Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều

0
226

Dưới đây là nội dung kiến thức trọng tâm quan trọng được HOCMAI tổng hợp, hệ thống lại kiến thưc cần nhớ  của môn ngữ văn lớp 6 bộ sách Cánh Diều trong suốt nửa đầu học kỳ I. Việc hệ thống lại kiến thức trọng tâm sẽ giúp các em tránh được sự bỡ ngỡ khi từ lớp 5 lên lớp 6 và nắm chắc được kiến thức. Dưới đây là tổng hợp kiến thưc trọng tâm của bài 1

Bài 1: Truyện

I. Hệ thống kiến thức cần nhớ

1. Văn bản

Tác phẩm Nội dung Nghệ thuật
Thánh Gióng Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm. – Xây dựng người anh hùng cứu nước trong truyện mang màu sắc thần kì với những chi tiết nghệ thuật kì ảo.

– Cách thức xâu chuỗi những sự kiện lịch sử trong quá khứ với những hình ảnh thiên nhiên đất nước sáng tạo, mới lạ.

Thạch Sanh Thông qua câu chuyện về chàng dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa, chống quân xâm lược, nhân dân ta đã gửi gắm mơ ước về một xã hội lí tưởng của sự công bằng, về niềm tin đạo đức ở những phẩm chất tốt đẹp của con người cùng lí tưởng nhân đạo, lòng yêu hòa bình của nhân dân ta. – Sử dụng chi tiết tưởng tượng thần kì, xây dựng hai nhân vật tương phản, đối lập.

– Truyện có một bố cục tương đối hoàn chỉnh: có sự ra đời, lớn lên và hình thành tài năng của nhân vật đại diện cho công lí và chính nghĩa; có những chặng đường phiêu lưu để thử thách và rèn luyện tài năng và phẩm chất của nhân vật, có kết thúc có hậu. 

– Truyện Thạch Sanh mang hình thức kết cấu phổ biến của truyện cổ tích kết cấu song tuyến. 

Sự tích Hồ Gươm Bằng những chi tiết tưởng tượng kì ảo, giàu ý nghĩa, truyện ca ngợi tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc. – Kết cấu chặt chẽ, các chi tiết nghệ thuật thực – ảo đan xen hợp lí khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, tô đậm hình ảnh người anh hùng Lê Lợi – linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Các chi tiết tưởng tượng kì ảo nhiều ý nghĩa.

– Nhiều chi tiết nghệ thuật tiêu biểu cho truyện dân gian.

 

>>>>NHẬN NGAY LỘ TRÌNH HỌC TẬP ĐỂ CHUYỂN CẤP KHÔNG CÒN LÀ NỖI LO TẠI HOCMAI<<<<<

1.1 Thể loại 

– Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương theo quan niệm của nhân dân.

– Truyện cổ tích là loại truyện dân gian, thường yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật như: nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh, nhân vật bất hạnh, nhân vật ngốc nghếch, người mang lốt vật,… nhằm thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu,…

 

1.2 Chi tiết, cốt truyện, nhân vật

– Chi tiết là những sự việc nhỏ trong văn bản, tạo nên sự sinh động của tác phẩm, ví dụ: chi tiết cậu bé lên ba mà vẫn không biết nói, biết cười trong truyện “Thánh Gióng”.

– Cốt truyện là một hệ thống sự kiện được sắp xếp theo một ý đồ nhất định nhằm thể hiện nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, ví dụ cốt truyện “Thánh Gióng” gồm các sự kiện chính: Gióng sinh ra kì lạ; đòi đi đánh giặc; đánh tan giặc; bay về trời.

– Nhân vật là người, con vật, đồ vật,… được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học. Đặc điểm của nhân vật thường được bộc lộ qua hình dáng, cử chỉ, hoạt động, lời nói, ý nghĩ,…

2. Tiếng Việt

2.1. Từ đơn 

– Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.

– Ví dụ: ông, bà, nói, cười, đi, mừng,…

2.2. Từ phức

– Từ phức là từ có hai hay nhiều tiếng.

– Ví dụ: cha mẹ, hiền lành, hợp tác xã, sạch sẽ, sạch sành sanh,…

2.3. Từ ghép

– Từ ghép là từ phức do hai hay nhiều tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa tạo thành.

– Ví dụ: cha mẹ, hiền lành, khôn lớn, làm ăn,…; đỏ hoe, xanh um, chịu khó, phá tan,…

2.4. Từ láy 

– Từ láy là từ phức do hai hay nhiều tiếng có âm đầu hoặc vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau tạo thành.

