Bước sang kỳ 2, các em sẽ được tiếp cận các tác phẩm văn học nổi bật trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Cùng với dòng chảy của lịch sử, đây là giai đoạn được đánh giá có nhiều trào lưu và tác giả văn học thời đại mới. Trong đó nổi bật nhất là bài thơ “Nhớ rừng” của tác giả Thế Lữ. Xin mời các em cùng Hocmai tìm hiểu chi tiết tác phẩm trong phần soạn bài Nhớ rừng dưới đây nhé.
I. Soạn bài Nhớ rừng : Phần thông tin chung
1. Tác giả
Tác giả Thế Lữ, tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ (1907 – 1989), quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh ra tại ấp Thái Hà, Hà Nội (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).
Thế Lữ là nhà thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào Thơ mới (kéo dài từ năm 1932 đến năm 1945). Với hồn thơ dồi dào mãnh liệt nhưng đầy lãng mạn trữ tình, Thế Lữ không chỉ khẳng định chất thơ của mình trong phong trào Thơ mới mà ông còn góp phần quan trọng trong việc kế thừa & đổi mới thơ ca văn học nước nhà.
Không chỉ rất tài năng trong việc sáng tác thơ, Thế Lữ còn là một nhà văn, nhà hoạt động sân khấu nổi bật của Việt Nam. Ông đã sáng tác rất nhiều truyện, bao gồm truyện ngắn, truyện trinh thám, truyện kinh dị,… và làm dịch giả cho nhiều vở kịch nước ngoài.
Thế Lữ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Những tác phẩm nổi tiếng của Thế Lữ có thể kể đến:
– Thể loại Thơ: “Mấy vần thơ” (năm 1935), Mấy vần thơ, tập mới (bổ sung năm 1941), tổng số thơ ra mắt khoảng 50 bài, đa số được ra mắt trước năm 1945.
– Thể loại Truyện: “Vàng và máu” (năm 1934), “Bên đường Thiên lôi” (năm 1936), “Lê Phong phóng viên” và “Mai Hương và Lê Phong” (năm 1937), Gói thuốc lá (truyện, 1940), “Gió trăng ngàn” (năm 1941), Thoa (năm 1942), “Truyện tình của anh Mai” và “Tay đại bợm (năm 1953), …
– Thể loại Kịch: “Cụ Đạo sư ông” (năm 1946), “Đoàn biệt động” (năm 1947), “Đợi chờ” (năm 1949); “Tin chiến thắng Nghĩa Lộ” (năm 1952);
Ông cũng là dịch giả của một số tác phẩm kịch nước ngoài Sếch-xpia, Gơ-tơ, Sin-le và Pô-gô-đin,…
2. Tác phẩm
2.1. Xuất xứ của tác phẩm
Bài thơ “Nhớ rừng” được sáng tác năm 1934, là tác phẩm nổi bật nhất gắn liền với tên tuổi của Thế Lữ, được đánh giá là tác phẩm góp phần mở đường chiến thắng cho phong trào Thơ mới lên ngôi. Bài thơ là nỗi lòng, hoài niệm về thời oai hùng và sự khao khát tự do cháy bỏng của một con hổ bị nhốt tại vườn bách thú.
2.2. Bố cục
Gồm 3 phần:
Phần 1: Khổ thơ 1, từ đầu đến “Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”: Khổ đầu nói về cảnh con hổ bị giam cần với tâm trạng đầy uất hận căm hờn khi nằm trong cũi sắt.
Phần 2. Khổ 2 và khổ 3, tiếp theo đến “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”: Nói lên nỗi nhớ da diết của con hổ về cảnh núi rừng mình từng là chúa tể.
Phần 3. Khổ 4, tiếp theo đến “Của chồn ngàn năm cao cả, âm u”: Sự nuối tiếc của con hổ về thời oanh liệt trong quá khứ.
Phần 4. Phần còn lại: Niềm đau đớn, xót xa của con hổ trong tình cảnh hiện tại, cùng với giấc mộng về rừng thẳm.
3. Thể thơ bài Nhớ rừng
Bài thơ “Nhớ rừng” được viết theo thể thơ tám chữ.
