Cẩm nang về biện pháp nhân hóa không thể bỏ qua

0
22231

Câu hỏi về biện pháp nghệ thuật nhân hóa là dạng bài thường xuyên xuất hiện trong các bài kiểm tra, thi cử đặc biệt của chương trình tiếng Việt và Ngữ văn. Biện pháp nhân hóa là một biện pháp nghệ thuật phổ biến đối với các em học sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh không tìm hiểu kỹ hơn về nó sẽ rất dễ gây nhầm lẫn với các nghệ thuật ngôn ngữ khác. Để học sinh nắm chắc kiến thức về biện pháp nghệ thuật này, cô giáo Đoàn Kiều Anh – giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã tổng hợp kiến thức trọng tâm và hướng dẫn xây dựng sơ đồ tư duy về nghệ thuật nhân hóa.

Biện pháp nhân hóa là gì?

“Biện pháp nhân hóa là phép tu từ gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật… bằng các từ ngữ thường được sử dụng cho chính con người như suy nghĩ, tính cách giúp chúng trở nên gần gũi, sinh động, hấp dẫn, gắn bó với con người hơn”.

Ví dụ về biện pháp nhân hóa:

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường.

(Mưa – Trần Đăng Khoa)

Trong đoạn thơ trên, các sự vật được tác giả nhắc đến bao gồm: Trời, cây mía, kiến. Trong đó, biện pháp nhân hóa được tác giả sử dụng trong các hình ảnh, hiên tượng trong đoạn thơ này là

– Hình ảnh Trời: được gọi là “ông”, được miêu tả giống như đang mặc áo giáp và chuẩn bị ra trận.

– Hình ảnh Cây mía: được miêu tả giống như đang múa

– Hình ảnh con Kiến được miêu tả là giống như đang hành quân.

Có thể thấy, các từ ngữ như “ông”, “mặc áo”, “ra trận”, “múa”, “hành quân” đều là những từ ngữ dùng để diễn tả những hoạt động hoặc cách xưng hô của người giờ đây đã được dùng để gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật.

Cách dùng này giúp gợi tả một cách sinh động nhất về quang cảnh thiên nhiên trước cơn mưa, mặc dù là một hiện tượng quá đỗi quen thuộc nhưng khi sử dụng biện pháp nhân hóa sẽ khiến người đọc không cảm thấy bị nhàm chán. Bên cạnh đó, biện pháp này còn biểu thị về suy nghĩ và tình cảm của sự vật khi trời sắp mưa: mọi thứ đều trở nên hối hả, nhộn nhịp, khẩn trương đan xen với niềm vui, niềm hân hoan …

 

Phân loại các kiểu biện pháp nhân hóa

Cô Kiều Anh – Giáo viên HOCMAI cho biết thông thường sẽ có ba kiểu nhân hóa chính:

  1. Dùng các từ ngữ thường gọi con người để gọi tên con vật:

Ví dụ: “Có cô chim sẻ nhỏ bay tới gần”

=> Dùng từ ngữ gọi con người “cô” để gọi tên con chim.

2. Dùng từ ngữ xưng hô với vật như với người.

Ví dụ: “Này chú chuột đồng, sao cậu lại lén lút vào nhà mình mà không xin phép?”

=> Gọi con chuột bằng “chú” như cách nói chuyện xưng hô với con người.

  1. Dùng từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động con người để tả hoạt động, tính chất của vật.

Ví dụ: “Những tán cây trong vườn trêu đùa với gió.”

=> Dùng hoạt động “trêu đùa” của con người để miêu tả loài cây.