– Ví dụ: chăm chỉ, thật thà, lim dim, lủi thủi, từ từ,… 

– Trừ trường hợp lặp lại nguyên vẹn một tiếng có nghĩa như xanh xanh, ngời ngời,… trong các tiếng tạo thành từ láy, chỉ một tiếng có nghĩa hoặc tất cả các tiếng đều không có nghĩa. Đây là điểm phân biệt từ láy với những từ ghép ngẫu nhiên có sự trùng lặp về ngữ âm giữa các tiếng tạo thành như: hoa hồng, học hành, lí lẽ, gom góp,…

3. Tập làm văn

Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích:

3.1 Yêu cầu đối với kiểu bài

– Người kể sử dụng ngôi thứ ba.

– Các sự việc được trình bày theo trình tự thời gian.

– Đảm bảo kể được đầy đủ các sự việc quan trọng trong truyện, đặc biệt là các yếu tố kì ảo, hoang đường.

3.2 Hướng dẫn quy trình viết

* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết: 

– Xác định đề tài: Em cần đọc kĩ đề bài để xác định:

+ Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?

+ Kiểu bài mà đề yêu cầu là gì?

– Thu thập tư liệu: Em hãy tìm đọc truyện truyền thuyết hoặc cổ tích. Trong những truyện đó, truyện nào gây cho em ấn tượng sâu sắc nhất, có nhân vật đáng nhớ nhất, có cốt truyện thú vị nhất,…?

* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

– Tìm ý: Em hãy đọc kĩ truyện đã chọn và trả lời những câu hỏi dưới đây:

+ Truyện có tên là gì? Vì sao em chọn kể lại truyện này?

+ Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện như thế nào?

+ Truyện có những nhân vật nào?

+ Truyện gồm những sự việc nào? Các sự việc xảy ra theo trình tự nào?

+ Truyện kết thúc như thế nào?

+ Cảm nghĩ của em về truyện?

Dàn ý: Bài văn có ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu truyện sẽ kể lại (tên truyện, lí do chọn kể,…).

+ Thân bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trình bày những sự việc đã xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian.

+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể.

* Bước 3: Viết bài: Dựa vào dàn ý trên, viết thành một bài văn kể chuyện hoàn chỉnh. Khi viết cần đảm bảo thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.

* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

– Đọc kĩ toàn bài và khoanh tròn những lỗi chính tả, lỗi sử dụng từ ngữ (nếu có). Sau đó, sửa lại các lỗi đó.

– Gạch chân những câu sai ngữ pháp bằng cách phân tích cấu trúc ngữ pháp và sửa lại cho đúng (nếu có).

– Em hãy trình bày bài viết cho các bạn trong nhóm nghe và nhờ bạn góp ý để bài viết hoàn chỉnh hơn.

– Tiếp theo, hãy đọc bài viết của các bạn khác và giúp bạn hoàn chỉnh văn bản theo cách mà em đã làm với bài viết của mình. 

– Rút kinh nghiệm: Nếu được viết lại bài này, em sẽ điều chỉnh như thế nào để bài viết tốt hơn?

II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK

1. Đọc hiểu văn bản

1.1 Bài học: Thánh Gióng

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 18)

– Một số sự kiện chính của truyện “Thánh Gióng”:

+Gióng được mẹ sinh ra một cách kì lạ; đến ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu nằm đấy. 

+ Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói đòi đi đánh giặc.

+ Gióng lớn nhanh như thổi nhờ sự giúp sức của dân làng.

+ Giặc Ân đến chân núi Trâu, Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng, một mình một ngựa lên đường đánh giặc.

+ Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường, đánh cho giặc tan tác muôn phương. 

+ Sau khi thắng trận, Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, cả người cả ngựa từ từ bay về trời.

+ Vua nhớ công ơn phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ở quê nhà. Hàng năm, nhân dân lại mở hội làng để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 18)

– Trong truyện, Thánh Gióng hiện lên với những phẩm chất cao đẹp:

+ Đó là một người yêu nước mãnh liệt, có tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân.

+ Đó là một vị anh hùng dân tộc rất dũng cảm – một mình một ngựa đi đánh giặc, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân; rất mưu trí – nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh tan quân giặc khi roi sắt gãy.

