Bí quyết giành trọn 4 điểm câu Tập làm văn trong đề thi tuyển sinh vào lớp 6 2019.

0
2534

Môn Tiếng Việt sẽ bao gồm phần Tập Làm Văn, Từ Vựng và Ngữ Pháp. Trong đó, phần tập làm văn là phần thi bắt buộc với số điểm cao nhất (3 – 4 điểm). Để làm tốt và giành được điểm số cao thì các con cần phải nắm vững được những lưu ý về nội dung và hình thức của bài.

 

Dưới đây chính là những hướng dẫn vô cùng chi tiết và dễ hiểu của cô Vũ Hà – Giáo viên Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, sẽ giúp cho phụ huynh và các em học sinh nắm chắc kiến thức tổng quát để vượt qua được dạng bài khó này. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cùng phân tích đề thi vào lớp 6 của các trường THCS tại Hà Nội, cô Vũ Hà khẳng định, tùy theo mỗi trường khác nhau thì dạng đề thường không giống nhau. Nhưng phần tập làm văn sẽ thường là câu cuối cùng trong đề Tiếng Việt và chiếm số điểm cao nhất.

1.Tổng quan chung về phần Tập làm văn trong đề thi vào lớp 6.

Cô Vũ Hà giới thiệu kĩ năng làm câu Tập Làm Văn trong đề thi vào 6

Dựa theo cấu trúc đề thi tuyển sinh môn Tiếng Việt vào các trường CLC tại Hà Nội như hệ THCS trường THPT Hà Nội – Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS – THPT Lương Thế Vinh,… thì đề thường sẽ có khoảng từ 5 đến 7 câu hỏi bao trùm các lĩnh vực đọc hiểu, từ vựng – ngữ pháp và tập làm văn

Trong một đề thi Tiếng Việt sẽ có 1 câu tập làm văn duy nhất, thường nằm ở cuối bài đọc hiểu (hoặc cuối đề thi). Đây thường là những câu hỏi yêu cầu nêu cảm nghĩ, quan điểm hoặc dạng văn miêu tả, kể chuyện. Độ khó của câu hỏi nằm trong cấp độ vận dụng và vận dụng cao nên yêu cầu các em học sinh phải có những kĩ năng viết và tư duy nhất định thì mới có thể dành trọn số điểm được.

Các em học sinh nên trình bày phần Tập làm văn dưới dạng đoạn văn hay một bài văn ngắn không quá 20 câu, có cấu trúc mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn rõ ràng.

Điểm số cho phần này sẽ rơi vào khoảng từ 3 – 4 điểm.

2.Hướng dẫn viết mở bài và kết bài Tập làm văn hay và đủ ý.

Các em có thể lựa chọn hình thức mở bài Trực tiếp hoặc Gián tiếp

Theo cô Vũ Hà thì một bài văn chất lượng thì sẽ cần ngắn gọn, xúc tích và đủ ý. Tránh trường hợp lan man, viết quá nhiều nhưng không nắm vững được trọng tâm của đề bài, đi lệch hướng. Trường hợp này rất thường xảy ra và cô đã gặp rất nhiều những bài tập làm văn viết quá dài, tuy hay nhưng lại vượt qua số câu yêu cầu nên điểm số bị trừ một cách đáng tiếc trong quá trình chấm thi.

Đối với phần Mở bài, các em có thể sử dụng một trong hai phương thức: Mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp.

Phần Mở bài trực tiếp thường ngắn gọn và dễ tiếp nhận hơn khi mà đi thẳng vào vấn đề mà đề bài yêu cầu. Tuy nhiên, nhược điểm chính là quá khô khan, cứng nhắc và thiếu hấp dẫn. Đối với cách mở bài này, học sinh phải trình bày được đủ ý trong câu hỏi, không nên lược bớt hoặc loại bỏ bất cứ phần nào.

Nếu mở bài theo hình thức gián tiếp thì sẽ tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt và hấp dẫn hơn trong cách vào đề. Nhưng hình thức này yêu cầu các em học sinh phải biết vận dụng từ ngữ trau chuốt và có một vốn từ nhất định cùng kĩ năng viết văn hơn so với dạng mở bài trực tiếp. Học sinh có thể dẫn dắt bằng sự khát quát, một câu hỏi mang tính chất vấn sau đó từ từ, chậm rãi đi vào nội dung mà đề thi yêu cầu. Tuy nhiên, dạng mở bài này cũng có nhược điểm khi phải sử dụng số lượng câu dài hơn trực tiếp, dễ dẫn tới việc lan man, lạc đề nếu học sinh không chú ý.

