Tổng hợp những mẫu mở bài hay nhất dành cho văn nghị luận

0
35167

Mở bài trong một bài văn nghị luận là phương thức để học sinh gây ấn tượng với người đọc cũng là phương pháp để học sinh “vào bài” suôn sẻ hơn. Vậy làm thế nào để có thể viết được một mở bài văn nghị luận hay và thu hút? Phụ huynh và học sinh hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây!

Mở bài trong bài văn nghị luận

Trong suốt chương trình Ngữ văn THCS, dạng văn nghị luận được dàn trải đều từ lớp 7 cho đến lớp 9. Như vậy, có thể thấy được, phần kiến thức này yêu cầu học sinh học tập bài bản, trình tự và cũng chiếm điểm số rất cao trong các bài kiểm tra, bài thi.

Học được kỹ năng viết văn nghị luận, cách để lên dàn ý và bố cục sao cho hay thì mới chỉ là phần khung, và để bài văn nghị luận hấp dẫn, trau chuốt và súc tích thì học sinh cần phải có cách để gây ấn tượng cho người đọc, người xem. Đó chính là vai trò của mở bài và kết bài trong một bài văn nghị luận. Tuy đây không phải phần trọng tâm nhưng lại là phần không thể thiếu, góp phần làm nổi bật vấn đề nghị luận.

Để mở bài văn nghị luận hay, học sinh cần nắm được mở bài có những cách nào để viết mở bài cho bài văn nghị luận. Về cơ bản, có hai cách để mở bài: mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp. 

Mở bài trực tiếp là đi thẳng vào vấn đề nghị luận. Học sinh sau khi tìm hiểu đề và tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận thì sẽ đưa vào bài, đặt vấn đề ngay. Phần mở bài trực tiếp này dễ làm, nhanh gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận tuy nhiên thường khô khan, cứng nhắc và thiếu hấp dẫn cho bài viết. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI lưu ý cho học sinh: “Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về một tác phẩm, đoạn thơ, đoạn văn thì cần nêu được tác giả, tên tác phẩm, trích dẫn được khổ thơ, đoạn thơ và giới thiệu được vấn đề nghị luận.”  

Mở bài gián tiếp trong văn nghị luận dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến vấn đề mà đề bài yêu cầu để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới dẫn dắt sang chủ đề. Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc, tuy nhiên kiểu mở bài này dễ dẫn đến sự lan man, lạc đề cho bài viết.

>>Phụ huynh và học sinh để lại thông tin để nhận tài liệu và học thử MIỄN PHÍ các bài giảng môn Ngữ văn tại: https://hocmai.link/Mo-bai-van-nghi-luan-dung-va-hay

Tổng hợp những mẫu mở bài hay nhất

Đi từ tác giả, tác phẩm đến vấn đề cần nghị luận

Đối với mẫu mở bài này, học sinh nên bắt đầu từ tác giả và đến tác phẩm và dẫn về vấn đề cần nghị luận. Mẫu mở bài này không mới nhưng lại rất dễ áp dụng và cũng có thể linh động cho hầu hết các tác phẩm văn học, ngoại trừ một số tác phẩm văn học dân gian. Tuy nhiên, để mở bài trở nên hấp dẫn hơn, học sinh nên bắt đầu từ nét đặc sắc trong cuộc đời, ngòi bút, phong cách của tác giả thay vì những thông tin cá nhân. Học sinh tham khảo mẫu sau:

Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc ta. “Truyện Kiều” là kiệt tác của nền thi ca cổ dân tộc sáng ngời tinh thần nhân đạo, về phương diện nghệ thuật, áng thơ này là mẫu mực tuyệt vời về ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, tả tình, tự sự … đem lại cho nhân dân ta nhiều thú vị văn chương. Đoạn thơ giới thiệu chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong “Truyện Kiều”. Thúy Kiều là nhân vật trung tâm của truyện thơ, một thiếu nữ tài, sắc vẹn toàn đã được thi hào khắc họa một cách thần tình, mĩ lệ.