+ Một người anh hùng không màng danh lợi, bổng lộc. Sau khi đánh giặc xong, Thánh Gióng một mình một ngựa bay về trời, sống mãi cùng với non sông, đất nước.

– Tên truyện “Thánh Gióng” thể hiện thái độ tôn kính, ngưỡng mộ của người kể chuyện đối với nhân vật Gióng. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 18)

Các chi tiết cho thấy truyện có liên quan đến lịch sử:

– Câu chuyện gắn liền với một thời đại có thật trong lịch sử dân tộc – thời đại Hùng Vương. Đây là thời đại mà giặc ngoại xâm luôn lăm le bờ cõi nước ta. Trong cuộc chiến ấy đã có những người anh hùng phi thường đứng lên đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Những người anh hùng ấy được gửi gắm vào hình tượng nhân vật chính của truyện – nhân vật Thánh Gióng.

– Người Việt lúc bấy giờ đã chế tạo ra vũ khí bằng sắt: ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt.

– Những dấu tích Thánh Gióng để lại như “tre ngà”, “làng Cháy”, “những ao hồ liên tiếp” là đặc điểm tự nhiên, dân cư có thật ở Bắc Bộ. 

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 18)

Những chi tiết hoang đường, kì ảo 

trong truyện 

Tác dụng 
– Người mẹ ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử, không ngờ về nhà bà thụ thai, 12 tháng sau sinh ra Thánh Gióng. 

– Ba tuổi Thánh Gióng vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy. 

– Chứng tỏ Thánh Gióng có nguồn gốc siêu phàm.

– Báo hiệu trước những khả năng phi thường của nhân vật.

– Tiếng nói đầu tiên của Thánh Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc cứu nước:“Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.  – Thể hiện tình yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam.

– Khi đất nước hòa bình, người dân thầm lặng lao động; khi đất nước có chiến tranh, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

– Gióng lớn nhanh như thổi (cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ), vươn vai một cái bỗng biến thành tráng sĩ.  – Thể hiện quan niệm của nhân dân về người anh hùng: khổng lồ về thể xác, mang sức mạnh phi thường.

– Thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của đất nước trước nạn ngoại xâm. 

Một mình một ngựa Thánh Gióng phi thẳng đến nơi có giặc, giết hết lớp này đến lớp khác. Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường, đánh cho giặc tan tác muôn phương.  – Thánh Gióng có lòng dũng cảm, có sức mạnh phi thường. 

– Thánh Gióng là một người mưu trí.

Sau khi thắng trận, Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, cả người cả ngựa từ từ bay về trời. – Thánh Gióng đánh giặc không phải để “kiếm tước phong hầu”, Gióng đánh giặc xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước. 

– Tô đậm, ca ngợi người anh hùng dân tộc không màng danh lợi, bổng lộc.

– Đây là cách nhân dân bất tử hóa người anh hùng đánh giặc cứu nước. 

 

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 18)

– Truyện đã phản ánh hiện thực lịch sử: Vào thời Hùng Vương, giặc ngoại xâm luôn đe dọa bờ cõi nước ta. Nhân dân đã đoàn kết cùng nhau đánh tan quân giặc, bảo vệ bờ cõi. 

– Truyện cũng thể hiện ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm. 

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 18)

– Tên gọi Hội khỏe Phù Đổng của đại hội thể dục thể thao dành cho học sinh dành cho phổ thông Việt Nam xuất phát từ truyền thuyết Thánh Gióng. 

+ Sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa bay về trời; tưởng nhớ công ơn của người anh hùng đánh giặc cứu nước, vua phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương (vị thiên vương ở làng Phù Đổng).

+ Tên gọi thể hiện mong muốn thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ lấy Thánh Gióng là một tấm gương để học tập và noi theo: có sức khỏe, có lòng yêu nước để bảo vệ Tổ quốc.

1.2 Bài học: Thạch Sanh

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 23)

– Nhân vật Thạch Sanh có những đặc điểm của nhân vật bất hạnh (mồ côi cha mẹ, sống lủi thủi một mình trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại, phải đốn củi nuôi thân) và mang cả đặc điểm của nhân vật dũng sĩ (có sức mạnh hơn người, có tấm lòng hào hiệp, trượng nghĩa, lập được nhiều chiến công lẫy lừng). 