II. Soạn bài Nhớ rừng: Phần đọc hiểu
Câu 1 (Sách giáo khoa ngữ văn 8 tập 2 – trang 7):
Đề bài: Bài thơ được tác giả ngắt thành 5 đoạn, hãy cho biết nội dung cơ bản của mỗi đoạn thơ.
Hướng dẫn giải:
Nội dung cơ bản của 5 đoạn thơ “Nhớ rừng” như sau:
– Đoạn 1: Khổ 1 từ đầu cho đến “Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”: Nói lên nỗi lòng uất hận, căm hờn, ngao ngán của con hổ vì bị giam cầm trong cũi sắt.
– Đoạn 2: Khổ 2, từ “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ” đến “Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi”: Bộc bạch nỗi nhớ núi rừng dat dứt của con hổ trước khi bị con người bắt.
– Đoạn 3: Khổ 3, từ “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối” cho đến “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”: Lột tả một thời tự do oai hùng của con hổ mà nay chỉ còn là nỗi nhớ tiếc thương về một thời xưng vương.
– Đoạn 4: Khổ 4, từ “Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu” đến “Của chốn ngàn năm cao cả, âm u”: Sự căm ghét của con hổ với khu vườn nhỏ hẹp, giả dối, thấp kém của con người dựng nên.
– Đoạn 5: Khổ còn lại, từ “Hỡi oai linh của nước non hùng vĩ”: nói lên niềm khao khát cháy bỏng của con hổ được trở lại chốn rừng xưa vùng vẫy và tự do.
Câu 2 (Sách giáo khoa ngữ văn 8 tập 2 – trang 7)
Đề bài: Trong bài thơ có hai cảnh được tác giả Thế Lữ miêu tả rất ấn tượng, đó là cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt (khổ 1 và khổ 4) và cảnh núi rừng hùng vĩ bạt ngàn, nơi con hổ ngự trị những “ngày xưa” (khổ 2 và khổ 3).
a) Hãy phân tích từng cảnh tượng.
b) Nhận xét và phân tích của em về việc tác giả đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu các câu thơ trong khổ 2 và khổ 3 để làm rõ cái hay của hai khổ thơ này.
c) Tâm sự của con hổ trong vườn bách thú đã được thể hiện như thế nào qua sự đối lập sâu sắc giữa hai cảnh tượng trên? Theo em tâm sự ấy có liên hệ gần gũi gì với tâm sự của người dân Việt Nam đương thời?
Hướng dẫn giải
a) Phân tích chi tiết từng cảnh tượng đặc sắc:
* Hình ảnh con hổ bị giam cầm trong khổ 1 và khổ 4
Ngay từ câu thơ đầu tiên, con hổ đã cho người đọc cảm nhận được ngay “khối căm hờn”, “nỗi uất hận ngàn thâu” của mình khi bị bắt nhốt trong một cái nhà tù giam cầm bằng sắt.
– Con hổ đáng thương sa cơ phải chịu ngang bầy với “bọn gấu dở hơi”, “cặp báo” vô tư lự ở chuồng bên, còn “lũ người” nhỏ bé thì ngạo mạn giễu cợt nhìn con hổ oai lình bị nhốt trong cũi sắt.
– Những cảnh vật xung quanh được con người “sửa sang” thì nhàm chán, tầm thường, giả dối đến mức chướng tai gai mắt, khác hẳn với quang cảnh núi non đại ngàn hùng vĩ ngoài kia.
Rõ ràng con hổ không chỉ uất hận vì bị con người bắt nhốt, giam cầm, mà còn bộc lộ rõ ràng sự bất mãn, cao ngạo, khinh thường của mình với toàn bộ cảnh vật xung quanh.
* Hình ảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ ngự trị những “ngày xưa” trong khổ 2 và khổ 3
Trái ngược với sự tầm thường, giả dối của quang cảnh xung quanh trong khổ 1 và 4, khổ 2 và 3 lại là một bức tranh đại ngàn hoang sơ hùng vĩ nhưng cũng đầy nguy hiểm, nơi “chúa sơn lâm” từng ngự trị.
Ở nơi đó có biết bao cảnh vật oai linh, cao quý, những khung cảnh mà với con hổ không nơi đâu có thể sánh bằng:
– Là “bóng cả, cây già”, “giọng nguồn hét núi”, “tiếng gió gào ngàn”, “lá gai”, “cỏ sắc”, “thảo hoa”…
– Là “những đêm vàng bên bờ suối”, con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan”, hay “lặng ngắm giang sơn” thay đổi khi “mưa chuyển bốn phương ngàn”, nơi nó được thỏa sức “thét khúc trường ca kinh hoàng ”, nơi nó thực sự là “chúa tể muôn loài”.
