Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn – Nguyễn Đình Chiểu

0
10008
phan-tich-luc-van-tien-gap-nan

Nhằm giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức Ngữ văn lớp 9 phục vụ cho ôn thi vào 10, trong bài viết dưới đây, hãy cùng HOCMAI phân tích chi tiết Lục Vân Tiên gặp nạn của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Bài phân tích sẽ giúp các bạn hiểu hơn về sự đối lập giữa cái thiện và điều ác, giữa nhân cách cao thượng và suy tính kém hèn được tác giả khắc họa qua những câu thơ lục bát giản dị, thấm đượm sắc màu Nam Bộ.

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu

– Nguyễn Đình Chiểu (hay Đồ Chiểu) mang tên tự là Mạch Trạch, hiệu là Trọng Phủ, sau khi bị mù thì lấy tên hiệu là Hối Trai.

– Ông sinh năm 1822 và mất vào năm 1888, thọ 66 tuổi

– Quê quán: ông sinh tại quê mẹ, tức làng Tân Thới, phủ Tân Bình, Bình Dương, Gia Định. Cha ông là người làng Bồ Điền, xã Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. 

– Nguyễn Đình Chiểu là tác giả lớn của dân tộc, lá cờ đầu trong phong trào văn thơ yêu nước cuối thế kỉ XIX, cũng là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tiểu sử tác giả Nguyễn Đình Chiểu:

Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trong một gia đình nhà nho, tuy nhiên, cha ông là Nguyễn Đình Huy trong trong một biến cố đã bị cách hết chức tước. Năm 21 tuổi, chàng thanh niên ấy thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. 

Năm 1847, ông ra Huế học để chờ kỳ thi. Nhưng chỉ một năm sau, ông hay tin mẹ mất, đành bỏ thi, về Gia Định chịu tang mẹ. Dọc đường đi do bị ốm nặng, lại thêm quá khóc thương mẹ nên ông lâm vào cảnh mù lòa, người nhà họ Võ sau đó cũng bội ước. 

Năm 1851, ông mở trường dạy học ở Gia Định, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Vào những năm thực dân Pháp xâm lược Nam Kì, Nguyễn Đình Chiểu tích cực tham gia kháng chiến, cùng các vị chỉ huy nghĩa quân bàn tính việc đánh giặc, lấy sáng tác văn thơ làm phương tiện để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân. 

Khi Nam Kì rơi vào tay giặc Pháp, ông lui về sống ở Bến Tre, nêu cao tinh thần chống giặc ngoại xâm, trung thành với nhân dân, Tổ quốc cho đến những giây phút cuối đời.

Các tác phẩm chính của Nguyễn Đình Chiểu:

– Giai đoạn trước khi thực dân Pháp xâm lược: ông viết hai truyện thơ dài là “Truyện Lục Vân Tiên” và “Dương Từ – Hà Mậu”, mang chủ đề lý tưởng về đạo đức và nhân nghĩa, truyền bá đạo lý làm người.

– Giai đoạn sau khi thực dân Pháp xâm lược: ông viết các tác phẩm thơ văn “Chạy giặc”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Văn tế Trương Định”, “Thơ điếu Trương Định”, “Thơ Điếu Phan Tòng”, “Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh”, “Ngự Tiều y thuật vấn đáp”, mang chủ đề yêu nước thương dân, biểu dương tinh thần chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu: 

– Thắm đượm màu sắc Nam Bộ với những lời thơ mộc mạc, bình dị mà giàu sức gợi, tựa lời ăn tiếng nói của nhân dân Nam Bộ

– Khắc họa hình ảnh người nông dân với những nét nhân cách giản dị, chân chất, thật thà.