– Xét theo nội dung của truyện (ngợi ca vẻ đẹp, phẩm chất và sức mạnh của Thạch Sanh) và những mô-tip quen thuộc trong truyện (diệt đại bàng, diệt chằn tinh), quan điểm xét Thạch Sanh vào kiểu nhân vật dũng sĩ là thuyết phục, hợp lí hơn.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 23)

– Các sự kiện chính trong truyện “Thạch Sanh”:

+ Sự ra đời và lớn lên kì lạ của Thạch Sanh.

+ Lý Thông và Thạch Sanh kết nghĩa anh em.

+ Thạch Sanh đi canh miếu giúp Lý Thông và giết được chằn tinh.

+ Thạch Sanh giết đại bàng, cứu công chúa, bị Lý Thông lấp cửa hang.

+ Thạch Sanh cứu Thái tử con vua Thủy tề, xuống dưới thủy cung, được vua Thủy tề tặng cây đàn thần.

+ Hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ cho Thạch Sanh khiến chàng bị nhốt vào ngục.

+ Thạch Sanh đánh đàn, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh. Nhờ đó, Thạch Sanh được giải oan, Lý Thông bị vạch trần tội ác.

+ Thạch Sanh tha bổng cho mẹ con Lý Thông, nhưng trên đường về nhà, mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, hóa kiếp thành bọ hung.

+ Thạch Sanh được vua gả công chúa. Các nước chư hầu tức giận đem quân sang đánh. Thạch Sanh lại dùng cây đàn thần, niêu cơm thần khiến quân địch quy hàng, rút về nước. 

– Học sinh lựa chọn sự kiện mà mình thích, có lý giải hợp lí, tham khảo: Em thích sự kiện “Thạch Sanh đánh đàn, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh. Nhờ đó, Thạch Sanh được giải oan, Lý Thông bị vạch trần tội ác.” bởi nhờ có sự kiện đó mà mẹ con Lý Thông mới bị trừng trị thích đáng, Thạch Sanh mới được minh oan, sống một cuộc sống hạnh phúc. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 23)

Tính cách của Thạch Sanh  Dẫn chứng 
Thật thà, chất phác – Khi nghe Lý Thông nói vì dở cất mẻ rượu, không thể đi canh miếu, Thạch Sanh thật thà nhận lời đi ngay. 

– Khi Lý Thông lừa Thạch Sanh con trăn là của nhà vua nuôi, giết nó tất không thoát khỏi tội chết, Thạch Sanh lại thật thà tin ngay. 

Dũng cảm, tài năng – Khi chằn tinh hóa phép, thoắt biến thoắt hiện, chàng không hề nao núng, dùng nhiều võ thuật, chỉ một lúc đã xé xác nó làm hai. 

– Thạch Sanh đánh bại đại bàng, cứu được công chúa và con vua Thủy tề.

– Dùng cây đàn thần, niêu cơm thần, chàng đã đánh lui được binh sĩ 18 nước chư hầu. 

Tốt bụng, sẵn sàng vì người khác – Nhận lời giúp Lý Thông đi canh miếu. 

– Thạch Sanh xin xuống hang cứu công chúa.

Nhân hậu, bao dung Mặc dù mẹ con Lý Thông đã lừa dối, thậm chí hãm hại Thạch Sanh, song chàng vẫn tha tội chết, cho mẹ con Lý Thông trở về quê. 

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 23)

Những chi tiết hoang đường, kì ảo trong truyện  Tác dụng trong việc khắc họa 

nhân vật Thạch Sanh

– Thạch Sanh vốn là thái tử, con của Ngọc Hoàng.

– Người mẹ mang thai, mấy năm không sinh nở, mãi về sau mới sinh được Thạch Sanh.

– Năm Thạch Sanh biết dùng búa, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy đủ các loại võ nghệ và mọi phép thần thông.

– Tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ của nhân vật lí tưởng.

– Báo hiệu nhân vật sẽ lập được nhiều chiến công khác thường, kì lạ. 

– Thạch Sanh giết được chằn tinh.

– Thạch Sanh tiêu diệt được đại bàng, cứu công chúa. 

– Tô đậm tài năng, sự dũng cảm của Thạch Sanh.

– Cho thấy Thạch Sanh là một người tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người gặp hoạn nạn. 

Thạch Sanh cứu giúp con vua Thủy tề, được mời xuống thủy cung, vua biếu nhiều vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin một cây đàn. Thạch Sanh là một người anh hùng không màng danh lợi.
Thạch Sanh dùng tiếng đàn và niêu cơm thần dẹp loạn 18 nước chư hầu. Thạch Sanh là một người yêu chuộng hòa bình. 

