Các bài tập về hoán dụ dễ hiểu nhất

0
17455
bai-tap-ve-hoan-du

 

Các em học sinh thân mến, khi các em sử dụng thành thạo được biện pháp tu từ hoán dụ, những bài văn của các em sẽ trở nên rất hấp dẫn và truyền cảm. Tuy vậy, biện pháp này lại được các em rất ít khi sử dụng vì việc liên hệ giữa các sự vật, sự việc với nhau có phần phức tạp và khá là khó để áp dụng vào một bài văn của các em. Thông qua những bài tập về hoán dụ dưới đây, Hocmai hy vọng các em sẽ biết cách ứng dụng biện pháp tu từ này sao cho hiệu quả và phù hợp nhất.

Hoán dụ là gì?

Hoán dụ là biện pháp tu từ lấy tên của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật, hiện tượng khác mà giữa chúng có mối quan hệ gần gũi với nhau.

Để hiểu thêm về khái niệm và các loại hoán dụ thường thấy, các em học sinh có thể tham khảo bài viết: Hoán dụ là gì?

Bài tập về hoán dụ:

Những bài tập về hoán dụ có thêm phần gợi ý để các em học sinh có thể hiểu sâu sắc. Từ đó, không còn gặp khó khăn với các bài ngữ pháp trên lớp cũng như áp dụng một cách dễ dàng vào những bài viết văn của mình.

Bài 1: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.

“Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

    (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

 

b.

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

     (Đồng chí – Chính Hữu)

 

c.

“Áo nâu liền với áo xanh

Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”

    (Tố Hữu)

 

Hướng dẫn giải

a.Hình ảnh “trái tim” ở đây là phép hoán dụ, được tác giả Phạm Tiến Duật sử dụng để nói về những người lính, bộ đội lái xe trên đường Trường Sơn. Đây cũng là một hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa cao đẹp, nói lòng yêu nước nồng nàn, lòng thủy chung son sắc và ý chí chiến đấu mãnh liệt, anh dũng của những chiến sĩ.

  1. Phép hoán dụ được sử dụng ở đây là hình ảnh “giếng nước gốc đa” sự nhớ thương và mong một ngày trở về của những người ở lại đối với những người lính ra biên cương chiến đấu, là những người mẹ nhớ con, người vợ nhớ chồng, người con nhớ bố.
  2. Phép hoán dụ:

– Áo nâu: người nông dân

– Áo xanh: người công nhân

– Nông thôn: những người sinh sống ở nông thôn

– Thành thị: những người sinh sống ở thành thị

Hai câu thơ nói lên sự đoàn kết đứng lên đấu tranh giành lại độc lập của toàn dân ta, thống nhất Đất nước. Dù có là ai và ở đâu đi chăng nữa, cũng đều chung một lòng, dù có là nông dân hay công nhân, người thành thị hay nông thôn.

 

Bài 2: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

    (trích Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

 

b.

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện, cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

   (trích Ánh trăng – Nguyễn Duy)

 

Hướng dẫn giải

a.Phép hoán dụ: “Bảy mươi chín mùa xuân” ở đây là nói tới Bác Hồ vĩ đại, Bác 79 tuổi và Bác đã dành trọn vẹn cuộc đời mình để chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc.

b.Phép hoán dụ: “Ánh điện, cửa gương”: cuộc sống đầy đủ, dư dả, tiên nghi ở thành phố.

 

Bài 3: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

(trích Việt Bắc – Tố Hữu)

b.

Mồ hôi mà đổ xuống đồng

Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương

(trích Giọt mồ hôi – Thanh Tịnh)

Hướng dẫn giải

  1. Biện pháp tu từ hoán dụ: áo chàm (y phục) – Vốn là tấm áo của người dân Việt Bắc với màu sắc mang vẻ mộc mạc, đem lại cảm giác chung thủy của tấm lòng người dân Việt Bắc.
  2. Biện pháp tu từ hoán dụ: mồ hôi (đặc điểm) – để nêu cao sự chăm chỉ lao động của người dân. Chỉ có lao động mới có thể xây dựng được một Đất nước Việt Nam ấm no, thịnh vượng như ngày hôm nay.

 

Bài 4: Phân tích phương pháp hoán dụ trong những câu thơ dưới đây:

a.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người đá cũng thành cơm. ”

Ở đây, “bàn tay” là để ám chỉ người lao động. Hình ảnh bàn tay ở đây cũng chính là bàn tay của người lao động, đây chính là mối quan hệ giữa một bộ phận và cái toàn thể.

b.

“Cả làng quê, đường phố

Cả lớn nhỏ, gái trai

Đám càng đi càng dài

Càng dài càng đông mãi.”

Hình ảnh “làng quê”, “đường phố” để chỉ toàn bộ đồng bào ở nông thôn và đồng bào ở thành thị.

c.

“Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú cháu

Gặp nhau Hàng Bè.”

– Từ “Huế” ở đây vốn để ám chỉ những con người đang sinh sống tại Huế. Như vậy, ta có thể thấy mối quan hệ gần gũi giữa vật chứa đựng “Huế” và vật bị chứa đựng “người sống ở Huế” (đây chính là kiểu hoán dụ thứ 2 mà ta vừa đề cập bên trên)

– Khi đọc đến “đổ máu”, chúng ta có thể liên tưởng ngay tới chiến tranh, đâu có cuộc chiến tranh nào mà không đổ máu?. Như vậy đây chính là phép hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật (đổ máu) để chỉ sự vật (chiến tranh).

d.

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

– Từ “một” ở đây là từ chỉ số ít, giúp người đọc cảm thấy ngay sự đơn lẻ, cô đơn . Còn từ “ba” mang ý nghĩa số nhiều giúp người đọc liên tưởng tới sự đoàn kết. Sự liên hệ giữa “một” – sự riêng lẻ và “ba” – sự đoàn kết chính là vận dụng sử dụng cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.

Bài 5: Cho những câu sau, chỉ ra kiểu hoán dụ được sử dụng trong câu:

  1. “Họ là chục tay sào, tay chèo, làm ruộng cũng giỏi mà làm thuyền cũng giỏi.”

(Nguyễn Tuân)

  1. “Nhân danh ai – Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài.”

(Emily con – Tố Hữu)

Hướng dẫn giải

  1. Biện pháp hoán dụ dùng trong câu là hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn thể, hình ảnh “tay sào”, “tay chèo” là chỉ tới người lái đò.
  2. Biện pháp tu từ hoán dụ sử dụng trong câu là hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để nói về chính sự vật đó. “Tuổi thanh xuân” là để chỉ tuổi trẻ.

Vậy là đã hoàn thành những bài tập về hoán dụ, Hocmai chúc cho các em sử dụng thành thạo và nhuần nhuyễn biện pháp tu từ hoán dụ nhé! Hocmai sẽ luôn đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục tri thức. Và đừng quên cập nhật liên tục kiến thức mới tại https://hoctot.hocmai.vn/  các em nhé.

 

Tham khảo thêm:

Bài tập về ẩn dụ