Bài tập về trạng ngữ dễ hiểu nhất

0
34868
bai-tap-ve-trang-ngu

Trong bài kiểm tra, những bài phân tích thành phần câu các em học sinh thường hay gặp. Tuy rằng không quá khó để làm nhưng đôi khi các em lại mất điểm những bài đó do hiểu sai, hoặc làm ẩu. HOCMAI mong rằng những bài tập về trạng ngữ sau đây, sẽ giúp các em trở nên quen thuộc hơn và hiểu rõ hơn thành phần trạng ngữ này, để sau này những dạng bài phân tích này sẽ trở thành bài ăn điểm của các em. Chúng mình cùng bắt đầu nào!

I. Thành phần trạng ngữ là gì?

Trạng ngữ là thành phần phụ trong câu, góp phần làm bổ nghĩa cho thành phần chính. Thành phần trạng ngữ thường có chức năng xác định thời gian, địa điểm, phương tiện, nguyên nhân của sự việc hoặc vấn đề được nêu ra trong câu. 

Để hiểu chi tiết về định nghĩa, dấu hiệu nhận biết và các loại trạng ngữ, các em học sinh có thể tham khảo thêm bài viết Trạng ngữ là gì? 

II. Bài tập về thành phần trạng ngữ

Dưới đây là một số bài tập về trạng ngữ HOCMAI tổng hợp lại để các em có thể luyện tập ngay khi đang đọc bài viết này. Chúng ta cùng bắt đầu làm thôi!

Chú ý ở những bài điền từ và bài đặt câu, các em hãy nghĩ thêm nhiều câu trả lời của riêng mình nhé!

Bài 1: Điền thành phần trạng ngữ thích hợp vào ô trống và chỉ ra đó là loại trạng ngữ gì?

  1. …………., các em học sinh được nghỉ học.
  2. …………., thành tích của em luôn đứng thứ nhất.
  3. …………., Nam đụng xe vào hàng rào.
  4. …………., bà ôm em mỗi ngày.
  5. …………., lá vàng rụng đầy sân.
  6. …………., học sinh chạy ào ra sân trường để chơi đuổi bắt, đá cầu, nhảy dây.
  7. …………., em đã thức khuya học bài.

Gợi ý:

  1. Vì mưa lũ (trạng ngữ chỉ nguyên nhân)/Hôm nay là chủ nhật (trạng ngữ chỉ thời gian)
  2. Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ (trạng ngữ chỉ nguyên nhân)/Ở lớp (trạng ngữ chỉ nơi chốn)
  3. Vì không tập trung (trạng ngữ chỉ nguyên nhân)
  4. Với vòng tay ấm áp (trạng ngữ chỉ phương tiện, cách thức)/ Vì thương em (trạng ngữ chỉ nguyên nhân)
  5. Mùa thu tới (trạng ngữ chỉ thời gian)
  6. Giờ ra chơi (trạng ngữ chỉ thời gian)
  7. Để đạt được điểm cao bài thi sáng mai (trạng ngữ chỉ mục đích)

Bài 2: Đặt câu hoàn chỉnh mà trong đó có trạng ngữ chỉ:

  1. Nơi chốn
  2. Thời gian
  3. Nguyên nhân
  4. Mục đích
  5. Phương tiện/cách thức
  6. Nơi chốn và thời gian
  7. Thời gian và phương tiện/cách thức

Gợi ý:

  1. Ở trường, thầy cô luôn chỉ dạy cho em nhiều bài học bổ ích.
  2. Mỗi buổi sáng, ông em đều chạy bộ ở vườn hoa.
  3. Vì cô giáo nghiêm khắc, các em học sinh rất chăm chỉ nghe giảng.
  4. Để nhìn được bảng rõ hơn, em đã xin cô giáo cho em lên ngồi bàn đầu.
  5. Bằng sự cẩn thận và tỉ mỉ, chữ viết của em ngày càng đẹp hơn.
  6. Ngay tại đây, lúc này, một cơn gió lớn đang làm bật những gốc cây.
  7. Chỉ với ba tháng, bằng sự cần cù siêng năng, cậu đã từ học sinh trung bình lên học sinh giỏi.

Bài 3: Các em hãy tìm yếu tố trạng ngữ trong câu và xác định đó là loại trạng ngữ gì?