 

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 23)

Các chi tiết kết thúc truyện: “Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa ở đâu có lễ cưới tưng bừng như thế.” và “Về sau, vua không có con trai, đã nhường ngôi cho Thạch Sanh.” cho thấy nhân dân muốn thể hiện ước mơ về đạo đức và công lí xã hội. Những người tốt như Thạch Sanh ở hiền sẽ gặp lành, có kết cục tốt đẹp, sống hạnh phúc. Đồng thời, nhân dân còn gửi gắm ước mơ những giá trị tốt đẹp của con người được khẳng định và tôn vinh một cách xứng đáng. 

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 24)

Đoạn thơ “Đàn kêu: Ai chém chằn tinh … Biết ăn quả lại quên ân người trồng?” nhấn mạnh thêm ý nghĩa phê phán những người gian dối, bất lương, vong ân bội nghĩa như Lý Thông. 

2. Thực hành tiếng Việt

2.1 Bài học: Từ đơn, từ phức

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 24)

Câu  Từ đơn  Từ ghép  Từ láy 
a. vừa, về, tâu, vua. sứ giả, kinh ngạc, mừng rỡ. vội vàng.
b. từ, ngày, bị. công chúa, mất tích, nhà vua, vô cùng.  đau đớn.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 24)

Ghép các yếu tố có nghĩa gần nhau hoặc giống nhau Ghép các yếu tố có nghĩa 

trái ngược nhau

làng xóm, tìm kiếm, bờ cõi, tài giỏi, hiền lành, non yếu, trốn tránh, giẫm đạp. ngày đêm, trước sau, trên dưới, đầu đuôi, được thua, phải trái.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 24)

a. Chỉ chất liệu để làm món ăn  b. Chỉ cách chế biến món ăn  c. Chỉ tính chất của món ăn d. Chỉ hình dáng của món ăn
bánh tẻ, bánh khoai, bánh khúc, bánh đậu xanh, bánh cốm, bánh tôm. bánh nướng. bánh xốp. bánh tai voi, bánh bèo. 

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 24)

a. Gợi tả trạng thái, dáng vẻ của sự vật b. Gợi tả âm thanh 
lủi thủi, rười rượi, rón rén. véo von.

 

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 24)

HS dựa vào câu mở đầu của các truyền thuyết và cổ tích đã học, tự viết câu văn giới thiệu nhân vật mà mình muốn kể, tham khảo gợi ý sau: “Ngày xưa, vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức, mãi về sau mới sinh được một người con trai song lên 3 tuổi cậu bé vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy”.

3. Thực hành đọc hiểu

Bài học: Sự tích Hồ Gươm

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 28)

Những sự việc chính trong truyện “Sự tích Hồ Gươm”:

– Nghĩa quân Lam Sơn buổi đầu chống giặc còn non yếu nên đức Long Quân đã cho  mượn gươm thần.

– Một hôm, Lê Thận kéo lưới đánh cá thu được lưỡi gươm dưới nước.

– Lê Lợi đến nhà Lê Thận, thấy lưỡi gươm phát sáng, cầm lên xem và thấy hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi gươm.

– Trong một lần bị giặc đuổi, lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi có được chuôi gươm nạm ngọc, tra gươm vào chuôi thì vừa như in. 

– Nhờ gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng đấy, cho đến lúc không còn một tên giặc nào trên đất nước.

– Đất nước thanh bình, Lê Lợi lên ngôi vua. Trong một lần vua dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Đức Long Quân cho Rùa Vàng lên đòi lại gươm. 

– Từ đó, hồ Tả Vọng mang tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 28)

– Trong truyện, nhân vật nổi bật là nhân vật Lê Lợi.

– Đặc điểm của nhân vật Lê Lợi: 

+ Một người yêu nước, thương dân: Vì căm thù giặc nên Lê Lợi đã đứng lên tập hợp nghĩa quân khởi nghĩa.

+ Một vị minh chủ, được thần linh giúp đỡ: Ngay cả khi lực lượng còn yếu, Lê Lợi vẫn không nản lòng. Trải qua những khó khăn, cuối cùng, Lê Lợi cũng lãnh đạo nhân dân đánh đuổi được giặc Minh ra khởi bờ cõi. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 28)

– Những chi tiết liên quan đến lịch sử: 

+ Giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước ta, chúng coi dân ta như cỏ rác. 

