Bài tập làm văn số 3 là bài viết quan trọng để các bạn học sinh có cơ hội cải thiện điểm số cho học kì I. Vì vậy các bạn cần đặc biệt lưu tâm để đạt điểm cao trong bài viết này. Để giúp các bạn học sinh lớp 9 chuẩn bị tốt bài viết này, thầy Nguyễn Phi Hùng đã có những giải đáp, lưu ý rất bổ ích dành cho các bạn.
Câu hỏi: Làm thế nào để đạt được điểm 9, 10 trong bài tập làm văn số 3?
Trả lời: Điểm 9, 10 môn Văn nói chung hay bài tập làm văn số 3 nói riêng là rất khó. Điểm 10 còn khá hiếm tuy nhiên không phải là không thể đạt được. Muốn đạt được 9, 10 bài văn các bạn không chỉ đúng, đủ mà còn phải thể hiện tính mới mẻ, sáng tạo trong bài viết. Ngoài ra, sự sáng tạo trong hành văn, cách diễn đạt sẽ tạo nên nét đặc trưng riêng của bạn trong bài viết, gây ấn tượng cho thầy cô.
Dù vậy, tùy vào từng loại đề cụ thể sẽ có những tiêu chí cụ thể cho bài viết đạt điểm 10. Ví dụ trong bài viết văn số 3 này, đề bài là về nghị luận văn học. Theo đó, bài viết phải có sự độc đáo, độc đáo đến từ năng lực cảm thụ, hay khả năng cảm nhận văn chương của bạn với những quan điểm, cách nhìn mới mẻ tạo nên điểm nhấn cho bài viết. Muốn vậy các bạn phải nắm thật chắc kiến thức để có nền tảng cho sự lập luận.
Nói tóm lại, bài văn đạt điểm 9, điểm 10 là bài văn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kiến thức, sự mới mẻ, sáng tạo và cách hành văn.
Câu hỏi: Đề số 4 trong bài tập làm văn số 3 sách giáo khoa làm như thế nào?
Đề số 4: Kể về một cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)
Trả lời: Kể về cuộc gặp gỡ tức là kể theo phương thức tự sự. Theo đó, bài viết văn số 3 của bạn cần thể hiện được một số ý sau.
-Mở bài: Các bạn cần giới thiệu về nhân vật, hoàn cảnh cuộc gặp gỡ các anh Bộ đội Cụ Hồ. Ví dụ như Nhân dịp 22/12 nhà trường có mời các anh Bộ đội Cụ Hồ về giao lưu…
-Thân bài: Kể diễn biến sự việc theo thời gian. Ví dụ như, Đoàn có bao nhiêu người; em ấn tượng nhất với hình ảnh của chú bộ đội nào; buổi gặp gỡ chủ yếu nói chuyện, trao đổi về vấn đề gì? Có hoạt động gì đặc biệt không? Em có cảm nghĩ gì hay cuộc gặp gỡ để lại ấn tượng gì sâu sắc cho em;…
Tuy nhiên cần nhớ kết hợp yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm.Yếu tố nghị luận có thể kết hợp khi kết thúc câu chuyện, nêu suy nghĩ bản thân, những bài học thấm thía được rút ra với những lịch sử hào hùng năm tháng đấu tranh, những phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ cũng như con người Việt Nam…Các bạn cần thể hiện sự tri ân những anh hùng liệt sĩ, sự biết ơn những người có công với cách mạng và cố gắng tiếp tục trên con đường các anh đã đi. Còn yếu tố miêu tả nội tâm là mạch cảm xúc đan xen trong câu chuyện. Cảm xúc bản thân ra sao khi nghe những câu chuyện giao lưu từ các anh Bộ đội Cụ Hồ.
Và một điều cần lưu ý khi viết bài tập làm văn số 3, hay bất cứ một bài viết nào khác đó là các bạn nên trình bày thật rõ ràng, mỗi đoạn văn thể hiện một ý chính và tập trung thể hiện nó. Tránh việc viết chồng chéo, lan man giữa các ý với nhau.
Câu hỏi: Cách làm bài tập làm văn số 3 đủ thời gian, không lan man trong bài viết?
Trả lời: Bài viết văn số 3 viết trong 90 phút. Đây là thời gian đủ các bạn viết bài đầy đủ và phong phú. Vì vậy để có thể làm đủ thời gian bạn cần tăng tốc độ viết bằng cách luyện viết nhiều, nhanh đảm bảo chữ rõ ràng, dễ nhìn. Bên cạnh đó phải biết đâu là trọng tâm dung lượng bài viết để phân phối thời gian hợp lý. Có những ý cần sâu sắc đi kỹ giải thích, có những ý chỉ cần súc tích ngắn gọn. Vì vậy các bạn phải phân tích đề rõ ý trọng tâm và viết về ý đó. Ví dụ trong bài văn nghị luận xã hội phần phân tích, bình luận cần làm rất sâu sắc nên sẽ dành nhiều thời gian hơn là các phần giải thích định nghĩa.
Cần lưu ý là trước khi viết hãy gạch dàn ý chính thật nhanh để phác thảo được ý cho bài từ đó triển khai theo các ý đó mà không để thiếu ý và căn được thời gian sát hơn. Đồng thời, bước này sẽ giúp bạn viết bài có hệ thống, logic, biết sắp xếp ý nào trước, ý nào sau. Nếu bạn vẫn bỏ qua bước này, hãy nhớ áp dụng cho bài tập làm văn số 3 sắp tới để thấy được tác dụng của lập dàn ý nhé!
Để xem chi tiết giải đáp về bài tập làm văn số 3 của thầy Nguyễn Phi Hùng, click Tại Đây
Chúc các bạn làm bài tốt, đạt điểm cao!
>> Xem thêm: Đã có cách giúp học sinh “chiến đấu” với môn học “không yêu thích”