Việc sử dụng Mở bài trực tiếp hay Mở bài gián tiếp, học sinh có thể tùy theo từng đề khác nhau hoặc cách suy nghĩ của riêng bản thân để lựa chọn sao cho phù hợp và làm nổi bật lên được suy nghĩ, cá tính riêng của bản thân các em.

Một kết bài hay là có thể khép lại bài văn gọn gàng, bám sát được nội dung triển khai trong phần thân bài nhưng vẫn nêu bật được cảm nghĩ của người viết. Giọng văn của các em nên chân thành và có cảm xúc riêng. Nhưng đồng thời cũng phải đồng bộ với dạng bài văn mà các em đang viết. Tránh việc chuyển ý đột ngột, không có sự gắn kết với nội dung toàn bài.

Các em có thể kết bài theo 2 cách, mở rộng hoặc không mở rộng. Tùy theo trường hợp và sự liên tưởng cá nhân để viết phần tập làm văn cho trọn vẹn.

3.5 Bước quan trọng giành trọn điểm câu Tập làm văn.

Những bước quan trọng để giành trọn điểm câu Tập Làm Văn

Bước 1: Phân tích đề bài.

Đây là công đoạn đầu tiên trước khi bắt đầu làm Tập làm văn. Việc phân tích đề bài sẽ giúp các em định hướng đúng đề, tránh được tình trạng viết lan man, xa đề khi bắt đầu đặt bút viết.

Các học sinh nên đọc kĩ đề bài, gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng để xác định được yêu cầu và hình thức làm tập làm văn là miêu tả, kể chuyện hay nói lên cảm nghĩ cá nhân.

Bước 2: Xây dựng dàn ý.

Để thực hiện bước này, học sinh tìm hiểu trọng tâm của đề, các khía cạnh các em có thể viết được.

Sau khi liệt kê đủ các ý chính, các em sắp xếp chúng theo thứ tự về vai trò, thời gian một cách hợp lý nhất từ trên xuống dưới ra giấy nháp.

Công đoạn này sẽ không tốn quá nhiều thời gian nhưng lại giúp học sinh không bao giờ bị sót ý hoặc viết nhiều, thừa câu.

Bước 3: Viết đoạn văn, liên kết các câu văn.

Từ dàn ý, các em sử dụng các kĩ năng so sánh, phân tích, bình luận để tạo nên một bài văn hoàn chỉnh.

Muốn có một bài viết hay, học sinh phải biết trình bày những hiểu biết, những rung động, suy nghĩ của mình một cách mạch lạc, sáng sủa và có sức thuyết phục.

Bước 4: Viết câu, dùng từ chọn lọc và sinh động.

Các học sinh nên có một vốn từ ngữ nhất định, biết sử dụng linh hoạt chúng trong cách viết làm sao nổi bật lên được ý chính các em muốn nói tới.

Không chỉ vậy, chữ viết cũng phải sạch sẽ, dễ đọc. Tránh việc mắc lỗi chính tả trong quá trình dùng từ hoặc viết câu.

Bước 5: Kĩ năng kiểm tra lại bài.

Đây là công đoạn cuối cùng, cũng vô cùng quan trọng nhưng hầu hết học sinh không có thói quen đọc lại bài sau khi viết xong.

Bước này sẽ giúp học sinh phát hiện ra được những chữ viết sai, sử dụng câu từ lủng củng, dài dòng mà khi viết theo cảm xúc các em không nhận ra. Hơn nữa, việc kiểm tra lại bài cũng giúp các em có thêm cảm nhận về phần tập làm văn đã viết cụ thể và chính xác hơn.

Trên đây chính là tất cả những bước quan trọng nhất giúp cho các em học sinh có một bài Tập làm văn hoàn chỉnh, ngắn gọn, xúc tích mà vẫn diễn đạt đầy đủ ý và thể hiện được phong cách suy nghĩ cá nhân của bản thân. Hi vọng, với những hướng dẫn này, học sinh sẽ vượt qua được bài thi Tiếng Việt vào lớp 6 với số điểm mong muốn.

Để đăng ký học thử MIỄN PHÍ bài giảng trong chương trình Luyện thi cấp tốc vào 6 các trường CLC môn Tiếng Việt, cô Vũ Hà, phụ huynh có thể đăng ký cho con tại đây hoặc liên hệ hotline: 0936 5858 12 để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ!

Xem thêm:
Lưu ý để con không mất điểm dạng từ vựng môn Tiếng Việt trong kì thi vào 6 trường CLC

Cha mẹ cần dạy con 6 điều này trước khi thi tuyển sinh vào lớp 6