+ Lê Lợi đã lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. 

+ Truyện gắn liền với địa danh lịch sử – Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm).

– Những chi tiết hoang đường, kì ảo:

+ Khi nghĩa quân Lam Sơn còn yếu, đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để giết giặc. 

+ Nhờ có gươm thần mà nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Gươm thần mở đường cho nghĩa quân đánh đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.

+ Lạc Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi gươm khi vua Lê Lợi đang cưỡi thuyền rồng đi dạo ở hồ Tả Vọng.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 28)

– Truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo đầu thế kỉ XV.

– Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc.

4. Viết

Bài học: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

Bài tập: Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng.

4.1 Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu hoặc nêu lí do kể lại truyền thuyết “Thánh Gióng”.

– Thân bài: Dựa vào các sự kiện chính trong truyện “Thánh Gióng” đã học, hãy kể bằng lời văn của em. Ví dụ, kể theo trình tự sau:

+ Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng.

+ Gióng xin đánh giặc và lớn nhanh như thổi.

+ Gióng ra trận đánh giặc.

+ Giặc tan, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời.

+ Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng.

+ Gióng còn để lại nhiều dấu tích.

– Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện hoặc nhân vật chính trong truyện “Thánh Gióng”

4.2 Viết

Sự việc chính  Lời văn của em 
Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng  Câu chuyện ấy xảy ra từ đời Hùng Vương thứ sáu. Ở làng Gióng có hai ông bà nổi tiếng là sống phúc đức. Hai ông bà rất mong có một đứa con. Thế rồi, một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ về nhà bà mang thai. 

Điều kì lạ là mãi 12 tháng sau bà mới sinh ra được một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Nhưng kì lạ hơn nữa là đứa trẻ đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy. 

Gióng xin đi đánh giặc và lớn nhanh như thổi  Lúc bấy giờ, giặc Ân sang xâm phạm bờ cõi nước ta. Chúng coi mạng người như cỏ rác, nhân dân khổ trăm bề. Nhà vua vô cùng lo lắng, bèn sai sứ giả đi tìm người tài cứu nước. Hôm ấy, sứ giả cưỡi ngựa đến làng Gióng. Vừa nghe thấy tiếng rao của sứ giả, đứa bé bỗng cất tiếng nói đầu tiên trong sự ngỡ ngàng, sung sướng của người mẹ:“Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Nhờ được nghe những câu chuyện kì lạ về Gióng từ người dân, sứ giả liền đi theo người mẹ. Khi sứ giả vừa vào nhà, đứa bé liền bảo:“Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan giặc này”. Sứ giả mừng rỡ, tức tốc về kinh tâu vua. Vua nghe xong, cho truyền những người thợ giỏi nhất trong cả nước ngày đêm làm gấp những đồ chú bé dặn.

Kể từ sau khi gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, đành cậy nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ. Dân làng ai nấy đều vui lòng góp gạo nuôi chú bé với niềm tin chú bé sẽ giết giặc, cứu nước. 

Gióng ra trận đánh giặc  Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa đúng lúc, sứ giả theo lệnh nhà vua đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng. Trông rất oai phong, lẫm liệt. Thế rồi tráng sĩ một mình một ngựa lao thẳng đến nơi có giặc đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ bụi trên bên đường quật vào quân giặc. Trước sức mạnh phi thường của tráng sĩ, quân giặc chết như ngả rạ, đám tàn quân tìm giẫm đạp lên nhau, tìm đường chạy trốn. 
Giặc tan, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời  Đất nước sạch bóng quân thù, song Thánh Gióng không trở về quê nhà nhận thưởng, người anh hùng cứu nước ấy đến chân núi Sóc Sơn, cởi bỏ áo giáp sắt rồi một mình một ngựa bay lên trời. 
Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng  Để ghi nhớ công ơn của người anh hùng cứu nước, nhà vua phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, cho dân làng lập đền thờ ngay ở quê nhà. 
Gióng còn để lại nhiều dấu tích  Hàng năm, vào tháng tư âm lịch, ở làng Phù Đổng, tục là làng Gióng, để tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng, nhân dân lại tổ chức lễ hội – một lễ hội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cho đến ngày nay, người ta vẫn kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa sắt phun lửa bị cháy nên mới ngả màu vàng óng như thế. Ngôi làng bị lửa sắt thiêu trụi được gọi là làng Cháy. Và những dấu chân ngựa còn để lại biết bao ao hồ liên tiếp. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết: “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại.” (Trích “Trường ca mặt đường khát vọng”). 

