Phân tích bài thơ Ánh trăng tác giả Nguyễn Duy

0
63125
phan-tich-kieu-anh-trang-ava

Nhằm giúp các bạn học sinh nắm chắc kiến thức Ngữ Văn trong quá trình Ôn thi văn vào lớp 10, hãy cùng HOCMAI phân tích bài thơ Ánh Trăng trong bài viết này. Với các thông tin được phân tích dưới đây, bạn sẽ hiểu thêm về hình ảnh ánh trăng và những hàm nghĩa sâu xa về thái độ sống được tác giả Nguyễn Duy gửi gắm vào từng dòng thơ. 

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Nguyễn Duy

– Tên thật: Nguyễn Duy Nhuệ

– Sinh năm: 1948

– Quê quán: Đông Vệ, Thanh Hóa

– Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu của văn học lãng mạn, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

– Ngoài sở trường sáng tác thơ, ông còn viết các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết và bút kí. 

Tiểu sử và các thành tựu nghệ thuật của Nguyễn Duy:

Nguyễn Duy bén duyên với sự nghiệp sáng tác thơ từ khi học cấp ba. Năm 1965, Nguyễn Duy từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại trọng điểm đánh phá ác liệt của quân đội không quân Mỹ. Năm 1966, ông nhập ngũ và trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu chiến trường tại Khe Sanh, Nam Lào, chiến trường miền Nam và biên giới phía Bắc. Trong giai đoạn này, Nguyễn Duy đã trở thành một trong số những nhà thơ trẻ tiêu biểu trong lớp nhà thời kì chống Mĩ cứu nước. 

Năm 2007, Nguyễn Duy đã được nhà nước trao tặng Giải thưởng danh giá về Văn học Nghệ thuật

Các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy:

Nguyễn Duy sở hữu bộ 3 bài thơ nổi tiếng, thuộc thể loại tự do, với nội dung chính viết về những trăn trở, suy nghĩ của ông về tương lai đất nước và con người, đó là:

– Bài thơ “Đánh thức tiềm lực” (1980 – 1982) viết về những suy tư của tác giả về tiềm lực và tương lai của đất nước

– Bài thơ “Nhìn từ xa…Tổ quốc” (1988), được viết trong chuyến thăm Liên Xô của tác giả, với nội dung đề cập đến những vấn đề xã hội mà ông nhận thấy được trong thời kỳ bao cấp

– Bài thơ “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” có cùng thi pháp với 2 bài thơ trên, tuy nhiên, phạm vi nội dung rộng hơn, nói về những suy nghĩ của tác giả đối với thiên nhiên, không gian và tương lai con người.

Cảm hứng trong sáng tác và phong cách nghệ thuật:

Các tác phẩm của Nguyễn Duy được phân thành 2 giai đoạn với cảm hứng sáng tác khác nhau trong từng giai đoạn:

– Trước đổi mới: thơ Nguyễn Duy chủ yếu xoay quanh đề tài chiến tranh và quê hương, thường mang tính phi sử thi, miêu tả những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, thể hiện những mất mát, hy sinh và cuộc sống lam lũ của người nông dân trong xã hội đương thời

– Sau đổi mới: thơ Nguyễn Duy mang sự mạnh mẽ, táo bạo, sẵn sàng phơi bày những bất cập của xã hội đương thời.

– Phong cách nghệ thuật: thơ Nguyễn Duy sở hữu cái ngang tàng nhưng vẫn giữ được sự trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm, đậm tính triết lý, hướng về chiều sâu nội tâm hơn. Trong những sáng tác của mình, ông luôn thể hiện những trăn trở, day dứt và suy tư thông qua những hình ảnh sinh động, đậm tính ẩn dụ. 

=> Có thể nói, phong cách sáng tác của Nguyễn Duy là sự thống nhất của nhiều yếu tố đối lập như: mộc mạc – tinh tế; ngang tàng, tếu táo – thiết tha sâu lắng; ngẫu hứng – trau chuốt công phu.

