Bật mí cách học để môn Văn trở nên dễ dàng hơn

0
17246

Ngữ văn là một trong những môn quan trọng ở chương trình phổ thông với điểm hệ số 2 trong điểm tổng kết. Ngoài ra, đây còn là môn bắt buộc, quyết định kết quả kỳ thi cuối cấp của học sinh THCS…Tuy nhiên trong thực tế, có một quan niệm sai lầm rằng học tốt môn Văn là do bạn có năng khiếu. Điều này không hoàn toàn chính xác. Dưới đây là những chia sẻ hữu ích từ kinh nghiệm học Văn của các bạn học sinh đã đạt kết quả cao ở môn học này. 

Học văn từ thực tế cuộc sống 

Bạn Trần Hà Châu (học sinh lớp 9, Phước Thái, Long Thành) đạt 9,5 điểm tổng kết trung bình môn Ngữ văn học kỳ 2 chia sẻ kinh nghiệm để học môn Ngữ hiệu quả. Theo Hà Châu, phương pháp học chính của em là tự học và học từ thực tiễn bên ngoài cuộc sống.“Đối với những môn Xã hội như Văn, Sử, Địa,… thì em học thuộc bài, tìm hiểu những kiến thức có cả trong sách lẫn trong đời sống thực tế. Cụ thể đối với môn Văn, để nâng cao kỹ năng làm bài, em đã chăm đọc báo để biết thực trạng xã hội hiện nay ra sao. Ngoài ra, đọc những cuốn sách văn học, sách kỹ năng sống…là điều không thể bỏ qua. Chúng giúp em mở rộng tầm hiểu biết về nhiều điều thú vị, bổ ích, giúp tăng khả năng cảm nhận về cuộc sống muôn hình vạn trạng” – Hà Châu chia sẻ thêm. 

Hà Châu cho rằng, để học tốt môn Ngữ văn thì đọc nhiều tin tức từ sách vở, báo chí là điều quan trọng. Trong ảnh là bảng điểm của cô bạn này. 

Còn với Dương Thị Yến Nhi (SN 2004, Nghệ An), bạn cho biết ban đầu bạn chưa bao giờ đạt điểm cao môn Ngữ văn. Tuy nhiên sau khi tìm được cách học phù hợp thì điểm số của Yến Nhi đã cải thiện, điểm tổng kết học kỳ 2 của em đạt 9.0. Cô bạn tâm sự: “Lúc trước em cứ nghĩ môn văn, đặc biệt văn nghị luận rất khó. Giờ đây em đã thay đổi hẳn quan niệm. Điều quan trọng trong môn học này là mình nắm chắc hệ thống luận điểm và kiến thức của mỗi tác phẩm đối với dạng bài nghị luận văn học. Còn với bài nghị luận xã hội thì nhất thiết phải trau dồi hiểu biết, luôn cập nhật tin tức mang tính thời sự”. 

Không quên nắm chắc kiến thức trong SGK

Bạn Lại Đắc Vịnh (SN 2004, Bắc Ninh) – một thí sinh vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 hào hứng bật mí cách học tốt môn Ngữ văn cho các bạn học sinh lớp dưới: “Em nghĩ các bạn cần nắm chắc kiến thức trong SGK, từ phần tiếng việt đến phần tập làm văn thì chúng ta sẽ đạt điểm tương đối cao. Với phần tiếng Việt, bạn phải học thuộc thơ, nội dung các văn bản đã học và nắm các phương châm hội thoại, khởi ngữ,…Phần kiến thức quan trọng nữa là cách xác định thành phần ngữ pháp trong câu. Ngoài ra, với phần tập làm văn thì các bạn có thể tham khảo qua các bài văn mẫu để biến những vốn từ trong đó trở thành của mình”.

Đồng quan điểm với Vịnh, bạn Nguyễn Thùy Dương (Hà Nội) cũng vừa bước qua kỳ thi chuyển cấp THCS cho rằng, để học tốt môn Ngữ văn thì việc nắm chắc kiến thức trong SGK thực sự quan trọng bởi nó là nền tảng để sáng tạo. Ngoài ra, muốn làm bài nghị luận văn học hay thì điều tiên quyết là viết thật nhiều, từ đó sẽ tự nhớ các ý cần thiết và có thể nảy ra những ý tưởng mới. 

“Mưa dầm thấm lâu”, học lâu sẽ nhớ

Ngoài những “bí kíp đã nêu, để không quên kiến thức thì việc học “mưa dầm thấm lâu” thông qua cách nghe đi nghe lại bài giảng, tích cực trao đổi bài với bạn bè, thầy cô là điều mà Nguyễn Vũ Phong (học sinh lớp 7, Thanh Khê, Đà Nẵng) nhấn mạnh. Tự nhận mình không phải là học sinh giỏi Văn, trên lớp chỉ xếp loại học lực khá, tuy nhiên giờ đây Phong có thể tự tin trong việc học môn học này. Câu chuyện bắt đầu từ một lần tình cờ khi mẹ cậu lên Facebook và thấy giới thiệu về khóa học online trên bảng tin, mẹ cậu đã đăng ký học thử và cuối cùng quyết định cho Vũ Phong học “thật”. Phong cho biết thêm: “Từ khi em tham gia học online, em có niềm hứng thú hơn với việc học bởi học trực tuyến khiến em không gò bó về thời gian. Phần kiến thức nào khó, em thường mở lại để nghe thầy cô giảng nhiều lần. Bên cạnh đó, em lên diễn đàn hỏi các bạn hoặc dưới mỗi bài giảng em thường bình luận thắc mắc cần giải đáp. Em đã tự biết lên lịch học tập để nắm vững các kiến thức và chuẩn bị kỹ càng trước mỗi bài kiểm tra hay bài thi cuối kỳ”. Sau bao nỗ lực và chăm chỉ, Phong đã tiến bộ rất nhiều, kết quả học tập cải thiện, em vui vì đã có sự say mê tìm tòi với môn học. 

Để học tốt môn Ngữ văn, năng khiếu chỉ là bước đệm khởi đầu trong quá trình học. Qua những chia sẻ của các bạn học sinh, có thể thấy mỗi bạn chỉ cần có phương pháp học phù hợp thì việc học môn Văn sẽ trở nên đơn giản hơn, môn học này sẽ không còn là nỗi ám ảnh với các cô cậu học trò.