5. Nói và nghe

Bài học: Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

Đề bài: Kể lại truyền thuyết “Thánh Gióng” bằng lời văn của em.

          Suốt bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam ta luôn kiên cường, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cho dù kẻ thù có hùng mạnh đến cỡ nào thì lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc vẫn là cội nguồn sức mạnh để nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Làm nên những chiến thắng vẻ vang ấy không thể không nhắc đến những người anh hùng. Tiêu biểu là người anh hùng Thánh Gióng trong câu chuyện truyền thuyết cùng tên.

          Câu chuyện ấy xảy ra từ đời Hùng Vương thứ sáu. Ở làng Gióng có hai ông bà nổi tiếng là sống phúc đức. Hai ông bà rất mong có một đứa con. Thế rồi, một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ về nhà bà mang thai. Điều kì lạ là mãi 12 tháng sau bà mới sinh ra được một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Nhưng kì lạ hơn nữa là đứa trẻ đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy. 

          Lúc bấy giờ, giặc ngoại xâm sang xâm phạm bờ cõi nước ta. Chúng coi mạng người như cỏ rác, nhân dân khổ trăm bề. Nhà vua vô cùng lo lắng, bèn sai sứ giả đi tìm người tài cứu nước. Hôm ấy, sứ giả cưỡi ngựa đến làng Gióng. Vừa nghe thấy tiếng rao của sứ giả, đứa bé bỗng cất tiếng nói đầu tiên trong sự ngỡ ngàng, sung sướng của người mẹ:“Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Nhờ được nghe những câu chuyện kì lạ về Gióng từ người dân, sứ giả liền đi theo người mẹ. Khi sứ giả vừa vào nhà, đứa bé liền bảo:“Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan giặc này”. Sứ giả mừng rỡ, tức tốc về kinh tâu vua. Vua nghe xong, cho truyền những người thợ giỏi nhất trong cả nước ngày đêm làm gấp những đồ chú bé dặn.

          Kể từ sau khi gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, đành cậy nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ. Dân làng ai nấy đều vui lòng góp gạo nuôi chú bé với niềm tin chú bé sẽ giết giặc, cứu nước. 

          Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa đúng lúc, sứ giả theo lệnh nhà vua đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng. Trông rất oai phong, lẫm liệt. Thế rồi tráng sĩ một mình một ngựa lao thẳng đến nơi có giặc đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ bụi trên bên đường quật vào quân giặc. Trước sức mạnh phi thường của tráng sĩ, quân giặc chết như ngả rạ, đám tàn quân tìm giẫm đạp lên nhau, tìm đường chạy trốn. 

Đất nước sạch bóng quân thù, song Thánh Gióng không trở về quê nhà nhận thưởng, người anh hùng cứu nước ấy đến chân núi Sóc Sơn, cởi bỏ áo giáp sắt rồi một mình một ngựa bay lên trời.  Để ghi nhớ công ơn của người anh hùng cứu nước, nhà vua phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, cho dân làng lập đền thờ ngay ở quê nhà. 

          Hàng năm, vào tháng tư âm lịch, ở làng Phù Đổng, tục là làng Gióng, để tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng, nhân dân lại tổ chức lễ hội – một lễ hội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cho đến ngày nay, người ta vẫn kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa sắt phun lửa bị cháy nên mới ngả màu vàng óng như thế. Ngôi làng bị lửa sắt thiêu trụi được gọi là làng Cháy. Và những dấu chân ngựa còn để lại biết bao ao hồ liên tiếp. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết: “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại.” (Trích Trường ca mặt đường khát vọng). 

          Cho đến ngày hôm nay và mãi về sau, người anh hùng Thánh Gióng mãi là biểu tượng của lòng yêu nước; mãi là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ noi theo góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước giàu đẹp.

Trên đây là những kiến thức trong tâm trong Bài 1 mà các em cần ghi nhớ và nắm được, chúc các em học tốt cùng HOCMAI!

Xem thêm bài viết

hhdÔn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều( Bài 2: Thơ)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều ( Bài 3: Ký)

Đề cương ôn thi giữa kỳ môn Toán lớp 6: Bộ sách chân trời sáng tạo

Kiến thức trọng tậm nửa đầu học kỳ I môn Ngữ Văn lớp 6: Bộ Sách chân trời sáng tạo