2. Tác phẩm Ánh trăng

a. Hoàn cảnh ra đời “Ánh trăng”

– Bài thơ “Ánh trăng” được viết năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 năm sau giải phóng đất nước. Không còn chiến tranh, những người lính còn sống sót lúc này trở về làm quen với cuộc sống mới tại chốn phồn hoa đô thị 

– Bài thơ “Ánh trăng” được in trong tập thơ cùng tên, từng được trao tặng giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm 1984.

b. Ý nghĩa nhan đề “Ánh trăng”

– “Ánh trăng” hiểu theo nghĩa tả thực, là một phần ánh sáng của thiên nhiên. Giống như ánh sáng mặt trời, ánh trăng cũng là một hình ảnh gần gũi và thân thuộc.

– “Ánh trăng” trong nhan đề là hình ảnh tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung của tác giả đối với lịch sử hào hùng của dân tộc.

=> Nhan đề “Ánh trăng” như muốn nói về thứ ánh sáng đã góp phần thắp sáng một góc tối con người. Đó là chất xúc tác giúp thức tỉnh nghĩa tình thuỷ chung với quá khứ, với những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính mà có thể đã bị con người lãng quên.

c. Thể loại và phương thức biểu đạt của bài thơ “Ánh trăng”

– Thể thơ năm chữ

– Điểm đặc biệt: toàn bài chỉ có một dấu phẩy và một dấu chấm kết bài, giúp tạo cảm xúc liền mạch, sâu lắng.

– Phương thức biểu đạt: tự sự kết hợp trữ tình

d. Bố cục nội dung

– Phần một (2 khổ đầu): Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ của tác giả

– Phần hai (2 khổ tiếp): Hình ảnh vầng trăng trong hiện tại

– Phần ba (2 khổ cuối): Tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình từ hình ảnh ánh trăng

Nắm trọn kiến thức Ngữ Văn ôn thi vào 10 đạt 9+ với bộ sách

sach-but-pha-9-lop-10

HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

 

II. Dàn ý phân tích bài thơ Ánh trăng

1. Phân tích bài Ánh trăng khổ 1 và khổ 2: Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ của tác giả

Tác giả đã gợi lại những kỉ niệm đẹp, tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ:

“Hồi nhỏ sống với rừng 

Với sông rồi với bể 

Hồi chiến tranh ở rừng 

Vầng trăng thành tri kỉ

 

Trần trụi với thiên nhiên 

Hồn nhiên như cây cỏ 

Ngỡ không bao giờ quên 

Cái vầng trăng tình nghĩa”

Khổ thơ đầu tuy ngắn nhưng với giọng tâm tình, thủ thỉ, kết hợp với biện pháp tu từ liệt kê, tác giả đã gợi lên nhiều hoài niệm về một tuổi thơ sống gắn bó, gần gũi với thiên nhiên của chính mình:

– Sử dụng hai chữ “hồi” ở câu thơ thứ nhất và thứ ba, tác giả như tạo ra chỗ dừng chân cho khổ thơ. Đó là ranh giới của ấu thơ và trưởng thành. Ánh trăng không những thắp sáng lên những hình ảnh về quá khứ mà còn mang theo tiếng nói tâm tình sâu lắng thiết tha

– Không gian đầy ắp kỷ niệm mát lành dịu ngọt ân tình của quê hương như được mở ra trong hai câu thơ đầu tiên với hình ảnh ánh trăng lai láng trên cánh đồng, dòng sông, bãi biển. 

– Tiếp theo đó là những năm tháng tuổi thơ của cậu bé vùng nông thôn gắn với ký ức cùng bạn bè dạo chơi đồng, sông, bể. Bất kể nơi nào cậu dạo qua cũng đều có ánh trăng làm bạn đồng hành. 

– Phạm vi không gian trong khổ thơ được mở rộng dần theo thời gian, nhịp trưởng thành của con người.

