng khiu, gầy gò, đáng thương, lạnh ngắt.

– Sác-lây, em đưa tiền trả ông rồi chứ?

Cậu bé gật đầu, mắt vẫn sưng mọng.

– …Ôi! Đấy, ông xem, cháu không phải là đứa dối trá mà.

Tôi cúi sát xuống người cậu bé, cầm lấy bàn tay, hôn vào chỗ trán bị thương nứt rạn và nói với Rô-be rằng: “Cháu hãy bình tâm, dù bất cứ tình huống nào, tôi cũng sẽ nuôi nấng Sác-lây cho cháu.” Tôi nói dịu dàng, âu yếm an ủi Rô-be, để cái chết của cậu bé được thanh thản. Bàn tay khốn khổ của cậu bé nằm gọn trong tay tôi lạnh dần, lạnh dần… Em bé nghèo túng của tôi đã từ giã cõi đời quá ngắn ngủi như vậy đấy.

Cái chết đó làm cho tôi thấy rằng, trong cuộc đời tôi chưa hề được thấy một cử chỉ, hành động nào đẹp đẽ, cao cả như vậy. Một tâm hồn vô cùng cao thượng ẩn náu trong một em bé sống trong cảnh rất đỗi cực khổ nghèo khổ.

Bước 3. Lập dàn ý

Mở bài:

Ông cha ta có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” để khuyên nhủ con cháu phải biết giữ gìn danh dự, nhân phẩm cho dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào đi nữa. Bởi, lòng tự trọng là phẩm chất đáng quý của mỗi con người. Em đã được nghe nhiều câu chuyện về lòng tự trọng, trong đó có một câu chuyện khiến em xúc động và ấn tượng nhất, kể về chú bé bán diêm nghèo khổ tên Rô-be.

Thân bài:

-Sự việc 1: Vị khách mua giúp Rô-be một bao diêm nhưng không có tiền lẻ đành đưa cho cậu một đồng tiền vàng. Rô-be hứa sẽ trả lại tiền cho ông sau khi đổi được tiền lẻ.

-Sự việc 2: Vị khách đợi mãi nhưng không thấy Rô-be quay lại, nghĩ rằng mình đã bị lừa và sẽ không bao giờ tin tưởng những đứa bé bán hàng rong nữa.

-Sự việc 3: Vài giờ sau, khi đã về nhà vị khách thấy một cậu bé giống Rô-be nhưng nhỏ hơn vài tuổi tìm đến trả tiền thừa. Lúc đó ông nghĩ đây là em trai Rô-be, còn Rô-be bị xe cán khi đi đổi tiền, đang nguy kịch.

-Sự việc 4: Vị khách theo cậu bé kia về nhà Rô-be, chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của hai anh em. Ông hứa sẽ nuôi nấng em trai Rô-be để em được thanh thản ra đi.

-Sự việc 5: Rô-be mãi mãi ra đi.

Kết bài:

Câu chuyện khiến người nghe không cầm được nước mắt. Cậu bé Rô-be có thể nghèo khó về vật chất nhưng giàu lòng tự trọng.Rô-be đã ra đi nhưng tấm gương về lòng tự trọng của cậu vẫn còn mãi.

Một câu chuyện buồn về lòng tự trọng của con người là phần kết cho bài học “Kể chuyện đã nghe, đã đọc” của cô Nguyễn Hải hôm nay. Hy vọng rằng, sau phần hướng dẫn các bước làm bài văn kể chuyện học sinh có thể nắm được cách lập dàn ý chi tiết, từ đó thực hành được dạng bài này. Đặc biệt lưu ý, trong quá trình viết bài, các em cần:

-Trình bày câu chuyện theo trình tự không gian, thời gian. Kể bằng lời văn của chính mình, bám theo dàn bài cơ bản thể hiện cảm xúc cá nhân, không sao chép nguyên văn chuyện kể.

-Các câu văn ngắn gọn, mạch lạc. Chấm câu đúng, đúng chính tả.

-Bám sát yêu cầu của đề, tránh lan man, lạc đề.

Bài giảng của cô Nguyễn Hải nằm trong Giải pháp luyện thi vào 6 – HM6 . Đây là phương  pháp giúp học sinh luyện thi trực tuyến tại nhà từ Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, với hơn 13 năm kinh nghiệm và 4 triệu học sinh đăng ký, HOCMAI là thương hiệu chất lượng với các giải pháp học tập tối ưu từ những giáo viên hàng đầu. Với quy trình Tổng Ôn – Luyện Đề, học sinh sẽ được cày sâu kiến thức một cách nhuần nhuyễn để sẵn sàng chinh phục mọi nội dung bài học, bài thi và cán đích với số điểm mong muốn. Đăng ký ngay Giải pháp luyện thi HM6 để con tự tin chạm vào cánh cổng trường THCS mơ ước nhé.

=>>ĐĂNG KÝ GIẢI PHÁP LUYỆN THI VÀO 6: TẠI ĐÂY