Ở kiểu nhân hóa “tả” sự vật bao gồm bốn hình thức chính: tả hành động, tả tâm trạng, tả ngoại hình và diễn tả tính cách. Học sinh có thể tham khảo một vài ví dụ sau để hiểu rõ hơn:

a.Tả hành động: “Gấu con thấy vậy òa khóc nức nở”

=> Hành động “òa khóc” của các em bé được dùng để miêu tả gấu con.

b.Tả tâm trạng: “Hoa buồn rầu ủ rũ chẳng còn thiết tỏa hương”

=> “buồn rầu ủ rũ” vốn được dùng tả người, được đem ra tả những bông hoa khiến chúng như có tình cảm tâm tư riêng biệt.

c.Tả ngoại hình: “Dòng sông uốn mình qua cánh đồng xanh ngắt lúa khoai”

=> “uốn mình” được sử dụng để miêu vẻ vẻ đẹp mềm mại của con sông.

d.Tả tính cách: “Dòng sông mới điệu làm sao”

=> Ở ví dụ này, sự êm dịu của dòng sông được miêu tả cả từ “điệu” vốn thường dùng để nhắc về các cô gái thướt tha yểu điệu.

           

              Cô Kiều Anh hướng dẫn học sinh phân tích biện pháp nghệ thuật nhân hóa

Sơ đồ tư duy về các hình thức của biện nhân hóa

Theo cô Kiều Anh, sử dụng sơ đồ tư duy là một phương pháp học vô cùng thông minh và hiệu quả giúp học sinh hình thành tư duy một cách có hệ thống và ghi nhớ sâu hơn.

Tại bài học về biện pháp nhân hóa, cô cũng hướng dẫn học sinh cách xây dựng sơ đồ hình cây để tổng quát lý thuyết bài học.

                             Sơ đồ tư duy về biện pháp nghệ thuật nhân hóa

Thông qua bài giảng giới thiệu biện pháp nhân hóa, cô giáo Kiều Anh đã tổng quan lý thuyết, các hình thức nhân hóa tiêu biểu đồng thời đi kèm các ví dụ minh họa dễ hiểu nhất. Học sinh sẽ không còn nhầm lẫn nghệ thuật nhân hóa với các biện pháp tu từ khác.

 

Các lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hóa

Lưu ý số 1: Sử dụng biện pháp nhân hóa một cách phù hợp

Trước khi sử dụng biện pháp nhân hóa, các em học sinh cần phải cân nhắc trong việc lựa chọn cũng như hiểu rõ được mục đích mình muốn khi sử dụng biện pháp này là gì. Khi các em có ý định sử dụng biện pháp nhân hóa trong chi tiết trong bài làm của mình, các em cần trả lời được một số câu hỏi sau:

  • Ý nghĩa của hình ảnh sử dụng biện pháp nhân hóa?
  • Hình ảnh được nhân hóa đó ám chỉ điều gì?
  • Các em muốn người học hiểu được điều gì qua hình ảnh nhân hóa đó.

Ngay khi trả lời được những câu hỏi đó một cách tốt nhất, các em có thể xây dựng và lựa chọn được biện pháp nhân hóa phù hợp và gây ấn tượng cao cho người đọc

Thứ hai: Phân biệt rạch ròi giữa biện pháp nhân hóa với các biện pháp tu từ khác trong quá trình sử dụng

Trong chương trình tiếng việt tiểu học hay ngay cả chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông, các biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:

Trong các biện pháp tu từ trên thì biện pháp so sánh và biện pháp nhân hóa là 2 biện pháp được sử dụng dễ dàng nhất. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất cứ biện pháp nào trong bài tập làm văn của mình, các em học sinh cũng cần hiểu rõ về biện pháp đó để tránh bài viết trở nên lủng củng, không logic và gây ra sự khó chịu cho người đọc.

Thứ ba: Hãy áp dụng biện pháp nhân hóa một cách linh hoạt

Không chỉ riêng đối với nhân hóa mà cả các biện pháp tu từ khác các em đều phải sử dụng một cách linh hoạt. Không phải bất cứ hình ảnh, sự vật, sự việc nào các em cũng có thể sử dụng biện pháp nhân hóa hay sử dụng lặp đi lặp lại 1 hình ảnh để nhân hóa. Nếu áp dụng được điều này, HOCMAI tin chắc các em sẽ có những bài văn rất hay và ấn tượng.