Trong sự vận động không ngừng của thời gian, cậu bé nông thôn ấy đã lớn lên và trở thành một người lính. Khi là một người lính, hình ảnh “hồi chiến tranh ở rừng”  cùng mang lại nhiều hoài niệm:

– Gợi nhắc về những năm tháng chiến đấu khó khăn nơi chiến trường, ánh trăng soi đường lúc hành quân, dẫn lối những người lính tiến về phía trước, là nguồn động lực tinh thần không thể thiếu nơi chiến trường khốc liệt

– Ánh trăng trở thành người bạn tri kỷ, giúp san sẻ mọi gian nan thiếu thốn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng những người lính trong những năm tháng chiến tranh. 

– Sử dụng điệp từ “với” lặp lại ba lần, tác giả đã giúp làm nổi bật tình cảm gắn bó, thắm thiết giữa nhân vật trữ tình và thiên nhiên. Cho dù thời gian có trôi, thời thế có nhiều đổi thay nhưng ánh trăng vẫn dõi theo tác giả, từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, không lúc nào biến mất.

Tác dụng của phép nghệ thuật nhân hóa trong câu thơ “vầng trăng thành tri kỉ”:

– Nhắc tác giả nhớ về kỉ niệm trong những đêm hành quân hay gác giữa rừng, làm bạn với vầng trăng chiếu rọi.

– Ánh trăng trở thành người bạn thân thiết, tri âm, tri kỷ, luôn xuất hiện để đồng cảm cộng khổ, chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời đời người lính.

=> Có thể thấy, ánh trăng cao khiết ấy đã soi rọi tuổi thơ của tác giả, soi sáng từng bước đi trên hành trình trưởng thành của tác giả, khiến con đường hồi tưởng quá khứ trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết.

Trong khổ thơ thứ hai khi hồi tưởng về quá khứ, ta có thể thấy, ngay từ khi còn nhỏ, sự gắn bó khăng khít của con người với thiên nhiên:

“Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ”

Sử dụng phép so sánh sánh “trần trụi, hồn nhiên” kết hợp với phép liệt kê “thiên nhiên, cây cỏ” mang lại nhiều giá trị về nội dung:

– Nhấn mạnh lối sống đơn giản, mộc mạc của con người trước khi có được sự phồn hoa như ngày hôm nay. Khi đó, mọi buồn vui sướng khổ đều gắn bó với thiên nhiên, đặc biệt là với ánh trăng

– Thể hiện sự ngưỡng mộ của tác giả trước vẻ đẹp bình dị, vô tư, trong sáng của vầng trăng

– Vẻ đẹp của ánh trăng tượng trưng cho nét đẹp trong tính cách và tâm hồn người lính

Con người coi trăng như tri kỉ, như tình nghĩa: 

“Ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”

– Sử dụng động từ “ngỡ” giàu giá trị biểu đạt, tác giả dường như đang muốn báo hiệu những chuyển biến trong câu chuyện hay chính là sự thay đổi tình cảm của con người.

– Sử dụng phép nhân hóa trong câu thơ “cái vầng trăng tình nghĩa”, tác giả đã ngầm khẳng định sự vĩnh cửu của ánh trăng. Dù cho mai về sau lòng người có đổi thay thì ánh trăng vẫn len lỏi, quấn quýt, nồng nàn và mối quan hệ giữa người và trăng là bền vững mãi mãi

=> Qua hai khổ thơ đầu, ánh trăng hiện diện như hình ảnh của quá khứ, tượng trưng cho kí ức chan hòa tình nghĩa. Vầng trăng chính là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình thủy chung. Dù cho trải qua biết bao khó khăn, khắc nghiệt, con người vẫn luôn có trăng làm bạn đồng hành trên mỗi bước đường. Để rồi từ đó, con người và trăng trở thành người bạn tri kỷ, cùng nhau chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. 

2. Phân tích 2 khổ tiếp theo: Hình ảnh vầng trăng trong hiện tại

Những tưởng vầng trăng vẫn giữ vị trí quan trọng trong lòng người lính, nhưng trong khổ thơ tiếp theo, Nguyễn Duy cho người đọc thấy điều ngược lại: 

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện, cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ 

Như người dưng qua đường”

Trước sự thay đổi của thời gian cũng như xô bồ cuộc sống, người lính dần quên đi “cái vầng trăng tình nghĩa”

– Đối với người lính trong bài thơ, cuộc sống từ nhỏ tới khi chinh chiến nơi trời Nam gian khổ đều có trăng làm bạn. Ấy thế mà khi chiến tranh kết thúc, về thành phố, người lính lại quên đi tri kỷ của mình. 