2. Tác phẩm: đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”

a, Tóm tắt đoạn trích

Trên đường đi thi, Lục Vân Tiên hay tin mẹ mình mất, liền tức tốc về nhà để chịu tang, dọc đường bị đau mắt nặng rồi dẫn tới mù lòa. Đúng vào lúc này, Vân Tiên bắt gặp Trịnh Hâm – một người bạn học đang trên đường đi thi về. Trịnh Hâm vốn mang lòng ghen ghét, đố kị với Vân Tiên, nhân cơ hội này tính kế đẩy chàng xuống sông. Vân Tiên sau đó được giao long giúp đỡ dìu vào bờ, được gia đình ngư ông giúp đỡ.

b, Nguồn gốc xuất xứ đoạn trích

– Vị trí: đoạn trích thuộc phần thứ hai của tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên”, khi Vân Tiên vẫn còn đang lạc lõng nơi xứ người. Ngoài ra, các bạn có thể tìm hiểu đoạn trích khác trong tác phẩm là Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga để có thể hiểu hơn về nhân vật trong tác phẩm.

– Chủ đề đoạn trích: niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ xảy đến đối với những con người nhân nghĩa trên cơ sở sự đối lập giữa cái thiện và điều ác.

c, Thể loại

Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” được viết theo thể loại truyện thơ Nôm (tức thơ – thường là thể thơ lục bát, được viết bằng chữ Nôm để kể chuyện). Truyện thơ Nôm là một bộ phận văn học vô cùng độc đáo, tiêu biểu cho nền văn học cổ điển Việt Nam. Truyện thơ Nôm thường phản ánh chân thực xã hội và làm nổi bật quan điểm của tác giả về nhân sinh.

d, Bố cục đoạn trích: đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” chia làm hai phần: 

– Phần 1 (8 câu thơ đầu): Hành động tội ác của Trịnh Hâm

– Phần 2 (các câu thơ còn lại): Hành động nhân đức của ông Ngư 

II. Phân tích đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”

1. Hành động tội ác của Trịnh Hâm

Ngay từ những 4 câu thơ đầu tiên, tác giả đã trực tiếp vạch trần âm mưu tàn độc của Trịnh Hâm đối với người đồng hương mà hắn vô cùng ganh ghét, đố kị:

“Đêm khuya lặng lẽ như tờ,

Nghinh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.

Trịnh Hâm khi ấy ra tay

Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời”

– Hoàn cảnh: hai thầy trò Lục Vân Tiên nơi đất khách quê người đã sắp cùng quẫn vì không những hết lộ phí, mà Vân Tiên còn mù cả đôi mắt. Khi Lục Vân Tiên gặp được Trịnh Hâm, chàng nghĩ sẽ được người đồng hương giúp đỡ đưa về tận nhà như đã hứa. Nào ngờ, Trịnh Hâm vốn là một kẻ tiểu nhân, hắn bày mưu tính kế phân tán hai thầy trò, lừa Vân Tiên tiểu đồng đã chết, rồi đang tâm hãm hại chàng.

– Sử dụng trạng từ chỉ thời gian “đêm khuya lặng lẽ” và “nghinh ngang sao mọc”, “mịt mờ sương bay”, tác giả đã làm rõ khung cảnh diễn ra kế hoạch. Đó là khi đất trời đã chìm trong bóng tối, yên tĩnh không một âm thanh, mọi người đều đã chìm trong giấc ngủ. Việc lựa chọn thời gian thực hiện mưu đồ đã phần nào cho thấy bản tính mưu mô, xảo trá của Trịnh Hâm.

– Hành động: Trịnh Hâm hãm hại Lục Vân Tiên bằng việc đẩy chàng xuống sông. Hắn “ra tay” nhanh gọn đến nỗi Vân Tiên không thể phản ứng kịp, bị “xô ngay xuống vời”

Thực hiện xong hành động tàn bạo ấy, kẻ bất nhân thậm chí còn không có lấy một phút đắn đo, cắn rứt, hắn ngay lập tức:

“Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời

Cho người thức dậy, lấy lời phui pha”

– Thái độ của Trịnh Hâm sau khi giết chết Vân Tiên: Trịnh Hâm “vừa ăn cướp vừa la làng”, vừa lấp liếm hành vi độc ác của mình, vừa giả tạo tỏ vẻ xót thương. 

