Thầy Nguyễn Phi Hùng: “Xét tuyển kết hợp thi tuyển vào lớp 6 là phương án khả dĩ phù hợp với hiện tại”

0
11211
Chia sẻ về vấn đề thi tuyển vào lớp 6, thầy Nguyễn Phi Hùng khẳng định: “Xét tuyển kết hợp thi tuyển vào lớp 6 là phương án khả dĩ phù hợp với hiện tại”
Ngày 18/12, Bộ Giáo dục công bố dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh cấp THCS và THPT. Để tháo gỡ khó khăn tuyển sinh vào lớp 6 cho các trường có số lượng hồ sơ dự tuyển quá lớn thì thay vì chỉ cho phép xét tuyển, nay Bộ dự kiến cho trường thi tuyển kết hợp xét tuyển.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Phi Hùng

Trao đổi với HOCMAI về vấn đề thi tuyển vào lớp 6, thầy Nguyễn Phi Hùng cho biết:
“Tôi ủng hộ phương án tuyển sinh lớp 6 của các trường đặc thù này như phương án Bộ đưa ra. Kết hợp xét tuyển với thi tuyển vào lớp là phương án khả dĩ phù hợp với hiện tại, bởi từ phía các trường, cần có cơ sở đầy đủ và đáng tin cậy để đảm bảo tuyển sinh được những học sinh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn của trường.
Khi những cuộc thi tổ chức qua mạng không còn được xem là tiêu chí xét tuyển thì bài thi đánh giá năng lực là cần thiết để tạo sự công bằng cho các thí sinh. Như quan sát và tìm hiểu của tôi thì đa số phụ huynh cũng mong muốn có thêm hình thức thi tuyển, vừa giảm áp lực các con phải tham gia nhiều cuộc thi (để lấy giải làm điều kiện xét tuyển vào trường), kéo dài rất căng thẳng, tốn kém mà lại còn phát sinh cả những tiêu cực, không đảm bảo công bằng.
Việc thi tuyển cũng không mâu thuẫn với chủ trương phổ cập giáo dục THCS bởi các trường vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phổ cập của mình theo chỉ tiêu tuyển sinh được cơ quan quản lí giáo dục giao cho.
Điều dư luận lo ngại là khi tổ chức thi, sẽ có tình trạng luyện thi, tình trạng dạy thêm học thêm, gây áp lực cho học sinh và gia đình. Trước hết, để giành kết quả cao trong mọi kì thi, việc chuẩn bị ôn luyện là cần thiết và tất yếu. Nhưng ôn luyện thế nào, cường độ ra sao để đảm bảo các em học sinh không bị quá áp lực, thiết nghĩ, các bậc phụ huynh là những người sát sao và yêu thương các con nhất, sẽ có những lựa chọn phù hợp. Phụ huynh cũng nên tham vấn thầy cô để xác định năng lực của con và có những định hướng, kế hoạch phù hợp.
Hơn nữa, việc ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của các trường cũng sẽ hạn chế việc dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, việc quản lí dạy thêm, học thêm (nhất là ở bậc tiểu học) cũng đang được các cơ quan quản lí giáo dục thực hiện khá chặt chẽ, đảm bảo không để việc dạy ôn luyện thi diễn ra tràn lan, mất kiểm soát.”

Nhận định của HOCMAI 

Theo đánh giá của HOCMAI, đề thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường tập trung chủ yếu trong chương trình Toán 5. Mỗi trường ra đề với hình thức riêng nhưng đại đa số là bám sát kiến thức và cách đặt câu hỏi tương tự sách giáo khoa. Với hướng chủ yếu là yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng đúng kiến thức đã được học vào trình bày lời giải cho bài toán. Như vậy, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức, luyện tập nhiều là có thể đạt điểm 9 – 10 điểm. Số ít trường, trong đó có trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, có sự “đổi mới hơn” về cách đặt câu hỏi, cần học sinh phân tích, tư duy logic thực tiễn nhiều hơn.

Dự thảo kết hợp thi tuyển và xét tuyển vào lớp 6 được Bộ Giáo dục xin ý kiến dư luận đến hết ngày 18/2/2018. Ý kiến của các phụ huynh và học sinh HOCMAI như thế nào? Hãy cùng chia sẻ quan điểm nhé!