– Sự đối lập trong hoàn cảnh sống giữa quá khứ và thực tại thể hiện rõ qua dụng ý của tác giả. Không gian núi rừng bao la rộng lớn, đầy hoang vu, nguy hiểm được thay thành không gian thành phố với ánh điện, cửa gương hiện đại và hào nhoáng. 

– Cuộc sống của người lính từ hành quân chốn rừng thiêng nước độc, làm bạn với tăm tối, với vắt, với đỉa nay trở nên bận bịu với những lo toan cơm áo gạo tiền trong tòa nhà khang trang, hiện đại nơi phố thị.

– Sử dụng phép hoán dụ trong câu thơ “Quen ánh điện, cửa gương” tác giả đã làm nổi bật cuộc sống tiện nghi, đủ đầy của con người trong thời đại mới. 

=> Cuộc sống của con người thành phố như bị thu hẹp lại với bốn bức tường cùng những gương cửa kính và ánh điện sáng trưng, không còn gần gũi và thân thiện với nhiên nhiên như trước. Con người bó buộc chính bản thân trong căn phòng nhỏ, với ánh đèn nhân tạo mà xa rời thiên nhiên rộng lớn, quên đi con sông chảy chậm, bỏ qua ánh trăng hiền hòa. 

Hai câu thơ tiếp càng khẳng định sự thay đổi của người lính, khi vầng trăng tri kỷ giờ chỉ như “người dưng”: 

“Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

– Cuộc sống tại thành phố hết sức tiện nghi, hiện đại và đầy đủ hoàn toàn khác với những tháng ngày trong quá khứ làm con người quên đi người bạn tri kỷ, tri âm luôn đồng hành với mình. 

– Sử dụng biện pháp nhân hóa khi miêu tả “Vầng trăng đi qua ngõ” khiến vầng trăng từ chỗ chan hòa khắp thiên nhiên nay thu hẹp lại chỉ bằng con ngõ nhỏ tối tăm, mù mịt. 

– Con người đã thay đổi tình cảm đối với người bạn trong quá khứ. Trăng vẫn tròn đầy, thủy chung nhưng giờ đây con người lại trở nên thờ ơ, lạnh nhạt không quan tâm tới. Trăng chỉ còn là dĩ vãng, là quá khứ nhạt nhòa bị bỏ quên ở một quãng thời gian xa xôi trong tâm trí người lính năm xưa. 

Biện pháp so sánh hết sức độc đáo: Từ “Vầng trăng tình nghĩa” thành “Như người dưng qua đường”. Đây là một hành động bội bạc, quên đi quá khứ thường xảy ra trong cuộc sống:

– “Người dưng” chỉ những người xa lạ, không quen biết. Điều tổn thương hơn cả là “tri âm” hóa thành “người dưng”. Vầng trăng trở thành người xa lạ, lạnh lùng như người dưng qua đường. Điều này càng làm nổi bật sự bạc bẽo, vô tình của con người trong xã hội hiện đại.

– Quên đi vầng trăng tri kỷ cũng có nghĩa người lính đã quên đi quá khứ gian lao, những ngày nằm đất ăn đói chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ Quốc, quên đi mất mát hy sinh. Hơn hết, người lính đã quên đi chính bản thân mình cùng những lý tưởng cao đẹp khi còn trẻ.

=> Khổ thơ đưa tới nhiều suy ngẫm cho người đọc. Ý nghĩa những câu thơ tựu chung lại là hoàn cảnh sống thay đổi có thể khiến con người quên đi quá khứ gian khổ, nhọc nhằn mà phản bội lại chính bản thân, thay đổi cả về tình cảm. Đây là một sự thực đáng buồn trong xã hội thời hiện đại.

Phân tích khổ 4 Ánh trăng: 

Có lẽ vầng trăng sẽ thực sự đi vào dĩ vãng nếu như không có tình huống mất điện bất ngờ: 

“Thình lình đèn điện tắt

Phòng buyn – đinh tối om 

Vội bật tung cửa sổ

Đột ngột vầng trăng tròn”

– Từ láy “thình lình” cùng cách đảo trật tự cú pháp câu vừa làm câu thơ độc đáo vừa diễn tả sự bất ngờ về một sự việc bất thường, đột ngột xảy ra. 

– Căn phòng vốn sáng trưng những đèn điện, cửa gương giờ đây không còn nguồn sáng. Bốn bề chỉ toàn bóng tối. Lúc này, nhân vật trữ tình trong bài thơ phải nhanh chóng kiếm tìm nguồn sáng. 

– Câu thơ “Vội bật tung cửa sổ” sử dụng tới ba động từ mạnh “vội”, “bật”, “tung”. Ba động từ nhắc tới trong câu diễn tả sự khó chịu vì thiếu đi nguồn sáng cùng hành động khẩn trương, vội vã của nhân vật trữ tình. 

=> Đặt trong hoàn cảnh quá khứ, những tháng ngày “trải lá làm giường, manh áo thay chăn”, người lính quen với bóng tối chốn rừng thiêng nước độc không hẳn sẽ lo lắng khi thiếu đi nguồn sáng. Điều này cũng thể hiện sự thay đổi của con người khi làm quen với cuộc sống chốn thành phố hiện đại.

Khi “bật tung cửa sổ”, vầng trăng tròn hiện ra “đột ngột” khiến nhân vật bàng hoàng, xúc động khi bao kỉ niệm nghĩa tình bất chợt ùa về: 

– Nhịp thơ vốn đang được đẩy lên cao trào với ba động từ mạnh, giờ đây sững lại trước ánh trăng

– Sử dụng biện pháp đảo ngữ, đưa từ láy “đột ngột” lên đầu câu, Nguyễn Duy đã diễn tả chính xác sự ngỡ ngàng của người lính khi đột nhiên gặp lại vầng trăng tròn trên bầu trời đêm thành phố. 

– “Đột ngột” trong câu thơ đâu đến từ vầng trăng, mà đến từ chính tâm trạng tác giả. Nguyễn Duy đang thảng thốt, ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mình. Vầng trăng vẫn tròn đầy vẹn nguyên, vẫn tỏa ánh sáng dịu huyền ảo, nhưng lòng người lại đổi thay, không còn như ngày đầu. 

– Hình ảnh “vầng trăng tròn” xuất hiện đột ngột, chiếu rọi ánh sáng dịu vào căn phòng tối om tạo ra sự đối lập giữa ánh sáng cùng bóng tối. Khoảnh khắc này được ví như một “cánh cửa bản lề”, một bước ngoặt lớn trong mạch cảm xúc cùng sự “tỉnh ngộ” trong nhận thức của nhân vật trữ tình. 

– Ẩn dụ vầng trăng trong đêm tối mất điện như một “cánh cửa bản lề” do trăng vốn là một sự vật gắn với quá khứ và thực tại của người lính. Phía bên này là người lính dần trở nên thờ ơ, vô cảm quen với xô bồ bon chen của cuộc sống, bên kia là những quá khứ, kỉ niệm mà người lính dần quên đi. 

=> Khổ thơ mang ý nghĩa bước ngoặt, đóng vai trò như cánh cửa bản lề cho mạch cảm xúc cũng như sự tỉnh ngộ của nhà thơ. Chỉ với bốn dòng thơ, Nguyễn Duy cho thấy được ý nghĩa bao trùm của toàn bài: con người vội vã bận bịu với cuộc sống hiện đại, chỉ khi nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống mới bàng hoàng, sững sờ.

3. Phân tích 2 khổ cuối bài Ánh trăng: Tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình từ hình ảnh ánh trăng

Trong khi khổ thứ tư đẩy tình huống trong bài thơ lên cao trào, khổ thứ năm tập trung miêu tả sự xúc động mãnh liệt của Nguyễn Duy khi đối mặt người bạn cũ: 

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể 

Như là sông là rừng”

Tình huống gặp trăng đầy bất ngờ đã mở ra những dòng cảm xúc đầy mãnh liệt của nhân vật trữ tình:             

– Khoảnh khắc đèn điện vụt tắt, ánh trăng len lỏi vào căn phòng tối tăm thật bất ngờ, đột ngột. Cùng với ánh trăng, những kí ức năm xưa hiện lên trong lòng tác giả. Đó là sông, là bể, là rừng, những năm tháng nghèo đói, thiếu thốn gian khổ, có buồn có vui. 

Trong giờ phút gặp lại “cố nhân”, người lính có hành động “ngửa mặt lên nhìn mặt”. Đây là tư thế trực tiếp đối mặt của nhân vật trữ tình với vầng trăng tròn. Tác giả không viết “ngửa mặt lên nhìn trăng” bởi lẽ ông đã thực sự coi trăng là một con người, một người bạn cũ lâu ngày không gặp. Trăng không còn là vật vô tri, là nguồn chiếu sáng đơn thuần.

=> Nguyễn Duy đối mặt với trăng trong sự im lặng có phần thành kính. Chủ thể trong câu thơ không còn là trăng sáng và nhân vật trữ tình, mà suy rộng ra còn là quá khứ và hiện tại, thủy chung gắn bó và vô tâm đổi thay đối diện với nhau. 

– Ý thơ gợi mở cho người đọc được Nguyễn Duy khéo léo thể hiện qua cách dùng từ “mặt” cuối câu thơ. Từ “mặt” đa nghĩa, có thể là trăng, là thiên nhiên, là quá khứ bị lãng quên hay cũng là bản thân con người cũ của chính nhân vật trữ tình. 

– Giờ phút này, nhân vật trữ tình đang tự đối diện với chính mình, soi lại bản thân trong thuở đã qua. Nguyễn Duy chợt nhận ra thời gian xoay vần đã che lấp tất cả: giá trị của quá khứ, sự đổi thay của bản thân và vầng trăng vẹn nguyên, không mảy may thay đổi. 

– Cuộc đối thoại không lời trong khoảnh khắc khiến cho cảm xúc trào dâng. Cụm từ “rưng rưng” đã diễn tả chính xác nỗi xúc động nghẹn ngào, sự thổn thức, muốn nói mà chẳng thể cất lời của nhân vật trữ tình. 

=> Quá khứ vất vả mà chan hòa tình yêu với trăng tưởng như bị lãng quên nay ùa về, khiến nhà thơ “rưng rưng” xúc động, tự hổ thẹn, ân hận bởi sự đổi thay đầy bạc bẽo, vô tình. 

Qua đôi mắt rưng rưng và cảm xúc dâng trào, nhà thơ như thấy được những kỉ niệm đẹp ngày xưa:

“Như là đông là bể

Như là sông là rừng”

– Hai câu thơ trên được nhà thơ sử dụng cấu trúc song hành với điệp từ “như là … là” ở đầu câu cùng biện pháp so sánh và liệt kê sự vật nhằm diễn tả những kí ức về một thời gắn bó, chan hòa với thiên nhiên đang ùa về trong tâm trí.

– Điệp từ “như là” cùng các hình ảnh sông, đồng, rừng, bể được liệt kê làm nhịp thơ trở nên dồn dập, phản ảnh dòng cảm xúc mãnh liệt của tác giả. Người đọc nhờ vậy cũng như hòa chung dòng cảm xúc với hoàn cảnh trữ tình trong thơ. 

=> Nhà thơ cảm thấy hổ thẹn khi nhận ra sự thay đổi vô tình tới bạc bẽo của mình trong thời gian qua. Nhưng đan xen vào nỗi hổ thẹn này, cảm xúc nghẹn ngào vui sướng cũng nhen nhóm trong trái tim khô cằn của nhà thơ, được gặp lại người bạn cũ tri kỷ – gặp lại trăng. 

– Khoảnh khắc đối diện với trăng như ngừng lại, nhường chỗ cho những kí ức ùa về. Tác giả nhớ lại quãng thời gian đáng nhớ với đồng, với bể, sông và rừng. Câu thơ trải dài về miền quá khứ và thực tại, bao quát thiên nhiên và con người, lao động cùng chiến đấu, thủy chung tình nghĩa và bạc bẽo vô tâm. 

– Trăng không còn là nguồn sáng, cũng không còn là bạn tri kỷ của nhân vật trữ tình, mà là biểu tượng cho vẻ đẹp của tạo hóa, sự vĩnh hằng của thiên nhiên, đất nước. Trăng đại diện cho quá khứ nghĩa tình, rộng hơn là một thời xuân xanh cùng bao lý tưởng sống tốt đẹp. 

=> Ánh trăng trong khổ thơ này gợi ra hình ảnh của hiện tại, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và cũng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình không thể quên và không được phép quên. Ánh trăng giúp nhà thơ bừng tỉnh, từ đó đưa ra những suy ngẫm và khát vọng trong tương lai. 

Khổ thơ cuối thể hiện những suy ngẫm và triết lý sâu sắc của nhà thơ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc 

Đủ cho ta giật mình”

–  Trong cuộc gặp lại này, trăng và người có sự đối lập. Khác với con người đổi thay, bội bạc vô tình, trăng vẫn vẹn nguyên như kí ức thuở nào. Trăng đã trở thành biểu tượng của sự vĩnh hằng, bất biến mãi không đổi thay. 

Câu thơ “trăng cứ tròn vành vạnh” được diễn tả với hai lớp nghĩa: 

– Nghĩa tả thực là thể hiện ánh trăng rằm tròn đầy lung linh, tỏa sáng trong không gian thiên nhiên bao la bát ngát. 

– Nghĩa ẩn dụ là thể hiện cho sự thủy chung, trọn vẹn của thiên nhiên; là quá khứ nghĩa tình, bao dung, đôn hậu. 

– Trăng gợi nhắc về quá khứ tươi đẹp không thể phai mờ. Dù con người thay đổi, quên đi quá khứ, những ngày tháng gắn liền với thuở nghèo khổ gian nan xưa vẫn còn đó, không hề mất đi.

– Trăng tròn đại diện cho thiên nhiên vẫn tuân theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa, vẫn chiếu sáng, vẫn “tròn vành vạnh” dầu cho “người vô tình”. Xuyên suốt bài thơ, Nguyễn Duy luôn gắn trăng với các định ngữ như “tình nghĩa”, hay “tròn”, lúc này tới khổ cuối, vầng trăng được kết tinh thành hình ảnh “tròn vành vạnh”, đại diện cho những giá trị tốt đẹp của một thời quá khứ, là ân nghĩa thủy chung không thể nào phai. 

– Khoảnh khắc nhà thơ đối diện với người bạn cũ – ánh trăng, dường như con người bị lép vế bởi nhận biết được sự vô tâm, bỏ quên những ân tình trong quá khứ. Con người dễ bị chi phối bởi hoàn cảnh mà chạy theo cuộc sống xô bồ tấp nập, chạy theo “ánh điện cửa gương”. Từ đó tách biệt với thiên nhiên và quên đi tri kỷ tưởng như “ngỡ không bao giờ quên”.

– Câu thơ tiếp theo, nhà thơ sử dụng hai tiếng “kể chi” như khẳng định sự bao dung, nhân hậu của trăng. 

Hình ảnh nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” như một lời nhắc nhở nghiêm khắc, là lời trách móc trong lặng im. Tuy vậy, sự im lặng này cũng mang ý nghĩa bao dung, thấu hiểu và tha thứ:

– “Ánh trăng im phăng phắc” là nhân chứng nghĩa tình, là người bạn cũ đang nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ, cũng như mỗi chúng ta rằng con người có thể lãng quên đi kí ức cũ, nhưng thiên nhiên, nghĩa tình thì luôn tròn đầy, vẹn nguyên. 

– Tình cảm của trăng, tấm lòng của trăng là tình cảm của những người đồng chí đồng đội, của đồng bào Việt Nam. Trăng không chỉ là bạn tri kỷ của nhân vật trữ tình mà còn mang ý nghĩa tới cả một thế hệ hào hùng, thêm vào đó, còn mang ý nghĩa lớn lao với con người trong mọi thời đại. 

– Ánh trăng như một tấm gương giúp con người soi qua đó, để nhận ra những gì đã quên, để thức tỉnh lương tri trong chính bản thân. Nó mang ý nghĩa cảnh tỉnh, thúc đẩy mọi người sống có ý nghĩa, xứng đáng với những người đã khuất, xứng đáng với chính bản thân. Phải trân trọng quá khứ để có thể vững bước đi tới tương lai. 

– Trong đêm tối, trăng im lặng không có nghĩa là bất động mà là để cho con người tự suy nghĩ về mình. Chính cái im phăng phắc của trăng đã làm nhà thơ “giật mình”, “giật mình” vì bị đánh thức, xáo động những kí ức trong tâm hồn. Đây là sự bừng tỉnh của nhân cách, sự trở về của lương tâm và nhớ lại những lý tưởng tốt đẹp. Những ăn năn, hối lỗi và hổ thẹn dồn nén đã kết tinh lại thành cái lặng im và giật mình thảng thốt này. 

– Hình ảnh thơ lúc này mang chiều sâu tư tưởng, khi vầng trăng không chỉ đại diện cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là hiện thân của quá khứ thủy chung, tình nghĩa. “Vầng trăng tròn” là quá khứ nghĩa tình, trong sáng vô tư; còn “ánh trăng” là vầng hào quang của một thời dĩ vãng, là ánh sáng của lương tâm, là ánh sáng để thức tỉnh, soi sáng những góc khuất trong tâm hồn. 

– Phẩm chất bao dung độ lượng, nghĩa tình thủy chung của trăng cũng đại diện cho phẩm chất cao cả của nhân dân mà Nguyễn Duy đã phát hiện và gửi gắm một cách sâu sắc vào từng dòng thơ. 

=>  Dòng thơ cuối dồn nén bao tâm sự, như một lời sám hối ăn năn đầy ám ảnh, day dứt. Từ đó, nhà thơ muốn gửi lời nhắc nhở về lẽ sống, đạo đức ân nghĩa thủy chung. 

 

III. Tổng kết dàn ý phân tích bài thơ Ánh trăng

1. Về nội dung

“Ánh trăng” là bài thơ nhắc nhở về những ngày tháng gian lao đã qua trong cuộc đời người lính, vốn gắn bó với thiên nhiên đất nước. Bài thơ nhắc nhở người đọc cần có một thái độ sống tích cực “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn nhớ về quá khứ nghĩa tình và những kí ức đã qua, bởi quá khứ là những điều đáng trân trọng. 

2. Về nghệ thuật

– “Ánh trăng” được viết theo thể thơ năm chữ, bố cục mạch lạc, rõ ràng.

– Bài thơ là sự kết hợp giữa nghệ thuật tự sự và trữ tình, giúp thể hiện cụ thể và sinh động hình ảnh thơ. 

– Các biện pháp đảo ngữ, so sánh, nhân hóa, hoán dụ được dùng trong bài làm tăng tính biểu cảm, giọng điệu tâm tình tự nhiên giúp người đọc hòa vào dòng chảy cảm xúc của nhân vật trữ tình. 

– Các hình ảnh trong bài giàu tính biểu cảm, biểu tượng.

Trên đây là toàn bộ nội dung Phân tích bài thơ Ánh Trăng của tác giả Nguyễn Du. Ngoài tác phẩm trên, các bạn có thể tham khảo các tác phẩm văn học ôn thi vào 10 và hệ thống các bài viết hỗ trợ Soạn văn 9Hy vọng với phần phân tích trên từ HOCMAI đã giúp các bạn có thêm cái nhìn sâu sắc về đạo lý  “uống nước nhớ nguồn” và lối sống ân nghĩa thủy chung. Mong các bạn ôn tập thật hiệu quả!

Tham khảo thêm:

Phân tích Cảnh ngày xuân

Phân tích Kiều ở Lầu Ngưng Bích