Đi từ đề tài, chủ đề đến vấn đề cần nghị luận

Mỗi một tác phẩm văn học đều có đề tài và chủ đề, muốn hiểu và đưa đề tài này vào trong mở bài, học sinh cần có sự linh hoạt và nắm bắt được nội dung của tác phẩm. Ví dụ như với “Chuyện người con gái Nam Xương”, chủ đề sẽ là hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa, trong “Lão Hạc” thì là hình ảnh những người nông dân chất phác, có số phận bi thảm trước Cách mạng tháng tám năm 1945,… Từ chủ đề này, học sinh có thể dẫn về nhân vật trong tác phẩm, dẫn về tác phẩm, tác giả và đoạn trích,…

Văn học hiện đại Việt Nam trong thời kì chống ngoại xâm đã thể hiện một cách chân thực, sáng tạo và độc đáo về hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng quyết tâm gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc. Họ mang trong mình nhiệt huyết chiến đấu sục sôi, quên đi lợi ích riêng của bản thân để cống hiến cho đất nước. Nghe theo tiếng gọi nồng nàn, cháy bỏng trong tim, họ sẵn sàng bước chân vào cuộc đời người lính. Và “Đồng chí” là tất cả những lời thơ mà Chính Hữu muốn ngợi ca sự cao đẹp của tình đồng đội trong kháng chiến họ dành cho nhau.

Đi từ nhận định vào vấn đề cần nghị luận

Mở bài đi từ nhận định đến vấn đề cần nghị luận là một dạng mở bài khó, dành cho những học sinh có khả năng học Ngữ văn khá tốt. Mở bài đi từ nhận định văn học hay dễ hiểu hơn thì đó là đưa những dẫn chứng, lý thuyết văn học và đưa về tác phẩm, đó có thể là một đoạn thơ, một câu châm ngôn, một lời dẫn trong một tác phẩm văn học,… Để có thể từ lý luận văn học nói chung đưa về tác phẩm đòi hỏi học sinh cần có sự linh hoạt, thông hiểu những kiến thức về văn học, tác phẩm cũng như khả năng ngôn ngữ tốt. Học sinh tham khảo mẫu dưới đây:

“Có một nhà văn đã nói rằng : “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc ta với biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại được các nhà văn ghi lại như những câu chuyện cổ tích hiện đại. Trong số ấy phải kể đến “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện đã thể hiện thật cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.”

Dẫn dắt từ cuộc sống vào bài văn 

“Văn học chính là cuộc đời”, muốn viết văn hay, học sinh cần có những trải nghiệm, những kiến thức thực tế cuộc sống. Chính vì lẽ đó, mỗi học sinh có một “chất” văn khác nhau, cách viết khác nhau. Để mở bài đi từ cuộc sống, học sinh cần có sự thông hiểu sâu sắc về cuộc sống và con người và vốn từ linh hoạt để dẫn về tác phẩm. Học sinh tham khảo mẫu sau: 

Quyền trẻ em là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay, bởi các em đều là những đứa trẻ mong manh, dễ tổn thương, cần sự bao bọc và chở che của gia đình. Nhưng hiện nay một thực tế đau lòng là cha mẹ chia xa, gia đình tan vỡ, cuộc đời các em sang trang mới. Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài đã khiến người đọc không kìm được xúc động về hai nhân vật có trong truyện.”

Trên đây là những mẫu mở bài dành cho những bài văn nghị luận văn học hay và ấn tượng nhất. Đồng thời, để có thể mở bài tốt, học sinh cần nắm chắc những kiến thức nền tảng của môn Ngữ văn, hiểu được nội dung của tác phẩm. Phụ huynh và học sinh tham khảo Chương trình Học tốt 2021-2022 tại HOCMAI. Với hai khóa Trang bị kiến thứcÔn luyện giúp học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng, tạo đà bứt phá điểm số Ngữ văn.

>> Phụ huynh và học sinh để lại thông tin để nhận các bài giảng HỌC THỬ TẠI ĐÂY.