Dựa theo khảo sát của Tổ chức xã hội Baptist Oi Kwan Hong Kong 2018 cho thấy, số lượng trẻ em ở lứa tuổi từ 9 – 13 bị mắc bệnh trầm cảm tăng 4.4% so với năm trước . Đây là con số đáng báo động!
Hong Kong là một trong những khu vực có trình độ đào tạo giáo dục hiện đại và chất lượng nhất Thế Giới. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Thế nhưng, sự hạnh phúc trong học tập của trẻ em dường như đang đi ngược lại với chất lượng đào tạo của đặc khu này.
Kết quả cuộc khảo sát vào năm 2018 từ 1800 học sinh Tiểu học lớp 3 đến lớp 6 trên phạm vi đặc khu như một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho cha mẹ và những người có thẩm quyền.
Hai nguyên nhân chính của việc trầm cảm sớm như vậy là áp lực học hành (điểm số) và sự thiếu quan tâm, hờ hững của cha mẹ với con cái.
Cha mẹ thường nghĩ rằng, trẻ con mau quên và ở độ tuổi chỉ biết ăn với chơi này thì làm sao có thể trầm cảm. Trầm cảm dường như là căn bệnh của riêng người lớn. Nhưng thực tế, độ tuổi mới trưởng thành non nớt mới dễ bị ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài. Bởi vì giai đoạn từ 6 – 12 tuổi, trẻ em đang bắt đầu hình thành tư duy và thói quen về cuộc sống. Bất kì một sự tác động tiêu cực nào trong thời điểm này đều có thể tạo thành những tổn thương sâu sắc khó mà bù đắp được.
(Áp lực từ điểm số và sự thiếu quan tâm của cha mẹ khiến con bị trầm cảm – Ảnh: South China Morning Post)
Ngăn chặn sự trẻ hóa trầm cảm ở Việt Nam – Bài toán của phụ huynh!
Câu chuyện ở Hong Kong cũng là một bài học cho tất cả các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Học sinh Tiểu học Việt Nam dường như đang phải học tập quá nhiều. Theo số liệu của World Bank kết hợp với Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) từ năm 2012 trở lại đây, thì học sinh Việt Nam đang học nhiều hơn học sinh các nước khác khoảng 3 giờ/tuần. Chưa kể, chương trình giáo dục hiện hành nặng nề đang tạo một áp lực không nhỏ cho các em.
Phụ huynh vẫn đang bị ảnh hưởng căn bệnh thành tích. Thế nên, ngoài giờ học chính khóa, các em học sinh còn phải đi học thêm vào buổi tối để mở rộng, nâng cao kiến thức! Điều này dẫn đến quỹ thời gian ngày càng thu hẹp. Học sinh gần như không có thời gian dành riêng cho bản thân (giải trí, làm những việc yêu thích,..).
Thay vì những tiết học bổ trợ bên ngoài, cha mẹ hãy nghĩ về giải pháp học tại nhà. Vừa không lãng phí thời gian vì quá trình đi lại đưa đón khá lâu, cha mẹ lại được ở bên cạnh con nhiều hơn. Con sẽ có thêm thời gian rảnh cho riêng mình. Học và chơi cần phải hợp lý thì con mới có thể thoải mái tinh thần và thư giãn sau những tiết học vất vả, nặng nề được.
(Đồng hành cùng con vừa giúp con thoát khỏi áp lực học tập vừa để cha mẹ và con cái đồng cảm với nhau hơn – Ảnh: NewRadioWina)
Cùng theo khảo sát trên, mối quan hệ giữa cha mẹ và học sinh còn tác động tới tâm lý trẻ con nhiều hơn cả áp lực điểm số. Thế nên, ở lứa tuổi Tiểu học, học sinh hoàn toàn không thể rời khỏi sự định hướng và chỉ dẫn của cha mẹ. Sự đồng hành của cha mẹ mang lại ý nghĩa rất lớn. Một mặt, cha mẹ sẽ nắm được tình hình học tập hàng ngày của con, mức độ hiểu kiến thức và vận dụng kiến thức. Từ đó giúp con bồi đắp lại những đơn vị kiến thức thiếu hụt, bị hổng, bị rỗng. Mặt khác, đây cũng là lúc cha mẹ lắng nghe chia sẻ của con về bạn bè, lớp học, thầy cô giáo. Phát hiện những vấn đề trong tâm sinh lý của con để tiến hành khắc phục kịp thời. Qua đó, tình cảm gia đình sẽ càng trở nên gắn bó, thân thiết với nhau hơn.
Cha mẹ nên là điểm tựa cho con chứ đừng tạo thêm áp lực thêm lên đôi vai non nớt của con nữa!
“Hãy để con được sống cuộc sống của con, cha mẹ nhé!”