– Là những tháng ngày có “bình minh cây xanh nắng gội”, “tiếng chim ca” rộn ràng cho giấc ngủ yên bình.
– Là hình ảnh kiêu hùng, oai vệ của con hổ trong “những chiều lênh láng máu sau rừng”.
b) Nhận xét và phân tích việc tác giả khai thác & sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu các câu thơ trong đoạn 2 và đoạn 3:
Tác giả Thế Lữ đã sử dụng một loạt các hình ảnh, từ ngữ và giọng điệu rất đặc biệt trong khổ 2 và 3. Cụ thể trong khổ 2:
– Tác giả miêu tả sự hùng vĩ của núi rừng với những từ ngữ gợi tả sự hoành tráng, rộng lớn bạt ngàn như: “bóng cả”, “cây già”, “cảnh sơn lâm”, “giọng nguồn hét núi”, “tiếng gió gào ngàn”.
– Trong khi con hổ nhân vật chính lại được tác giả miêu tả với hình ảnh khoan thai, chậm rãi nhưng mạnh mẽ, như sóng cuộn nhịp nhàng. Một điểm đặc biệt khác đó là cách tác giả miêu tả sức mạnh tuyệt đối của con hổ với khu rừng, không phải bằng tiếng hổ gầm vang, mà là bằng ánh mắt sắc bén dữ dội, một ánh mắt quắc khiến cả khu rừng phải im hơi.
Sang khổ thơ thứ 3, Thế Lữ đã dùng hàng loạt những điệp ngữ “Nào đâu những”, “đâu những”, “đâu những”,… cùng những hình ảnh đêm, trăng, mưa, nắng, bình minh, chiều tối đầy lộng lẫy, dữ dội nhằm lột tả những cung bậc tiếc nuối, hoài niệm của chúa sơn lâm với những ngày tháng cũ. Và mỗi lần kết thúc một điệp khúc là một câu hỏi.
Đến câu hỏi cuối cùng “Thời oanh liệt nay còn đâu?”, đây vừa là một câu hỏi không có lời giải đáp, vừa là lời than thở tiếc nuối quá khứ tự do tự tại khi mọi thứ giờ đây chỉ còn sống trong hồi tưởng của con hổ.
c) Sự đối lập tương phản của hai cảnh tượng trên đã nói lên hết tâm sự và nỗi khốn cùng khi bị giam cầm của con hổ ở vườn bách thú
Thông qua việc sử dụng hai hình ảnh đối lập gay gắt giữa một nơi cầm tù là vườn bách thú, một nơi là đại ngàn hùng vĩ, hoành tráng, bí hiểm, tác giả Thế Lữ đã thay lời con hổ nói lên sự chán ghét, khinh thường, căm thù tận cùng cảnh chôn chân trong cũi sắt tầm thường, tù túng. Đồng thời luôn khao khát, hoài niệm về một thời oai hùng thống trị của mình khi còn tự do.
Nhìn rộng ra hơn, tâm trạng của con hổ cũng có liên hệ gần gũi với tâm trạng của người dân Việt Nam đương thời. Họ cảm thấy “nhục nhằn tù hãm”, tiếc thương thời oanh liệt của thế hệ đi trước đã chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cũng chính bởi sự gần gũi đó, bài thơ “Nhớ rừng” đã rất được nhiều người đón nhận.
Câu 3 Sách giáo khoa ngữ văn 8 tập 2 – trang 7
Đề bài: Căn cứ vào nội dung bài thơ, em hãy giải thích vì sao tác giả Thế Lữ lại mượn “lời con hổ ở vườn bách thú”. Theo em việc mượn lời đó có tác dụng thế nào trong việc thể hiện cảm xúc của nhà thơ?
Hướng dẫn giải
Có thể khẳng định tác giả Thế Lữ đã rất tinh ý khi mượn lời con hổ bị “giam cầm” ở vườn bách thú. Không chỉ thay lời con hổ thể hiện hết thái độ chán ghét, khinh thường thực tại phũ phàng, bí bách, cầm tù, đầy sự tầm thường và giả dối, vừa thể hiện được khát vọng khao khát tự do, khao khát được trở nên phi thường, đạt được cảnh giới cao cả.