  1. Ở thế giới thần tiên, những nàng công chúa đều thật là xinh đẹp và duyên dáng.
  2. Mỗi khúc giao mùa, gia đình em đều dễ bị cúm vặt.
  3. Với sự đồng lòng và quyết tâm, đội của em đã chiến thắng giải đấu.
  4. Ở miền Nam, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
  5. Ngoài hiên nhà, bố treo những chậu cây xương rồng.
  6. Tầm này năm sau, em sẽ lên lớp 4.
  7. Vì không ăn nhiều rau xanh, nên em dễ bị đau bụng.
  8. Để làm được bài toán này, em đã nhờ bạn Nam giảng lại lời cô giáo dạy.
  9. Bằng chiếc xe đạp đã cũ, ngày ngày bố chở em tới trường.
  10. Vì em cao nhất lớp nên em được cô xếp ngồi bàn cuối.

Gợi ý:

  1. “Ở thế giới thần tiên” là trạng ngữ chỉ nơi chốn.
  2. ”Mỗi khúc giao mùa” là trạng ngữ chỉ thời gian.
  3. “Với sự đồng lòng và quyết tâm” là trạng ngữ chỉ cách thức.
  4. “Ở miền Nam” là trạng ngữ chỉ nơi chốn.
  5. “Ngoài hiên nhà” là trạng ngữ chỉ nơi chốn.
  6. “Tầm này năm sau” là trạng ngữ chỉ thời gian.
  7. “Vì không ăn nhiều rau xanh” là trạng ngữ chỉ nguyên nhân.
  8. “Để làm được bài toán này” là trạng ngữ chỉ mục đích.
  9. “Bằng chiếc xe đạp đã cũ” là trạng ngữ chỉ phương tiện.
  10. ”Vì em cao nhất lớp” là trạng ngữ chỉ nguyên nhân.

Bái 4: Các em hãy tìm yếu tố trạng ngữ trong câu và xác định trạng ngữ đó trả lời cho câu hỏi nào?

  1. Trên trời những đám mây trôi lững lờ.
  2. Cứ đến cuối tuần là cả gia đình em lại về quê thăm ông bà.
  3. Để cao lớn hơn em cần ăn đầy đủ dưỡng chất và chăm chỉ tập thể dục.
  4. Từ phía xa, tôi nhìn thấy bóng mẹ đang về.
  5. Bằng nét diễn chân thật và đôi mắt thơ ngây, cô ấy đã lấy đi bao giọt nước mắt của khán giả.
  6. Vì sợ bóng tối, em thường hay bật đèn khi ngủ.

Gợi ý:

  1. “Trên trời” là thành phần trạng ngữ, trả lời cho câu hỏi: “Những đám mây trôi ở đâu?”
  2. “Cứ đến cuối tuần” là thành phần trạng ngữ, trả lời cho câu hỏi: “Cả gia đình em về quê thăm ông bà khi nào?”
  3. “Để cao lớn hơn” là thành phần trạng ngữ, trả lời cho câu hỏi: “Em ăn đầy đủ dưỡng chất và chăm chỉ tập thể dục để làm gì?”
  4. “Từ phía xa” là thành phần trạng ngữ, trả lời cho câu hỏi: “Em nhìn thấy bóng mẹ ở đâu?”
  5. “Bằng nét diễn chân thật và đôi mắt thơ ngây” là thành phần trạng ngữ, trả lời cho câu hỏi: “Cô ấy đã lấy đi bao giọt nước mắt của khán giả bằng cách nào?”
  6. “Vì sợ bóng tối” là thành phần trạng ngữ, trả lời cho câu hỏi: “Vì sao em thường bật đèn khi đi ngủ?”

Tham khảo thêm:

 

Bài tập về chủ ngữ

Bài tập về vị ngữ

Trên đây là những bài tập về trạng ngữ, các em học sinh trước khi nhìn phần gợi ý của HOCMAI thì hãy tự mình làm thử trước để đánh giá được thực lực của mình hiện tại đến đâu, và hãy tìm thêm những bài tập về nhiều chủ đề khác nhau tại https://hoctot.hocmai.vn/ để hành trang cho mình thêm thật nhiều kiến thức bổ ích nữa nhé!