Trước kế hoạch được sắp đặt quá hoàn hảo, người dân không ai biết đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vân Tiên. Thái độ của mọi người trước cái chết của Vân Tiên được thể hiện qua hai câu thơ:

“Trong thuyền ai nấy kêu la

Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”

– Có thể thấy, nổi bật trong câu thơ là sự xót xa của người dân dành cho cái chết oan ức của chàng trai tốt bụng, tài năng họ Lục. Vốn đã phải chịu cảnh đui mù, không thể trở về quê hương, nay còn bị ngã thuyền, mất tích. 

– Kẻ tiểu nhân Trịnh Hâm bằng sự giả tạo, hắn đã lấp liếm được tội ác của mình, khiến không một ai mảy may nghi ngờ tội ác mà hắn đã gây ra.  

=> Tám câu thơ đầu bằng hệ thống hình ảnh thơ giàu sức gợi, khả năng dẫn dắt mạch truyện khéo léo, tác giả đã vạch trần một cách chân thực nhất bộ mặt của kẻ tiểu nhân Trịnh Hâm. Một kẻ giả tạo, tàn nhẫn, tư thù, ích kỷ, đã rắp tâm ám hại người huynh đệ có biết bao ân nghĩa với mình. 

2. Hành động nhân đức của ngư ông

Lục Vân Tiên nhờ ở hiền gặp lành nên tuy bị Trịnh Hâm ám hại nhưng lại may mắn gặp được ngư ông hiền lành, tốt bụng cứu giúp:

“Vân Tiên mình lụy giữa dòng,

Giao long dìu dắt vào trong bực rày.

May vừa trời đã sang ngày,

Thuyền chài xem thấy vớt ngay lên bờ.”

– Hành động của ngư ông: nhanh chóng vớt Vân Tiên, hơ tay, hơ bụng dạ, mặt mày đê kiểm tra Vân Tiên còn sống hay đã chết

“Hối con vầy lửa một giờ

Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”

– Mục đích của ngư ông khi vớt Vân Tiên: cứu người

– Thái độ của ngư ông: khẩn trương, nhanh chóng khi cứu Vân Tiên; sẵn sàng an ủi, chia sẻ, cảm thông khi biết sự tình khốn khổ của Vân Tiên. Hơn hết, tuy cứu được mạng người nhưng ông không hề kỳ vọng vào sự báo đáp hay đền ơn đáp nghĩa nào. 

=> Có thể thấy, Ngư Ông chính là nhân vật điển hình cho hình ảnh người nông dân lao động với bản tính lương thiện, chất phác. 

Hành động của Trịnh Hâm xấu xa, tàn độc bao nhiêu thì càng làm cho hành động của gia đình ngư ông càng hiện lên đẹp đẽ, nhân hậu, ấm áp bấy nhiêu. 

– Những hành động như “Con vầy lửa”, “Ông hơ bụng dạ”, “mụ hơ mặt mày”, thể hiện ông lão sẵn sàng ra tay cứu mạng Lục Vân Tiên bằng tất cả sức lực của mình. 

– Trái với hình tượng của Trịnh Hâm, lỏng tốt của ngư ông không quản tốt xấu, đơn thuần xuất phát từ khát khao giúp người mãnh liệt. Nỗ lực ấy đã không hề phí hoài, chỉ sau chốc lát:

“Vân Tiên vừa ấm chơn tay

Ngẩn ngơ hồn phách như say mới rồi 

Ngỡ thân mình phải nước trôi 

Hay đâu còn hãy đặng ngồi dương gian.

Ngư ông khi ấy hỏi han

Vân Tiên thưa hết mọi đằng gần xa

Ngư rằng: “Người ở cùng ta,

Hôm mai hẩm hút với già cho vui”

Tiên rằng: “Ông lấy chi nuôi,

Thân tôi như thể trái mùi trên cây.

Nay đà trôi nổi đến đây

Không chi báo đáp mình nầy trơ trơ”.

– Là một chàng trai có tấm lòng nhân hậu nên dù cho vừa mới bị Trịnh Hâm lừa, nhưng khi được ngư ông “hỏi han”, Vân Tiên chẳng hề do dự mà “thưa hết mọi đằng gần xa”. Có lẽ, với ân nhân cứu mạng của mình, ở chàng đã hình thành một niềm tin to lớn chẳng thể suy chuyển. 

