Thi tuyển vào lớp 6: Cải cách hay tăng áp lực học thêm?

0
4407

Dự thảo cho phép các trường xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh của Bộ Giáo dục hiện đang gây nhiều tranh cãi.

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục công bố dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh cấp THCS và THPT. Để tháo gỡ khó khăn tuyển sinh vào lớp 6 cho các trường có số lượng hồ sơ dự tuyển quá lớn thì thay vì chỉ cho phép xét tuyển, nay Bộ dự kiến cho trường thi tuyển kết hợp xét tuyển.
Cụ thể, trong dự thảo lần này có ghi: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Qui định này khiến cho nhiều trường thở phào vì thi tuyển vào lớp 6 sẽ giúp trường không phải loay hoay giữa mưa học bạ điểm 10 và mưa giải thưởng.
Một điểm mới khác cũng thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh và học sinh là qui định về tuyển thẳng. Nếu trước đây các học sinh đạt giải các cuộc thi cấp tỉnh là được tuyển thẳng thì nay siết chặt hơn. Chỉ các học sinh đạt giải tại các cuộc thi khoa học, kỹ thuật, văn hóa, thể dục thể thao cấp quốc gia, quốc tế mới có cơ hội tuyển thẳng.

Khi được hỏi về nguy cơ luyện thi vì thi tuyển, TS Vũ Đình Chuẩn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) cho rằng chuyện đi học luyện thi có thể tái diễn. Tuy nhiên khi các trường có những bài thi đặc thù như trường Nguyễn Siêu thi bằng tiếng Anh thì việc đi học thêm không có mấy ý nghĩa.

Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy đưa ý kiến: “Các trường có thể khảo sát rất nhiều năng lực hay ở nhiều bộ môn chứ không giống như thi cử. Muốn giảm áp lực thì Bộ cũng cần quy định rõ việc các trường cần có đề án tuyển sinh hợp lý, công bố công khai sớm để phụ huynh, học sinh được biết”.

Thầy Nguyễn Phi Hùng (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) cho biết: “Tôi ủng hộ phương án tuyển sinh lớp 6 của các trường đặc thù này như phương án Bộ đưa ra. Kết hợp xét tuyển với thi tuyển vào lớp là phương án khả dĩ phù hợp với hiện tại, bởi từ phía các trường, cần có cơ sở đầy đủ và đáng tin cậy để đảm bảo tuyển sinh được những học sinh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn của trường.”

Về phía phụ huynh thì hiện đang có hai luồng ý kiến: một bên ủng hộ vì cho rằng thi tuyển sẽ giúp giảm áp lực thi cử, một bên phản đối. Chị Minh Hiền (Hai Bà Trưng) có con học lớp 5 thở phào: “Kể cả thi tuyển hay không thì cũng cần phải có thông báo rõ ràng để phụ huynh chuẩn bị sớm cho con. Nếu thi tuyển thì con mình sẽ không phải chạy theo các cuộc thi, giải thưởng nữa. Mình cảm thấy cho con đi học thêm để tham gia các cuộc thi lớn vất vả hơn rất nhiều so với việc thi tuyển vào lớp 6. Mình ủng hộ phương án này của Bộ.”

Chị Linh (Hoàng Mai – Hà Nội) có con học lớp 4 cho biết: “Mình rất lo rằng nếu con phải thi tuyển vào lớp 6 thì áp lực học tập sẽ bắt đầu từ lớp 4, 5. Mình muốn cho con vào trường THCS Lương Thế Vinh. Trường này trước lấy 600 chỉ tiêu nhưng số lượng hồ sơ đăng ký rơi vào khoảng 4000 hồ sơ. Nếu thi tuyển thì mình sẽ phải cho con đi học thêm từ cuối lớp 4 để tăng xác suất con thi đỗ vào trường.”
Dự thảo này được Bộ Giáo dục xin ý kiến dư luận đến hết ngày 18/2/2018. Ý kiến của các phụ huynh và học sinh HOCMAI như thế nào? Hãy cùng chia sẻ quan điểm nhé!