Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, việc nhầm lẫn mốc thời gian và sự kiện rất dễ khiến học sinh mất điểm “oan” nếu các em không nắm chắc các kiến thức môn Lịch sử.
TP Hà Nội vừa công bố Lịch sử là môn thi thứ tư trong kì thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 bên cạnh Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đây là lần thứ hai thủ đô lựa chọn Lịch sử là một trong những môn điều kiện bắt buộc khi đánh giá năng lực học sinh đầu cấp THPT.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, thí sinh làm bài thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên Phiếu trả lời trắc nghiệm với thời gian là 60 phút.
Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 và điều chỉnh theo nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và Việt Nam. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Vì đặc thù là môn xã hội, yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ nên vấn đề khó khăn của học sinh là phương pháp học để ghi nhớ lượng kiến thức lớn. Đặc biệt trong giai đoạn này khi chỉ còn 2 tháng nữa sẽ chính thức tổ chức thi vào lớp 10.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, bài thi trắc nghiệm có lợi thế là thí sinh không phải trình bày dài dòng mà chỉ cần chọn lựa đáp án trong những phương án đề bài đưa ra.
“Nếu không nắm chắc kiến thức cơ bản và khả năng loại trừ những phương án nhiễu các em rất dễ mất điểm “oan”, đặc biệt ở những câu hỏi chọn mốc thời gian và sự kiện. Thậm chí, qua nhiều kì thi cho thấy rất nhiều trường hợp thí sinh “dính” điểm liệt vì… khoanh lụi”, giáo viên lưu ý.
Thấu hiểu những băn khoăn của học sinh, cô Tuyết Trinh đã bật mí 5 cách học về mốc thời gian và sự kiện để các em có thể lựa chọn cho phù hợp với bản thân.