Bản thân sự việc con hổ bị giam cầm trong cũi sắt trong vườn bách thú cũng đã một biểu tượng của sự mất tự do, bị trói buộc, sự sa cơ trước thực tại khốc liệt, cũng là biểu trưng cho việc không bao giờ thỏa hiệp với thực tại. Rõ ràng Thế Lữ đã rất khéo léo mượn lời con hổ để bộc bạch hết lý tưởng của mình cũng nỗi lòng thầm kín của người dân Việt Nam bị áp bức đương thời.
Có một điều nữa mà được chú ý, đó là khi tác giả mượn lời con hổ, ông sẽ dễ dàng tránh được sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thực dân khi đó. Và dù có là nỗi lòng của con hổ hay nỗi lòng của ai, bài thơ “Nhớ rừng” vẫn thật sự được đón nhận nhiệt thành, và vẫn rất thành công trong việc khơi gợi lòng yêu nước, khao khát tự do thầm kín của những người Việt Nam đương thời.
Câu 4 (Sách giáo khoa ngữ văn 8 tập 2 – trang 7):
Đề bài: Nhà phê bình văn học Hoài Thanh có nhận xét về thơ Thế Lữ: “Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” (Thi nhân Việt Nam, Sđd). Em hiểu như thế nào về ý kiến đó? Qua bài thơ, hãy chứng minh.
Hướng dẫn giải
Nhà phê bình Hoài Thanh đã khen ngợi tài sử dụng ngôn từ vô cùng điêu luyện và cao tay của Thế Lữ, ví tài sử dụng ngôn từ của ông đã đạt đến độ chính xác cao như một viên tướng thực thục.
Chỉ riêng việc miêu tả âm thanh của đại ngàn hùng vĩ, Thế Lữ đã khiến tất cả người đọc cảm nhận được “tiếng gió gào ngàn”, “giọng nguồn hét núi”, “tiếng thét khúc trường ca dữ dội”… vừa rộng lớn vừa bí hiểm.
Ông rất khéo léo khi khai thác triệt để điệp từ “Nào đâu, đâu những…” để miêu tả sự nuối tiếc quá khứ oanh liệt một thời. Chưa kể sự kết hợp nhịp nhàng, cân đối giữa các từ gợi hình, gợi cảm trong tác phẩm cũng là xuất sắc để tạc nên hình ảnh một chúa sơn lâm hiên ngang, chậm rãi, uyển chuyển, và nguy hiểm trong cánh rừng của mình qua bước chân “dõng dạc”, “đường hoàng”, mang một tấm thân lượn như “sóng cuộn nhịp nhàng”.
Hay như khi tả cảnh con người bắt chước, học đòi thiên nhiên trong vườn bách thú, tác giả đã miêu tả một loạt hình ảnh đầy sự kém cỏi, tầm thường của con người trong tâm trí con hổ. Sự ngắt nhịp giống nhau trong câu thơ: “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” là một phép sử dụng từ đầy ẩn ý, như để mô phỏng sự tầm thường, đơn điệu của cảnh vật mà con người đã tạo nên.
Dù được ra đời trong hoàn cảnh đất nước chịu cảnh lầm than, nơi áp bức đô hộ giày xéo mỗi ngày, bản thân Thế Lữ cũng không tránh khỏi phận một người dân nô lệ, song tinh thần và sức sống của bài thơ “Nhớ rừng” đã miêu tả chính xác những sức mạnh và tinh thần anh hùng bất khuất, tiềm tàng sức mạnh nội tại mạnh mẽ của một dân tộc không bao giờ khuất phục áp bức, luôn khao khát sẵn sàng chiến đấu vì hòa bình tự do.
Trên đây là phần soạn bài chi tiết Nhớ rừng của tác giả Thế Lữ bài viết nằm trong bộ kiến thức soạn văn 8 dành cho các em học sinh. Hi vọng với phần trình bày trên Hocmai đã giúp các em có được định hướng và hiểu sâu sắc hơn tác phẩm hấp dẫn này. Chúc các em ôn luyện hiệu quả!