Con Tiểu học điểm 9, 10 đầy vở nhưng vẫn hổng rỗng kiến thức – Vì đâu nên nỗi?

0
2941

“Mình suốt ngày thấy con khoe được điểm 9, điểm 10 mình yên tâm lắm tưởng là con học tốt rồi. Nhưng có ai ngờ, đợt kiểm tra đầu năm vừa rồi nhận về bài thi được điểm 5. Mình mới tá hỏa kiểm tra kiến thức của con. Lúc đó mới biết con hổng rỗng kiến thức quá nhiều!” – Chị Minh (Đống Đa, Hà Nội) than thở.

 

Cùng chung tâm trạng với chị Minh, anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bần thần: “Tôi biết hè là thời gian để nghỉ ngơi nên cũng không định để con phải học tập nhiều. Năm trước con học rất tốt, nên tôi nghĩ không cần phải ôn lại làm gì. Nhưng khi nói chuyện với cô giáo để hỏi nguyên nhân thì tôi mới biết. Trẻ con giờ nó thông minh lắm, học nhanh nhưng mà quên cũng nhanh. Không sát sao đôn đốc thì mất gốc kiến thức lúc nào chẳng hay”

“Phụ huynh Tiểu học thường thông qua điểm số để đánh giá mức độ hiểu bài và nắm bắt kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, đây lại là một cách đánh giá sai lầm”. Cô Thúy Nga, giáo viên Toán của một trường cấp 1 khá nổi tiếng ở Hà Nội cho hay. Theo cô Nga, không giống các em học sinh từ cấp THCS trở đi, học sinh Tiểu học do bé hơn nên độ nhận thức của các em chưa được rõ ràng, đầy đủ. Đặc biệt là về tầm quan trọng và ý nghĩa của quá trình học tập. “Chưa kể bắt đầu từ lớp 3 trở đi, chương trình học đã có sự thay đổi hoàn toàn về chất. Các em bắt đầu bước vào quá trình học thật sự nên độ khó tăng lên gấp nhiều lần so với 1 và lớp 2. Đây là lúc các em phải thật sự hiểu và làm chủ được kiến thức. Mà điểm số thường không phản ánh được điều này. Nắm được kiến thức thì chắc chắn điểm tốt nhưng điểm tốt chưa hẳn là do không bị hổng rỗng kiến thức.”


(Con điểm 9, điểm 10 liệu có phải là đã nắm vững kiến thức? – Ảnh: Internet)

Hổng rỗng kiến thức nghiêm trọng hay không?

Hổng rỗng kiến thức xảy ra khi học sinh không hiểu một đơn vị kiến thức nào đó. Bởi vì không nắm được cho nên những dạng bài tập của phần đó học sinh đều không làm được hoặc làm nhưng vẫn không rõ ràng. Mà chương trình học hiện hành được phân bố từ thấp tới cao thế nên những gì đã được giảng dạy ở năm học trước chính là tiền đề cho các phần nội dung mở rộng, nâng cao ở năm học sau. Phần cơ bản học sinh không hiểu, thì phần mở rộng học sinh sẽ càng khó theo kịp nhịp độ học tập trên trường. Từ đó, tạo thành sự mất gốc cho toàn bộ một nhánh kiến thức nào đó.

Hổng rỗng tạo ra rất nhiều tác hại cho học sinh:

  • Thành tích giảm sút. Phản ánh trực tiếp qua điểm số trong những bài kiểm tra trên trường.
  • Gặp khó khăn để bắt nhịp với tốc độ học tập trên lớp. Tốn rất nhiều thời gian để hiểu một vấn đề, một bài tập.
  • Sợ hãi mỗi khi tới lúc kiểm tra. Sợ bị giáo viên gọi lên bảng, sợ bị điểm thấp, sợ bị bạn bè chê cười,…
  • Tâm lý tự ti sẽ hình thành khi học sinh cảm thấy yếu kém so với bạn bè.
  • Lười làm bài tập về nhà vì học sinh không hiểu, không biết cách làm. Kế đó sẽ xuất hiện những hành động đối phó như chép bài, chép sách giải để có đủ số lượng bài tập.
  • Nảy sinh tâm lý chán học, ghét học. Thậm chí đôi lúc tránh né, không muốn đi học nữa.

Cha mẹ đồng hành cùng con – Yếu tố quan trọng nhất để giải quyết hổng rỗng kiến thức!

(Học cùng con chính là chìa khóa giúp con bù lấp hổng rỗng kiến thức dễ dàng – Ảnh: Internet)

Để học tập hiệu quả thì nhà trường và gia đình đều phải chung tay góp sức vào quá trình giáo dục học sinh. Nếu ban ngày, các em được học chính khóa tại trường thì thời gian mỗi tối lại là khung giờ vàng để cha mẹ hòa nhập với việc học hành của con.

Khi đồng hành học tập, cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện những phần kiến thức mà con đang hổng rỗng thông qua việc để con làm bài tập vận dụng. Đây có thể là bài tập trên lớp của con hay những phiếu bài tập trực tuyến mà cha mẹ có thể dễ dàng tải về từ các website uy tín về giáo dục. Bằng việc chấm điểm phần thực hành của con với từng dạng bài cụ thể thì việc đánh giá mức độ thấu hiểu lý thuyết của con không quá khó.

Sau khi đã rõ ràng những đơn vị kiến thức con chưa hiểu thì cha mẹ sẽ bổ sung lại chúng qua việc giảng dạy lại cho con. Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn cha mẹ có thể sử dụng chính là những bài giảng trực tuyến. Con sẽ được giảng bài lại một lần nữa bởi những giáo viên nhiều kinh nghiệm và có khả năng sư phạm vững chắc. Quan trọng là, những bài giảng trực tuyến đều có thể điều chỉnh được tốc độ nên thích hợp với mức tiếp thu của mọi học sinh dù nhanh hay chậm.

Bằng cách này, những phần kiến thức rỗng, hổng của con đều được cha mẹ hỗ trợ bù đắp dễ dàng. Bên cạnh việc giải quyết vấn đề mất gốc kiến thức của con, quá trình đồng hành học tập của cha mẹ còn giúp con củng cố kiến thức mới học, ngăn chặn tình trạng con bị quên khi học sinh Tiểu học hay bị nhanh nhớ – mau quên. 

Hổng rỗng kiến thức ở cấp độ Tiểu học là điều rất khó tránh khỏi bởi vì tâm sinh lý lứa tuổi của các em học sinh còn nhỏ, chưa đủ nhận thức rõ ràng về định hướng, mức độ quan trọng của học tập. Chính vì thế, các em luôn cần có cha mẹ ở bên cạnh động viên, hỗ trợ và tạo động lực. Hãy luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy nhất của con, cha mẹ nhé!