– Sự nhân hậu của Ngư ông còn thể hiện qua sự cảm thương, chua xót, khi nghe về hoàn cảnh đầy éo le của Vân Tiên, ông bèn ngỏ lời mời chàng “ở cùng ta”. Có thể thấy, dù cho chẳng hề giàu có, người đàn ông ấy vẫn rất giàu lòng yêu thương, luôn sẵn sàng giang tay bao bọc những con người nghèo khổ. 

Ngư ông là một người thẳng thắn, cứng cỏi và khí khái khi Lục Vân Tiên băn khoăn không biết có thể làm gì để báo đáp ơn cứu mạng. Đối với lão Ngư Ông, làm việc nhân nghĩa đã trở thành nghĩa vụ, chẳng cần “trả ơn”:

“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”

Không chỉ mang một tâm hồn với lối sống cao thượng, lão Ngư Ông còn chẳng màng đến phú quý danh lợi, chỉ mong ước một cuộc sống ung dung, tự tại, hòa vào thiên nhiên:

“Rày doi mai vịnh vui vầy,

Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng.

Một mình thong thả làm ăn,

Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm,

Nghêu ngao nay chích mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay”

Sự yêu nghề, yêu lao động là niềm vui, niềm hạnh phúc của Ngư Ông được thể hiện qua đoạn thơ:

“Kinh luân đã sẵn trong tay

Thung dung dưới thế vui say trong trời

Thuyền nan một chiếc ở đời,

Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang”

– Sử dụng cặp từ gợi hình “hứng gió, chơi trăng” kết hợp cùng nhịp thơ đăng đối 4/4 đã góp phần tạo nên giai điệu hào hứng trong lao động 

– Sử dụng những từ láy “vui vầy”, “thong thả”, “nghêu ngao”, tác giả vẽ lên bức chân dung người lao động mang tâm thái chủ động, ung dung. Đồng thời bộc lộ tâm hồn mộng mơ, lãng mạn trong cuộc sống thường ngày của người lao động như Ngư Ông

– Vì niềm yêu nghề, dù cho Ngư Ông có tài “kinh luân”, lão vẫn mong muốn cuộc sống bình yên, ẩn dật. 

– Lão Ngư là một người rất giỏi nghề. Thậm chí trong nghề chài lưới, Ngư Ông đã giỏi đến mức “thung dung dưới thế”, “vui say trong trời”, lão chẳng hề gặp trở ngại khi đương cự với thiên nhiên. Chỉ với “thuyền nan một chiếc”, người đàn ông ấy đã “tắm mưa trải gió” cả một đời.

=> Bằng lời thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển gắn với ý thơ phóng khoáng, tác giả đã khắc họa chi tiết bức tranh về một cuộc sống thư thái, tự do, thiên nhiên như hòa làm một với con người. 

=> Hình ảnh của ngư ông và gia đình là hình ảnh biểu tượng cho những người lao động bình thường nhưng mang trong mình bản tính thiện lương, chất phác, tấm lòng nhân ái, bao dung và cao thượng.

 

III. Tổng kết chung 

1. Về nội dung

Đoạn thơ nói lên sự đối nghịch giữa cái thiện và điều ác, giữa nhân cách cao thượng và những suy tính kém hèn, đồng thời thể hiện thái độ trân trọng và niềm tin của tác giả Nguyễn Đình Chiểu đối với nhân dân lao động.

2. Về nghệ thuật

– Kết cấu truyện mang tính ước lệ, cốt truyện được triển khai một cách hài hòa, vừa giúp mở đường cho nhân vật chính, vừa giúp khắc họa rõ nét sự đối lập thiện – ác giữa 

– Diễn biến hợp lý, liền mạch, nhanh gọn

– Ngôn ngữ thơ dung dị, mộc mạc, mang đậm sắc màu Nam Bộ.

– Hình ảnh thơ gần gũi, đẹp đẽ, giàu sức gợi hình, gợi cảm.

 

Tham khảo ngay:

Các tác phẩm ôn thi vào 10

Phân tích Ánh Trăng

Phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga