Phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – HOCMAI

0
26551
phan-tich-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga-ava

Để giúp các bạn học sinh trung học cơ sở tổng hợp những kiến thức về các tác phẩm văn học ôn thi vào lớp 10, trong bài viết này, cùng HOCMAI Phân tích tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó, giúp các bạn học sinh trung hiểu hơn về nguồn gốc, nội dung, bố cục và các chi tiết trọng tâm trong tác phẩm này nhé!

 

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu

– Tên thật: Nguyễn Đình Chiểu tên tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ

– Sinh năm 1822, mất năm 1888

– Quê quán: làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

– Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Ông là cây bút mở đầu cho dòng văn thơ yêu nước cuối thế kỉ XIX.

– Các tác phẩm của ông là sự kết hợp giữa văn học dân gian và văn chương bác học, ngôn từ giàu sức truyền cảm và nghệ thuật sáng tạo nhân vật.

Tiểu sử của Nguyễn Đình Chiểu:

Nguyễn Đình Chiểu là một người có cuộc đời hết sức bất hạnh:

  • Xuất thân là một cậu ấm trong gia đình quan lại nhỏ, nhưng chẳng bao lâu thì thân phụ  bị cách chức nên tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Đình Chiểu sớm phải lận đận.
  • Khi đi thi thì mẹ mất, Nguyễn Đình Chiểu bỏ thi về quê chịu tang mẹ. Trên đường trở về chịu tang, ông ốm nặng lại khóc thương mẹ dẫn đến mù cả hai mắt. Hai mươi sau tuổi, ông mất đi người mẹ yêu thương, mất đi đôi mắt, đường công danh nghẽn lối, đường tình duyên trắc trở. Bao nhiêu ước mơ của cậu thanh niên trẻ tuổi vỡ vụn, ông về quê dạy học, làm thuốc và sống cảnh nghèo nàn, thanh bạch.

Nguyễn Đình Chiểu là người có nghị lực sống và bản lĩnh phi thường:

Đối mặt với những bất hạnh chồng chất nhưng ông không hề gục ngã trước số phận oan nghiệt mà lựa chọn vượt lên số phận để sống cuộc đời ý nghĩa. Ông can đảm đảm nhận nhiều trọng trách khác nhau:

  • Khi là một thầy giáo, ông đặt việc dạy người cao hơn dạy chữ đưa danh tiếng của ông ở khắp miền lục tỉnh không ai là không biết.
  • Khi là một thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu không tiếc sức mình cứu nhân độ thế.
  • Khi là một nhà thơ, ông để lại cho đời bao áng thơ bất hủ, hướng cho con người đến những giá trị chân – thiện – mỹ.
  • Khi là một nhà quân sự, Nguyễn Đình Chiểu tích cực tham gia kháng chiến với vai trò là người tham mưu.

=> Dù đặt bản thân ở cương vị nào, ông đều làm việc hết mình và là một tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Nguyễn Đình Chiểu là một con người có tấm lòng yêu nước cháy bỏng, nhân cách và khí tiết trong sạch:

  • Cùng với lãnh tụ phong trào Cần Vương bàn mưu kế đánh giặc.
  • Từ chối mọi lời mua chuộc của giặc Pháp.
  • Trực tiếp cầm bút như một thứ vũ khí chở đạo đâm gian, lên án, tố cáo bọn thực dân cướp nước và bọn bán nước và tuyên truyền đạo lý làm người.

– Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu:

Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu thường tập trung vào hai đề tài lớn là đạo lý và yêu nước. Ở mỗi thể loại ông đều có những tác phẩm nổi bật như

  • Đề tài đạo lí với tác phẩm tiêu biểu “Truyện Lục Vân Tiên ”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp ”…
  • Đề tài yêu nước với tác phẩm tiêu biểu“Chạy giặc”, “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc”, “Văn tế Trương Định”…

Trong vòng xoay văn học Việt Nam từ xưa đến nay, Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà văn phải gánh chịu nhiều đau khổ, bất hạnh nhất. Tuy nhiên, thay vì  gục ngã trước số phận, Nguyễn Đình Chiểu đã chọn sống một cuộc đời thanh bạch, khí phách và để lại cho đời sau một sự nghiệp văn chương có giá trị to lớn.

2. Tác phẩm 

a. Kết cấu truyện

– Truyện xoay quanh cuộc đời nhân vật chính là Lục Vân Tiên với kết cấu theo kiểu truyền thống của thể loại truyện Phương Đông.

– Kết cấu có tính ước lệ: Người tốt thường gặp nhiều trắc trở, bị kẻ xấu hãm hại, lừa gạt. Nhưng họ vẫn được phù trợ, cưu mang (nhờ người hoặc thần linh), cuối cùng được đền đáp xứng đáng, còn kẻ xấu bị trừng trị.

Kiểu kết cấu này đã phản ánh chân thực cuộc sống vốn đầy rẫy những bất công, vô lí. Song cũng đã nói lên khát vọng ngàn đời của nhân dân, của tác giả về cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành.

b. Nguồn gốc xuất xứ tác phẩm

– Vị trí đoạn trích: “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên”.

– Tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên” bao gồm hơn hai nghìn câu thơ (chính xác là 2082 câu) được viết theo thể thơ lục bát. 

– “Truyện Lục Vân Tiên” được tác giả Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX

Thông qua nội dung của tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên”, nhà thơ muốn truyền dạy những đạo lý làm người như: 

Đề cao tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội như tình cảm vợ chồng, tình cảm bạn bè, tình nghĩa anh em, …

– Đề cao tinh thần hiệp nghĩa, luôn sẵn sàng ra tay cứu khổ phò nguy.

– Thể hiện khát vọng của nhân dân ngàn đời hướng tới những điều tốt đẹp và lẽ công bằng trong cuộc đời như ở hiền gặp lành, cái thiện thắng cái ác, chính nghĩa thắng gian tà, ác giả gặp ác báo, …

c. Thể loại

Tác phẩm “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” được viết theo thể loại truyện thơ Nôm. Đây là thể loại văn học mang tính chất truyện để kể hơn để đọc, để xem. Vì vậy, nó dễ được chuyển thành những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khác như “kể thơ”, “nói thơ”, “hát”. Thể loại truyện thơ Nôm chú trọng đến hành động của nhân vật hơn là diễn biến nội tâm.

d. Bố cục Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Bố cục tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được chia thành 2 phần:

– Phần một (14 câu thơ đầu): Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai để giải cứu Kiều Nguyệt Nga.

– Phần hai (Còn lại): Cuộc chuyện trò giữa Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên.

 

II. Tóm tắt Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Ở huyện Đông Thành, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, tên là Lục Vân Tiên. Nghe tin triều đình mở khoa thi, chàng từ giã thầy xuống núi đua tài. 

Trên đường về nhà thăm cha mẹ, Lục Vân Tiên bắt gặp bọn cướp Phong Lai đang bức hại dân lành. Chàng là người căm ghét những kẻ ỷ thế mạnh hiếp yếu, bắt nạt dân lành. Đương thấy cảnh này, chàng tức giận, ra tay cứu giúp mà chẳng mảy may suy nghĩ. Trong tay không đao, không kiếm, chàng đã vội bẻ cành cây ven đường làm gậy mà dũng mãnh xông vào đám cướp. 

Lũ cướp hung tàn, thấy Lục Vân Tiên thì càng thêm dữ tợn và muốn trừng trị chàng thật thích đáng. Tuy nhiên, chúng lại bị chàng đánh cho tan tác, người trọng thương, kẻ tử nạn, bỏ chạy tám hướng để thoát thân. 

Sau khi dẹp tan bọn cướp, chàng ân cần hỏi han người gặp nạn. Khi này, chàng mới biết đó là Kiều Nguyệt Nga, con gái quan chi phủ Hà Khê gặp nạn khi đang trên đường cùng tỳ nữ trở về nhà. Kiều Nguyệt Nga cảm tạ ân công, muốn báo đáp xứng đáng nhưng bị chàng đều từ chối. Bởi vì đối với chàng, đó là việc nghĩa, hành động phải làm của người quân tử, không cần phải báo đáp.

Hiểu được tấm lòng của người quân tử, Kiều Nguyệt Nga lại càng thêm mến phục khí tiết trọng nghĩa khinh tài của Lục Vân Vân Tiên. Nàng tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự tay vẽ một bức hình chàng giữ luôn bên mình. Còn với Lục Vân Tiên, chàng lại tiếp tục bước đi trên cuộc hành trình mình đã chọn.

Ẵm trọn kiến thức ôn thi vào 10 đạt điểm cao với bộ sách

sach-but-pha-9-lop-10

 

III. Phân tích tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

1. Hình ảnh Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

– Nhân vật Lục Vân Tiên được tác giả khắc họa theo mô típ của truyện Nôm truyền thống: Một chàng trai khôi ngô, tài giỏi và nghĩa hiệp, sẵn sàng ra tay giải cứu một cô gái xinh đẹp thoát khỏi nguy hiểm, rồi từ ân nghĩa nảy sinh tình yêu.

Cách xây dựng hình ảnh nhân vật này đã góp phần thể hiện khát vọng, ước mơ của nhân dân và tác giả về một xã hội của những người tốt. Nơi có những con người vừa có tài, vừa có đức, luôn sẵn sàng ra tay giúp người, giúp đời mà chẳng quan hề tâm thiệt hơn.

a. Khi đánh cướp Phong Lai

Lục Vân Tiên hành động như một vị hảo hán mang tinh thần nghĩa hiệp:

“Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

– Chỉ với 4 từ “ghé lại bên đàng” tác giả đã khắc họa được hình ảnh chàng trai trẻ Lục Vân Tiên gan dạ. Chàng lao tới tiêu diệt đám cướp Phong Lai mà chẳng hề do dự hay tính toán được mất hay mong cầu được đền đáp. Tất cả chỉ xuất phát từ tinh thần hiệp nghĩa, bảo vệ cái thiện, diệt trừ cái ác. 

– Tác giả đã nhấn mạnh vào hành động gan góc của chàng “bẻ cây làm gậy”. Vũ khí chống lại đám cướp của chàng không phải là đao, là kiếm mà chỉ là một cành cây bẻ ở ven đường.tính cách hào hiệp, không màng an nguy của bản thân để diệt trừ cái ác, cái xấu xa.

Hình ảnh Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng là một người nhân nghĩa trong hành động:

– Trong lời nói, chàng được xây dựng với tính cách cương trực, thẳng thắn của một đấng nam nhi: “Bớ đảng hung đồ! Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Câu nói không chỉ là chỉ trích, phê phán lũ giặc cướp mà còn là tuyên ngôn sống đầy cao đẹp của Lục Vân Tiên. Đó là sống trên đời phải hướng đến bảo vệ cuộc sống, đem lại những điều tốt đẹp đến những người dân lành, chứ không phải mang đến cho họ những đau khổ.

▶ Từ những chi tiết trên, tác giả muốn khắc họa hình ảnh Lục Vân Tiên mang trong mình tinh thần hào hiệp, bất bình trước những điều xấu xa. Cùng với đó là tính cách cương trực, luôn sẵn sàng đứng lên bênh vực cho những kẻ yếu đuối và bảo vệ cho lẽ phải. Sự kiện gặp bọn cướp Phong Lai vừa là thử thách vừa là cơ hội giúp nhân vật bộc lộ được tính cách mà tác giả xây dựng riêng cho Lục Vân Tiên. 

Lục Vân Tiên – Một vị anh hùng quả cảm có võ nghệ cao cường:

“Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:

Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây

Trước gây việc dữ tại mầy

Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng

Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.”

– Nguyễn Đình Chiểu đã đặt Lục Vân Tiên vào một trận đánh không hề cân sức. Một bên là đám cướp hùng tàn, hùng hổ, đông đúc và được trang bị đầy đủ vũ khí. Còn một bên là hình ảnh Lục Vân Tiên thân cô, thế cô trong tay không được trang bị vũ khí.

– Tác giả đã sử dụng cụm từ giàu giá trị tạo hình “tả đột hữu xông” giúp miêu tả chân thực hình ảnh Lục Vân Tiên như một mãnh tướng đang làm chủ tình thế và tung hoành giữa đám cướp.

– Sử dụng nghệ thuật so sánh giữa những hành động anh hùng của Lục Vân Tiên với hình ảnh khi phá vòng Đương Dang của người anh hùng Triệu Tử, tác giả đã tạo nên một khí thế hào hùng, sôi động cho trận đánh.

▶ Trong đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng kết hợp hai thủ pháp nghệ thuật là tương phản và so sánh. Sự kết hợp này đã góp phần tô đậm tinh thần quả cảm, võ nghệ cao cường cùng với khí thế áp đảo của Lục Vân Tiên. Đồng thời khắc họa hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên với tầm vóc của một người anh hùng mạnh mẽ, phi thường.

phan-tich-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga

Lục Vân Tiên đã giành được chiến thắng vẻ vang trước đả cướp Phong Lai:

“Lâu la bốn phía vỡ tan

Đều quăng gươm giảo tìm đàng chạy ngay

Phong Lai trở chẳng kịp tay

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.”

– Trước sức mạnh to lớn của Lục Vân Tiên, băng cướp hung hãn bị cho đánh tan tác, hoảng loạn vứt bỏ gươm giáo mà tìm đường thoát thân. 

– Tướng cướp Phong Lai – người đứng đầu đám cướp cũng được tác giả miêu tả phải bỏ mạng dưới cây gậy của người anh hùng Lục Vân Tiên. 

– Đây chính là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ xấu xa luôn lấy việc hại người làm niềm vui, làm mục đích kiếm sống. Điều này đã thể hiện đúng với mong ước của nhân dân là chính nghĩa đã dành chiến thắng trước sự gian ác.

▶ Qua 2 câu thơ trên, tác giả đã khẳng định rằng: Sức mạnh của Lục Vân Tiên là sức mạnh kết tinh của chính nghĩa, của nhân dân nên đó chiến thắng tuyệt đối không thể phủ nhận. Thông qua những hành động mạnh mẽ của Lục Vân Tiên, tác giả đã phần nào thể hiện khát vọng của nhân dân về một người anh hùng võ nghệ cao cường, có sức mạnh phi thường luôn bênh vực kẻ yếu, chiến thắng mọi thế lực tàn bạo

b. Khi trò chuyện với nàng Kiều Nguyệt Nga

Lục Vân Tiên thể hiện là một người giàu lòng nhân hậu:

“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe nầy?”

– Lục Vân Tiên là một đấng trượng phu, không chỉ giúp đỡ người hoạn nạn mà còn hết lòng quan tâm đến họ. Chàng tìm cách giúp người bị nạn trấn an, lấy lại tinh thần sau cơn hoảng loạn:

+ Trước hết, chàng thông báo cho họ biết tình hình ở bên ngoài, rằng lũ “kiến chòm ong” đã bị tiêu diệt và không còn bất cứ mối nguy hiểm nào có thể đe dọa họ nữa. 

+ Sau đó, chàng lại ân cần hỏi han khi thấy người gặp nạn đang than khóc bên trong xe để giúp họ vơi đi nỗi kinh sợ.

phan-tich-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga-1

Lục Vân Tiên là một người biết trọng lễ nghĩa thông qua cách ứng xử và xưng hô:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái, ta là phận trai.”

– Nét chững chạc, đàng hoàng một mực giữ gìn khuôn phép, lễ nghĩa của Lục Vân Tiên được thể hiện khi chàng khuyên Kiều Nguyệt Nga không bước xuống xe. 

– Sử dụng cách xưng hô “nàng” – “ta”, tác giả đã cho thấy, Lục Vân Tiên luôn dành cho Kiều Nguyệt Nga một tấm lòng trân trọng, cũng như thái độ lịch sự. Đó là hành động của một con người có học thức, có đọc sách thánh hiền.

Chỉ với một câu thơ, ta có thể thấy được Lục Vân Tiên là một người có học thức. Bởi trong quan niệm xưa, “nam nữ thụ thụ bất thân”, nghĩa là giữa con trai và con gái cần giữ khoảng cách nhất định, không được tùy tiện gặp mặt. Chính vì hiểu rõ quan niệm này, chàng không muốn Kiều Nguyệt Nga bước ra ngoài cúi lạy mình, không muốn phẩm tiết của nàng bị ảnh hưởng.

Lục Vân Tiên là một người hào hiệp, nghĩa khí và chính trực:

“Vân Tiên nghe nói liền cười:

“Làm ơn há để trông người trả ơn

Nay đã rõ đặng nguồn cơn

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

– Chi tiết Lục Vân Tiên cười sảng khoái khi nghe Kiều Nguyệt Nga nói đến ơn huệ, đền đáp đã thể hiện chàng là một người chính trực, làm ơn không màng đến sự đáp nghĩa.

– Tác giả cũng đã thể hiện rõ quan niệm của Lục Vân Tiên về người anh hùng. Đó là làm việc nhân nghĩa là tất yếu. Nếu làm ơn mà trông ngóng, mong cầu việc đáp nghĩa thì không phải người anh hùng.

▶ Từ những phân tích trên, ta nhận ra rằng hình ảnh của Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, lí tưởng. Lục Vân Tiên là một con người văn võ song tài, hào hiệp và nhân hậu. Chàng chính là hình mẫu toàn vẹn, hoàn hảo cho người quân tử trong xã hội phong kiến. Qua hình ảnh nhân vật, Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và mong ước về lẽ công bằng ở đời của chính mình. 

phan-tich-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga-2

2. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga

a. Một tiểu thư khuê các, gia giáo và có học thức

Thể hiện qua những lời giới thiệu của nàng về bản thân:

“Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga

Con nầy tì tất tên là Kim Liên.

Quê nhà ở quận Tây Xuyên

Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.”

– Nhân vật Kiều Nguyệt Nga xuất thân trong một gia đình quyền quý, là một tiểu thư khuê các, kim chi ngọc diệp, trâm anh thế phiệt – con quan tri phủ Hà Khê.

– Với lời giới thiệu rất đầy đủ, chân thành, không có chút khoa trương hay kênh kiệu, đáp lại đầy đủ những lời thăm hỏi ân cần của Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga không chỉ bộc lộ được tính cách trọng nghĩa của mình, mà còn thể hiện được sự chân thành, niềm cảm kích, xúc động.

▶ Lời giới thiệu đã phản ánh hình ảnh nàng Kiều Nguyệt Nga không chỉ là một cô tiểu thư quyền quý mà còn là một cô gái nhã nhặn, có học thức.

Thể hiện qua cách xưng hô của nàng với Lục Vân Tiên:

“Trước xe quân tử tạm ngôi

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”

– Tác giả đã để nàng xưng “tiện thiếp”, gọi “quân tử’’ để làm nổi bật sự thông minh, hành xử có thước mực của nàng trong lời ăn tiếng nói.

– Hành động “Lạy rồi sẽ thưa” cũng thể hiện một thái độ kính phục trong quan hệ giữa con người với con người. Kiều Nguyệt Nga vốn là một cô tiểu thư quen được yêu chiều, chở che, bảo vệ mà lại hành xử như vậy với một người xa lạ, đâu phải một chuyện dễ dàng.

Qua lời nói kết hợp với hành động của nàng Kiều Nguyệt Nga, tác giả đã giúp người đọc thấy được sự khiêm nhường, nết na, thùy mị của một tiểu thư sinh ra trong một gia đình gia giáo. 

Thể hiện qua lời chia sẻ về hành động hiếu nghĩa của nàng:

“Sai quân đem bức thơ về

Rước tôi qua đó định bề nghi gia

Làm con đâu dám cãi cha

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.”

– Kiều Nguyệt Nga từ Tây Xuyên đến Hà Khê để định bề nghi gia, nghi thất. Vì để vâng theo lời cha, thân gái yếu đuối không quản ngại đường xa, vượt qua dặm trường với bao nguy hiểm bất trắc đến Hà Khê để định bề nghi gia, nghi thất.

Từ khổ thơ trên, tác giả đã khắc họa nàng Kiều Nguyệt Nga là một người con hiếu thảo, sống đúng với khuôn phép của gia đình cũng như với những lễ giáo trong xã hội phong kiến xưa. Đây cũng chính là điểm gặp gỡ giữa Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên mà tác giả xây dựng.

b. Con người có tấm lòng ân nghĩa, thủy chung

Qua lời nói, cử chỉ với ân nhân cứu mạng:

“Trong xe chật hẹp khôn phô,

Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng.”

– Kiều Nguyệt Nga là tiểu thư có học thức. Hơn ai hết, nàng ý thức rất rõ về những lễ tiết phong kiến và hoàn cảnh của mình đang gặp phải. Mặc dù vậy, nàng vẫn định xuống xe để trực tiếp  “cúi đầu trăm lạy” để tạ ơn ân nhân cứu mạng Lục Vân Tiên. 

– Lời nói tha thiết, không hề pha chút gượng ép, giáo điều, nàng là thật tâm, thật dạ muốn được cảm tạ ân công.

Chỉ bằng một hành động, tác giả đã lột tả thành công tấm lòng ân nghĩa, sâu sắc của Kiều Nguyệt Nga dành cho Lục Vân Tiên..

Trong lời cảm kích công lao của Lục Vân Tiên:

“Lâm nguy chẳng gặp giải nguy

Tiết trăm năm cùng bỏ đi một hồi”

– Trước hết là ơn cứu mạng. Khi thấy nàng gặp nguy hiểm, Lục Vân Tiên đã không “mắt nhắm mắt mở” làm ngơ mà tiến lên đánh tan đám cướp hung tàn để giải vây cứu lấy mạng sống của nàng.

– Đối với người con gái, sự trong trắng, danh dự là điều còn quan trọng hơn cả mạng sống. Và Lục Vân Tiên đã bảo vệ được danh dự và sự trong trắng của nàng. 

Tác giả đã đặt trong lòng Kiều Nguyệt Nga những ân nghĩa quá đỗi to lớn. Điều này khiến nàng cảm thấy day dứt và một lòng muốn báo đáp cho Lục Vân Tiên.

Băn khoăn tìm cách để đáp nghĩa ân tình Lục Vân Tiên:

“Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng

Gặp đây đương lúc giữa đàng

Của tiền chẳng có, bạc vàng thì không

Gẫm câu báo đức thù công

Lấy chi cho phí tấm lòng cùng ngươi.”

– Kiều Nguyệt Nga ngỏ ý mời Lục Vân Tiên về Hà Khê để cha mình tạ ơn. Nàng nói tới “của tiền”, “bạc vàng” để giãi bày sự thiếu thốn về vật chất. Rồi lại than thở “Lấy chi cho phỉ tấm lòng…” để giãi bày sự lúng túng về tinh thần.

– Tác giả đã truyền đạt thành công suy nghĩ của nàng Nguyệt Nga. Chính là không gì có thể sánh bằng công ơn của Lục Vân Tiên. Bởi đối với nàng, tình nghĩa là là điều quan trọng nhất và là một thứ vô giá.

Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng thành công nhân vật Kiều Nguyệt Nga. Nàng là cô gái kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ truyền thống Việt Nam. Nàng không chỉ là người nết na, gia giáo, có học thức mà còn rất coi trọng nghĩa tình, cư xử có trước có sau. Bởi vậy, nàng đã nguyện gắn bó cuộc đời với Lục Vân Tiên – chàng trai đã cứu nàng khỏi hiểm nguy để giữ trọn tấm lòng ân nghĩa thủy chung.

 

III. Tổng kết chung

1. Về nội dung

– Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã lên án cái xấu, cái ác trong trong hội. Đồng thời, thể hiện khát vọng của nhân dân cũng như của chính tác giả hướng tới lẽ công bằng, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đã khắc họa thành công hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga với những phẩm chất cao đẹp.

2. Về nghệ thuật

– Xây dựng thành công nhân vật qua hành động, cử chỉ, lời nói mà ít khắc họa ngoại hình, cũng như ít đi sâu vào diễn biến nội tâm. Vì vậy, các nhân vật đều mang đậm tính chất của văn học dân gian. 

– Ngôn từ sử dụng mộc mạc, bình dị, gần với lời ăn tiếng nói thường ngày và mang đậm màu sắc Nam Bộ. Ngoài ra, có chút thiếu chau chuốt, uyển chuyển nhưng lại phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện nên dễ dàng kể lại và đi sâu vào quần chúng

– Truyện mang đậm màu sắc Nam Bộ cả về ngôn ngữ địa phương cũng như tính cách của con người nơi đây.

Trên đây là dàn ý Phân tích tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm khắc họa thành công những phẩm chất đáng quý của hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Ngoài tác phẩm trên, các bạn học sinh lớp 9 có thể tham khảo các bài phân tích tác phẩm văn học khác trong bộ tài liệu Soạn văn 9 để bổ trợ kiến thức cho các kỳ thi quan trọng. Chúc các bạn có một kỳ ôn tập hiệu quả và đạt kết quả cao!

Tham khảo thêm phân tích các tác phẩm trong chương trình Văn lớp 9:

Phân tích Cảnh ngày xuân

Phân tích Kiều ở Lầu Ngưng Bích

Phân tích Ánh Trăng